Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.6162

1. Quy định về thời hiệu khiếu nại của người nhận hàng

1.1. Quy tắc Hague

Khoản 6 Điều 3 Quy tắc Hague quy định như sau:

"6. Trừ khi có khai báo bằng văn bản về những tổn thất, tổn hại trao cho người chuyên chở hay đại lý của người chuyên chở tại cảng dỡ hàng, trước hay vào lúc giao hàng cho người có quyền tiếp nhận theo hợp đồng chuyên chở, việc nhận hàng này được coi là người chuyên chở đã giao hàng như miêu tả trong vận tải đơn cho đến khi có bằng chứng trái ngược. Nếu những tổn thất hay tổn hại không hiển nhiên thi khai báo phải trong vòng ba ngày kể từ lúc giao hàng.

Không cần làm báo lưu bằng văn bản nếu tình trạng hàng hóa đã được kiểm nhận đối tịch lúc nhận hàng. Trong mọi trường hợp người chuyên chở và tàu không phải chịu trách nhiệm về các tổn thất, tổn hại trừ khi có đơn kiện trong vòng 01 năm kể từ lúc giao hàng hay từ ngày mà đáng lý hàng phải giao.

Trong trường hợp tổn thất hay tổn hại chắc chắn hay suy đoán người chuyên chở và người nhận hàng phải dành cho nhau mọi dễ dàng hợp lý để kiểm tra và kiểm đếm hàng hóa".

1.2. Quy tắc Hague - Visby

“6. Trừ khi có khai báo bằng văn bản về những tổn thất, tổn hại trao cho người chuyên chở hay đại lý của người chuyên chở tại cảng dỡ hàng, trước hay vào lúc giao hàng cho người có quyền tiếp nhận theo hợp đồng chuyên chở, việc nhận hàng này được coi là người chuyên chở đã giao hàng như miêu tả trong vận tải đơn cho đến khi có bằng chứng trái ngược. Nếu những tổn thất hay tổn hại không hiển nhiên thì khai báo phải trong vòng ba ngày kể từ lúc giao hàng.

Không cần làm báo lưu bằng văn bản nếu tình trạng hàng hóa đã được kiểm nhận đối tịch lúc nhận hàng. Chi phối bởi Điều 6 bis, trong mọi trường hợp người chuyên chở và tàu được miễn giải bất cứ trách nhiệm gì về hàng hóa trừ khi có đơn kiện trong vòng 01 năm kể từ lúc giao hàng hay từ ngày mà đáng lý hàng phải giao. Tuy nhiên, thời hạn này có thể được kéo dài thêm nếu các bên đồng ý như thế sau khi tố quyền phát sinh.

Trong trường hợp tổn thất hay tổn hại chắc chắn hay suy đoán người chuyên chở và người nhận hàng phải dành cho nhau mọi dễ dàng hợp lý để kiểm tra và kiểm đếm hàng hóa.

6 bis. Việc kiện đòi người thứ ba vẫn có thể thực hiện cho dù đã hết thời hạn 01 năm theo quy định ở đoạn trên nếu việc kiện đòi bồi thường này được thực hiện trong khoảng thời gian được luật của tòa án xủ lý vụ ấy cho phép. Tuy nhiên, khoảng thời gian cho phép ấy không được dưới ba tháng kể từ ngày người đứng kiện đã bồi thường hay nhận được đơn kiện mình".

2. Người nhận hàng là gì?

"Người nhận hàng" nói đến ở đây là người xuất trình vận đơn đường biển để nhận hàng. Người này có thể là chủ hàng, người đại lý của chủ hàng, người đại lý giao nhận.

3. Dự kháng của người nhận hàng

"Khai báo bằng văn bản về tổn thất" được nói đến ở đây chính là thư dự kháng của người nhận hàng (Notice of Claim). Thư dự kháng về mặt pháp lý là một sự minh chứng rằng việc giao hàng của tàu không tốt, còn trách nhiệm thuộc về ai thì sẽ xem xét sau.

