Mục lục bài viết
- 1. Những người sau đây không được làm chứng
- 2. Người làm chứng có quyền
- 3. Người làm chứng có nghĩa vụ
- 4. Người bào chữa cho người bị buộc tội có được làm chứng cho vụ án không?
- 5. Xác định quyền và nghĩa vụ người làm chứng trong tình huống
- 6. Xác định người không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của người làm chứng
Người làm chứng có thể trực tiếp biết các tình tiết có liên quan đến vụ án, họ cũng có thể gián tiếp biết các tình tiết đó qua người khác. Họ tham gia tố tụng để khai báo những gì họ biết về vụ án nên họ phải trực tiếp tham gia tố tụng không thể thông qua người đại diện.
1. Những người sau đây không được làm chứng
- Người bào chữa của người bị buộc tội: Người bào chữa chỉ được phép đưa ra những chứng cứ có lợi cho người bị buộc tội. Họ không thế làm chứng vì nghĩa vụ của người làm chứng là phải khai báo trung thực những gì họ biết về vụ án, nghĩa vụ đó mâu thuẫn với nghĩa vụ của người bào chữa.
- Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn: Người làm chứng phải là người có khả năng nhận thức đúng đắn về một sự việc và phải có khả năng khai báo đúng đắn về sự việc đó. Vì vậy, nếu vào thời điểm nhận thức sự việc hoặc thời điểm khai báo sự việc mà họ do có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần mà không có khả năng nhận thức hoặc khai báo đúng đắn thì họ không được làm chứng. Nếu các nhược điểm thể chất hoặc tâm thần không ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn thì họ vẫn được làm chứng.
2. Người làm chứng có quyền
- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ;
- Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe doạ: Người làm chứng có thể bị nguy hiểm hoặc chịu những hậu quả bất lợi do việc họ tham gia tố tụng và khai báo về những tình tiết của vụ án. Sự nguy hiểm về tính mạng hoặc những hậu quả bất lợi có thể do bị can, bị cáo, bị hại trong vụ án hoặc những người khác đem lại; cũng có thể những hậu quả bất lợi đó do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra. Vì vậy, người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn và các quyền, lợi ích hợp pháp của người làm chứng và không được có những hành vi làm ảnh hưởng đến tính mạng sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người làm chứng.
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
- Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
3. Người làm chứng có nghĩa vụ
- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường họp cố ỷ vắng mặt mà không vì lí do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lí do biết được những tình tiết đó.
- Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lí do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trạch nhiệm hình sự theo quy định của BẸHS.
Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.
4. Người bào chữa cho người bị buộc tội có được làm chứng cho vụ án không?
Thứ nhất, Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. (Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015).
Theo khoản 2 Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, chi tiết như sau:
"1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
2. Những người sau đây không được làm chứng:
a) Người bào chữa của người bị buộc tội;
b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn..."
Như vậy theo khoản 2 Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, Người bào chữa của người bị buộc tội không được làm chứng cho vụ án.
5. Xác định quyền và nghĩa vụ người làm chứng trong tình huống
Khách hàng: Kính thưa Luật sư, A là người làm chứng trong vụ giết người, vậy A phải có nghĩa vụ gì trong việc khai vụ giết người đó và ngược lại A có quyền gì không?
Cảm ơn!
Trả lời:
Thứ nhất, người làm chứng được quy định cụ thể tại Điều 66Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, chi tiết như sau:
Thứ nhất, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Thứ hai, pháp luật quy định về trường hợp những người sau đây không được làm chứng:
a. Người bào chữa của người bị buộc tội;
b. Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
Với câu hỏi của bạn, A là người làm chứng trong vụ giết người.
Thứ nhất, nghĩa vụ của A như sau:
- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
- Trường hợp người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
- Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.
Thứ hai, A là người làm chứng A có các quyền sau:
- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng;
- Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
- Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
6. Xác định người không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của người làm chứng
Khách hàng: Kính thưa Luật sư, B bị mất năng lực nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Nhưng vừa qua có một tai nạn dẫn đến chết người ở quê B, B cứ nói là B có nhìn thấy người cán chết H (người bị tai nạn).
Vậy lời B có đáng tin không? Và B có được là người làm chứng trong vụ án?
Cảm ơn!
Trả lời:
Thứ nhất, người làm chứng được quy định cụ thể tại Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, chi tiết như sau:
"1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
2. Những người sau đây không được làm chứng:
a) Người bào chữa của người bị buộc tội;
b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn..."
Vậy người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
Theo quy định của luật nội dung, cụ thể là Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về trường hợp này như sau:
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác, làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điểu khiển hành vi của mình và do đó họ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Như vậy, về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) dựa vào hai điều kiện:
Thứ nhất, về y học: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần ở các dạng kinh niên, tạm thời hoặc bệnh tật khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do những thay đổi trong hoạt động tinh thần mà không do bệnh tật gây ra, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng có thể được giảm nhẹ hình phạt (Điểu 46: Những trường hợp xử nhẹ, khoản 1, điểm n… người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình).
Thứ hai, về pháp lý: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành động của mình do tình trạng mắc bệnh nói trên.
Điều kiện về y học và điều kiện về pháp lý kết hợp với nhau tạo thành cơ sở của tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi giết người của ngươi mắc bệnh hoang tưởng bề ngoài tỏ ra có ý thức rõ ràng, nhưng thực chất là do họ tưởng tượng hoàn toàn sai lầm là người bị hại đang theo dõi, định ám hại họ và họ phải hành động để tự vệ. Họ không có năng lực hiểu biết và điều khiển hành vi của họ.
vậy trường hợp trên của bạn đưa ra đối với B, để B được coi là mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì B phải đạt đủ 2 điều kiện về y học và pháp lý. Nếu B đạt hai điều kiện này B sẽ không được làm người làm chứng. Bởi vì người làm chứng không thể làm một người không nhớ gì hay không biết gì (mất năng lực trách nhiệm hình sự).
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, người bị hại, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê