Mục lục bài viết
1. Thế nào là quyền nhân thân?
Theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật dân sự 2015:
Quyển nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Quyền nhân thân là quyền của cá nhân đối với các giá trị nhân thân của mình được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân như quyền xác định dân tộc, quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính, quyền kết hôn, quyền ly hôn, quyền nhận nuôi con nuôi... Mục 2 Chương 3 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền nhân thân đã giới hạn phạm vi chủ thể của quyền nhân thân được quy định trong Mục 2 này chỉ bao gồm quyền nhân thân của cá nhân mà không quy định về quyền nhân thân của pháp nhân.
Quyền nhân thân là loại quyền tuyệt đối gắn liền với mỗi chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, không trị giá được thành tiền, về nguyên tắc không thể chuyển giao cho chủ thể khác. Ngược lại, quyền tài sản là loại quyền không tuyệt đối gắn liền với mỗi chủ thể nhất định, trị giá được thành tiền và có thể là đối tượng trong giao dịch dân sự, chuyển giao được cho chủ thể khác.
Thuật ngữ quyền nhân thân thường bị nhầm lẫn với khái niệm giá trị nhân thân. Giá trị nhân thân là những giá trị tinh thần gắn liền với cá nhân, có từ khi cá nhân sinh ra và không phải mọi giá trị nhân thân đều được xác định là quyền nhân thân mà chỉ những giá trị nhân thân được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ thông qua việc luật hóa thì mới được coi là quyền nhân thân.
2. Phân loại quyền nhân thân
Có rất nhiều các cách thức khác nhau để phân loại quyền nhân thân, trong đó, cách thức phân loại quyền nhân thân phổ biến là dựa vào đối tượng của quyền nhân thân.
Theo cách thức phân loại này, quyền nhân thân được phân thành 5 nhóm sau đây:
- Nhóm các quyền cá biệt hoá chủ thể (Ví dụ: Quyền xác định dân tộc; quyền xác định lại giới tính);
- Nhóm các quyền liên quan đến thân thể của cá nhân (Ví dụ: Quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyên hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người);
- Nhóm các quyền liên quan đển giá trị tinh thần của chủ thể (Ví dụ: Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền bí mật đời tư);
- Nhóm các quyền liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình của cá nhân (Ví dụ: Quyền kết hôn; quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình; quyền li hôn);
- Nhóm các quyền đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (Ví dụ: Quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm).
Ngoài ra, còn có một số cách phân loại khác như:
- Dựa vào căn cứ phát sinh mà các quyền nhân thân có thể phân thành nhóm các quyền nhân thân không gắn với tài sản và nhóm các quyền nhân thân gắn với tài sản. Phân loại này được thể hiện tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật dân sự 2015. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản được quy định từ Điều 26 đến Điều 39 Bộ luật dân sự 2015. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản này được công nhận đối với mọi cá nhân một cách bình đẳng và suốt đời, không phụ thuộc vào bất cứ hoàn cảnh kinh tế, địa vị hay mức độ tài sản của người đó. Các quyền nhân thân này thể hiện giá trị tinh thần của chủ thể đối với chính bản thân mình, luôn gắn với chính bản thân người đó và không dịch chuyển được sang chủ thể khác.
3. Đặc trưng của quyền nhân thân.
Quyền nhân thân của cá nhân có các đặc điểm như:
- Quyền nhân thân gắn liền với mỗi chủ thể nhất định và về nguyên tắc quyền không thể chuyển giao cho các chủ thể khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp luật định thì quyền nhân thân có thể dịch chuyển được. Ví dụ: Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm ghi nhận quyền công bố tác phẩm của các tác giả các tác phẩm, các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được chuyển giao chủ thể khác mà không phải trong mọi trường hợp tác giả là người công bố.
Mỗi một chủ thể mang một giá trị nhân thân đặc trưng, do đó, quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định. Mặc dù vậy, quyền nhân thân không bị phụ thuộc, chi phối bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào như độ tuổi, trình độ, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội,...
