1. Khái quát chung về ITLOS 

Tranh chấp quốc tế là một vấn đề thời sự khá nóng bỏng hiện nay. Chính vì vậy, việc thiết lập và duy trì hệ thống các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp là một nhu cầu bức thiết được đặt ra trong đời sống quốc tế. Mọi tranh chấp quốc tế có thể được giải quyết thông qua những cách thức, biện pháp khác nhau và đạt được những thành tựu to lớn. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Toà án Luật biển quốc tế. Bằng những hành động thực tế của mình, Toà án Luật biển quốc tế đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố, duy trì luật pháp quốc tế, tạo nên một môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng cho các quốc gia.Tòa án Quốc tế về Luật Biển được coi là mắt xích quan trọng trong hệ thống giúp giải quyết mâu thuẫn về cách diễn giải hoặc áp dụng UNCLOS. 

1.1. Khái niệm ITLOS

Toà án Luật biển quốc tế thành lập ngày 1/8/1996 theo quy định của Phụ lục VI về Quy chế của Toà án Luật biển kèm theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Trụ sở chính của Toà đặt tại Thành phố Hăm – buốc, CHLB Đức. Toà án Luật biển quốc tế là thiết chế tài phán quốc tế, được thành lập để thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực luật biển bằng trình tự, thủ tục tư pháp, phù hợp với quy định của Công ước 1982 và quy chế của Toà. Toà án Luật biển quốc tế là một trong số cơ quan tài phán có chức năng giải quyết những loại tranh chấp nhất định thuộc lĩnh vực luật biển.

1.2. Cơ cấu tổ chức của ITLOS 

Số thành viên của Toà án Luật biển quốc tế gồm 21 thành viên. Nhiệm kỳ của các thành viên là 9 năm và họ đều có quyền tái cử, ở cuộc bầu cử đầu tiên 7 người sẽ mãn nhiệm sau 3 năm, 7 người sẽ mãn nhiệm sau 6 năm và họ được chỉ định qua rút thăm do Tổng thư ký Liên hợp quốc thực hiện ngay sau cuộc bầu cử đầu tiên.

Phụ lục VI của UNCLOS quy định ITCLOS phải bao gồm ít nhất ba thẩm phán từ mỗi nhóm khu vực do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phân chia. Có 5 nhóm khu vực là châu Á – Thái Bình Dương, châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe, Đông Âu, Tây Âu và các nước khác. Việc bầu thành viên mới được tổ chức ba năm một lần đối với 1/3 số thẩm phán của ITLOS theo hình thức bỏ phiếu kín. Thành phần của tòa án phải đại diện cho các hệ thống pháp lý chủ yếu trên thế giới, đảm bảo phân bố công bằng về mặt địa lý.

Cơ cấu Toà án Luật biển quốc tế bao gồm một Chánh án, một Phó Chánh án do các thành viên của Toà bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm và có thể tái đắc cử. Toà bầu ra Thư ký của Toà và viên chức khác nếu thấy cần thiết. Trong thành phần của Toà án Luật biển quốc tế còn có Viện giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến đáy biển, bao gồm 11 thành viên do Toà lựa chọn trong số 21 thành viên đã được bầu của Toà.

1.3. Địa vị pháp lý

Quy chế của toà án quốc tế về luật biển được ghi nhận trong Phụ lục VI - bộ phận cấu thành Công ước luật biển 1982. Công ước luật biển 1982 cũng quy định những trường hợp ngoại lệ mà quốc gia thành viên không có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp theo cơ chế bắt buộc, trong đó có cơ chế tòa án (Điều 298 Công ước 1982).

Tòa án quốc tế về luật biển là thiết chế tài phán quốc tế, một cơ quan tư pháp độc lập, được thành lập để thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực Luật biển bằng trình tự, thủ tục tư pháp, phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển 1982 và Quy chế Tòa án. Tòa án quốc tế về Luật Biển là một trong số cơ quan tài phán có chức năng giải quyết những loại tranh chấp nhất định thuộc lĩnh vực Luật Biển.

Cũng như các Tòa án khác trong hệ thống pháp luật quốc tế, thông qua các hoạt động chức năng Tòa án quốc tế về Luật Biển là một trong những cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực xây dựng và thực thi Luật biển quốc tế nói riêng và luật quốc tế nói chung. Ngoài chức năng giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực Luật Biển, Tòa còn có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển hiện đại Luật biển quốc tế

Xét theo nguyên lý chung về tổ chức và hoạt động của Tòa án, Tòa án quốc tế về Luật Biển có sự kế thừa những Tòa án quốc tế đã và đang tồn tại trong hệ thống pháp luật quốc tế, điển hình là Tòa án quốc tế - được thành lập trong khuôn khổ Hiến chương Liên Hợp Quốc. Một số vấn đề pháp lý có sự kế thừa như: tính độc lập trong hoạt động xét xử của Thẩm phán đối với quốc gia mà họ là công dân để đảm bảo sự công bằng trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ cấu thành phần Thẩm phán dựa trên yếu tố vị trí địa lý để đảm bảo sự bình đẳng giữa các nước thành viên trong việc tham gia vào các hoạt động của Tòa, các tiêu chí liên quan đến đạo đức, trình độ, năng lực của người được đề cử và bầu vào chức danh Thẩm phán. 

Quyết định của Toà án có tính chất chung thẩm, các bên tranh chấp phải có nghĩa vụ tuân thủ và Tòa án Quốc tế về Luật Biển được coi là mắt xích quan trọng trong hệ thống giúp giải quyết mâu thuẫn về cách diễn giải hoặc áp dụng UNCLOS.

2. Chức năng Tòa án Quốc tế về Luật biển

- Chức năng giải quyết tranh chấp

Tòa án Luật biển là thiết chế tài phán quốc tế, một cơ quan tư pháp độc lập, được thành lập để thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực Luật biển bằng trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của Công ước Luật biển 1982 và Quy chế Tòa án. Tòa ITLOS có thể giải quyết tranh chấp giữa quốc gia và tổ chức quốc tế là thành viên của Công ước. ( Điều 21 Quy chế tòa án Quốc tế về Luật biển; Điều 287, 288 UNCLOS)

- Chức năng tư vấn pháp lý

Tòa án Luật biển có chức năng đưa ra các ý kiến tư vấn khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thông qua 2 thiết chế: Tòa ITLOS đầy đủ và Viện giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển. ITLOS có thể cho ý kiến tư vấn đối với câu hỏi pháp lý được các quốc gia thống nhất đưa lên Tòa trên cơ sở một điều ước quốc tế nội dung phù hợp với mục đích của UNCLOS. ( Điều 191 UNCLOS; Điều 21 Quy chế tòa án Quốc tế về Luật biển;  Điều 138 Nội quy của ITLOS)

3. Đặc điểm về thẩm quyền của ITLOS 

ITLOS được coi là một phần quan trọng trong hệ thống giải quyết tranh chấp toàn diện mà các nước thành viên UNCLOS đã nhất trí tuân thủ nhằm xử lý bất đồng. Quyền tài phán của ITLOS bao gồm tất cả tranh chấp liên quan tới cách diễn giải và áp dụng UNCLOS, như việc phân định ranh giới trên biển hay tư vấn pháp lý về mục đích của Công ước.

ITLOS cũng có đặc điểm chung về thẩm quyền giống với các thiết chế khác :

  • Toà không có thẩm quyền đương nhiên mà chỉ có khi các bên thỏa thuận trao thẩm quyền cho tòa, bởi thẩm quyền của Tòa được phát sinh từ những yêu cầu, hành động của các quốc gia, các tổ chức QT nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình.
  • Tòa ITLOS có hai thẩm quyền chính: giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và cho ý kiến tư vấn. Ngoài ra Tòa còn có các thẩm quyền phái sinh như thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh.

Theo đó, Thẩm quyền của ITLOS được xác lập thông qua những phương thức khác nhau thông qua các tuyên bố đơn phương, các thỏa thuận hoặc theo từng vụ việc, Cụ thể: 

  • Thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Theo Điều 21 Quy chế của ITLOS quy định: Tòa án có thẩm quyền đối với tất cả các vụ tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đưa ra Tòa án theo đúng Công ước và đối với tất cả các trường hợp được trù định rõ trong mọi thỏa thuận khác, giao thẩm quyền cho Tòa án.”Như vậy, ITLOS có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển. 
  • Thẩm quyền đưa ra các kết luận tư vấn. Theo Điều 138 khoản 1 của Quy chế, Tòa có thể đưa ra kết luận tư vấn về một vấn đề pháp lý nếu một thỏa thuận quốc tế liên quan đến mục đích của Công ước có quy định đặc biệt về việc đệ trình lên Tòa yêu cầu có được một kết luận tư vấn như vậy. Có thể thấy, Kể từ khi UNCLOS có hiệu lực vào năm 1994 tới nay, 29 vụ đã được đệ trình lên ITLOS, bao gồm cả tranh chấp và tư vấn, liên quan đến một loạt vấn đề pháp lý, từ phân định ranh giới trên biển, cải tạo đất đến nêu ý kiến về trách nhiệm và nghĩa vụ quốc gia. 
  • Thẩm quyền xác định, thay đổi hoặc hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp tạm thời. Tòa ITLOS có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 290: “Nếu một tranh chấp được đệ trình đúng thủ tục lên một tòa mà tòa đó xét thấy có thẩm quyền prima facia … tòa có thể đưa ra bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào mà tòa thấy phù hợp với hoàn cảnh nhằm bảo đảm quyền của các bên trong tranh chấp hoặc ngăn ngừa tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, trong khi chờ phán quyết cuối cùng.” Biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa ITLOS áp dụng có thể giống, khác hoàn toàn hoặc một phần so với biện pháp được các bên yêu cầu. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực ràng buộc các bên, “tạo ra nghĩa vụ pháp lý mà các bên phải tuân thủ”. Ngoài những vụ việc đang được Tòa ITLOS thụ lý giải quyết, Tòa còn có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các vụ việc đệ trình lên trọng tài trong giai đoạn tòa trọng tài đang thành lập.
  • Thẩm quyền thả tàu nhanh. Thẩm quyền thả tàu nhanh là một thẩm quyền đặc thù được trù định tại Điều 292 của UNCLOS. Mục đích của việc tạo ra thẩm quyền này cho các cơ quan tài phán là nhằm bảo đảm việc phóng thích nhanh tàu thuyền và thuỷ thủ khi bị quốc gia ven biển bắt giữ sau khi nộp bảo lãnh hợp lý. Chủ tàu sau đó sẽ quay lại để giải quyết với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển. Do đó, thủ tục thả tàu nhanh không ảnh hưởng đến việc giải quyết cáo buộc chống lại tàu thuyền của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển.