1.Tổng quan

Quyền nhân thân trong luật dân sự. Theo BLDS năm 2005 Điều 34, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người nghiên cứu luật có thể tự hỏi liệu khi xây dựng định nghĩa quyền nhân thân như trên, người làm luật có liên tưởng đến khái niệm quyền tài sản, cũng được ghi nhận trong BLDS tại Điều 181, và muốn có quyền nhân thân như một khái niệm đối lập với quyền tài sản. Theo Điều 181, quyền tài sản là quyền định giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao dịch dân sự kể cả quyền sở hữu trí tuệ. Nếu coi quyền tài sản là một khái niệm đối lập với quyền nhân thân, thì có thể thừa nhận rằng quyển tài sản, quyền nhân thân là các công cụ để phân loại các quyền dân sự của chủ thể quan hệ pháp luật: tất cả các quyền không phải quyền tài sản đều là quyền nhân thân và ngược lại. Trong luật của các nước theo văn hoá pháp lý romano-germanique, khái niệm quyền tài sản được dùng để đối lập với khái niệm quyền phi tài sản. Trong các quyền phi tài sản có những quyền có tác dụng bảo vệ cá nhân về phương diện thể chất và tình thần, gọi là các quyền nhân thân75 . Với quan niệm đó, thì quyền nhân thân không phải là đối trọng của quyền tài sản; song, chắc chắn, quyền nhân thân, về bản chất, là những quyền không có giá trị tiền tệ. Trong cuộc sống đương đại, dưới sự tác động của các phương tiện truyền thồng mà tầm ảnh hưởng đối với đời sống xã hội ngày càng lớn rộng, một số quyền nhân thân có xu hướng được cân đo bằng tiền. Một trong những ví dụ điển hình là quyền đối với hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng. Xu hướng đó, đến lượt mình, đã kích thích sự phát triển trong luật học đương đại một học thuyết mới về tính thống nhất của quyền chủ thể: tất cả các quyền, suy cho cùng, đều ít nhiều gắn với nhân thân và đều có thể được đính giá. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng tính chất phi tài sản được coi là thuộc tính cơ bản của quyền nhân thân và việc một số quyền nhân thân định giá được bằng tiền trong một số trường hợp đặc thù chỉ là các ngoại lệ rát cá biệt. Vả lại, trước khi một số quyền nhân thân đúng nghĩa có xu hướng trở thành các quyền có giá trị tiền tệ trong cuộc sống dân sự đương đại, thì luật học cũng đã ghi nhận một số quyền lưỡng tính, vừa có tính chất tài sản, vừa gắn với nhân thân. Ví dụ điển hình là quyền yêu cầu được cấp dưỡng. Người ta nói rằng những quyền như thế khiến cho ranh giới giữa quyền tài sản và quyền phi tài sản trở nên không rõ ràng. Thực ra, khái niệm quyền tài sản được xây dựng trong luật Việt Nam theo một nghĩa rất hẹp. Nếu trong luật các nước, khái niệm quyền tài sản được sử dụng là công cụ phân loại tài sản, thì trong luật Việt Nam, quyền tài sản chỉ đơn thuần là một loại tài sản, hay đúng hơn là một loại động sản.

Quyền nhân thân là hệ quả của sự xác lập nhân thân pháp lý. Dù được định nghĩa như trong luật thực định Việt Nam hay trong luật phương Tây, quyền nhân thân được thừa nhận cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, địa vị, giai cấp, trình độ học vấn,… Một khi nhân thân pháp lý được xác lập, các quyền nhân thân cũng được xác lập đồng thời; một khi nhân thân pháp lý biến mất. Có trường hợp một người bị bôi nhọ tên tuổi sau khi chết và người thừa kế kiện yêu cầu bảo vệ "danh dự, nhân phẩm của người đã chết". Tất nhiên, việc xúc phạm danh dự nhân phẩm của một người phải bị chế tài. Vấn đề là: một khi người bị xúc phạm đã chết, thì việc bảo vệ có đối tượng là gì ? Thực ra, nhân thân pháp lý của một người được xác lập khi người đó sinh ra, nhưng không hẳn mất đi khi người đó chết. Cuộc sống xã hội mà một người trải qua tạo ra những giá trị có thể không mất đi cùng với người đó.

