Mục lục bài viết
1. Thế nào là ô tô chuyên dùng
Xe chuyên dùng là xe chuyên dùng theo mục đích cụ thể. Tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng mà nhà sản xuất sẽ thiết kế, sản xuất và lắp đặt phần chuyên dụng lên thân xe của xe. (Có thể là thùng chở hàng, các loại bồn, thùng cuốn ép rác. Hoặc cũng có thể là hệ thống cần cẩu…)
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT hiện hành quy định: Ô tô chuyên dùng là ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng công dụng đặc biệt, bao gồm: ô tô quét đường, ô tô tưới nước; ô tô hút chất thải, ô tô ép rác; ô tô trộn vữa; ô tô trộn bê tông; ô tô bơm bê tông; ô tô cần cẩu; ô tô thang; ô tô khoan; ô tô cứu hộ giao thông; ô tô truyền hình lưu động, ô tô đo sóng truyền hình lưu động; ô tô kiểm tra và bảo dưỡng cầu, ô tô kiểm tra cáp điện ngầm, ô tô chụp X-quang, ô tô phẫu thuật lưu động và các loại ô tô tương tự.
2. Quy định về xe ô tô chuyên dùng mới nhất
Ngày 26/09/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2023/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô. Tại Điều 16 Nghị định 72/2023/NĐ-CP đã quy định về danh mục các loại xe ô tô chuyên dùng như sau:
Xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế:
Xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, gồm:
- Xe ô tô cứu thương:
+ Xe ô tô cứu thương đáp ứng tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định.
+ Xe ô tô cứu thương có kết cấu đặc biệt (xe có kết cấu không gian rộng rãi được trang bị máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu, hồi sức tích cực trên xe).
- Xe ô tô chuyên dùng có kết cấu đặc biệt sử dụng trong lĩnh vực y tế gồm:
+ Xe chụp X quang lưu động.
+ Xe khám, chữa mắt lưu động.
+ Xe xét nghiệm lưu động.
+ Xe phẫu thuật lưu động.
+ Xe lấy máu.
+ Xe vận chuyển vắc xin, sinh phẩm.
+ Xe ô tô khác được thiết kế dành riêng cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, kiểm nghiệm.
- Xe ô tô chuyên dùng có gắn hoặc sử dụng thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động y tế, bao gồm:
+ Xe chuyên dùng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ trung và cấp cao.
+ Xe vận chuyển máu và các loại mẫu thuộc lĩnh vực y tế, bao gồm: mẫu bệnh phẩm, mẫu bệnh truyền nhiễm, mẫu thực phẩm, mẫu thuốc (bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm), mẫu thuộc lĩnh vực môi trường y tế.
+ Xe vận chuyển người bệnh.
+ Xe giám định pháp y, xe vận chuyển tử thi.
+ Xe chở máy phun và hóa chất lưu động.
+ Xe phục vụ lấy, vận chuyển mô, tạng để phục vụ công tác cấy ghép mô, tạng cho người.
+ Xe vận chuyển bữa ăn cho bệnh nhân tâm thần.
+ Xe vận chuyển dụng cụ, vật tư, trang thiết bị y tế chuyên dùng trong lĩnh vực truyền nhiễm.
+ Xe ô tô gắn mô hình giảng dạy, mô hình mô phỏng, các thiết bị và phương tiện giảng dạy, giáo cụ trực quan.
+ Xe ô tô khác có gắn thiết bị chuyên dùng dành riêng cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, kiểm nghiệm.
+ Xe chỉ đạo tuyến có gắn thiết bị chuyên dùng.
+ Xe chuyển giao kỹ thuật có gắn thiết bị chuyên dùng.
+ Xe ô tô có gắn thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng (theo dõi các phản ứng sau tiêm) và xử lý sự cố tại các điểm tiêm.
- Căn cứ danh mục xe ô tô chuyên dùng quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 16 Nghị định 72/2023/NĐ-CP, Bộ Y tế ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế.
- Xe ô tô có kết cấu đặc biệt (xe chở tiền, vàng bạc, đá quý; xe trang bị phòng thí nghiệm, xe cần cẩu, xe thu gom, ép rác, xe chở rác, chất thải…).
- Xe ô tô gắn thiết bị chuyên dùng (thiết bị chuyên dùng được gắn cố định với xe) hoặc xe ô tô được gắn biển hiệu nhận biết theo quy định của pháp luật (xe gắn thiết bị thu, phát vệ tinh; xe phát thanh truyền hình lưu động; xe thanh tra giao thông; xe phục vụ tang lễ; xe giám sát hải quan; xe đào tạo, tập lái, sát hạch xe ô tô, xe hộ tống tiền,…).
