(chưa bao gồm phụ cấp xăng xe, ăn trưa, đồng phục và các phúc lợi khác). Sau khi hợp đồng lao động số 151/2019/HĐLĐ hết hạn, tôi có gửi email hỏi chị giám đốc công ty về việc ký tiếp HĐLĐ để tăng mức lương so với hợp đồng cũ vì tôi đã đáp ứng điều kiện đủ thâm niên 02 năm để tăng lương nhưng công ty không phản hồi và tôi vẫn đi làm từ đó. Tới ngày 01/04/2021, giám đốc công ty gọi tôi lên và ra quyết định chấm dứt HĐLĐ của tôi vì lý do: Tôi không hoàn thành công việc tháng 3 năm 2021 và quan trọng là hợp đồng lao động của tôi đã hết hạn rồi nhưng công ty châm chước để tôi đi làm thêm mấy ngày để nhận lương nốt tháng 3. Giám đốc đưa tôi một biên bản gia hạn hợp đồng lao động đến hết ngày 01/04/2021, một văn bản xác nhận không hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu tôi ký tên nhưng tôi không ký vì sự việc này quá bất ngờ. Giám đốc nói nếu tôi ký thì sẽ thanh toán cho tôi ngoài tiền lương tháng 3, sẽ thêm 1/3 tiền lương tháng 4, phép năm của nửa  năm 2021 và hỗ trợ tôi nửa tháng tiền lương để tìm việc làm. Còn nếu tôi không ký thì cứ theo quy định hợp đồng hết hạn, bàn giao, và nghỉ việc, làm ngày nào lấy lương ngày ấy. Việc công ty nói tôi không hoàn thành công việc là không đúng vì tôi chỉ đi làm muộn 2 ngày trong tháng (muộn khoảng 15 phút) mà bị đánh giá là không hoàn thành công việc. Tôi quá bức xúc.

Mong luật sư tư vấn giúp tôi nên làm thế nào ? Tôi có thể kiện công ty này ra toà được không ?

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900 6162

 

Trả lời:

Vụ việc của bạn, để đưa ra được phương án giải quyết, cần tập trung làm rõ vấn đề mấu chốt là có tồn tại quan hệ lao động sau khi hợp đồng lao động số 151/2019/HĐLĐ chấm dứt hay không và quan hệ lao động đó có hợp pháp hay không. Làm rõ được điều này mới có cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý của công ty đồng thời đưa ra những phương án giải quyết hợp lý.

 

1. Xác định quan hệ lao động có hợp pháp hay không?

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, có thể nhận thấy trong suốt quá trình làm việc tại Công ty X, giữa công ty và bạn chỉ tồn tại duy nhất 01 hợp đồng lao động có thời hạn 02 năm từ ngày 15/01/2019 đến ngày 15/01/2021. Khi hợp đồng lao động nêu trên hết thời hạn, Công ty X không có bất kỳ thông báo gì về việc có tiếp tục ký hợp đồng và bạn vẫn tiếp tục làm việc tại công ty cho tới khi xảy ra mâu thuẫn là ngày 01/04/2021. Xét về mặt hình thức, hợp đồng lao động giữa bạn với công ty được xác định là loại Hợp đồng lao động xác định thời hạn – thời hạn 24 tháng. Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động đó thì giải quyết như sau:

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Như vậy, đúng theo quy định thì công ty và bạn phải thoả thuận về việc ký kết hợp đồng mới như thế nào trong khoảng thời gian từ 15/01/2021 – 15/02/2021. Tuy nhiên, hai bên không có thoả thuận gì. Tới ngày xảy ra việc công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là ngày 01/04/2021, tức là đã quá 30 ngày để thoả thuận ký kết hợp đồng rồi. Đối chiếu điểm b khoản 2 Điều 20 BLLĐ năm 2019 thì hợp đồng lao động của bạn đã chuyển thành Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.Việc giao kết hợp đồng ban đầu cũng do người đại diện theo pháp luật của Công ty X ký kết đúng thẩm quyền. Mặc dù công ty có đưa ra một văn bản về việc gia hạn thời hạn của HĐLĐ số 151/2019/HĐLĐ. Tuy nhiên văn bản gia hạn này lại được đưa ngày 01/04/2021 kèm theo các điều khoản hấp dẫn về bồi thường có lẽ công ty đã nhận ra sơ suất của họ nên định chữa cháy. Tuy nhiên, việc bạn không ký xác nhận bất kỳ một văn bản nào về việc đồng ý gia hạn này nên văn bản gia hạn đơn phương chỉ có chữ ký của người đại diện theo pháp luật Công ty X hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

=> Như vậy, Hợp đồng lao động cũ tuy đã hết hạn nhưng lại chuyển thành hợp đồng lao động mới nên cơ bản quan hệ lao động của bạn với Công ty X vẫn tồn tại. Do hợp đồng lao động ký đúng thẩm quyền nên hoàn toàn hợp pháp. Việc công ty X ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bạn trong khi vẫn còn thời hạn hợp đồng là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

 

2. Công ty X đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có đúng quy định pháp luật không?

Về căn cứ để Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty X. Như thông tin bạn cung cấp, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của bạn với 02 lý do:

Thứ nhất, hợp đồng lao động 151/2019/HĐLĐ hết hạn. Tuy nhiên, theo phân tích ở mục 1 thì hợp đồng đó tuy hết hạn nhưng tại thời điểm hiện tại, giữa bạn và công ty lại đang tồn tại một hợp đồng lao động không xác định thời hạn thay thế cho hợp đồng lao động cũ kia. Do vậy, lý do này của công ty không đúng pháp luật.

Thứ hai, do bạn không hoàn thành công việc nên công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động? Có lẽ công ty X đang vin vào căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ năm 2019:

Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

Nếu công ty bạn không có quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc thì công ty hoàn toàn không có cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Còn trường hợp có quy chế, như vậy phải xem xét thế nào là “không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động”. Lỗi đi muộn là hành vi vi phạm thuộc phạm vi xử lý kỷ luật lao động chứ không thể hiện việc không hoàn thành công việc. Do vậy, bạn cần chuẩn bị sẵn lý lẽ và cả bằng chứng cho rằng mình vẫn hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động đã thoả thuận để phản biện lý do của công ty.

Về thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, điểm a khoản 2 Điều 36 BLLĐ năm 2019 quy định về thời gian báo trước như sau:

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Công ty gửi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động cho bạn ngày 01/04/2021 và ngày có hiệu lực của quyết định đó cũng là 01/04/2021. Về cơ bản công ty đã vi phạm thời gian báo trước.

=> Theo quy định tại Điều 39 BLLĐ 2019, hành vi của Công ty X là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, Quyết định chấm dứt HĐLĐ của Công ty X đối bạn là quyết định trái pháp luật.

 

3. Trách nhiệm của công ty khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Điều 41 BLLĐ năm 2019, cụ thể, công ty X phải có nghĩa vụ sau:

Trường hợp 1: Nhận lại bạn vào làm việc, trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày bạn không được làm việc và bồi thường ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Nếu bạn không đồng ý quay lại thì phải trả trợ cấp thôi việc.

Trường hợp 2: Nếu công ty X không muốn nhận lại bạn và được bạn đồng ý thì phải trả trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày bạn không được làm việc và bồi thường ít nhất 04 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động

Trong cả hai trường hợp nêu trên, nếu vi phạm thời gian báo trước đều phải bồi thường một khoản tiền lương tương ứng với số ngày chưa báo trước.

Như vậy, bạn có thể yêu cầu công ty thanh toán và bồi thường các khoản sau:

- Thanh toán tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc (ước tính từ 01/04/2021);

- Bồi thường ít nhất 02 tháng tiền lương (nếu bạn đồng ý quay trở lại làm việc) hoặc ít nhất 04 tháng tiền lương theo HĐLĐ (nếu công ty không muốn nhận lại bạn);

- Tiền trợ cấp thôi việc;

- Tiền lương tương ứng với 45 ngày không báo trước;

- Thanh toán những ngày phép năm chưa nghỉ hết trong năm 2020, 2021 (nếu có).

 

4. Phương án giải quyết khi công ty chịu trách nhiệm về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Trước tiên, để đảm bảo hoà khí hai bên, bạn có thể liên hệ với ban giám đốc công ty thông qua phương tiện email hoặc điện thoại có chức năng ghi lại cuộc gọi nhằm mục đích thương lượng trước với công ty xem có thể giải quyết trong hoà bình được không. Trong trường hợp bạn đã liên hệ yêu cầu công ty giải quyết mà công ty không đồng ý hoặc im lặng cho qua thì bạn có thể lựa chọn một trong các phương thức giải quyết tranh chấp tại cá nhân, hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như sau:

- Một là giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Hoà giải viện lao động. Trình tự, thủ tục giải quyết bạn có thể tham khảo mục 5. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hoà giải viên lao động tại bài viết dưới đây: Tranh chấp lao động cá nhân và thủ tục giải quyết tại Hoà giải viên lao động theo quy định pháp luật hiện hành

- Hai là đề nghị Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp theo thủ tục quy định tại Điều 189 và Khoản 7 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019.

- Ba là khởi kiện vụ án tranh chấp lao động tại Toà án nhân dân.

 

5. Thủ tục khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Quan hệ pháp luật có tranh chấp:

Căn cứ HĐLĐ số 151/2019/HĐLĐ, Quyết định chấm dứt HĐLĐ của Công ty X và căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32 BLTTDS, xác định quan hệ tranh chấp là quan hệ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Chủ thể có quyền khởi kiện:

Bạn là người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật của Công ty X. Căn cứ theo quy định tại Điều 186 BLTTDS, bạn có thể tự mình khởi kiện hoặc khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp (ví dụ cá nhân/tổ chức được bạn ủy quyền).

Thời hiệu khởi kiện:

Theo quy định tại Điều 190 BLLĐ 2019, thì thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Đối chiếu trường hợp của bạn, vụ việc vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện.

Thủ tục hòa giải:

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 BLTTDS và điểm a khoản 1 Điều 188 BLLĐ 2019, tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ là tranh chấp không cần phải thông qua hòa giải của hòa giải viên lao động. Các yêu cầu nêu tại Mục 3. Trách nhiệm của Công ty X khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật là hệ quả của việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nên những yêu cầu này không bắt buộc phải hòa giải với hòa giải viên lao động trước khi khởi kiện ra Tòa án.

Thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Căn cứ quy định tại Điều 39, Điều 40 BLTTDS 2015, Quý khách hàng có thể lựa chọn khởi kiện vụ án nêu trên ra một trong các nơi sau:

- Tòa án nhân dân quận/huyện nơi bị đơn (Công ty X) có trụ sở; hoặc

- Tòa án nhân dân quận/huyện nơi Quý khách hàng cư trú.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!