Căn cứ vào điểm đ khoản 1 và khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đồng thời, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp nêu trên, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

- ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

* ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

* ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

* Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, người lao động đến tuổi nghỉ hưu thì đương nhiên được quyền chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp giữa người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, người sử dụng lao động cần thông báo trước cho người lao động được biết (nhiều trường hợp người lao động không để ý việc này, không biết mình sắp tới tuổi nghỉ hưu) để người lao động sắp xếp thời gian bàn giao công việc cũng như có kế hoạch cho riêng mình sau khi nghỉ hưu.

Luật Minh Khuê phân tích chi tiết hơn quy định pháp lý về vấn đề này như sau:

 

1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

Hợp đồng lao động là văn bản ghi lại sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của giữa các chủ thể giữa người lao động và người sử dụng lao động và nội dung của nó liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động như việc làm, tiền thưởng, thời gian làm việc, bảo hiểm xã hội,... 

Chấm dứt hợp đồng lao động là việc người sử dụng lao động hoặc người lao động hoặc cả hai muốn chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mà các bên đã thỏa thuận. Đơn phương chấm dứt hợp đồng là hành vi thể hiện ý chí của một chủ thể không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động, muốn chấm dứt quyền và nghĩa vụ mà hai bên đã thỏa thuận trước đó. Đơn phương chấm dứt hợp đồng có hai trường hợp là đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật và đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật là việc một bên tự ý chấm dứt hợp đồng khi thuộc một trong những trường hợp đã được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thuộc trường hợp pháp luật quy định cho phép được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là việc một bên tự ý chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc trường hợp được phép chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật. Đó là quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của các bên trong quan hệ lao động, tuy nhiên quyền này có giới hạn nhất định. Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định tại Điều 35 và Điều 36 về các trường hợp được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần thỏa thuận trước. Tuy nhiên, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo cho bên còn lại để đảm bảo quyền lợi của mỗi bên cũng như hạn chế thiệt hại có thể xảy ra khi một bên chấm dứt hợp đồng. 

 

2. Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu?

Căn cứ Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019 quy định các trường hợp người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng. Quy định này đặt ra để đảm bảo tự do kinh doanh và tự do tuyển dụng của người sử dụng lao động, giúp họ điều chỉnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực lao động để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quyền này bị hạn chế và nếu cố ý đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, người sử dụng lao động cũng sẽ gặp phải một số bất lợi, khó dự trù được lao động thay thế. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có tác động đến nhiều yếu tố trong tổ chức, sản xuất kinh doanh.

Các trường hợp người sử dụng lao động được phép chấm dứt hợp đồng có những trường hợp sau:

- Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo quy chế của người sử dụng lao động và thỏa thuận trong hợp đồng.

Việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc sẽ do người sử dụng lao động định và áp dụng theo thỏa thuận, việc ban hành quy chế đánh giá này phải được tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động. Mức đánh giá này rất khó xác định một cách chính xác và hợp lý vì đa số hợp đồng chỉ ghi nhiệm vụ chung chung, không cụ thể. Nếu doanh nghiệp ghi cụ thể về định mức lao động và nhiệm vụ được giao thì các bên sẽ dễ vận dụng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. 

- Người lao động bị ốm, tai nạn và đã điều trị từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn hoặc đã điều trị từ 06 tháng liên tục trở lên đối với người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa phục hồi.

Người sử dụng lao động giao kết hợp đồng với người lao động nhằm mục đích thu lợi nhuận từ việc khai thác sức lao động của người lao động. Vì vậy, khi người lao động ốm đau, điều trị dài ngày sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của doanh nghiệp, quyền lợi của người sử dụng lao động không được đảm bảo. Vì vậy, pháp luật cho phép người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng là hợp lý. Khi hồi phục sức khỏe thì người lao động có thể đề nghị trở lại làm việc, nếu người sử dụng lao động có thể xem xét để tiếp tục bàn giao công việc. 

- Người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, hoặc di dời, thu hẹp sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vấn buộc phải giảm chỗ làm việc. Việc chấm dứt hợp đồng do sự kiện bất khả kháng nhằm bảo vệ lợi ích của người sử dụng lao động. Một khi những sự kiện này xảy ra, việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp thiệt hại nặng nề, họ buộc phải giảm bớt nhân sự để đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh được ổn định. 

- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng. Người lao động có thể xin tạm hoãn hợp đồng lao động thuộc trong các trường hợp tại Điều 32 Bộ luật lao động hoặc có thỏa thuận về việc tạm hoãn hợp đồng. Nếu đã hết thời hạn tạm hoãn mà sau 15 ngày, người lao động vẫn chưa quay trở lại là việc, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. 

- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 169 của luật này. Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 55 tuổi 04 tháng, với lao động nam từ 60 tuổi 03 tháng. Đối với người bị suy giảm khả năng lao động hoặc làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tuổi nghỉ hưu có thể thấp hơn không quá 5 tuổi so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định với lao động thường.

- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày liên tục trở lên. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng lao động, hạn chế xảy ra thiệt hại khi người lao động tự ý bỏ việc mà không báo trước. Khi người lao động tự ý nghỉ thì quy trình kinh doanh hằng ngày có thể bị ảnh hưởng, thậm chí gián đoạn công việc khiến doanh nghiệp phải chịu thiệt hại. Vì vậy, để tránh tình trạng người lao động tự ý nghỉ dài ngày mà không báo trước thì người sử dụng có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng để tuyển người mới thực hiện tiếp công việc của người đó.

- Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này khi giao kết hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động. Nếu người lao động khai không trung thực, khai sai sự thật về thông tin cá nhân và kinh nghiệm của bản thân hoặc một số vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động yêu cầu thì người lao động hoàn toàn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bởi khi tuyển dụng, người sử dụng lao động sẽ xem xét đến nhưng thông tin được cung cấp để tìm kiếm ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc, nhưng nếu người lao động cố tình khai sai mà người này lại được tuyển dụng để thực hiện một công việc mà họ không đủ chuyên môn, trình độ để thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của người sử dụng lao động. 

Từ căn cứ trên có thể thấy, khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với họ. Tuổi nghỉ hưu mà pháp luật quy định ra nhằm đảm bảo chất lượng nguồn lao động đủ sức khỏe và tinh thần làm việc, nếu qua tuổi này được coi là lao động cao tuổi. Quy định này đảm bảo lợi ích về năng suất công việc cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn lao động đủ sức khỏe để làm việc và cống hiến một cách tốt nhất. Tuy nhiên, nếu người sử dụng lao động có ý muốn người lao động tiếp tục làm việc thì hai bên vẫn có thể tiếp tục ký hợp đồng lao động. Đối với lao động cao tuổi còn tiếp tục làm việc, pháp luật có những quy định ưu đãi hơn với đối tượng này. 

Khi người sử dụng lao động muốn chấm dứt hợp đồng với người lao động cần thông báo cho người lao động bằng lời nói hoặc văn bản để người lao động bàn công việc cũng như có kế hoạch riêng sau khi nghỉ hưu.

- Đối với người lao động làm việc không xác định thời hạn phải báo trước ít nhất 45 ngày.

- Với người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn phải báo trước ít nhất 30 ngày.

- Đối với các trường hợp đơn phương chấm dứt khác theo luật định thì phải báo trước 3 ngày cho người lao động.

Mọi thắc mắc, ý kiến đóng góp liên quan đến đơn phương chấm dứt hợp đồng vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua tổng đài 1900.6162 hoặc gửi qua email Tư vấn pháp luật lao động miễn phí qua Email để nhận hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong được hợp tác! Trân trọng./.