- Xe ô tô tải.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải thì xe tải chuyên dùng là xe tải có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức này hay công dụng đặt biệt, bao gồm: xe tải quét đường, xe tải hút chất thải, xe nâng đầu, xe trộn bê tông, xe chở bồn, xe tải có cẩu…
- Xe ô tô trên 16 chỗ ngồi.
3. Nguyên lý hoạt động của từng loại xe ô tô chuyên dùng
- Xe bồn trộn bê tông
Xe bồn trộn bê tông là một dòng xe có kết cấu khá đặc biệt được thiết kế để chuyên đựng chất lỏng, nhiên liệu và trạm trộn bê tông. Xe có chức năng trộn hỗn hợp các vật liệu xi măng, cát, đá, sỏi thành vữa để ép cọc, đổ móng, đổ trần xây nhà.
Khi xe bồn trộn bê tông làm việc, phần bồn chứa của xe sẽ rút động lực của khung gầm. Sau đó dẫn động bơm biến đổi của hệ thống thủy lực, từ đó chuyển năng lượng cơ khí thành năng lượng thủy lực. Động cơ hoạt động và thiết bị trộn sẽ trộn đều hỗn hợp bê tông trong bồn chứa.
- Xe cứu hộ giao thông
Xe cứu hộ giao thông là những loại xe được dùng trong dịch vụ cứu hộ. Chức năng của dòng xe này là giúp đỡ tại những vị trí tai nạn giao thông xảy ra trên đường và cứu người bị nạn đang mắc kẹt hay giúp di chuyển những chiếc xe gặp sự cố tới nơi sửa chữa.
Hầu hết các loại xe cứu hộ được thiết kế dưới dạng phần đầu là xe tải và sau đó phần rỗng. Tùy theo nhu cầu sử dụng sẽ được nhà sản xuất lắp ráp thêm nhiều linh kiện đi kèm như kìm cứu hộ, cần cẩu, cần kéo xe, sàn chở xe, tời thủy lực, dây tăng.
- Xe đầu kéo
Xe đầu kéo là một trong những dòng xe tải nặng, chuyên dùng để kéo hàng bằng rơ mooc, chở Container. Với thiết kế chuyên dùng để kéo hàng nặng, dòng xe đầu kéo được trang bị những loại động cơ cực khỏe với công suất lớn, hoạt động bền bỉ.
- Xe nâng đầu chở máy công trình
Xe nâng đầu chở máy công trình được thiết kế với cấu tạo khá đặc biệt, chuyên dùng để vận chuyển các loại máy móc phục vụ cho việc xây dựng các công trình như máy đào, máy xúc, xe nâng,..
Để có thể di chuyển các loại máy công trình lên sàn xe, xe nâng đầu chở máy công trình được trang bị bộ phận chân thủy lực. Nhờ vậy mà đầu xe có thể nâng lên cao một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, phần sàn xe có gắn hai cầu dẫn tạo nên một góc nghiêng để thuận tiện cho việc đưa công trình lên xe.
- Xe tải ben tự đổ
Xe tải ben tự đổ là dòng xe chuyên dụng để chở các vật liệu, vật tư, rác thải trong ngành xây dựng. Với thiết kế chuyên dụng cùng cơ chế tự đổ, đây là phương tiện đắc lực cho việc vận chuyển được tốt nhất.
- Xe tải đông lạnh
Xe tải đông lạnh là dòng xe sử dụng để vận chuyển, bảo quản các loại hàng hóa, thuốc men và thực phẩm. Với thiết kế thùng đông lạnh chuyên dụng đặc biệt nên dòng xe này có khả năng bảo quản hàng hóa tốt, giúp thực phẩm, thuốc men đảm bảo chất lượng trong khi di chuyển.
Cấu tạo của xe tải đông lạnh gồm có: Sàn thùng, thành thùng, nóc thùng, khung cửa và cánh cửa và máy lạnh,...
- Xe tải gắn cẩu tự hành
Xe tải gắn cẩu tự hành là dòng xe chuyên dùng được cấu tạo từ hai bộ phận chính. Đó là xe cơ sở và cần cẩu thủy lực. Xe tải gắn cẩu tự hành được sử dụng chủ yếu trong xây dựng. Xe có chức năng vận tải hàng hóa, máy móc, phụ tùng, vật tư.
- Xe thang nâng người làm việc trên cao
Xe thang nâng người làm việc trên cao là loại xe ô tô chuyên dụng phục vụ cho ngành điện lực như sửa chữa trên cột điện, ngành môi trường như chặt tỉa cây xanh, ngành xây dựng như hỗ trợ con người làm việc ở độ cao nhất định mà máy móc không thể thay thế.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Quy định về xe ô tô chuyên dùng mới nhất mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!