Mục lục bài viết
Chào luật sư! Tôi và vợ tôi ly hôn được gần một năm. Chúng tôi có 2 con chung. Sau khi ly hôn, tôi nuôi 2 con còn cô ấy về nhà mẹ đẻ. Trong thời gian sau khi ly hôn, chúng tôi do gặp gỡ nhau và có sự gắn kết với nhau hơn. Nay chúng tôi muốn làm thủ tục hủy bản án ly hôn mà TAND đã quyết định. Vậy chúng tôi phải làm thủ tục như thế nào?
Cám ơn luật sư!
>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình gọi:1900.6162
Luật sư tư vấn:
1. Ly hôn theo quyết định và ly hôn theo bản án của tòa
Thẩm quyền giải quyết về hôn nhân gia đình của Tòa án
- Tranh chấp về hôn nhân và gia đình gồm:
+ Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn;
+ Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;
+ Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
+ Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ;
+ Tranh chấp về cấp dưỡng;
+ Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
+ Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc hủy kết hôn trái pháp luật;
+ Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu về hôn nhân gia đình gồm:
+ Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật;
+ Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
+ Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;
+ Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn;
+ Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi;
+ Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;
+ Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án;
+ Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;
+ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;
+ Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;
+ Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
Phân biệt ly hôn theo quyết định và ly hôn theo bản án
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo quy định thì ly hôn có hai hình thức là ly hôn thuận tình (cả hai vợ chồng cùng yêu cầu tòa giải quyết ly hôn) và ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên). Theo đó trường hợp hai vợ chồng ly hôn thuận tình thì bản chất là một yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nên tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết yêu cầu và ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Còn đối với ly hôn đơn phương thì bản chất là một tranh chấp có người yêu cầu ly hôn là bên khởi kiện theo đó tòa sẽ thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp và ra bản án.
2. Thủ tục hủy bản án ly hôn để tiếp tục quan hệ hôn nhân
2.1 Thẩm quyền hủy bản án ly hôn
Các cơ quan gồm Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có thẩm quyền hủy bản án, quyết định của Tòa án, cụ thể:
- Hội đồng xét xử phúc thẩm có thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
- Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
- Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sở thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
2.2 Thủ tục hủy bản án ly hôn chưa có hiệu lực
- Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định của Chương VII của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc chưa thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được;
+ Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của Bộ luật Tổ tụng dân sự năm 2015 hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;
- Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nếu trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc một trong các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự) và nguyên đơn rút đơn yêu cầu khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm (điểm b khoản 1 Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự)
Quá trình thực hiện: Đối với bản án chưa có hiệu lực còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì người có quyền kháng cáo, kháng nghị thực hiện nộp đơn kháng cáo, kháng nghị gửi tòa án có thẩm quyền giải quyết:
Người có quyền kháng cáo là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm;
Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát: Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm;
Thời hạn kháng cáo:
+ Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết; Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án;
+ Đối với quyết định định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định;
(trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày được giám thị trại giam xác nhận)
Thời hạn kháng nghị:
+ Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 1 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án;
+ Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định;
(Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát đã quá thời hạn trên thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiếm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do)
2.3 Thủ tục hủy bản án ly hôn đã có hiệu lực
- Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án, nếu vụ án đó thuộc một trong các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.
- Hủy bản án theo thủ tục tái thẩm được thực hiện như quy định về thủ tục giám đốc thẩm
Quá trình thực hiện: Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì có thể hủy bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc thủ tục tái thẩm. Cụ thể:
- Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ sau đây:
+ Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
+ Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
+ Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
+ Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Lưu ý: Trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị.
- Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dụng bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
+ Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
(Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm)
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm gồm:
+ Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
+ Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
+ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
+ Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
Lưu ý: Đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị; Trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị.
Trên đây là phân tích, hướng dẫn về thủ tục hủy bản án ly hôn của Luật Minh Khuê. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi phân tích, đưa ra trên đây sẽ giúp ích cho quý khách trong quá trình làm việc. Trong trường họp quý bạn đọc có điều chưa rõ về bài viết hay có bất cứ khúc mắc về pháp luật vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo số Hotline: 1900.6162 để được hỗ trợ giải đáp một cách nhanh, hiệu quả nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách, Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn !