Mục lục bài viết
1. Thế nào là kinh doanh khai thác cảng biển?
Kinh doanh khai thác cảng biển là hoạt động trực tiếp khai thác cảng biển và việc doanh nghiệp chỉ được kinh doanh khai thác cảng biển khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển theo quy định.
Doanh nghiệp muốn kinh doanh khai thác cảng biển phải đảm bảo các nguyên tắc như sau:
- Doanh nghiệp cảng chỉ được kinh doanh khai thác cảng biển khi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển.
- Doanh nghiệp cảng phải kinh doanh khai thác cảng biển theo đúng mục đích và công năng của cảng biển đã được công bố.
- Doanh nghiệp cảng phải duy trì đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 37/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển và các quy định khác có liên quan của pháp luật trong thời gian kinh doanh khai thác cảng biển.
2. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh khai thác cảng biển
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 147/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải và Nghị định 37/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển quy định như sau:
Điều kiện chung:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp doanh nghiệp cảng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn theo quy định của pháp luật, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực
- Về tổ chức bộ máy: Doanh nghiệp phải có bộ phận quản lý an ninh hàng hải theo quy định.
- Về nhân lực: Tất cả các cán bộ an ninh cảng biển của doanh nghiệp phải được đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phù hợp với Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (ISPS Code).
Điều kiện về cơ sử vật chất, trang thiết bị
- Doanh nghiệp phải có đủ cơ sở vật chất, kho, bãi, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cảng biển.
- Trường hợp cảng biển không có đủ kho, bãi thì doanh nghiệp cảng phải có hợp đồng thuê kho, bãi (trừ trường hợp chỉ kinh doanh khai thác bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, cảng dầu khí ngoài khơi).
- Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Điều kiện về bảo vệ môi trường
Doanh nghiệp phải đảm bảo có đủ các phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển để xử lý theo quy định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra mà Việt Nam là thành viên (Công ước MARPOL) và các điều kiện khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển thì nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn theo quy định của pháp luật, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
3. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh khai thác cảng biển
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty kinh doanh khai thác cảng biển
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty kinh doanh khai thác cảng biển bao gồm
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Nội dung bao gồm: Tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; ngành, nghề kinh doanh; vốn điều lệ, hoặc vốn đầu tư đối doanh nghiệp tư nhân; các thông tin về cổ phần nếu là công ty cổ phần; thông tin đăng ký thuế; số lượng lao động; thông tin liên quan đến chủ doanh nghiệp hoặc thành viên của doanh nghiệp (Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn).
- Điều lệ công ty (doanh nghiệp tư nhân không cần có điều lệ).
- Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
- Giấy tờ chứng thực cá nhân đối với cá nhân, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đối với tổ chức.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập công ty kinh doanh khai thác cảng biển
- Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp nộp trực tiếp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc nộp trực tuyến tại trang web Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Thời hạn xử lý: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ trả lời về tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp phải sửa đổi, bổ sung sẽ thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
Bước 3: Nhận kết quả:
Sau khi đăng ký thành lập công ty thành công, chủ công ty sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khai thác cảng biển có mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế.
4. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển
Bước 1: Doanh nghiệp cảng đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) phải gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam 01 bộ hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Danh sách các chức danh và hợp đồng lao động kèm theo bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính các văn bằng, chứng chỉ theo chức danh quy định.
- Bản chính hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính Phương án khai thác cảng biển của doanh nghiệp cảng.
Doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển phải gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam.
Bước 2: Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định; nếu hồ sơ hợp lệ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ.
Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận và gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến doanh nghiệp cảng; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, bạn đọc có thể tìm hiểu tại bài viết: Điều kiện kinh doanh dịch vụ khai thác cảng biển của Luật Minh Khuê.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Thủ tục thành lập công ty kinh doanh khai thác cảng biển mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!