Mục lục bài viết
- 1. Tài xế đánh lái tặt đầu dằn mặt người lái xe máy bị phạt thế nào?
- 1.1. Hành vi chuyển làn đột ngột của người lái xe máy có vi phạm pháp luật không?
- 1.2. Tài xế xe container tạt đầu dằn mạt xe máy có vi phạm pháp luật?
- 2. Đi sai luật còn dằn mặt người khác bị xử lý như thế nào?
- 3. Cố ý va chạm dằn mặt xe tải đi vào làn đường khẩn cấp trên đường cao tốc bị xử lý thế nào?
- 3.1. Xe tải đi vào làn đường khẩn cấp của đường cao tốc bị xử phạt thế nào?
- 3.2. Xe tải cố ý va chạm để dằn mặt xe đi vào làn đường khẩn cấp bị xử lý thế nào?
- 4. Hành vi trả đũa tài xế ô tô đỗ xe không đúng quy định có vi phạm pháp luật?
Những hành vi mang tính chất dằn mặt, trả đũa đầy nguy hiểm trong tham gia giao thông ở nước ta diễn ra khá phổ biến. Điều này gây nhiều bức xúc cho những người chứng kiến. Bởi ai cũng đều cho rằng, người đi sai trước có thể là vô tình nhưng kẻ dằn mặt lại là cố ý, văn hóa tham gia giao thông như vậy là quá kém. Đó là dưới góc độ đánh giá của người dân, còn ở góc độ pháp lý những hành vi như vậy có vi phạm không? nếu có thì bị xử phạt như thế nào?
1. Tài xế đánh lái tặt đầu dằn mặt người lái xe máy bị phạt thế nào?
Vừa qua trên mạng xã hội đã lan truyền clip với nội dung cảnh tài xế xe container đánh lái tạt đầu xe người phụ nữ lái xe tay ga vì lý do trước đó, người phụ nữ điều khiển xe tay ga đã có hành vi sang đường ẩu khiến tài xế xe container phải đạp phanh khẩn cấp để tránh va chạm. Hành vi này được cho là sự dằn mặt của tài xế xe container đối với người phụ nữ lái xe tay ga kia. Người xem video này đã để lại rất nhiều bình luận không đồng tình với thái độ, cách xử lý của tài xế container, dẫu rằng nguyên nhân dẫn đến hành vi này là do người điều khiển xe máy đã đi ẩu trước.
Trong tình huống này cần xem xét khía cạnh pháp lý của hành vi của người lái xe máy và hành vi của người lái xe container.
1.1. Hành vi chuyển làn đột ngột của người lái xe máy có vi phạm pháp luật không?
Về nguyên tắc tham gia giao thông thì mọi gười tham gia giao thông phải có ý thực tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác và chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Quy định về sử dụng làn đường tại Điều 13 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định, trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn.
Trong trường hợp này, có thể nhận thấy người điều khiển xe máy đã chuyển làn khá đột ngột, không có tín hiệu báo trước cho các xe phía sau, đồng thời khoảng cảnh với xe container phía sau cũng khá sát nhau, việc chuyển làn đột ngột không có tín hiệu báo trước là hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ.
Hành vi này có thể sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP "chuyển làn không có tín hiệu báo trước" với mức tiền phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Trường hợp gây tai nạn giao thông thì có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (điểm b khoản 7 Điều 6) và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Cũng thật may mắn vì tài xế xe container đang lái xe tập trung mới kịp thời phát hiện và xử lý bằng việc nhấn phanh giảm tốc độ gấp để tránh va chạm đáng tiếc. Nếu không có lẽ hậu quả nặng nề hơn đã xảy ra.
1.2. Tài xế xe container tạt đầu dằn mạt xe máy có vi phạm pháp luật?
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ và văn bản xử phạt vi phạm hành chính không ghi nhận hành vi vi phạm cụ thể là hành vi tạt đầu dằn mặt xe khác tuy nhiên, dựa trên những biểu hiện của hành vi, có thể phân tích và đưa ra kết luận như sau:
Trong clip có thể thấy ngay sau khi kịp nhấn phanh để không va chạm với xe máy, đồng thời xe máy đã chuyển làn thành công thì bất ngờ tài xế xe container đã tăng tốc độ và điều khiển xe chuyển làn đột ngột tạt sát má xe bên phải của người lái xe máy, đồng thời cũng không hề thấy xe container có tín hiệu xi nhan báo trước về việc chuyển làn của mình cho các xe phía sau và quan trọng là trường hợp này xe container vẫn có thể đi thẳng theo đúng làn ban đầu nhưng lại lựa chọn chuyểnNhư vậy, hành vi này vi phạm quy định về sử dụng làn đường theo Luật giao thông đường bộ và có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với hành vi "chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước" mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Điều đáng nói hơn là, trong trường hợp này sau khi xử lý tình huống nguy hiểm đó, xe container hoàn toàn có thể di chuyển tiếp trong làn đường mình đang di chuyển nhưng tài xế đã đánh lái tạt sang áp sát xe máy và tăng tốc độ rồi chạy thẳng, điều đó cho thấy sự cố ý của tài xế khi thực hiện hành vi nguy hiểm này. Và hành vi này có thể bị xử phạt theo quy dịnh tại điểm b khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP "điều khiển xe lạng lách, đánh võng" với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng, trường hợp xác định được tốc độ có vượt quá tốc độ cho phép sẽ xử phạt thêm cả lỗi quá tốc độ.
Như vậy, có thể thấy, hành vi sang đường ẩu, thiếu quan sát của người lái xe máy là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông khác. Trên thực tế, những hành vi như vậy thực sự gây bức xúc cho người cùng tham gia giao thông. Song việc xử sự như cách mà tài xế xe container đã làm là vô cùng đáng trách, bản thân người tài xế này hiểu rõ nhất cảm giác bị xe khác tạt đầu đột ngột nguy hiểm và rùng mình như thế nào nhưng ngay sau đó lại có hành vi mang tính chất trả đũa, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao hơn tình huống mà anh vừa bị động trước đó. Qua đó để thấy rằng, hiểu biết pháp luật khi tham gia giao thông là chưa đủ mà còn đòi hỏi ở mỗi người văn hóa ứng xử khéo léo, linh hoạt nữa.
2. Đi sai luật còn dằn mặt người khác bị xử lý như thế nào?
Khi tham gia giao thông có thể một vài người đã gặp phải trường hợp bị chính người đi sai luật có thái độ hung hăng, ngổ ngáo nhằm dằn mặt người đã ngăn cản mình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lấy ví dụ thực tế sau đây để bạn đọc dễ dàng hình dung:
Tài xế xe ô tô Hoa Mai, lưu thông trên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn đường này tại tim đường có vạch vàng liền nét song song, theo quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ thì vạch kẻ đường này có ý nghĩa không cho phép các xe lấn làn, đè lên vạch, nhưng tài xe xe này vẫn cố tình cho xe lấn sang phần đường đối diện. Khi có một xe khác đi ngược chiều không nhường đường thì tài xế xe Hoa Mai đã dừng, xuống xe và tiến tới mở cửa xe đối diện hung hăng, chửi bới.
Một tình huống thực tế cho thấy ý thức tham gia giao thông vô cùng tệ của một số bộ phận người dân. Xem xét hành vi của tài xế Hoa Mai có thể thấy đây là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, cụ thể tài xế xe Hoa Mai đã có những hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bới Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
- Không chấp hành chỉ dẫn của vạch kẻ đường; (điểm a khoản 1 Điều 5 mức phạt tiền 300.000 đồng - 400.000 đồng)
- Dừng xe trái quy định gây ùn tắc giao thông (điểm đ khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP mức phạt tiền 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng)
- Điều khiển xe đi không đúng phần đường, làn đường quy định (điểm đ khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP mức phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. (điểm b khoản 11 Điều 5)
Căn cứ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020) thì một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Như vậy, trong trường hợp này, tài xế xe Hoa Mai sẽ chịu mức phạt tiền là tổng tiền phạt của cả 3 hành vi vi phạm đồng thời sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép láu xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Trên thực tế không thiếu trường hợp bản thân mình là người có ý thức kém khi tham gia giao thông nhưng lại còn hung hăng, bố đời với người có thái độ với hành vi sai luật của mình. Điều này thực sự gây bức xúc cho người tham gia giao thông khác. Về mặt pháp lý nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy tắc giao thông chưa đủ răn đe đối với những đối tượng này. Thiết nghĩ nên xử phạt hành chính với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định tại điểm a khoản điều 33, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP (mức phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng) để những người như vậy phần nào ý thức về xử sự của mình trước khi thực hiện.
3. Cố ý va chạm dằn mặt xe tải đi vào làn đường khẩn cấp trên đường cao tốc bị xử lý thế nào?
Cố ý va gây va chạm để dằn mặt người điều khiển xe khác đang có hành vi vi phạm giao thông đường bộ cũng là một trong những tình huống không quá xa lạ trong văn hóa tham gia giao thông ở Việt Nam. Cùng phân tích một sự việc thực tế để thấy rõ hơn các vấn đề pháp lý trong vấn đề này:
Trên đường cao tốc Vành đai 3, một xe tải nhỏ đang đi vào làn đường khẩn cấp, ngay sau đó xe tải nhỏ này đã bị một xe tải lớn hơn di chuyển ở làn đường sát làn đường khẩn cấp đánh lái tạt đầu, va chạm. Xe tải nhỏ di chuyển ở làn đường khẩn cấp phải dừng lại, còn xe tải gây va chạm đã phóng vụt đi ngay.
Như vậy, rõ ràng ở đây, hành vi của tài xế xe tải lớn là chủ động, là cố ý va chạm để dằn mặt xe tải nhỏ vì đã đi vào làn đường khẩn cấp. Một lựa chọn ứng xử thể hiện văn hóa tham gia giao thông rất kém, hiểu biết pháp luật nhưng lại lựa chọn xử sự quá nguy hiểm và không cần thiết.
3.1. Xe tải đi vào làn đường khẩn cấp của đường cao tốc bị xử phạt thế nào?
Nhận diện làn đường khẩn cấp trên đường cao tốc.
Theo quy định tại quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ thì để nhận diện được đường khẩn cấp sẽ dựa vào vạch giới hạn làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên (Vạch 2.3). Vạch này nếu biểu thị dưới dạng vạch liền nét và đứt nét. Trong đó:
+ Vạch liền nét: Dành riêng cho một loại xe cơ giới nhất định, các loại xe khác không được đi vào làn xe này trừ những trường hợp khẩn cấp theo Luật GIao thông đường bộ.
+ Vạch đứt nét: ưu tiên cho một loại xe cơ giới nhất định, các xe khác có thể sử dụng làn đường này nhưng phải nhường đường cho xe được ưu tiên sử dụng làn khi xuất hiện loại xe này trên làn xe.
Xử phạt hành vi cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc
Trong tình huống thực tế này, trên đoạn đường vành đai 3 thì vạch kẻ đường là vạch liền nét, như vậy, các loại xe khác không được đi vào làn xe này trừ những trường hợp khẩn cấp theo Luật giao thông đường bộ. Đồng thời tại điểm c khoản 1 Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định rõ, người lái xe trên đường cao tốc không được cho xa chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường.
Theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì hành vi điểu khiển xe ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp của đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
3.2. Xe tải cố ý va chạm để dằn mặt xe đi vào làn đường khẩn cấp bị xử lý thế nào?
Tùy từng trường hợp thực tế, xem xét tính chất hành vi, hậu quả gây ra mà xác định cụ thể trách nhiệm pháp lý của người thực hiện hành vi dằn mặt. Cụ thể trong tình huống chúng tôi đưa ra thì xe tải này sau khi tạt qua hích mạnh với xe tải nhỏ trên làn khẩn cấp khiến xe này phải dừng lại thì đã phóng đi luôn, không có va chạm hay thiệt hại nào về tài sản với các xe khác thì chỉ xem xét xử lý hành vi không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây ra tai nạn giao thông. Trường hợp này tài xế xe tải lớn thực hiện hành vi dằn mặt có thể chịu phạt hành chính theo điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100 với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Thiết nghĩ, mọi hành vi vi phạm đã có chủ thể có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật, đồng thời pháp luật cũng không ghi nhận cho các chủ thể khác có quyền dằn mặt những người thực hiện hành vi vi phạm quy định giao thông đường bộ, do đó, thực hiện những hành vi mang tính chất dằn mặt như vậy không những không mang lại tác dụng gì cho xã hội mà còn tiềm ẩn nhiều hơn nguy cơ nguy hiểm cho người tham gia giao thông đồng thời cũng sẽ khiến bạn phải đối mặt với rủi ro pháp lý. Chính vì vậy, các bác tài xế lưu ý, trong mọi trường hợp chứng kiến hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông của người khác gây bức xúc chớ nên manh động theo kiểu dằn mặt như vậy vì các bác không phải đang giải cứu thế giới mà đã tự đưa mình đến gần hơn với rủi ro pháp lý và nhận về những gạch đá không nhỏ từ dư luận xã hội.
4. Hành vi trả đũa tài xế ô tô đỗ xe không đúng quy định có vi phạm pháp luật?
Thực trạng tài xế ô tô đỗ trước cửa nhà, cửa hàng, ngõ đi chung khiến người dân bất tiện trong sinh hoạt, kinh doanh và bị người dân dằn mặt bằng việc vẽ bẩn, cào xước hay chất rác lên không còn lạ gì với người dân Việt Nam. Những hành vi dằn mặt này khi được đăng tải trên mạng xã hội luôn nhận được những bình luận hả hê và cho rằng là biện pháp trừng phạt thích đáng đối với tài xế đỗ xe từ người dùng. Nhưng cùng nhìn nhận vấn đề này ở góc độ pháp lý để thấy rõ trách nhiệm pháp lý của người đỗ xe sai và người có hành vi dằn mặt trong những tình huống này nhé.
Về trách nhiệm của người đỗ xe
* Trường hợp đỗ xe không trái quy định pháp luật, đơn giản chỉ gây bất tiện cho người khác thì người đỗ xe sẽ không bị xử phạt, chỉ cần có ý thức hơn khi xem xét lựa chọn nơi dỗ xe.
* Trường hợp đỗ xe trái quy định pháp luật:
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
- Đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy: (điểm đ khoản 1 Điều 5) phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng;
- Đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng/ đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹ hoặc không có lề đường/ đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường/ đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phân đường xe chạy/ đỗ xe trên dốc không chèn bánh/ đỗ xe không đúng vị trí quy định nơi có bố trí nơi đỗ xe/ đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ quang đường: điểm g, h khoản 2 Điều 5 (400.000 đồng - 600.000 đồng);
- Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố không quá 0,25m/ đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt, đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước/ đỗ, để xe ở hè phố trái quy định pháp luật/ đỗ xe nơi có biển "Cấm đỗ xe" hoặc biển "Cấm dừng xe và đỗ xe": (điểm e khoản 3 Điều 5) phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
- Đỗ xe tại vị trí bên trái đường một chiều hoặc bên trái theo hướng lưu thông của đường đôi/trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhình bị che khuất/trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ: điểm d khoản 4 Điều 5 (2 triệu đồng - 3 triệu đồng);
Như vậy, có thể thấy, theo quy định pháp luật tùy hành vi đỗ xe trái quy định mà tài xế xe có thể bị phạt tiền mức thấp nhất là 300.000 đồng cho đến cao nhất là 3 triệu đồng.
Trách nhiệm của người vẽ bẩn, cạo xước, đổ rác dằn mặt người đỗ xe gây bất tiện
Hành vi dằn mặt người đỗ xe ô tô gây bất tiện trên thực tế thì muôn hình vạn trạng, có người thì chỉ viết giấy và dán lên xe, nhưng có người thì thực hiện những biện pháp mạnh hơn như xịt sơn lên xe, đổ xì dầu, vẽ, viết trực tiếp lên xe, đổ rác lên xe, cạo xước xe, xích bánh xe lại. Đối với những hành vi trả đùa này thì trách nhiệm của người thực hiện hành vi trả đũa có thể là trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự được xác định tùy vào mức độ thiệt hại thực tế gây ra. Cụ thể:
Về xử lý hành chính:
Nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 (Bộ luật hình sự năm 2015) thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức với mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Về trách nhiệm dân sự:
Người thực hiện hành vi trả đũa gây thiệt hại về tài sản sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người có xe ô tô. Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại này có thể được xác định trên cơ sở thỏa thuận của hai bên, vì suy cho cùng, cũng bởi hành vi đỗ xe thiếu ý thức của người có ô tô mà ra (điều này nhằm nâng cao ý thức cho người tài xế xe ô tô trong việc lựa chọn vị trí đỗ xe ngay cả khi không thuộc các trường hợp trái pháp luật thì cũng phải lưu ý không gây cản trở, bất tiện cho người dân).
Về trách nhiệm hình sự:
Trường hợp thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người thực hiện hành vi dằn mặt sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất của tội phạm này là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tọa không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi vi phạm thuộc khoản 1. Khung phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với trường hợp vi phạm thuộc khoản 2. Khung phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Khung phạt tù từ 10 năm đến 20 năm nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Kết luận: Trả đũa, dằn mặt người thực hiện hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ là hành vi khá phổ biến ở nước ta. Trong bài chia sẻ này, Luật Minh Khuê trên cơ sở một số tình huống dằn mặt thực tế, phân tích các vấn đề pháp lý xung quanh để bạn đọc có thể nhận diện được rủi ro pháp lý của người thực hiện hành vi dằn mặt để từ đó có ý thức hơn trong việc lựa chọn hành vi trong ứng xử của mình để không chỉ vì sự hả hê nhất thời mà phải hứng chịu những rủi ro pháp lý không đáng có.
Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực giao thông cần tham vấn ý kiến luật sư mời liên hệ qua Hotline 1900.6162 để được tư vấn hỗ trợ trực tiếp bởi Luật sư của Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!