1. Các hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự gồm tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các hoạt động hợp tác quốc tế khác được quy định tại Bộ luật này, pháp luật về tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Dẫn độ là gì?

Dẫn độ là một trong những hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

3. Các trường hợp bị dẫn độ

- Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật tương trợ tư pháp là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

- Hành vi phạm tội của người đã nêu trên không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.

- Trường hợp hành vi phạm tội của người nêu trên xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

4. Từ chối dẫn độ cho nước ngoài

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;

- Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;

- Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam;

- Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;

- Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật tương trợ tư pháp 2007.

Ngoài những trường hợp từ chối dẫn độ đã nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam;

- Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

5. Xử lý trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam

Trong bối cảnh tội phạm có yếu tố quốc tế, xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, để thể hiện rõ quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh, xử lý tội phạm, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước về chống tội phạm tham nhũng quy định cụ thể trách nhiệm của các nước thành viên trong trường hợp từ chối yêu cầu dẫn độ của các nước thành viên khác đối với công dân của mình. Theo đó, một quốc gia thành viên khi từ chối dẫn độ công dân của mình thì trên cơ sở đề nghị của quốc gia yêu cầu, phải có trách nhiệm xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành toàn bộ hay một phần còn lại của hình phạt theo bản án của quốc gia yêu cầu. Trong hầu hết các hiệp định liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự mà Việt Nam đã ký với các nước đều quy định về trách nhiệm tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự của các quốc gia thành viên. Trong một số hiệp định mà Việt Nam đã ký kết như hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam và Hunggari, với Ban Lan quy định về trách nhiệm của một bên ký kết trong việc thi hành bản án hình sự của Tòa án bên ký kết kia trên lãnh thổ nước mình bao gồm cả hình phạt. Rà soát pháp luật Việt Nam cho thấy, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 có quy định về xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam tại Việt Nam; trình tự, thủ tục chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, bao gồm cả chuyển đổi hình phạt. Tuy nhiên, cả Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Luật tương trợ tư pháp năm 2007 đều chưa quy định cụ thể việc xử lý trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam, mặc dù trong lĩnh vực tố tụng dân sự, pháp luật đã quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài.

Nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, phù hợp với mục đích hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có bổ sung quy định về xử lý trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Đồng thời, quy định cụ thể trình tự, thủ tục xem xét, xử lý trong từng trường hợp. Cụ thể:

- Điều 499 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, xử lý yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ như sau:

“1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định từ chối dẫn độ công dân Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Tòa án đã ra quyết định từ chối dẫn độ chuyển hồ sơ và các tài liệu kèm theo của nước ngoài đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.    Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ theo quy định của luật.

3.    Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

4.   Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật để bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ, đúng pháp luật”.

- Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ có thể được thi hành tại Việt Nam khi có đủ 03 điều kiện sau: (1) Có văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ; (2) Hành vi phạm tội mà công dân Việt Nam bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam; (3) Bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó. Trên cơ sở tham khảo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thiết kế về trình tự, thủ tục xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ như sau:

+ Về thẩm quyền: Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định từ chối dẫn độ có thẩm quyền xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ.

+ Thời hạn xem xét: 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

+ Về trình tự, thủ tục xem xét: Tòa án xem xét yêu cầu của nước ngoài bằng phiên họp Hội đồng gồm ba Thẩm phán với sự có mặt của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp, người bị yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài, luật sư hoặc đại diện của người đó (nếu có). Trên cơ sở yêu cầu của nước ngoài, ý kiến của Kiểm sát viên, ý kiến người bị yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài, của luật sư hoặc người đại diện của người này (nếu có), Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số việc cho thi hành hoặc không cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với người bị yêu cầu.

Quyết định cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam phải ghi rõ thời hạn mà người đó phải thi hành án phạt tù tại Việt Nam trên cơ sở xem xét, quyết định: a) Trường hợp thời hạn của hình phạt do nước ngoài đã tuyên phù hợp với pháp luật Việt Nam thì thời hạn phải thi hành án tại Việt Nam được quyết đỉnh tương ứng với thời hạn đó; b) Trường hợp tính chất hoặc thời hạn của hình phạt do Tòa án nước ngoài đã tuyên không phù hợp pháp luật Việt Nam thì quyết định chuyển đổi hình phạt cho phù hợp với pháp luật Việt Nam nhưng không được dài hơn hình phạt đã tuyên của Tòa án nước ngoài. Quyết định này có thể bị người phải thi hành kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết đỊnh.

+ Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài có kháng cáo, kháng nghị.

+ Quyết định thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật gồm: (1) Quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh không bị kháng cáo, kháng nghị; (2) Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao.

+ Trình tự, thủ tục thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam được thực hiện theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật thi hành án hình sự. Khi nhận được thông báo về quyết định đặc xá, đại xá hoặc miễn, giảm hình phạt của nước ngoài đối với công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài bị Việt Nam từ chối dẫn độ và người đó đang thi hành án tại Việt Nam thì Bộ Công an gửi ngay thông báo đó cho Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)