1. Khái niệm, cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quan niệm pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cùng với đó, Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Do đó, dưới góc độ khoa học luật hình sự, khái niệm đang đề cập được định nghĩa như sau: pháp nhân thương mại phạm tội là pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến khách thể được Bộ luật hình sự ghi nhận, bảo vệ mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Trên cơ sở này, khoản 2 Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của luật hình sự Việt Nam, quy định về cơ sở trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đã được ghi nhận, đồng thời đây chính là “tuyên bố” mang tính nền tảng, tiền đề để các nhà làm luật quy định những vấn đề khác trong nội dung TNHS đối với pháp nhân của Bộ luật hình sự năm 2015. Nhấn mạnh hơn, về vấn đề này, rõ ràng “hành vi, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện cũng được coi là hành vi, lỗi của pháp nhân. Như vậy, lý thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm được các nhà lập pháp Việt Nam quy định là cơ sở quy định TNHS của pháp nhân thương mại ” .

2. Khái niệm thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

Lần đầu tiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định bị can, bị cáo là người hoặc pháp nhân. Theo đó, bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này (khoản 1 Điều 60). Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này (khoản 1 Điều 61).
Ngoài ra, điểm mới quan trọng và lớn nhất được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là các nhà lập pháp đã xây dựng một chương riêng là Chương XXIX “Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân” (các Điều 431-446) với nhiều quy định về thủ tục, việc tham gia tố tụng, biện pháp cưỡng chế, những vấn đề cần phải chứng minh, cũng như trình tự điều tra, truy tố, xét xử… đối với đối tượng này. Trong đó, phạm vi áp dụng được xác định tại Điều 431 Bộ luật này, có nghĩa thủ tục tố tụng được tiến hành theo quy định tại Chương XXIX và những quy định khác trong Bộ luật tố tụng hình sự không trái với quy định của Chương này.
Do đó, dưới góc độ khoa học luật TTHS, thủ tục tố tụng truy cứu TNHS pháp nhân là trình tự thực hiện các quy định của BLTTHS khi tiến hành giải quyết vụ án liên quan đến bị can, bị cáo là PNTM và áp dụng những quy định khác có liên quan, nhằm bảo đảm xử lý đúng đắn vụ án, cũng như góp phần đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

3. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân

Theo quy định hiện hành tại Bộ luật dân sự 2015 thì đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định như sau:

- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

+ Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

+ Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

+ Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

- Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật dân sự 2015.

4. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng

Theo quy định tại Điều 434 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì chỉ có người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới có đủ tư cách để đại diện cho pháp nhân đó tham gia các hoạt động tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp người đó không thể tham gia tố tụng được thì phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng và phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình; nếu có sự thay đổi những thông tin này thì phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định trong trường hợp tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

Theo khoản 1 Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự có 14 nhóm quyền tố tụng, trong đó có những quyền mang tính chất cung cấp thông tin (ví dụ, các quyền: được thông báo, giải thích; được biết lý do pháp nhân bị khởi tố; được nhận các quyết định); có những quyển tạo điều kiện để người đại diện nghiên cứu hồ sơ vụ án (ví dụ, các quyền: được đọc, ghi chép bản sao, tài liệu trong hồ sơ; xem biên bản phiên tòa) và có nhiều quyền tạo điều kiện để người đại diện tham gia tích cực vào quá trình tố tụng (ví dụ các quyền: đưa ra chứng cứ, tài liệu; trình bày lời khai; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tự mình hoặc nhờ người khác bào chữa; tham gia phiên tòa; kháng cáo, khiếu nại).

Cùng với việc quy định rõ các quyền tố tụng, khoản 2 Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định rõ các nghĩa vụ mà người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải thực hiện khi tham gia tố tụng trong vụ án.

5. Quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân

Theo khoản 1 Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền:

- Được thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm;

- Được biết lý do pháp nhân mà mình đại diện bị khởi tố;

- Được thông báo, được giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

- Được nhận quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng; quyết định đưa vụ án ra xét xử; bản án, quyết định của Tòa án và quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại pháp nhân mà mình đại diện hoặc buộc phải thừa nhận pháp nhân mà mình đại diện có tội;

- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

- Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật theo quy định của Bộ luật này;

- Tự bào chữa, nhờ người bào chữa cho pháp nhân;

- Được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa cho pháp nhân kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;

- Tham gia phiên tòa, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

- Phát biểu ý kiến sau cùng trước khi nghị án;

- Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;

- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

6. Nghĩa vụ của người đại điện theo pháp luật của pháp nhân

 Theo khoản 2 Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có nghĩa vụ:

- Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;

- Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)