Mục lục bài viết
1. Tại sao phải phân tích, phân loại hàng hóa?
Theo quy định của khoản 7 Điều 2 của Thông tư số 14/2015/TT-BTC hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì phân tích hàng hóa là việc các tổ chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan hải quan phân tích mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng máy móc, thiết bị để xác định:
- Thành phần, cấu tạo tính chất lý, hóa, công dụng làm cơ sở phân loại hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
- Các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc gia do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành hoặc tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm) làm căn cứ quyết định thông quan hàng hóa.
Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa. Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa.
Phân tích để phân loại hàng hóa trong trường hợp cơ quan hải quan không đủ cơ sở để xác định tính chính xác việc phân loại hàng hóa của người khai hải quan thì thực hiện phân tích để phân loại hàng hóa. Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện thực hiện phân tích hàng hóa thì sử dụng dịch vụ giám định của các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật về dịch vụ giám định thương mại để làm cơ sở thực hiện. Để phân loại hàng hóa, người khai hải quan có thể sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở dữ liệu về danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam để xác định các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Phân tích để phân loại có thể hiểu là việc đơn vị kiểm định hải quan sử dụng trang thiết bị và nghiệp vụ kỹ thuật để xác định thành phần, cấu tạo, tính chất lý, hóa, công dụng làm cơ sở phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
2. Quy định về phân tích, phân loại hàng hóa
Nguyên tắc phân loại hàng hóa được thực hiện theo Điều 4 của Thông tư 14/2015/TT-BTC như sau:
- Một mặt hàng chỉ có một mã số duy nhất theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
- Khi phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải tuân thủ về danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam gồm mã số, tên gọi, mô tả hàng hóa, đơn vị tính và các nội dung giải thích kèm theo. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xây dựng trên cơ sở áp dụng đầy đủ Công ước quốc tế về hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa. Khi tiến hành kiểm tra hải quan, cơ quan hải quan phải xác định mã số hàng hóa căn cứ hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc kết quả phân tích, giám định hàng hóa. Trong trường hợp không chấp nhận mã số hàng hóa do người khai hải quan khai, cơ quan hải quan có quyền lấy mẫu hàng hóa với sự chứng kiến của người khai hải quan để phân tích, trưng cầu giám định và quyết định mã số đối với hàng hóa đó; nếu người khai hải quan không đồng ý với kết quả phân loại của cơ quan hải quan thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Việc phân loại hàng hóa phải căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Việc phân tích để phân loại hàng hóa sẽ được thực hiện qua các trình tự, thủ tục thực hiện sau đây:
- Bước 1: Lấy mẫu, gửi hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại.
Lấy mẫu yêu cầu phân tích để phân loại cần có các hồ sơ như Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa; Phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa; Tài liệu kỹ thuật; Bản chụp màn hình đã cập nhật thông tin phiếu yêu cầu phân tích trên hệ thống MHS; Bản chụp màn hình thể hiện đã tra cứu trên cơ sở dữ liệu nhưng không có thông tin để tham khảo; Phiếu ghi kết quả kiểm tra; Bản sao của các chứng từ khác trong bộ hồ sơ hải quan. Mẫu hàng hóa và trong trường hợp gửi nhiều mặt hàng thuộc cùng 01 tờ khai hải quan thì có thể gửi 01 bộ hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại, số lượng phiếu yêu cầu phân tích tương ứng với số lượng mặt hàng.
- Bước 2: Tiếp nhận, yêu cầu bổ sung, trả lại hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại.
Chuyên viên tiếp nhận yêu cầu của bộ phận phân loại rồi kiểm tra hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại. Trường hợp hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại không đáp ứng điều kiện thì yêu cầu đơn vị yêu cầu phân tích bổ sung chứng từ. Trường hợp hồ sơ yêu cầu phân tích đáp ứng các điều kiện thì chuyên viên tiếp nhận thực hiện tiếp nhận hồ sơ và tiền hành giải quyết.
- Bước 3: Thực hiện phân tích phân loại.
Chuyên viên phân loại thực hiện các quy định về mã hóa mẫu và phân tích căn cứ theo nội dung tại phiếu phân công phân tích rồi cập nhật kết quả phân tích.
Sau khi phân tích xong thì thực hiện trưng cầu giám định (nếu thuộc các trường hợp cần trưng cầu giám định) và thực hiện phê duyệt hồ sơ phân tích phân loại.
- Bước 4: Ban hành thông báo về kết quả phân tích.
Người có thẩm quyền thực hiện việc ban hành thông báo về kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Quy định về hướng dẫn thực hiện quy định về phân tích, phân loại hàng hóa
Để thống nhất thực hiện quy định về phân tích, phân loại hàng hóa theo quy định của Thông tư số 17/2021/TT-BTC và Thông tư số 14/2015/TT-BTC thì Tổng cục Hải quan ngày 09 tháng 4 năm 2021 có ban hành Công văn 1643/TCHQ-TXNK thì có yêu cầu một số các nội dung cơ bản như sau:
- Về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại sẽ cần mỗi mặt hàng lập 01 phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiêm biên bản lấy mẫu hàng hóa. Về tài liệu kỹ thuật thì đối với trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan phải nêu rõ lý do.
- Về mẫu hàng hóa gửi phân tích để phân loại yêu cầu số lượng mẫu gửi phân tích để phân loại phải đủ 02 mẫu và không thực hiện lấy mẫu đối với trường hợp người khai hải quan chỉ nhập khẩu 01 mấu. Cơ quan hải quan nơi yêu cầu phân tích là đơn vị gửi mẫu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, không giao cho người khai hải quan chuyển mẫu.
- Về thẩm quyền ban hành thông báo kết quả phân loại, thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa và thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ giao cho Cục trưởng Cục kiểm định hải quan ban hành thông báo kết quả phân loại và thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Chi cục trưởng Chi cục kiểm định hải quan ban hành thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, thông báo kết quả phân tích kèm mã số đề xuất.
- Về thời hạn ban hành các thông báo thì đối với thông báo kết quả phân loại hàng hóa không quá 5 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời hạn do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích hoặc mẫu hàng hóa phức tạp thì không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích. Thời hạn ban hành thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa không quá 05 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích hoặc mẫu hàng hóa phức tạp thì không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích.
Ngoài nội dung trên quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết có nội dung tương tự tại địa chỉ: Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 hoặc địa chỉ email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!