Quyền nhân thân của mỗi cá nhân chỉ do chính cá nhân đó hoặc trong một số trường hợp do chủ thể khác được pháp luật quy định thực hiện. Quyền nhân thân không thể là đối tượng trong các giao dịch mua bán, trao đổi, tặng, cho,… Bởi quyền nhân thân mang giá trị tinh thần, do đó, không thể định đoạt và chuyển giao cho người khác. Trong nghiên cứu mới đây về quyền nhân thân, có quan điểm phân loại quyền nhân thân thành quyền nhân thân cơ sở (hay còn gọi là quyền nhân thân gốc) và quyền nhân thân phái sinh. Quyền nhân thân cơ sở là quyền nhân thân theo đúng bản chất của nó, không thể chuyển nhượng. Quyền nhân thân phái sinh là quyền khai thác danh tiếng của một cá nhân với mục đích thương mại. Liên quan đến hình ảnh của cá nhân, quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền nhân thân cơ sở, còn quyền đối với từng bức ảnh cụ thể của cá nhân trong trường hợp ký hợp đồng với công ty quảng cáo nói trên là quyền nhân thân phái sinh.
- Quyền nhân thân không xác định được bằng tiền, quyền nhân thân và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương nên không thể trao đổi ngang giá. Trong trường hợp, quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm (như xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân...) thì chủ thể chịu trách nhiệm phải bồi thường cho cá nhân một khoản tiền. Bản chất của khoản tiền này là nhằm bù đắp những mất mát, tổn thất đã gây ra cho người bị thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm... mà không phải là việc quy đổi quyền nhân thân bị xâm phạm ra tiền.
- Quyền nhân thân được xác lập không phải dựa trên các sự kiện pháp lý mà chúng được xác lập trực tiếp trên cơ sở những quy định của pháp luật.
4. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân
Theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật dân sự 2015:
"Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bổ mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bổ mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác"
Cá nhân tự thực hiện các hành vi để xác lập, thực hiện các quan hệ nhân thân cho chính mình. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của những người này phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý hoặc theo quyết định của Tòa án.
Ví dụ: Trẻ sơ sinh được cha mẹ thực hiện việc đăng kí khai sinh. Quy định này xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích chính đáng của các cá nhân khi mà khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của họ không được đầy đủ.
Hay việc thay đổi họ, tên của người chưa thanh niên.
Đối với người bị tuyên bố mất tích, người bị tuyên bố là đã chết, việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con đã thành niên của người đó hoặc của cha, mẹ của họ. Những cá nhân bị tuyên bố mất tích hoặc bị tuyên bổ là đã chết thì năng lực chủ thể của họ bị tạm dừng hoặc chấm dứt nên những vấn đề liên quan đến nhân thân của những người này không thể được thực hiện thông qua người đại diện giống như những cá nhân không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (quan hệ đại diện xác lập với những người còn sống). Bởi vậy, người thân thích trong gia đình sẽ là người quyết định vấn đề xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của các cá nhân này.
So với Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 25 BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm quy định về phương thức xác lập, thực hiện quyền nhân thân cho một số chủ thể vì lý do năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ (người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi) hoặc vì lý do tư cách chủ thể bị tạm dừng hoặc chấm dứt (người bị tuyên bố mất tích, người bị tuyên bố là đã chết) mà không thể trực tiếp xác lập, thực hiện các quan hệ nhân thân liên quan đến chính mình.
5. Các quyền nhân thân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Theo quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền nhân thân bao gồm:
Quyền có họ, tên.
Quyền thay đổi họ, tên.
Quyền xác định và xác định lại dân tộc.
Quyền khai sinh, khai tử.
Quyền đối với quốc tịch; quyền đối với hình ảnh.
Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể.
Quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín.
Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Quyền xác định lại giới tính.
Chuyển đổi giới.
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề quyền nhân thân. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty Luật Minh Khuê. Trân trọng./.