Mục lục bài viết
- Họ và tên
Tổng quan
1. Khái niệm.
Họ và tên là những từ ngữ dùng để chỉ định một người. Đó là danh xưng bắt buộc mà một cá nhân phải có để phân biệt với những cá nhân khác, nhất là khi được xướng lên ở nơi công cộng, để xưng hô trong hoạt động giao tiếp xã hội. Họ và tên bao gồm hai phần: họ, để chỉ định nguồn gốc gia đình; tên (đúng ra là tên và chữ lót hoặc chữ đệm), để chỉ định một người không phải là một người khác. Tất nhiên, chỉ họ và tên thôi chưa đủ để phân biệt các cá nhân trong tất cả mọi trường hợp; nhưng rõ ràng, trong hầu hết các quá trình giao tiếp phổ thông thực hiện trong khuôn khổ cuộc sống hàng ngày, họ và tên là công cụ phân biệt hữu hiệu nhất. Họ và tên. Bí danh. Bút danh. Nghệ danh. Biệt Danh. BLDS có nhắc đến bí danh, bút danh của cá nhân, nhưng không định nghĩa các cụm từ này. Các định nghĩa liên quan trong các từ điển thông dụng lại khá ngắn gọn. - Bí danh: là tên dùng thay tên thật để giữ bí mật. Bí mật, hiểu theo nghĩa rộng nhất, là tình trạng một người được che giấu tung tích không chỉ đối với nhà chức trách hoặc với đối phương, kẻ thù địch trong quan hệ chính trị, quân sự, ngoại giao, mà cả đối với những đối tác bình thường trong giao tiếp xã hội. - Bút danh: là tên ghi vào tác phẩm, bài viết, dùng làm tên tác giả. Nói chung, gọi là bút danh, tên mà một người sử dụng trong quá trình hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, dùng để xác định tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật được tạo ra. - Biệt danh: là tên riêng khác với tên vốn có.
2.Nguồn gốc của biệt danh
Nguồn gốc của biệt danh khá đa dạng. Có những người mang một đặc điểm về ngoại hình (Hoa Béo, Hùng Còi) hoặc liên quan đến một chức năng nào đó của một bộ phận cơ thể (Dũng Ngọng, Hoàng Lé); có một biệt tài nào đó (Xuân thiện xạ) , làm một nghề nào đó (Tâm Hớt Tóc); xuất xứ từ một nơi chốn nào đó (Trung Huế), một vùng miền nào đó (Cường Bắc); … Trong trường hợp sử dụng biệt danh trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tên được sử dụng được gọi là nghệ danh2 , ví dụ, nghệ danh của ca sĩ, diễn viên,… Bất kỳ người nào cũng phải có họ và tên, trong khi không phải ai cũng có bí danh, bút danh, biệt danh. Hơn nữa việc đặt họ và tên chịu sự chi phối của các quy tắc được ghi nhận cả trong luật và trong tục lệ, và được đăng ký bắt buộc trong các chứng thư hộ tịch; trong khi việc đặt bí danh, bút danh, biệt danh thường chỉ cần tuân theo các tập quán vùng hoặc nghề nghiệp, không được ghi trong chứng thư khai sinh, và không bắt buộc ghi trong các chứng thư hộ tịch khác3 . Bí danh, bút danh, biệt danh trong luật Việt Nam cũng có thể được bảo vệ, nhưng chế độ bảo vệ không được rõ ràng lắm trong khung cảnh luật thực định. Tất nhiên, để được hưởng sự bảo vệ của luật, bí danh, bút danh, biệt danh phải thoả mãn một số điều kiện, đặc biệt là các điều kiện về đạo đức, thẩm mỹ: không không có quy định rõ ràng của luật, có thể thừa nhận rằng luật không bảo vệ những bí danh, bút danh, biệt danh không phù hợp với đạo đức hoặc thuần phong mỹ tục. Luật về họ và tên. Luật về họ và tên là tập hợp các quy tắc chi phối việc đặt, thay đổi, sử dụng và bảo vệ họ và tên. Ở hầu như tất cả các nước, luật về họ và tên chủ yếu mang tính chất luật tục lệ. Tuy nhiên, người làm luật ở các nước tiền tiến có xu hướng can thiệp ngày càng sâu vào việc hoàn thiện pháp luật về họ và tên, đặc biệt về phần liên quan đến việc đặt, thay đổi và bảo vệ họ và tên. Lý do của sự can thiệp này khá đa dạng: họ và tên càng lúc càng trở nên cần thiết với tư cách là một công cụ xác định lý lịch cá nhân trong thời đại bùng nổ thông tin; họ và tên không chỉ là các giá trị đạo đức mà còn có xu hướng trở thành một giá trị tài sản;… Ở Việt Nam, luật về họ và tên cũng mang nặng dấu ấn của tục lệ. Luật viết, về phần mình, hình như lại có xu hướng phát triển ngược lại so với các nước tiền tiến. Các quy định về họ và tên xuất hiện khá nhiều trong BLDS năm 1995, nhưng BLDS năm 2005 đã cắt bỏ một số quy tắc quan trọng liên quan đến họ và tên và chỉ giữ lại một vài quy tắc mang tính nguyên tắc trong khuôn khổ xác định nội dung của hệ thống quyền nhân thân Đặc biệt, vấn đề đặt họ và tên được thực hiện như thế nào bị bỏ ngỏ trong luật thực định.
3.Ðặt họ và tên
Ðặt họ và tên là một quyền đồng thời là một nghĩa vụ đối với mỗi cá nhân. Việc đặt tên chịu sự chi phối của những nguyên tắc riêng so với việc đặt họ.
4. Quyền được đặt họ và tên
Mỗi người có quyền có họ và tên. Nguyên tắc này được chính thức thừa nhận trong luật viết (BLDS Ðiều 26 khoản 1). Quyền có họ và tên được hiểu như quyền được gọi, được xưng hô, quyền tự xưng bằng họ và tên, trong quan hệ với người khác, quyền được phân biệt của một cá nhân với các cá nhân khác. Để thực thi quyền đó, cá nhân tự xưng bằng họ tên của mình trong các hoạt động giao tiếp xã hội; viết và ký tên của mình trong các chứng thư pháp lý. Việc sử dụng họ và tên còn được thực hiện trong cuộc sống dân sự phổ thông, không mang tính pháp lý, như trong quan hệ gia đình, quan hệ bè bạn, quan hệ xã giao Quyền có họ và tên không mất đi do thời hiệu, cũng không được xác lập vĩnh viễn do thời hiệu. Một người không sử dụng họ và tên của mình một cách liên tục trong thời gian dài vẫn bảo tồn đầy đủ quyền có họ và tên không được sử dụng đó . Việc một người sử dụng họ và tên không phải là thật của mình liên tục trong một thời gian dài không thể làm cho họ và tên đó trở thành họ và tên thật. Không chỉ có quyền có họ và tên, mỗi người còn có quyền đối với họ và tên của mình. Trong chừng mực nào đó, quyền đối với họ và tên có những đặc điểm của quyền sở hữu5 : người có một họ và tên có thể yêu cầu được bảo vệ, trong trường hợp họ và tên của mình bị một người khác sử dụng. Họ và tên còn được bảo vệ như những giá trị tinh thần: người có một họ và tên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp họ và tên của mình bị bôi nhọ. Tất cả những vấn đề này sẽ được xem xét chi tiết trong khuôn khổ các phân tích liên quan đến quyền nhân thân.
5.Nghĩa vụ được đặt họ và tên
Mỗi người có nghĩa vụ có họ tên. Tương ứng với quyền có họ và tên, mỗi người có nghĩa vụ có họ và tên. Nghĩa vụ có họ và tên được xác lập chủ yếu trong mối quan hệ giữa cá nhân và Nhà nước: cá nhân phải có họ và tên, vì điều đó cần thiết cho việc quản lý dân cư, cho việc quản lý hộ tịch và lý lịch tư pháp của cá nhân. Như đã nói, họ tên của một người là công cụ phân biệt người đó với những người người khác. Việc phân biệt con người, về phần mình, là một trong những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và vận hành của xã hội có tổ chức6 . Sự phân biệt chỉ có thể được thực hiện một khi mỗi người có họ và tên xác định. Bởi vậy, mỗi người có trách nhiệm mang họ và tên. Họ tên mà một người có nghĩa vụ phải mang, hiểu theo nghĩa rộng nhất bao gồm họ tên thật, bí danh, biệt danh, bút danh, thậm chí,… họ tên giả.
Họ tên thật và họ tên giả. Những khái niệm có vẻ rất thông thường, lại trở nên đặc biệt phức tạp khi được xây dựng ở góc độ pháp lý. Họ tên thật là gì ? Theo BLDS Điều 26 khoản 1, họ tên của một người được xác định theo họ tên khai sinh của người đó. Vậy có nghĩa rằng họ tên thật của một người là họ tên được ghi nhận trên giấy khai sinh của người này. Điều 26 khoản 2 quy định rằng cá nhân xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự theo họ tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Điều này cho phép nghĩ rằng việc ghi nhận họ và tên của một người trên giấy khai sinh mang ý nghĩa của việc Nhà nước (tức là pháp luật) công nhận việc đương sự mang họ và tên ấy. Tóm lại, họ và tên thật của một người là họ và tên được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và được ghi nhận trên giấy khai sinh của người đó. Áp dụng phương pháp suy lý ngược đối với định nghĩa đó, ta xây dựng định nghĩa về họ và tên giả: đó là họ và tên không được ghi nhận trên giấy khai sinh hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Cần nhấn mạnh rằng họ và tên giả trước hết phải là họ và tên, nghĩa là một cụm từ dùng để xưng hô có cấu trúc của họ và tên. Nếu một người có giấy khai sinh, thì có thể biết trong trường hợp người đó không sử dụng họ tên thật. Còn nếu một người không có giấy khai sinh, việc xác định họ tên thật, họ tên giả của người đó sẽ rất khó khăn trong khung cảnh cũa luật thực định, do khái niệm "họ và tên được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận" trở nên mập mờ trong trường hợp này Sử dụng họ và tên thật. Nhắc lại rằng theo BLDS Ðiều 26 khoản 2, cá nhân xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Thực ra, cá nhân có nghĩa vụ sử dụng họ và tên thật của mình không chỉ trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự. Cá nhân chỉ được phép sử dụng họ và tên khác, không phải là họ và tên được ghi trong chứng thư khai sinh, trong những trường hợp mà luật không cấm. Ðặc biệt, họ và tên thật phải được sử dụng trong các giấy tờ giao dịch với cơ quan Nhà nước. Song, nguyên tắc sử dụng họ và tên thật, được thiết lập như trên, không cứng nhắc. Tục lệ Việt Nam thừa nhận rằng người phụ nữ có chồng sẽ mang họ và tên chồng trong quan hệ với người ngoài gia đình. Tục lệ này có nguồn gốc trong chế độ phụ quyền áp dụng đối với gia đình Việt Nam cổ xưa: người cha trong gia đình là người duy nhất có quyền đại diện cho gia đình trước người thứ ba . Tục lệ hiện đại không còn coi việc người vợ mang tên chồng như là một nghĩa vụ, nhưng tiếp tục thừa nhận quyền của người vợ sử dụng tên chồng trong các giao dịch xác lập với người ngoài gia đình. Có trường hợp người vợ mang tên chồng cả khi tham gia vào các hoạt động chính trị hoặc các hoạt động của bộ máy Nhà nước, chứ không chỉ khi xác lập các giao dịch dân sự hoặc thương mại. Một khi người phụ nữ được xã hội biết đến dưới họ tên chồng nhiều hơn dưới họ tên thật, thì tục lệ chấp nhận rằng họ tên chồng cũng là họ tên thật của người phụ nữ đó trong quan hệ xã hội. Trong một số trường hợp đặc biệt, người phụ nữ nổi tiếng dưới tên chồng có quyền xác lập các giao dịch pháp lý dưới tên đó. Sử dụng họ tên giả. Cá nhân có nghĩa vụ có họ tên và phải sử dụng họ tên thật của mình trong các trường hợp do pháp luật quy định. Vậy có nghĩa rằng cá nhân có quyền sử dụng họ tên giả trong tất cả các trường hợp mà pháp luật không buộc sử dụng họ tên thật. Nói cách khác, cá nhân có quyền tự do sử dụng họ tên giả, trừ các trường hợp pháp luật buộc sử dụng tên thật. Các trường hợp sử dụng tên giả mang tính chất vi phạm pháp luật được ghi nhận chủ yếu trong luật hình sự. Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp sử dụng giấy tờ tuỳ thân không phải của mình trong các giao dịch có tính pháp lý9 . Cũng gọi là sử dụng tên giả mang tính chất vi phạm pháp luật, việc một người khai một tên khác không phải là tên khai sinh của mình, như là tên thật, trong các giấy tờ giao dịch mà việc khai họ và tên thật là cần thiết để xác định lai lịch của chủ thể quyền hoặc chủ thể nghĩa vụ trong một quan hệ pháp luật. Các trường hợp sử dụng tên giả không có tính chất vi phạm pháp luật không thể được liệt kê trong một danh sách, do hiệu lực của quyền tự do sử dụng họ tên giả. Chắc chắn, cá nhân có quyền sử dụng họ và tên giả trong tất cả các giao dịch không mang tính pháp lý: quan hệ bè bạn, quan hệ yêu đương, giao tiếp mang tính chất qua đường giữa những người không quen biết;…Thậm chí, trong các giao dịch mang tính pháp lý, việc sử dụng tên giả cũng có thể được thực một cách hợp pháp một khi người giao dịch có nghĩa vụ khai họ tên, nhưng người cùng giao dịch lại không có quyền kiểm tra tính xác thực của lời khai đó. Sử dụng bí danh, bút danh của người nổi tiếng. Trong chừng mực nào đó, ta nói rằng sử dụng bí danh, bút danh,… cũng chỉ là những trường hợp đặc thù của việc sử dụng họ tên giả. Có những nhân vật được xã hội nhận biết bằng bí danh, bút danh nhiều hơn bằng họ và tên thật. Trong trường hợp này, luật (đúng ra là thực tiễn áp dụng pháp luật) cho phép cá nhân sử dụng bí danh, bút danh khi thực hiện các hoạt động trong những lĩnh vực mà do những hoạt động trong lĩnh vực đó, đương sự trở nên nổi tiếng dưới bí danh, bút danh của mình, bao gồm cả các hoạt động mang tính giao dịch pháp lý. Ví dụ: nhà hoạt động chính trị, nhà hoạt động xã hội, khi giữ một chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước hoặc trong các thiết chế chính trị, xã hội, có thể ký bí danh, bút danh của mình trong văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản giao dịch chính thức của tổ chức. Không sử dụng họ tên. Việc sử dụng họ tên được coi là một nghĩa vụ trong các trường hợp mà danh tính của cá nhân cần được làm rõ. Điều đó cũng có nghĩa rằng trong các trường hợp không bị ràng buộc vào một nghĩa vụ pháp lý nào, cá nhân có quyền giao dịch mà không cần làm rõ danh tính của mình. Ví dụ điển hình là trường hợp tặng cho quỹ từ thiện của người không muốn nêu họ tên. Suy cho cùng, chính việc giao dịch mà không sử dụng họ tên lại được cá nhân thực hiện trong cuộc sống hàng ngày nhiều hơn các giao dịch cần sử dụng họ tên. Có thể hình dung: khi vào siêu thị mua hàng, gọi taxi để di chuyển, vào hàng quán để ăn uống,…, cá nhân có thể hoàn toàn vô danh đối với người bán hàng, người lái taxi, dù các giao dịch được xác lập vẫn có đầy đủ tính pháp lý và vẫn phát sinh hiệu lực: người mua, người yêu cầu dịch vụ trả tiền và người bán, người cung ứng dịch vụ giao hàng hoặc thực hiện dịch vụ. Nếu giao dịch diễn ra suôn sẻ, các bên có thể không bao giờ (và cũng không cần) biết rõ lai lịch của nhau. Nói chung, cá nhân có quyền tự do không để lộ danh tính của mình không các mối quan hệ mang tính kết ước hoặc trong việc công bố một tác phẩm, miễn là việc đó không gây phương hại đến lợi ích chung và lợi ích chính đáng của người khác.
Luật Minh Khuê ( sưu tầm và biên tập)