2.Tính chất của quyền nhân thân 

Không thể được chuyển giao. Quyền nhân thân, do bản chất, gắn liền với chủ thể của quyền đó: nó cần thiết cho việc xây dựng và hoàn thiện bộ mặt xã hội của chủ thể; được chuyển giao cho người khác, nó trở nên vô nghĩa. Vả lại, nếu thừa nhận tính chuyển giao được của các quyền nhân thân, thì phải hình dung khả năng một người mang nhân thân của nhiều người. Điều đó không hợp lý. Khộng thể bị kê biên. Về mặt kỹ thuật, đây là hệ quả của tính chất khộng thể chuyển giao của quyền nhân thân: suy cho cùng, chẳng có lợi ích để kê biên một vật thuộc về một người, dù có giá trị tiền tệ, mà người ta không thể chuyển giao quyền sở hữu cho một nghười khác. Không mất đi do thời hiệu. Quyền nhân thân luôn tồn tại ngay cả trong trường hợp không được sử dụng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, các kiện cáo liên quan đến việc xâm phạm quyền nhân thân chịu sự chi phối của luật chung về thời hiệu áp dụng đối với quyền khởi kiện .

3. Quyền đối với thân thể

Sự cần thiết của việc bảo vệ toàn vẹn thân thể. Thân thể vật lý là thể xác, hình hài của cá nhân. Phần lớn các quy định của pháp luật dân sự và, nói chung, của các ngành luật tư (thương mại, lao động,…) đều tập trung nói về vai trò của ý chí trong việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật. Thế nhưng, ý chí không phải là yếu tố đầu tiên xuất hiện ở chủ thể, mà cũng không phải là yếu tố cơ sở. Người mới được sinh ra chưa thể có ý chí, nhưng đã được thừa nhận có năng lực pháp luật; người không bày tỏ được ý chí của mình được pháp luật quan tâm điều chỉnh việc xử sự bằng một loạt các quy tắc đặc biệt. Suy cho cùng, tư cách chủ thể được thừa nhận một khi sự tồn tại vật chất của chủ thể được ghi nhận. Bởi vậy, người ta nói rằng thân thể vật lý là biểu hiện vật chất cần thiết cho sự tồn tại của cá nhân, là hiện thực cơ sở của cá nhân với tư cách là chủ thể quan hệ pháp luật.

4.Các quyền được bảo vệ

Bảo vệ chống sự xâm hại. Sự xâm hại thường đến từ người khác. Các ví dụ rất đa dạng: giết người, cố ý gây thương tích, hành hạ, ngược đãi,… Tuỳ mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm hại, tác giả của hành có thể bị chế tài về mặt hành chính hoặc hình sự. Trách nhiệm dân sự cũng được quy kết trong trường hợp có những thiệt hại thực tế xảy ra đối với tính mạng, sức khoẻ của người bị xâm hại. Nhưng sự xâm hại cũng có thể đến từ chính người có thân thể đó. Trên thực tế, người ta có thể hình dung các trường hợp tự huỷ hoại thân thể thậm chí tự huỷ diệt mạng sống hay còn gọi là tự sát. Luật Việt nam hiện hành không quy định trực tiếp cấm các hành vi cố ý tự xâm hại đối với thân thể hoặc tự huỷ diệt cuộc sống của mình . Chỉ trong trường hợp hành vi đó là tác nhân gây rối loạn trật tự công cộng hoặc được thực hiện nhằm mục đích lẫn tránh một nghĩa vụ đối với Nhà nước, thì tuỳ theo đương sự có lỗi hay không có lỗi và nếu có lỗi thì tuỳ theo mức độ năng nhẹ, đương sự có thể bị chế tài hành chính hoặc hình sự do hành vi gây rối hoặc do lẫn tránh thực hiện nghĩa vụ Bảo vệ chống sự lạm dụng. Lạm dụng cũng thường đến từ người thứ ba. Bóc lột sức lao động là một trong những ví dụ tiêu biểu về sự lạm dụng của người thứ ba đối với thân thể của một con người. Lạm dụng tình dục là một ví dụ khác về lạm dụng thân thể con người bởi người thứ ba. Trong khung cảnh của luật thực định, hành vi lạm dụng tình dục có thể bị chế tài về mặt hình sự và dân sự một khi có đủ yếu tố cấu thành các tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô đối với trẻ em hoặc làm nhục người khác; trong các trường hợp khác, hành vi này chỉ bị lên án về mặt đạo đức. Sự lạm dụng của bản thân. Sự lạm dụng thân thể gọi là của bản thân một khi các khả năng của thân thể bị chính người có thân thể đó khai thác một cách quá mức. Một trong những ví dụ điển hình về lạm dụng thân thể của chính bản thân là sự mại dâm. Trong luật Việt nam hiện hành, người mại dâm không bị chế tài hình sự do hành vi mại dâm, dù là mại dâm chuyên nghiệp , nhưng người này có thể bị xử lý hành chính về hành vi đó. Cần lưu ý rằng nếu việc lạm dụng khả năng sinh hoạt tình dục không kèm theo việc thu lợi ích vật chất để bị coi là mại dâm, thì đương sự thậm chí không thể bị chế tài về mặt hành chính. Nói cách khác, sống sa đoạ, đồi truỵ tự nó chưa phải là hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ mới là hành vi vi phạm đạo đức. Một trường hợp khác của sự lạm dụng thân thể do chính người có thân thể thực hiện, nhưng tính chất lạm dụng không rõ ràng lắm, là trường hợp xác lập các hợp đồng nhằm thực hiện các công việc nguy hiểm đến tính mạng. Các ví dụ rất đa dạng trong thực tiễn: hợp đồng đóng thế vai diễn viên điện ảnh trong các tình huống nguy hiểm, hợp đồng . Gọi là lạm dụng, bởi các hoat động này thường đòi hỏi việc huy động vượt quá mức bình thường các khả năng về thể chất của đương sự; bản thân các hoạt động ấy cũng không được coi là những hoạt động thích hợp với những người bình thường. Dẫu sao, trên nguyên tắc, các trường hợp lạm dụng loại này không bị coi là trái pháp luật.

5.Thực hiện các tác nghiệp y học trên thân thể

Thực hiện các biện pháp điều trị bệnh mới. Theo BLDS 32 khoản 3, việc thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể một người phải được sự đồng ý của người đó. Trên thực tế, có trường hợp việc thực hiện các biện pháp điều trị bệnh mới còn có thể mang tính chất thực nghiệm y học. Thông thường, trước khi phổ biến đại trà việc áp dụng một loại thuộc mới trong việc điều trị một bệnh nào đó, người ta tiến hành áp dụng thử một thời gian trên cơ thể một số người tự nguyện và trước đó nữa, trên cơ thể động vật sống. Tất nhiên, việc điều trị thử trên cơ thể con người chỉ có thể được thực hiện với sự đồng ý của người đó; song, vấn đề không chỉ dừng lại ở chuyện người này đồng ý hay không đồng ý. Việc dùng người sống làm đối tượng cho các thí nghiệm y học cần phải được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhà chức trách nhằm ngăn chặn, xử lý việc mua bán thân thể con người. Về phần mình, người chấp nhận là đối tượng của biện pháp thực nghiệm có thể nhắm đến các lợi ích đa dạng. Đó trước hết có thể là lợi ích về sức khoẻ của bản thân: đương sự thực sự mắc bệnh, đã cố công theo đuổi nhiều loại liệu pháp, nhưng không thành công và nay trông đợi vào biện pháp thực nghiệm này như một cơ may cuối cùng. Đó cũng có thể là lợi ích thuần tuý khoa học: đương sự không thực sự mắc bệnh; nhưng tự nguyện để cho người khác dùng cơ thể của mình để thí nghiệm việc điều trị bệnh bằng các loại dược phẩm mới.

Luật Minh Khuê ( sưu tầm và biên tập)