1. Những trường hợp hoãn phiên toà vụ án dân sự
Vì tính chất quan trọng của sự tham gia tố tụng tại phiên toà của các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng, các điều 56,62, 84, 227, 229, 230, 231 và 241 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà trong các trường hợp sau:
+ Thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư kí toà án theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 hoặc trong trường hợp họ không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ mà không có người thay thế ngay;
+ Vắng mặt kiểm sát viên trong trường hợp viện kiểm sát phải tham gia phiên toà hoặc trong trường hợp kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên toà mà không có kiểm sát viên dự khuyết để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
+ Trường hợp đương sự hoặc người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được toà án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xử vắng mặt;
+ Trường hợp đương sự hoặc người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng;
+ Trường họp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 220 của B Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đã được toà án tống đạt hợp lệ giấy triệu tập phiên toà theo quy định tại các điều từ Điều 170 đến Điều 180 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã chuẩn bị tham gia phiên toà xét xử vụ án nhưng do sự kiện bất khả kháng xảy ra đối với họ vào trước thời điểm toà án mở phiên toà hoặc ngay trong thời điểm họ đang trên đường đến toà án để tham gia phiên toà (do thiên tai, địch hoạ, bị tai nạn, ốm nặng phải đi bệnh viện cấp cứu, người thân bị chết,...) nên họ không thể có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của toà án.
+ Trường hợp thay đổi người giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 hoặc khi hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại theo quy định tại khoản 4 Điều 257 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
+ Trường hợp người phiên dịch bị thay đổi mà không có người khác thay thế, người phiên dịch vắng mặt, trừ trường hợp đương sự vẫn yêu cầu tiến hành xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Đối với trường hợp người làm chứng, người giám định vắng mặt thì tuỳ từng trường họp cụ thể, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử theo quy định tại các điều 229, 230 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
2. Thời hạn hoãn phiên toà dân sự sơ thẩm là bao lâu ?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn hoãn phiên toà sơ thẩm không quá 1 tháng, đối với phiên toà rút gọn, thời hạn hoãn phiên toà không quá 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà.
Trong trường hợp sau khi hoãn phiên toà mà toà án không thể mở lại phiên toà đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên toà ghi trong quyết định hoãn phiên toà thì toà án phải thông báo ngay cho viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà.
- Quyết định hoãn phiên toà vụ án dân sự
Việc hoãn phiên toà do hội đồng xét xử quyết định. Thủ tục quyết định hoãn phiên toà được thực hiện theo Điềú 235 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Quyết định hoãn phiên toà phải được lập thành văn bản. Trong quyết định hoãn phiên toà phải nêu đầy đủ các nội dung theo quy định khoản 2 Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Quyết định hoãn phiên toà phải được chủ tọa phiên toà thay mặt hội đồng xét xử kí tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì toà án gửi ngay cho họ quyết định đó đồng thời gửi cho viện kiểm sát cùng cấp.
3. Quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Tại phiên toà sơ thẩm, nếu có căn cứ quy định tại Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; nếu có căn cứ quy định tại Điều 219 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Ngoài ra, đối với trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của họ nếu nguyên đơn, bị đơn đồng ý. Thủ tục ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thực hiện theo quy định tại Điều 235 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Mọi vướng mắc pháp lý về luật dân sự, tố tụng dân sự về hoãn phiên tòa dân sự sơ thẩm cũng như các vấn đề khác liên quan. Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, thừa kế trực tuyến.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê