Mục lục bài viết
1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách "Phán quyết điển hình của cơ quan tài phán quốc tế – Tóm tắt và bình luận" (Tài liệu dành cho môn Công pháp quốc tế) do TS. Trần Thăng Long làm chủ biên cùng sự tham gia biên soạn của: PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương; ThS. Nguyễn Thị Vân Huyền và ThS. Hà Thị Hạnh.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Phán quyết điển hình của cơ quan tài phán quốc tế – Tóm tắt và bình luận
Tài liệu dành cho môn công pháp quốc tế
TS. Trần Thăng Long (Chủ biên)
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật
3. Tổng quan nội dung sách
Các cơ quan tài phán quốc tế là nhóm cơ quan giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế thông qua cơ chế xét xử các vụ kiện giữa các quốc gia; cơ chế cho ý kiến tư vấn theo yêu cầu của một số tổ chức như Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một số cơ quan khác theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Các cơ quan tài phán quốc tế tiêu biểu như Tòa án Công lý Quốc tế tập trung xét xử và cho ý kiến tư vấn đối với các vụ kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực luật pháp quốc tế như luật biển, phân định biển, quan hệ ngoại giao, lãnh sự, giải thích điều ước quốc tế… Quá trình nghiên cứu nội dung có liên quan đến luật quốc tế, các bản án, phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế luôn được xác định là những dẫn chứng, ví dụ thực tế minh họa cho việc áp dụng quy tắc luật quốc tế trong thực tiễn.
Trong hệ thống các giáo trình luật và tài liệu nghiên cứu pháp lý của nhiều nước, án lệ luôn chiếm một tỷ lệ đáng kể và trong thực tế, sự thành công trong việc nghiên cứu các vấn đề pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào việc tìm hiểu và vận dụng các án lệ. Trong khoa học luật quốc tế, án lệ đóng một vai trò hết sức quan trọng, không những là sự tổng kết của quá trình vận dụng pháp luật vào hoạt động xét xử của các thẩm phán mà còn là phương tiện quan trọng để xác định các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế và là cơ sở vật chất cho quá trình hình thành, phát triển của hệ thống pháp luật quốc tế. Mặc dù vậy, ở Việt Nam, án lệ thường được tiếp cận như một loại nguồn bổ trợ của bộ môn Luật quốc tế và việc vận dụng án lệ vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy luật quốc tế vẫn còn tương đối hạn chế.
Nghiên cứu luật quốc tế nói chung và nghiên cứu các án lệ trong luật quốc tế nói riêng có ý nghĩa thực tiễn trong tình hình hiện nay, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, bảo hộ công dân… được xét xử bởi các cơ quan tài phán quốc tế, tiêu biểu là Tòa án Công lý Quốc tế. Những án lệ về vấn đề này không chỉ làm sáng tỏ nội dung của quy phạm pháp luật quốc tế mà còn là bằng chứng thực tiễn được sử dụng như những phương thức giải thích điều ước quốc tế. Việc vận dụng luật pháp quốc tế trong đàm phán, thương lượng, đấu tranh về chủ quyền không chỉ dựa vào việc phân tích luật thực định mà còn phải dựa vào các nguồn bổ trợ khác như các án lệ.
Các giáo trình luật quốc tế hiện hành của Việt Nam nhìn chung cung cấp nội dung khá đầy đủ về học thuật nhưng hầu như chưa đưa ra được các ví dụ thực tế từ các vụ việc xét xử, do đó tính thuyết phục đối với sinh viên, học viên chưa cao. Án lệ của các cơ quan tài phán quốc tế có thể đóng vai trò như những bài tập (vụ việc) tình huống giúp sinh viên nắm kiến thức bài giảng tốt và hiệu quả hơn. Việc đưa các án lệ vào trong giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy là cần thiết giúp cho chương trình đào tạo chuyên ngành luật nói chung, luật quốc tế nói riêng trở nên gần gũi với sinh viên và giúp sinh viên tiếp cận sát hơn với thực tiễn pháp luật của các nước. Thêm vào đó, việc được làm quen với các án lệ ngay từ bậc học cử nhân giúp cho sinh viên và cán bộ nghiên cứu của Việt Nam khi ra nước ngoài không mất nhiều thời gian để tìm hiểu hoặc học lại từ đầu các khái niệm, các án lệ, cũng như có khả năng thực hành nghiên cứu (case study) – một phương pháp phổ biến ở các nền giáo dục tiên tiến.
Đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy là một vấn đề cấp bách và cần quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ sở đào tạo luật học ở Việt Nam, trong đó có nghiên cứu áp dụng phương pháp giảng dạy của nước ngoài bao gồm cả việc giới thiệu các án lệ, nhằm cung cấp cho bạn đọc những nội dung cơ bản về các phán quyết, kết luận tư vấn của các cơ quan tài phán quốc tế, tập thể giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh do TS. Trần Thăng Long làm chủ biên đã biên soạn cuốn sách “Phán quyết điển hình của cơ quan tài phán quốc tế – Tóm tắt và bình luận (Tài liệu dành cho môn Công pháp quốc tế)” phục vụ cho môn học Công pháp quốc tế – là môn học bắt buộc của Khoa Luật quốc tế, cũng như phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy các môn thuộc chuyên ngành luật quốc tế khác như luật biển quốc tế, pháp luật về lãnh thổ và biên giới quốc gia, luật quốc tế về quyền con người.
Cuốn sách có cấu trúc gồm 03 chương:
Chương 1: Những vấn đề chung của luật quốc tế;
Chương 1 cung cấp cho người đọc các vụ việc tiêu biểu nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu các vấn đề lý luận cơ bản của uật quốc tế, trong đó chia thành 03 nhóm vụ việc
Nhóm thứ nhất bao gồm các vụ việc làm rõ về bản chất của quan hệ quốc tế, đối tượng điều chỉnh của luật quốc tế, việc hình thành nghĩa vụ pháp lý ràng buộc trong trường hợp những tuyên bố đơn phương mà quốc gia đưa ra thể hiện rõ ý định là sẽ có giá trị ràng buộc; và việc xác định thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế dựa trên cơ sở ý chí của chủ thể đang tranh chấp.
Nhóm thứ hai cung cấp cho người đọc các vụ việc liên quan đến cơ sở xác định các tiêu chí cấu thành quốc gia, chủ thể cơ bản và chủ yếu của luật quốc tế; các vụ việc liên quan đến bản chất pháp lý, đặc điểm và quyền năng của tổ chức quốc tế liên chính phủ - chủ thể phái sinh của luật quốc tế bên cạnh các quốc gia.
Nhóm thứ ba bao gồm các vụ việc về bản chất và nguyên tắc bảo đảm cho sự vận hành của hệ thống pháp luật điều chỉnh.
Chương 2: Nguồn của luật quốc tế;
Chương 3: Một số lĩnh vực điều chỉnh cơ bản của luật quốc tế.
4. Đánh giá bạn đọc
Cuốn sách là công trình nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống của các tác giả, trong đó tập hợp một số vụ việc, phán quyết mang tính chất “điển hình” của các cơ quan tài phán quốc tế, với các bình luận, phân tích và đánh giá về từng vụ việc. Cuốn sách giúp trang bị thêm kiến thức lý luận về luật quốc tế; góp phần tăng cường khả năng vận dụng, soi chiếu quy định của luật quốc tế trong thực tiễn xét xử cho những người hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại, pháp luật quốc tế, các luật sư và bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị dành cho môn Công pháp quốc tế của các cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
5. Kết luận
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách: "“Phán quyết điển hình của cơ quan tài phán quốc tế – Tóm tắt và bình luận".
Luật Minh Khuê chia sẻ dưới đây một số nội dung cơ bản về đối tượng điều chỉnh và nguồn của Luật quốc tế để bạn đọc tham khảo thêm:
Pháp luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực vủa đời sống quốc tế. Đó là các nguyên tắc và quy phạm áp dụng chung mà không có sự phân biệt về tính chất, hình thức hay vị thế của từng quốc gia khi thiết lập quan hệ quốc tế giữa những chủ thể này với nhau.
Pháp luật quốc tế được coi là hệ thống pháp luật, gồm nhiều ngành luật cấu thành Luật Nhân đạo quốc tế; Luật Hàng không dân dụng quốc tế; Luật Ngoại giao và lãnh sự; Luật Tổ chức quốc tế; Luật quốc tế về môi trường…
Đối tượng điều chỉnh của Luật quốc tế là: những quan hệ pháp lý quốc tế phát sinh giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau; những quan hệ này có nhiều mặt nhưng chủ yếu là những quan hệ mang tính chính trị và được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế.
Nguồn của luật quốc tế là những hình thức có chứa đựng những nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế được thể hiện dưới hình thức văn bản do các chủ thể quan hệ pháp lý quốc tế thỏa thuận xây dựng nên hoặc các tập quán quốc tế, được hình thành từ thực tiễn đời sống quốc tế, được các chủ thể thừa nhận một cách rộng rãi.
Căn cứ vào tính chất pháp lý chung và sự thỏa thuận của các chủ thể, có thể chia nguồn của luật quốc tế thành hai loại: nguồn cơ bản và nguồn hỗ trợ.
Nguồn cơ bản của pháp luật quốc tế: Là nguồn chứa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế có giá trị ràng buộc đối với các chủ thể của quan hệ pháp luật quốc tế, bao gồm: điều ước quốc tế và tập quán quốc tế.
Nguồn hỗ/bổ trợ của luật quốc tế: Về nguyên tắc, nguồn hỗ trợ không phải là hình thức biểu hiện trực tiếp các quy phạm và nguyên tắc của pháp luật quốc tế mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình hình thành các quy phạm của pháp luật quốc tế. Nguồn hỗ trợ gồm có:
- Phán quyết của tòa án, trọng tài quốc tế.
- Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên Chính phủ.
- Những nguyên tắc pháp luật chung được thừa nhật.
- Các học thuyết và tác phẩm khoa học pháp lý của các luật gia nổi tiếng; pháp luật quốc gia.