Dự kháng là quyền hạn của người nhận hàng được pháp luật công nhận, thuyền trưởng bắt buộc phải nhận thư dự kháng nhưng khi nhận thì thuyền trưởng vẫn có quyền ghi chú ý kiến của mình vào thư dự kháng. Ghi chú đó là một hình thức chống dự kháng, đây cũng là một quyền hạn của người chuyên chở được pháp luật công nhận. Bằng việc quy định người nhận hàng phải gửi đi một thư dự kháng, Quy tắc đã xác định trách nhiệm chứng minh thuộc về người chuyên chở, tức là họ phải chứng minh là không có tổn thất hay tổn hại hoặc chứng minh tổn thất hay tổn hại đó không thuộc trách nhiệm của họ. Trừ khi hàng hóa đã được giám định đối tịch vào lúc nhận hàng, để được hưỏng các quy định nói trên người nhận hàng phải thực hiện:

  • Nếu tổn thất hay tổn hại hiển nhiên vào lúc nhận hàng, thư dự kháng phải được gửi cho người chuyên chở hay đại lý của họ trước lúc hay vào lúc nhận hàng.
  • Nếu tổn thất hay tổn hại không hiển nhiên vào lúc nhận hàng, thư dự kháng phải được gửi cho người chuyên chở hay đại lý của họ trong vòng ba ngày kể từ ngày hàng hóa được giao hoặc lẽ ra phải được giao.

Tác dụng của dự kháng là tạo tiền đề cho việc khiếu nại sau này đối với người có trách nhiệm nhưng không có nghĩa là nếu không có dự kháng thì người chủ hàng mất quyền khiếu nại. Quy tắc nói rằng, nếu không có dự kháng thì suy đoán là tàu đã giao hàng đúng vận đơn, trừ khi có chứng minh ngược lại. Như vậy, dù không có dự kháng chủ hàng vẫn có quyển khiếu nại là tàu giao hàng không tốt và nếu chứng minh được là tổn thất hay tổn hại đã xảy ra trước khi giao hàng thì chủ tàu vẫn phải bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế việc chứng minh này là hết sức khó khăn và trách nhiệm chứng minh lại thuộc vể người chủ hàng có nghĩa là họ đã tự nhận lấy sự bất lợi.

Dự kháng có thể làm bằng một thư riêng hoặc ghi ngay trên vận đơn khi giao nó cho tàu để nhận hàng. Nội dung của thư dự kháng phải nêu rõ: số vận đơn, tên tàu vận chuyển, tên hàng, ngày nhận hàng và đặc biệt là số lượng hàng bị hư hỏng và tính chất của hư hại (ướt, rách vỡ,...).

4. Thời hạn khiếu nại 01 năm

Liên quan đến thời hạn khiếu nại 01 năm có ba vấn đề đổi khác giữa hai Quy tắc mà ta cần chú ý.

Thứ nhất, theo Quy tắc Hague: "Người chuyên chở và tàu không phải chịu trách nhiệm về các tổn thất, tổn hại trừ khi có đơn kiện trong vòng 01 năm" còn theo Quy tắc Hague - Visby sửa đổi: "người chuyên chở và tàu không phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những gì thuộc về hàng hóa trừ khi có đơn kiện trong vòng 01 năm". Điều này cho thấy sự rõ ràng, chính xác hơn về ngữ nghĩa của Quy tắc Hague - Visby trong việc xác định phạm vi áp dụng thời hiệu khiếu nại của Quy tắc, vì đối vổi hàng hóa ngoài tổn thất và tổn hại còn có thể bị giao nhầm hàng, bị tạm giữ, ...

Thứ hai, thời hạn một năm. Theo Quy tắc Hague thì thời hạn một năm kể từ ngày giao hàng hay đáng lý phải giao hàng là thời hạn ấn định kể cả tòa án cũng không thể triển hạn. Thời gian dùng cho việc khiếu nại với người chuyên chở không làm gián đoạn thời hiệu nghĩa là không được trừ vào thời hạn một năm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp dưới đây được gián đoạn thời hiệu chiếu theo một số án lệ đã xử:

+ Chủ hàng bị cản trở, không có cách nào truy tố tại tòa án đúng thời hiệu, ví như trong thời kỳ chiến tranh.

+ Tàu đã công nhận nợ. Ví dụ, đã đồng ý bồi thường nhưng chưa thống nhất là bồi thường bao nhiêu. Gặp những trường hợp này tòa án sẽ không theo thời hiệu một năm của Quy tắc nữa mà theo thời hiệu của dân luật.

+ Trường hợp người chuyên chở có lỗi nặng hoặc có động cơ gian lận thì không theo thời hiệu một năm của hợp đồng vì chủ hàng không khởi tố người chuyên chở về lỗi vi phạm hợp đồng mà truy tố họ về lỗi phạm pháp. Ví dụ: Tòa án Paris có lần đã xử một vụ khiếu nại sau hai năm vì hàng xấu nhưng người bán và thuyền trưởng đã thông đồng cấp vận đơn hoàn hảo. Tòa án Hà Lan cũng đã một lần nhận đơn khiếu nại quá hạn sáu tháng vì tàu đã làm ẩu, lấy một lô gỗ dán ra để che mưa cho một lô thuốc lá.

+ Một hành động pháp lý, ví dụ, bắt giữ tàu nếu nhằm mục đích khiếu nại đòi bồi thường thì cũng làm gián đoạn thời hiệu, ngược lại nếu chỉ nhằm mục đích kiểm tra tổn thất thì không làm gián đoạn thời hiệu.

Mức ấn định của thời hạn này đã gây nhiều khó khăn cho các bên trong quá trình tranh chấp, Quy tắc Hague - Visby đã sửa đổi lại với tinh thần là các bên hữu quan có thể thỏa thuận kéo dài thời hiệu này trên một năm. Quy tắc này đã chính thức hoá một tập quán đã được nhiều nước áp dụng (ví dụ nước Anh ban hành Thỏa thuận điều khoản Vàng - Gold Agreement).

Thứ ba, chi phối bởi thời hạn một năm nếu người giải quyết bồi thường hàng hóa ngay trước khi hết thời hiệu quy định trên lại không phải là người chuyên chở chính thì họ không có đủ thời gian để truy đòi người chuyên chở chính thức bồi hoàn. Quy tắc Hague - Visby đã bổ sung thêm đoạn 6 bis. Với tinh thần là những hành động truy đòi người thứ ba cũng có thể được tiến hành sau thời hiệu một năm trên cơ sở sự đồng ý của tòa án và thời hạn chậm này ít nhất là ba tháng kể từ ngày người đứng kiện đã bồi thường, về điểm này, Quy tắc cũng đã chính thức hoá một tập quán đang được áp dụng tại rất nhiều nước như Anh, Pháp, Đức...

5. Vận đơn đường biển đã xếp (Shipped B/L) và vận đơn đường biển nhận để xếp (received B/L).

Vận đơn đường biển đã xếp và vận đơn đường biển nhận để xếp được quy định tại Khoản 7 Điều 3. Cụ thể:

"7. Khi hàng hóa đã xếp lên tàu, vận tải đơn mà người chuyên chở, thuyền trưởng hay đại lý của người chuyên chở cấp cho người gửi hàng theo yêu cầu của người này phải là một vận tải đơn hàng đã xếp lên tàu, miễn là người gửi hàng hoàn trả cho người chuyên chở tài liệu đã nhận trước đấy liên quan đến quyền trên hàng hóa ấy để đổi lại vận tải đơn này.

Tại bến gửi hàng, người chuyên chở, thuyền trưởng hay đại lý của người chuyên chở có thể ghi chú lên trên tài liệu đã trao đầu tiên cho người gửi hàng tên tàu hay những tàu đã xếp hàng lên và ngày tháng xếp hàng. Nếu tài liệu ấy dược ghi chú như thế và nếu nó có đủ các chi tiết nói tại Điều III.3 thì nó được coi như một vận tải đơn hàng đã xếp lên tàu theo như quy định ở điều này".

Trong thực tế thì vận đơn nhận để xếp được cấp khi hàng hóa còn chờ tàu ở cảng hoặc có khi cấp ngay khi hàng còn ở xa trong nội địa, lúc cấp vận đơn chưa rõ tên tàu và ngày xếp hàng. Đến lúc xếp hàng xuống tàu rồi thì thuyền trưởng sẽ thu vận đơn cũ lại và cấp một vận đơn khác, vận đơn này là vận đơn hàng đã xếp lên tàu. Có một cách giải quyết khác nữa là thuyền trưởng vẫn dùng tờ vận đơn cũ và sau khi đã ghi tên tàu, ngày tháng xếp hàng sẽ đóng con dấu đã xếp (Shipped) lên vận đơn. Lúc đó vận đơn nhận để xếp biến thành vận đơn đã xếp nếu nó có đủ những chi tiết cần thiết quy định ở Điều III.3.

Với vận đơn nhận để xếp thì có thể hiểu rằng, tàu nhận trách nhiệm về hàng hóa từ lúc hàng vào kho cảng, nhưng trách nhiệm này không theo Công ước mà theo điều khoản tự do thỏa thuận trong vận đơn vì lẽ trách nhiệm về hàng hóa khi hàng ở kho cảng là trách nhiệm trước khi bốc hàng và Điều VII nói rõ Công ước không thi hành đối với trách nhiệm trước khi bốc hàng và sau khi dỡ hàng.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập