Mục lục bài viết
1. Toà án công lý quốc tế của Liên hợp quốc
Ngày 6 tháng 2 năm 1946, Toà án công lý quốc tế của Liên hợp quốc - cơ quan pháp lý chính của Liên hợp quốc chính thức đi vào hoạt động. Các nước thành viên Liên hợp quốc ipso facto (đương nhiên) là thành viên quy chế của Toà án công lý quốc tế. Bên cạnh đó, các nước không phải là thành viên Liên hợp quốc cũng có thể trở thành thành viên của quy chế này. Toà có trụ sở chính đặt tại Lahaye. Tại đây, Toà tiến hành các thủ tục tranh tụng giữa các bên và thủ tục nghị án. Tuy nhiên, Toà cũng có thể tiến hành các thủ tục nêu trên ở nơi khác ngoài Lahaye nếu xét thấy cần thiết và có tham khảo ý kiến của các bên. Cơ sở pháp lý để Toà hoạt động là Hiến chương Liên hợp quốc 1945 và Quy chế của Toà án công lý quốc tế được thông qua năm 1946. Hiến chương dành cả chương XIV, từ Điều 92 đến Điều 96 để quy định những vấn đề cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, chức năng và hoạt động của Toà. Quy chế Toà án quốc tế gồm 70 điều, được coi là một phần phụ lục, gắn bó hữu cơ với Hiến chương. Cùng với Hiến chương và Quy chế, cơ sở pháp lý để Toà tiến hành các hoạt đông tư pháp còn bao gồm Nội quy của Toà. Nội quy của Toà được thông qua ngày 6/5/1946, cụ thể hoá các nguyên tắc được nêu trong Quy chế và không vượt quá các quy định của Quy chế. Toà có thể sửa đổi nội dung Nội quy làm việc cùa mình cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tiễn nhưng phải phù hợp với Quy chế. Thực tế, Toà đã hai lần sửa đổi Nội quy vào các năm 1972 và 1978.
2. Thành phần và tổ chức của Toà án công lý quốc tế
Hoạt động chức năng của Toà được tiến hành bởi các Thẩm phán được bầu theo quy chế. Cơ quan có thẩm quyền đề cử và bầu thành viên của Toà án công lý quốc tế Liên hợp quốc là Đại hội đồng và Hội đồng bảo an. Số lượng thành viên của Toà được ấn định là 15 thành viên, với nhiêm kỳ chung là chín năm. Tiêu chuẩn để được bầu là thẩm phán Toà án công lý quốc tế căn cứ vào năng lực cá nhân, quốc tịch, tương quan vị trí địa lý và hệ thống pháp luật trên thế giới. Các tiêu chí này bảo đảm để Toà thực hiện chức năng độc lập của mình trước các quốc gia thành viên và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các thành viên Liên hợp quốc. Các thẩm phán của Toà không đại diên cho chính phủ nước nào và hoạt động hoàn toàn độc lập. Chế độ lương và phụ cấp cả năm của các thẩm phán và chánh án, phó chánh án đảm bảo nguyên tắc này. Các Thẩm phán phải có nơi thường trú tại nơi có trụ sở Toà, được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao tại Hà Lan và khi tạm trú tại nước ngoài, nơi mà họ không mang quốc tịch.
Bên cạnh các thẩm phán của Toà, khi phiên toà mở ra, các bên có thể lựa chọn thẩm phán ad hoc nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng. Khi một trong các bên tranh chấp có thẩm phán mang quốc tịch nước mình, phía bên kia có quyền đề cử thẩm phán ad hoc của mình vào danh sách thành viên tham gia xét xử. Nếu cả hai bên đều không có thẩm phán mang quốc tịch nước mình thì mỗi bên có thể lựa chọn một vị thẩm phán ad hoc. Tiêu chuẩn của thẩm phán ad hoc tương tự tiêu chuẩn của các thẩm phán của Toà.
Các phụ thẩm có thể được Toà tự lựa chọn hoặc theo yêu cầu các bên đưa ra trước khi kết thúc thủ tục viết. Họ có quyền tham dự các phiên họp của Toà hay Toà rút gọn nhưng không có quyền bỏ phiếu (Khoản 2, Điều 30 Quy chế và Điều 9 Nội quy cùa Toà).
Ban thư ký Toà gồm chánh thư ký, phó chánh thư ký và các nhân viên. Chánh thư ký và phó chánh thư ký do Toà bầu ra theo phương thức bỏ phiếu kín, với nhiệm kỳ bảy năm, các nhân viên thư ký do Toà hoặc chánh thư ký Toà đề cử. Ban thư ký là cơ quan hành chính thường trực của Toà và chỉ phụ thuộc vào Toà, đảm trách các dịch vụ tư pháp và là bên liên lạc giữa Toà với các quốc gia.
2. Thẩm quyền của Toà án công lý quốc tế của Liên hợp quốc
Khác với các thiết chế tài phán theo Luật quốc gia, Toà án công lý quốc tế Liên hợp quốc là cơ quan có chức năng giải quyết ưanh chấp phát sinh giữa chủ thể là các quốc gia (không phân biệt quốc gia đó có phải là thành viên Liên hợp quốc hay không). Theo quy định của Toà, một tranh chấp pháp lý là:
“Sự bất đồng trên một điểm của luật hay sự kiện, một sự đối kháng, một sự đối lập nhau giữa các lập luận pháp lý hoặc quyền lợi”.
Trong mọi trường hợp xảy ra tranh chấp, thẩm quyền của Toà đều được xác định trên cơ sở ý chí của chủ thể tranh chấp và khi thẩm quyền cùa Toà được viện dẫn đến thì thẩm quyền này là độc lập, dựa trên sự tự nguyện của các bên hữu quan mà không bị bất kỳ sức ép chính tri, kinh tế nào.
Các quốc gia có thể lựa chọn thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Toà được thiết lập theo ba phương thức, như chấp nhân thẩm quyến của Toà theo từng vụ việc, chấp nhận trước thẩm quyền của Toà trong các điều ước quốc tế hoặc tuyên bố đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của Toa. Trong thực tiễn, các quốc gia có sự lựa chọn khác nhau đối với thẩm quyền tài phán của Toà án công lý quốc tế của Liên hợp quốc và thực tiễn này không ảnh hưởng nhiều đến vai trò của Toà án công lý quốc tế.
Ngoài vai trò giải quyết tranh chấp quốc tế, hoạt động thực tiễn của Toà còn để thực thi một chức năng quan trọng khác là đưa ra các kết luận tư vấn được xác định theo Điều 96 Hiến chương Liên hợp quốc. Thẩm quyền thể hiện chức năng này của Toà án công lý quốc tế của Liên hợp quốc nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan chính của Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên môn được Đại hội đồng cho phép. Các quốc gia không được quyền yêu cầu Toà cho các kết luân tư vấn về các tranh chấp của mình. Bên cạnh các thẩm quyền chính nêu trên, Toà còn có các thẩm quyền phụ như chỉ định các chánh án của Toà trọng tài, uỷ ban trọng tài hoặc hoà giải và các uỷ viên khi cần hoặc theo yêu cầu của các quốc gia.
Trên thực tế, trong hơn năm mươi năm tồn tại của mình, tuy số lượng vụ việc được đưa ra giải quyết tại Toà không lớn nhưng đối với kết quả giải quyết của Toà, ngoài việc xem xét các tranh chấp quốc tế phát sinh, Toà đã đóng góp nhiều ý kiến tư vấn về pháp lý cho Liên hợp quốc cũng như góp phần phát triển luật quốc tế và khoa học pháp lý quốc tế. Điều này lý giải tại sao, dù con đường tài pháp quốc tế thông qua Toà án công lý quốc tế của Liên hợp quốc không phải là phương pháp được sử dụng thường xuyên trong quan hệ giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể luật quốc tế nhưng Toà này vẫn tồn tại và phát huy vai trò của mình trong quan hệ quốc tế hiện đại.
3. Thủ tục tố tụng tại phiên toà
Toà án công lý quốc tế Liên hợp quốc tiến hành xét xử một vụ tranh chấp theo hai trình tự đầy đủ và rút gọn. Thành phần của một phiên toà có thể là toàn bộ các thẩm phán (có thể bao gồm cả các thẩm phán ad hoc), có thể ít hơn nhưng tối thiểu là chín vị thẩm phán. Trong phạm vi chức năng của mình, Toà có thể thành lập các Toà đặc thù như Toà rút gọn trình tự tố tụng, gồm năm thẩm phán (chánh án, phó chánh án và ba thẩm phán khác), Toà đặc biệt gồm ba thẩm phán hoặc nhiều hơn, Toà rút gọn thành phần hay toà ad hoc đối với từng vụ việc (thành phần theo sự chấp thuận của các bên). Các bước thuộc trình tự xét xử của Toà thường gồm hai giai đoạn là giai đoạn xem xé.t về hình thức, tức giai đoạn xem xét thẩm quyền của Toà và giai đoạn thứ hai là xét xử về nội dung vụ việc, theo hai thủ tục, nói và viết.
Trong thủ tục viết, các bên hoàn thành và trao đổi bị vong lục, phản bị vong lục về lập luận của từng bên và các lý lẽ luận tội hay bào chữa. Ở thủ tục nói, còn gọi là thủ tục tranh tụng, thời gian và địa điểm do Toà quyết định, có tính đến yêu cầu của các bên và thời gian biểu của Toà. Khi hoàn thành các thủ tục nêu trên, Toà ra quyết định cuối cùng phân giải tranh chấp.
Song, cũng cần lưu ý rằng một vụ án có thể kết thúc mà Toà không cần đưa ra phán quyết, đó là các trường hợp, hai bên tự giải quyết và đạt được thoả thuận hoà bình giải quyết ttanh chấp hoặc bên nguyên đơn rút đơn kiện hay cả hai bên thoả thuận từ bỏ vụ kiện. Nếu không rơi vào các trường hợp nêu trên, vụ án kết thúc bằng một bản án xét xử nội dung, được thông qua sau quá trình nghị án.
4. Giá trị pháp lý của phán quyết do Toà án công lý quốc tế xét xử
Về pháp lý, phán quyết của Toà có giá trị chung thẩm và bắt buộc đối với các bên. Nếu một trong các bên không chịu thi hành bản án, phía bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng bảo an can thiệp, buộc phải chấp hành. Phán quyết của Toà chỉ có giá trị pháp lý trong mối quan hệ giữa các bên trạnh chấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phán quyết của Toà có tác động gián tiếp đối. với bên thứ ba, ví dụ, các thành viên của điều ước quốc tế đa phương không thể bỏ qua phán quyết của Toà, liên quan đến việc giải thích điều ước đó. Trong trường hợp các bên bất đồng trong viộc giải thích và thực hiện phán quyết thì có thể yêu cầu Toà giải thích hoặc sửa đổi phán quyết. Toà xem xét và có thể chấp thuận hay từ chối yêu cầu này.
Mặc dù mỗi phán quyết của Toà không đương nhiên có giá trị là tập quán quốc tế nhưng trên thực tế vẫn gián tiếp tác động tới thái độ của các quốc gia đối với vấn đề mà Toà đã phân xử để qua đó, tác động tới cách quan niệm và ý chí của chủ thể luật quốc tế. Vì vậy, trên bình diện chung, có thể đánh giá đóng góp quan trọng mà các bản án do Toà đưa ra đối .với sự phát triển của luật quốc tế là việc, các chủ thể của luật quốc tế, ngoài trường hợp viện dẫn kết quả giải quyết của Toà với tính chất của luật tập quán thì hoàn toàn có thể chấp nhận và áp dụng từng phần hay toàn bộ phán quyết của Toà với tư cách là phương tiện bổ trợ nguồn của luật quốc tế.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)