Mục lục bài viết
- 1. Quy định của pháp luật về tội cướp tài sản tại Bộ luật Hình sự năm 2015
- 2. Quy định của pháp luật về tội cưỡng đoạt tài sản tại Bộ luật hình sự năm 2015
- 3. So sánh dấu hiệu pháp lý của tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản
- 3.1. Sự giống nhau giữa tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản
- 3.2. Điểm khác nhau giữa tội cướp đoạt tài sản với Tội cưỡng đoạt tài sản
Câu hỏi: So sánh dấu hiệu pháp lý của tội cướp tài sản Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tội cưỡng đoạt tài sản Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015?
* Giống nhau:
+ Khách thể: Đều xâm phạm đến quyền sở hữu đối với tài sản.
+ Mặt khách quan: Hành vi đều được thực hiện bằng hình thức hành động phạm tội; Đều có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đều có cấu thành tội phạm hình thức, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc.
+ Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp; Mục đích: Chiếm đoạt tài sản.
+ Chủ thể: Đều được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.
* Khác nhau:
+ Khách thể:
Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 cùng một lúc xâm phạm vào hai khách thể trực tiếp của tội phạm là quyền sở hữu đối với tài sản và quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của con người.
Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ xâm phạm vào quyền sỏ hữu đối với tài sản.
+ Hành vi khách quan:
Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015: Có hành vi khách quan là dùng vũ lực hoặc hành vi khác nhằm làm đè bẹp sự phản kháng của nạn nhân, làm tê liệt ý chí của họ, đưa họ vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi đe dọa dùng vũ lực là ngay tức khắc.
Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015: Không có hành vi khách quan này mà người phạm tội uy hiếp về tinh thần người có trách nhiệm đối với tài sản chứ chưa làm tê liệt ý chí của họ nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi đe dọa dùng vũ lực không phải ngay tức khắc.
Luật Minh Khuê phân tích chi tiết vấn đề này như sau:
1. Quy định của pháp luật về tội cướp tài sản tại Bộ luật Hình sự năm 2015
Căn cứ tại Điều 168 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về tội cướp tài sản. Theo đó người nào có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì đây chính là tội cướp tài sản. Có 03 dạng hành vi khách quan cho tội cướp tài sản: Hành vi dùng vũ lực, Hành vi đe dọa dùng vũ lực và hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
- Hành vi dùng vũ lực được hiểu là hành vi dùng sức mạnh (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội) tác động vào người khác để họ không thể hoặc không dám chống cự lại được. Hành vi dùng vũ lực là hành vi nhằm vào con người; còn nếu hành vi dùng vũ lực mà không nhắm vào con người thì không phải là hành vi dùng vũ lực theo quy định của pháp luật. Người bị tác động bằng vũ lực có thể là chủ sở hữu tài sản hay người bảo vệ tài sản;
- Hành vi đe dọa dùng vũ lực là hành vi bằng lời nói hoặc cử chi hoặc có thể là cả hai dùng để đe dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu chống cự lại việc cướp tài sản. Vũ lực đe dọa được thực hiện có thể nhằm vào chính người bị đe dọa nhưng cũng có thể là đối tượng khác có quan hệ thân thích với người bị đe dọa. Hành vi đe dọa dùng vũ lực ở tội cướp đoạt tài sản có tính chất mãnh liệt nhằm làm cho người bị hại thấy rằng vũ lực sẽ xảy ra và là điều không thể tránh khỏi. Dấu hiệu ngay tức khắc đòi hỏi chủ thể đã có hành vi, cử chỉ, thái độ thể hiện ra bên ngoài là dùng vũ lực ngay tức khắc những cũng có đủ các điều kiện để dùng vũ lực.
- Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào trạng thái không thể chống cự được là hành vi có khả năng làm cho người bị tấn công không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt như hành vi sử dụng thuốc gây mê,... Những hành vi này được coi là cùng tính chất như hành vi dùng vũ lực và hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc vì đều có khả năng làm cho người bị tấn công không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt.
2. Quy định của pháp luật về tội cưỡng đoạt tài sản tại Bộ luật hình sự năm 2015
Căn cứ tại Điều 170 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản. Cụ thể cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác để nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản là người đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng thủ đoạn đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc là dùng thủ đoạn khác làm cho người chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản lo sợ và phải giao tài sản cho người phạm tội. Đe dọa chính là dùng vũ lực là hành vi lời nói hoặc là hành động làm cho người bị đe dọa sợ nếu không giao tài sản ra thì sẽ bị đánh hoặc là bị tra tấn. Thủ đoạn uy hiếp về tinh thần thì là những thủ đoạn mà người phạm tội sẽ sử dụng ngoài việc đe dọa sẽ dùng vũ lực mà còn uy hiếp đến tinh thần của người bị hại, dọa dẫm và lợi dụng điểm yếu của người bị hại để nhằm đạt được mụ đích bất chính. Cưỡng đoạt tài sản là khi người phạm tội sẽ tìm mọi cách làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người có tài sản sợ hãi và phải giao tài sản cho người phạm tội.
3. So sánh dấu hiệu pháp lý của tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản
Tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản là hai tội danh trong nhóm tội phạm về sỡ hữu - đây là hai tội danh rất dễ nhầm lẫn với nhau. Do vậy, Luật Minh Khuê sẽ chỉ ra cho quý khách một vài sự giống và khác nhau của hai loại tội danh này:
3.1. Sự giống nhau giữa tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản
- Về khách thể: Cả hai tội cướp tài sản và tại cưỡng đoạt tài sản đều xâm phạm đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức; xâm phạm đến cả quyền nhân thân vì hai tội này đều có thực hiện hành vi tác động đến người sở hữu tài sản;
- Về mặt khách quan: Hành vi đều được thực hiện bằng hình thức hành động phạm tội và đều có dùng hành vi đe dọa dùng vũ lực nhằm cướp tài sản và chiếm đoạt tài sản.
- Về mặt chủ quan: Đều có cấu thành tội phạm hình thức và hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc. Đều được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp và có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
- Về mặt chủ thể: Bất kể người phạm tội nào thực hiện hành vi phạm tội khi đã có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đã có đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật (từ đủ 14 tuổi trở lên) thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với tội cưỡng đoạt tài sản thì phải là phạm tội rất nghiêm trọng hoặc là đặc biệt nghiêm trọng thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự; nếu tội phạm nghiêm trọng bị truy cứu theo quy định tại khoản 1 của điều luật thì chỉ áp dụng với người từ đủ 16 tuổi mới chịu trách nhiệm hình sự.
3.2. Điểm khác nhau giữa tội cướp đoạt tài sản với Tội cưỡng đoạt tài sản
- Hành vi khách quan
- Tội cướp tài sản được thể hiện bởi mợt trong các hành vi: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào trạng thái không thế chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc.
- Tội cưỡng đoạt tài sản: Hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Để phân biệt với trường hợp đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc của tội cướp tài sản thì sẽ dựa trên sức mãnh liệt của hành vi đe dọa, công cụ để thực hiện khi đe dọa, hoàn cảnh khách quan nới xảy ra đe dọa.
- Hậu quả
- Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức và đây được coi là hoàn thành từ thời điểm mà người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được không cần biết là người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không. Việc người phạm tội chiếm được tài sản hay không sẽ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tôi cướp tài sản và cũng không phải là dấu hiệu để xác định thời điểm hoàn thành của tội cướp tài sản.
- Tội cưỡng đoạt tài sản: Tội cưỡng đoạt tài sản là tối cấu thành hình thức được thể hiện ngay trong quy định đó chính là hậu quả nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu hậu quả chưa xảy ra (người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản) thì cũng không căn cứ vào đó để kết luận rằng tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện ở giai đoạn chưa đạt vì người phạm tội đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc đã dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm đến tài sản. Nếu người phạm tội chưa thực hiện được hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc chưa dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản thì hành vi phạm tội sẽ thuộc vào trường hợp chuẩn bị phạm tội.
- Hình phạt
- Tội cướp tài sản: Hình phạt nặng hơn có khung hình phạt cơ bản là từ 03 năm - 10 năm và khung tăng nặng cao nhất là tù chung thân. Và tội tội phạm này thì chuẩn bị phạm tội cũng sẽ có hình phạt là từ 1 năm - 5 năm.
- Tội cưỡng đoạt tài sản: khung hình phạt nhẹ hơn; khung cơ bản là 01 năm - 05 năm tù và khung hình phạt tăng nặng cao nhất là 20 năm tù.
Nếu quý khách có bất kỳ câu hỏi liên quan đến nội dung bài viết hay có câu hỏi về vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ trực tiếp đến Tổng đài tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến 24/7 qua số hotline: 1900.6162 để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!