Kính thưa luật sư, xin luật sư cho biết hiện tại pháp luật lao động quy định như thế nào về quy trình mà người sử dụng lao động áp dụng để điều tra, xác minh hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động trong doanh nghiệp để làm căn cứ tiến hành xử lý kỷ luật lao đông? Trong quá trình điều tra, xác minh này vấn đề có thể mang đến rủi ro cho doanh nghiệp nhất là gì? Doanh nghiệp cần lưu ý gì để hạn chế tốt nhất những rủi ro đó? Mong nhận được tư vấn thấu đáo từ luật sư. Tôi xin cảm ơn!

Người hỏi: Đặng Trung - Hà Nội

1. Cơ sở pháp lý về xử lý kỷ luật lao động

- Bộ luật lao động năm 2019

- Nghị định 145/2020/NĐ-CP

- Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015

- Bộ luật tố tụng hình sự 2015

- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017

2. Quy trình điều tra, xác minh hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động trong doanh nghiệp

Điểm a khoản 1 Điều 122 Bộ luật lao động 2019 quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ chứng minh lỗi của người lao động khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm. Ngoài ra Bộ luật lao động không quy định về quy trình, thủ tục điều tra nội bộ của người sử dụng lao động nếu doanh nghiệp cần điều tra, xác minh hành vi vi phạm của người lao động trước khi có kết luận và tiến hành xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Vì vậy, tùy theo tình hình hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ tự xây dựng một quy trình điều tra nội bộ riêng cho doanh nghiệp với điều kiện là quy trình đó không trái với các quy định của pháp luật có liên quan.

Quy trình, thủ tục điều tra nội bộ của người sử dụng lao động cũng chỉ nhằm mục đích thu thập các chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm nội quy lao động của người lao động, từ đó làm cơ sở tiến hành xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. 

Rủi ro pháp lý nhiều nhất trong quy trình điều tra nội bộ của doanh nghiệp chính là làm sao để các chứng cứ thu thập được có giá trị pháp lý mà không trái với các quy định pháp luật liên quan/ xâm phạm quyền lợi của người lao động.

Trong thực tiễn, để đảm bảo các chứng cứ điều tra là xác thực và mang tính pháp lý cao, được cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đánh giá là chứng cứ hợp pháp nếu có xảy ra tranh chấp lao động với người lao động, thì người sử dụng lao động cần lưu ý không nên lựa chọn cách thức điều tra không có đủ căn cứ pháp lý (như thuê thám tử điều tra) mà nên liên hệ để có những buổi làm việc với những người lao động vó liên quan hoặc những người chứng kiến/ biết về vụ việc và phải lập biên bản ghi nhận các buổi làm việc đó hoặc có thể yêu cầu những người này lập và cung cấp bản tưởng trình/bản khai về sự việc và tập hợp lại làm căn cứ chứng minh xử lý kỷ luật lao động. Ngoài ra, hiện nay có một phương thức hợp pháp củng cố/làm tăng độ tin cậy cho các tài liệu đã được thu thập đó là thừa phát lại, doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn trong quá trình điều tra, thu thập, xác minh chứng cứ.

3. Phát hiện NLĐ có hành vi trộm cắp tài sản công ty thì phải tố giác sự việc với cơ quan công an nào?

Thưa luật sư, công ty tôi có trụ sở sản xuất tại Quế Võ, Bắc Ninh, vừa qua theo thông tin từ phòng giám sát chúng tôi có tiếp nhận thông tin một số người lao động có hành vi trộm cắp nguyên vật liệu của công ty để tuồn ra ngoài bán lấy tiền. Trường hợp này công ty chúng tôi muốn tố giác vụ việc cho công an điều tra, xử lý thì phải tới trình báo ở cơ quan công an nào để đảm bảo được thụ lý, giải quyết? Nếu hết thời hạn điều tra mà cơ quan công an không có thông báo kết quả điều tra thì công ty tôi phải làm bước gì tiếp theo? Mong nhận được tư vấn từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người hỏi: Nguyễn Diễm - Bắc Ninh

3.1. Thẩm quyền điều tra

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 122 và Điều 125 Bộ luật lao động thì cơ quan nhà ước có thẩm quyền tiến hành điều tra đối với người lao động nào có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động của doanh nghiệp. Theo đó, có thể thấy đối với những hành vi vi phạm của người lao động mang tính chất nghiêm trọng ngoài bị xử lý kỷ luật lao động thì còn phải gánh chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Điều đó đồng nghĩa rằng, trong những trường hợp như vậy, người sử dụng lao động có quyền đề nghị cơ quan điều tra hình sự tiến hành điều tra để thu thập chứng cứ và kết luận về hành vi vi phạm của người lao động.

Theo quy định tại Điều 5 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra được tổ chức theo 03 cấp: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh và Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Nhiệm vụ của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện là tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân. Đối chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 268 và Điều 269 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện trừ những tội phạm: (i) các tội xâm phạm an ninh quốc gia; (ii) Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; (iii) các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự; (iv) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, trong rường hợp của quý khách, khi phát hiện hành vi trộm cắp của người lao động trong công ty, công ty có quyền gửi đơn yêu cầu Công an điều tra Huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh giải quyết.

3.2. Thời hạn điều tra

Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự, thời hạn điều tra vụ án hình sự sẽ không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiệm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Nếu xét thấy vụ án có tính chất phức tạp, thời hạn điều tra có thể được gia hạn thêm như sau:

- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;

- Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 02 lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;

- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 02 lần, mỗi lần không quá 04 tháng;

- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 03 lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Sau khi hết thời hạn điều tra và thời hạn điều tra được gia hạn (nếu có) nêu trên, cơ quan điều tra có thẩm quyền phải ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra để kết thúc việc điều tra theo quy định. Nếu cơ quan điều tra vẫn không ra được bản kết luận điều tra sau thời hạn này, người sử dụng lao động có thể xem xét gửi công văn khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên của cơ quan đó.

Công ty chờ kết luận điều tra đề nghị truy tố của cơ quan điều tra để có căn cứ tiến hành tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động. Trường hợp nếu kết luận của cơ quan điều tra không chỉ ra được các cơ sở để chứng minh hành vi của người lao động cấu thành tội phạm thì công ty sẽ không thể tiến hành xử lý kỷ luật lao động đối với hành vi của người lao động mà công ty đã đề nghị cơ quan công an điều tra trước đó.

3.3. Kết luận

Như vậy, kết luận lại, sẽ có những vấn đề như sau:

- Công ty quý khách sẽ có quyền gửi đơn tố giác tội phạm tới Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ để tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ xác minh vụ việc;

- Trường hợp hết thời hạn điều tra mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ không ra bản kết luận điều tra gửi cho công ty quý khách thì công ty có quyền tiến hành bước khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để được giải quyết.

- Trường hợp Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Quế Võ ra kết luận điều tra xác định có hành vi phạm tội và truy tố thì công ty quý khách trên cơ sở kết luận điều tra tiến hành tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đối với những người lao động có hành vi trộm cắp này.

Cuối cùng, lưu ý quý khách cần tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật lao động và hướng dẫn tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP để việc xử lý kỷ luật lao động không bị rơi vào trường hợp vi phạm quy định pháp luật dẫn tới quyết định xử lý kỷ luật lao động không có hiệu lực.

1900.6162

Luật Minh Khuê (Tổng hợp và phân tích)