Mục lục bài viết
Đến tháng 10/2013 dương lịch thì công ty mới đóng Bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN) cho em. Đến tháng 10/2015 dương lịch thì em đã tham gia bảo hiểm được 2 năm. Hiện tại em đã đi khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự và nằm trong danh sách đi nghĩa vụ gửi về huyện của xã. Gia đình em kinh tế rất khó khăn. Em sợ huyện đội gửi giấy nhập ngũ đột xuất, em xin nghỉ mà công ty không giải quyết kịp thì em sẽ mất tiền bảo hiểm (BHTN, BHXH), còn nếu em không xin nghỉ mà đi nhập ngũ thì sau 2 năm về em sợ bị mất tiền bảo hiểm hoặc công ty không giải quyết nữa. Em đang rất lo lắng nên em kính mong Luật sư tư vấn giúp em. Nếu như trong thời gian tới em có giấy gọi nhập ngũ thì em cần làm thủ tục giấy tờ gì để không bị mất tiền bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội mà em đã tham gia đóng 2 năm nay. Em xin chân thành cảm ơn! Kính chúc công ty luật Minh Khuê ngày càng phát triển thịnh vượng!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật dân sự công ty luật Minh Khuê.
Luật sư tư vấn luật dân sự gọi : 1900.6162
Trả lời:
Xin chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho luật Minh Khuê. Chúng tôi xin được trả lời bạn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Luật bảo hiểm xã hội 2014
Nội dung trả lời:
1. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Theo các quy định của pháp luật thì bạn hoàn toàn được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm, khi đi nghĩa vụ quân sự về bạn sẽ đóng tiếp và cộng dồn với thời gian bảo lưu. Cụ thể như sau:
- Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
- Khoản 1 Điều 45 Luật việc làm 2013 quy định:
"Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp".
2. Thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Hướng dẫn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội căn cứ theo Công văn số 4424/BHXH-ST của BHXH Việt Nam ban hành ngày 6/11/2015. Áp dụng đối với trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) bị chấm dứt hưởng TCTN và trường hợp người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng TCTN như sau:
- Cơ quan BHXH cấp huyện nơi chi trả TCTN căn cứ quyết định hưởng TCTN hoặc quyết định chấm dứt hưởng TCTN của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện cấp Giấy xác nhận thời gian đóng BHTN (Mẫu số C15-TS) khi người lao động kết thúc đợt hưởng TCTN để ghi, xác nhận thời gian đóng BHTN bảo lưu.
- Trường hợp người lao động tiếp tục tham gia BHXH, BHTN thì nộp giấy xác nhận thời gian đóng BHTN cho cơ quan BHXH để bảo lưu thời gian đóng BHTN chưa hưởng TCTN trên sổ BHXH để làm căn cứ tính hưởng TCTN lần sau. Thời gian đóng BHTN được bảo lưu là khoảng thời gian đóng BHTN tính từ tháng đóng BHTN cuối cùng trước khi hưởng TCTN.
Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là một trong những quyền lợi đặc biệt của người lao động khi tham gia BHXH. Người lao động hoàn toàn có thể yên tâm khi không thể tham gia BHXH liên tục. Việc tính hưởng các chế độ hưu trí, trợ cấp thất nghiệp hay BHXH một lần sẽ dựa trên căn cứ bảo lưu thời gian đóng BHXH của người lao động.
Bạn nộp hồ sơ gửi lên công ty và công ty sẽ tiến hành thủ tục báo giảm tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Lợi tích của việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Khi được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội người lao động sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Lợi ích từ các chế độ như: lương hưu, chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp hay hưởng BHXH 1 lần.
- Tạo điều kiện để được hưởng lương hưu: Khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu gồm chưa đủ thời gian tham gia BHXH theo quy định hoặc chưa đủ độ tuổi hưởng lương hưu. Người lao động được bảo lưu thời đóng BHXH để tiếp tục tham gia đủ thời gian còn thiếu hoặc đợi đến khi đủ tuổi nhận lương hưu.
- Tiếp tục cộng dồn thời gian tham gia BHXH để hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): Thời gian hưởng BHTN được xác định căn cứ vào thời gian đóng BHXH. Cứ 1 năm đóng BHXH tương ứng được hưởng 1 tháng trợ cấp BHTN. Những người có thời gian tham gia BHXH lẻ sẽ được bảo lưu thời gian này và cộng dồn với thời gian tham gia BHXH sau đó để xét hưởng BHTN vào các lần tiếp theo.
- Cộng dồn thời gian tham gia BHXH để tính các chế độ BHXH khác: Đối với những lao động không có điều kiện để tham gia BHXH liên tục, thời gian tham gia BHXH trước đó sẽ không mất đi. Thời gian này sẽ được cộng dồn để tính các chế độ ốm đau, thai sản, chế độ hưu trí, BHXH một lần…
- Góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi không còn khả năng lao động.
Người dân có thể yên tâm khi tham gia BHXH. Đặc biệt, quy định được bảo lưu thời gian đóng BHXH đã giúp giảm được tối đa rủi ro cho người tham gia khi nghỉ việc hoặc không đủ điều kiện tài chính để tham gia liên tục.
4. Đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:
- Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
+ Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng trên.
5. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
- Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
- Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
- Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
- Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
- Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
- Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.
- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.
- Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua email Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email hoặc qua tổng đài 1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn luật lao động.