Mục lục bài viết
1. Điểm giống nhau giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại
Nhận thấy bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại có một số đặc điểm nổi bật tương đồng với nhau bao gồm:
- Thứ nhất, là hai loại hình bảo hiểm được thiết kế, phát hành theo quy định của pháp luật và được phân loại dựa vào tính chất, bản chất của từng loại hình.
- Thứ hai, phương thức hoạt động đều dựa trên nguyên tắc "lấy số đông bù cho số ít"- tức là sử dụng số tiền đóng góp của một nhóm người tham gia để bù đắp, chia sẻ cho một số người gặp phải rủi ro và gánh chịu tổn thất. Điều này có nghĩa là các thành viên tham gia bảo hiểm đều đóng góp một phần tiền để tạo thành quỹ bảo hiểm chung và khi một thành viên gặp phải sự cố, họ có thể yêu cầu hỗ trợ tài chính từ quỹ bảo hiểm này.
- Thứ ba, nguyên tắc hoạt động của hai loại hình bảo hiểm này đều dựa trên cơ sở tham gia đóng góp tiền bảo hiểm để được thụ hưởng quyền lợi. Hay nói cách khác, chỉ những người đã tham gia đóng góp tiền bảo hiểm mới có thể yêu cầu được bồi thường bảo hiểm khi xảy ra sự cố, rủi ro trong thời gian tham gia bảo hiểm.
- Cuối cùng, mục đích chung của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại là nhằm đảm bảo cho các thành viên khi tham gia bảo hiểm đều sẽ được bù đắp tài chính để khôi phục hoặc giảm thiểu thiệt hại, giảm nhẹ gánh nặng về tài chính phải đối mặt trong những trường hợp không may.
2. Điểm khác nhau giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại
Để nhận diện rõ hơn về điểm khác nhau giữa hai loại hình bảo hiểm này chúng ta có thể xét đến các tiêu chí như sau:
STT | TÍNH CHẤT | BẢO HIỂM XÃ HỘI | BẢO HIỂM THƯƠNG MẠI |
1 | Luật điều chỉnh | Luật Bảo hiểm xã hội 2014 | Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2020 |
2 | Khái niệm | - Bảo hiểm xã hội là một phương án đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ mất hoặc giảm thu nhập do các nguyên nhân như bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, không còn đủ tuổi lao động hoặc qua đời, trên cơ sở đóng tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội. - Bảo hiểm xã hội bắt buộc là một loại hình bảo hiểm được tổ chức bởi nhà nước, và người lao động cùng người sử dụng lao động đều phải tham gia. | - Bảo hiểm thương mại là hoạt động bảo hiểm được thực hiện bởi các công ty bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm bao gồm các công ty cung cấp nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và cả bảo hiểm nhân thọ. - Khi người mua bảo hiểm đóng một khoản phí bảo hiểm cho công ty bảo hiểm với việc tham gia bất cứ chương trình bảo hiểm nào đó, và công ty bảo hiểm sẽ chi trả tiền bảo hiểm cho người được hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. |
3 | Mục đích | Phi lợi nhuận và hướng đến an sinh xã hội nhiều hơn, góp phần ổn định, đảm bảo an toàn xã hội | Cũng có mục đích an sinh xã hội, nhưng mục đích kinh doanh sinh lời nổi bật hơn |
4 | Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm | Hình thành từ sự đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, hay được Nhà nước hỗ trợ, quỹ ủng hộ của tổ chức nào khác. | Từ sự đóng góp phí của những người tham gia bảo hiểm, có thể là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu tham gia bảo hiểm |
5 | Đối tượng tham gia | Các đối tượng được liệt kê tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như: người làm việc theo hợp đồng, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng,... | Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tham gia tùy theo cơ chế, quy định của từng sản phẩm bảo hiểm của mỗi doanh nghiệp phát hành bảo hiểm. |
6 | Đối tượng thụ hưởng | Người lao động hoặc thành viên gia đình của họ khi có những điều kiện được thụ hưởng theo quy định | Người được bảo hiểm hoặc người được chỉ định được xác nhận rõ ràng trong giấy/ hợp đồng bảo hiểm |
7 | Các chế độ tham gia | Năm chế độ bao gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn/ bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất | Đa dạng chế độ bảo hiểm chia thành hai nhóm chính bảo hiểm nhân thọ (đầu tư, tích lũy,...) và bảo hiểm phi nhân thọ (sức khỏe, tai nạn, xe cơ giới, cháy nổ, du lịch...) |
8 | Phạm vi hoạt động | Giới hạn trong phạm vi quốc gia | Đa quốc gia, đa lĩnh vực trong đời sống |
9 | Mức đóng bảo hiểm | - Đối với người lao động căn cứ vào mức lương hàng tháng hoặc mức lương cơ sở. - Đối với người sử dụng lao động căn cứ vào quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. | Dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, tùy từng sản phẩm, chương trình, độ tuổi mà khách hàng lựa chọn tham gia. Mức đóng này được áp dụng linh hoạt, khác nhau trong từng trường hợp khách hàng cụ thể. |
10 | Trách nhiệm chi trả | Cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam | Doanh nghiệp bảo hiểm mà khách hàng đã tham gia |
11 | Cơ quan quản lý bảo hiểm | Bộ Lao động Thương binh xã hội và Cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam | Bộ Tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp phát hành/ kinh doanh bảo hiểm |
12 | Thời hạn bảo hiểm | Gắn liền với quá trình làm việc của người lao động, và là dài hạn trọn đời như hưu trí hay trợ cấp hàng tháng,... | Do khách hàng và doanh nghiệp thỏa thuận khi giao kết hợp đồng bảo hiểm |
3. Vai trò của bảo hiểm đối với đời sống xã hội
Dù đó là loại hình bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm thương mại thì bảo hiểm luôn có những vai trò, giá trị quan trọng trong cuộc sống chúng ta hiện nay:
- Chuyển giao rủi ro: Bảo hiểm chuyển giao rủi ro từ người được bảo hiểm sang công ty bảo hiểm. Người mua bảo hiểm đóng phí và công ty bảo hiểm sẽ chi trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Điều này giúp người được bảo hiểm giảm được tác động tài chính và lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra.
- Chia sẻ tổn thất: Bảo hiểm giúp chia sẻ tổn thất tài chính cho một số ít người từ số đông người tham gia bảo hiểm. Việc đóng góp phí bảo hiểm nhỏ giúp đảm bảo bảo vệ tài chính và đồng thời hỗ trợ những người khác gặp rủi ro. Nguyên tắc này thể hiện tinh thần lấy số đông bù số ít và tương hỗ.
- Giảm thiểu tổn thất, thiệt hại: Các công ty bảo hiểm thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tổn thất tối đa. Họ đầu tư vào các biện pháp phòng tránh rủi ro và đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng. Ngoài ra, công ty bảo hiểm cũng nhanh chóng giải quyết các tổn thất và bồi thường cho người được bảo hiểm, giúp ổn định kinh doanh và cuộc sống.
- Ổn định chi phí: Tham gia bảo hiểm giúp người mua bảo hiểm có khả năng chủ động về mặt chi phí. Bằng cách đóng phí nhỏ, họ có thể tránh được những chi phí lớn đối mặt với các rủi ro và tổn thất. Điều này giúp ổn định tài chính cá nhân và doanh nghiệp.
- An tâm về mặt tinh thần: Tham gia bảo hiểm giúp người được bảo hiểm giảm bớt sự lo lắng và hoang mang về những rủi ro có thể xảy ra. Họ biết rằng trong trường hợp xấu nhất, công ty bảo hiểm sẽ hỗ trợ và bồi thường cho họ.
- Kích thích tiết kiệm: Bảo hiểm tạo ra một hình thức tiết kiệm linh hoạt, khuyến khích người mua bảo hiểm tích lũy tiền và có tư duy tiết kiệm. Một số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng kết hợp tính chất tiết kiệm, giúp khách hàng có cơ hội đầu tư và tích luỹ tiền.
- Đầu tư phát triển kinh tế: Các công ty bảo hiểm đầu tư vốn và tạo ra một quỹ tiền tệ lớn. Việc đầu tư này có thể góp phần phát triển kinh tế và hỗ trợ các ngành khác nhau như thị trường chứng khoán và bất động sản.
- Tạo công ăn việc làm: Hoạt động bảo hiểm tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong ngành bảo hiểm và các ngành liên quan. Điều này giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Để có thêm những thông tin liên quan đến vấn đề bảo hiểm bạn có thể tham khảo thêm bài chia sẻ Bảo hiểm là gì? Đặc điểm và cách phân loại bảo hiểm của Luật Minh Khuê.
Mong rằng bài chia sẻ trên đây là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn, nếu còn điều gì vướng mắc hay cần giải đáp về các vấn đề pháp lý khác bạn có thể liên hệ tới chúng tôi qua số 1900.6162 để nhận được sự hỗ trợ, giải đáp trực tiếp hay qua email lienhe@luatminhkhue.vn. Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn!