Mục lục bài viết
1. Các biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS 2003
Theo Điều 79 BLTTHS 2003: để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Các biện pháp ngăn chặn là nhóm biện pháp cưỡng chế được áp dụng phổ biến nhất trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử. Theo Điều 79, biện pháp ngăn chặn bao gồm những biện pháp sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Riêng về bắt lại có quy định cụ thể bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 80), bắt người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 81), bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã (Điều 82).
2. Đặc điểm cơ bản của các biện pháp ngăn chặn
Các biện pháp ngăn chặn có những đặc điểm cơ bản sau đây:
+ Đối tượng áp dụng: chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo tức là chỉ áp dụng sau khi đã xuất hiện vụ án hình sự cụ thể (vụ án đã được khởi tố, cá nhân cụ thể đã bị khởi tố bị can, đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử);
+ Mục đích áp dụng: ngăn chặn khả năng gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng từ phía bị can, bị cáo; ngăn chặn tội phạm đang diễn ra hoặc ngăn chặn khả năng tiếp tục phạm tội; bảo đảm thi hành án;
+ Chủ thể có thẩm quyền áp dụng: cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền. Luật không giải thích thế nào là người có thẩm quyền nhưng phân tích các điều luật có thể thấy thuật ngữ này bao gồm: người tiến hành tố tụng, những người quy định ở điểm b và c khoản 2 Điều 81, bất kỳ ai trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã (Điều 82); chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển (Điều 86)...;
+ Luật quy định tại một thời điểm chỉ được áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn nói trên đối với một đối tượng cụ thể. Khi thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền có thể thay thế biện pháp ngăn chặn đang áp dụng bằng biện pháp ngăn chặn khác.
3. Nhận xét về các biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS 2003
Phân tích các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về các biện pháp ngăn chặn khác có thể có những nhận xét sau đầy:
+ Mâu thuẫn về đối tượng áp dụng: Điều 79 quy định đối tượng bị áp dụng là bị can, bị cáo nhưng các điều 81, 82 và 86 về bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, tạm giữ có thể áp dụng đối với người chưa bị khởi tố bị can.
+ Mâu thuẫn giữa quy định tại một thời điểm chỉ được áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng cụ thể và thực tiễn hoạt động tố tụng. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành bắt khẩn cấp theo Điều 81 và Điều 86 thì cơ quan này phải ra văn bản tố tụng: Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ. Viện kiểm sát phải phê chuẩn hai văn bản tố tụng này. Nhưng trên thực tế thì hai hoạt động này gắn liền với nhau, không tách rời nhau tức là đồng thời đã áp dụng hai biện pháp ngăn chặn đối với người bị tạm giữ. Trường hợp tạm giam cũng vậy, phải có hai văn bản tố tụng: Lệnh bắt để tạm giam và Lệnh tạm giam và nếu do Cơ quan điều tra thực hiện thì phải có hai lần phê chuẩn của Viện kiểm sát. Thử đặt câu hỏi: có trường hợp nào Viện kiểm sát phê chuẩn Lệnh bắt để tạm giam mà sau đó lại không phê chuẩn Lệnh tạm giam hay không? Câu trả lời ở đây đã quá rõ ràng. Trên thực tế hành vi “bắt? không hoàn toàn độc lập với hành vi “tạm giữ’ hoặc hành vi “tạm giam” mà luôn đi cùng với hai hành vi đó như là tiền đề, là một phần không thể thiếu của hành vi “tạm giữ’ hoặc “tạm giam”. Không thể có bắt mà không nhằm mục đích tạm giữ hoặc tạm giam. Không thể có tạm giữ hoặc tạm giam mà lại không có bắt ngay trước đó. Quy định bắt, tạm giữ, tạm giam là những biện pháp ngăn chặn độc lập với nhau trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã cho thấy những bất cập trong lý luận cũng như trong thực tiễn áp dụng Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 (tội bắt, giữ và giam người trái pháp luật). Hiện nay, không có nhận thức thông nhất trong định tội danh đối với trường hợp một người (hay nhiều người) thực hiện một, hai hoặc cả ba hành vi phạm tội - bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Ví dụ: Nguyễn Văn A, Phạm Văn B vừa có hành vi bắt, vừa có hành vi trói để giữ Trần Văn c trong thời gian 30 phút do c nợ tiền A. Như vậy, việc định tội của A và B là một tội - Tội bắt giữ người trái pháp luật hay phạm hai tội - Tội bắt người trái pháp luật và Tội giữ người trái pháp luật? Cũng trong trường hợp này, nếu A và B lại giam c vào nhà kho hai tiếng nữa thì phạm một tội (Tội bắt giữ và giam người trái pháp luật) hay phạm ba tội (Tội bắt người trái pháp luật, Tội giữ người trái pháp luật và Tội giam người trái pháp luật)?
+ Các quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn của Bộ đội biên phòng và cảnh sát biển trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 có sự không nhất quán.
+ Biện pháp bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án (Điều 228) về bản chất cũng là biện pháp cưỡng chế nhằm mục đích bảo đảm thi hành án tức là biện pháp ngăn chặn nhưng lại không được luật thừa nhận.
4. Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong BLTTHS 2015
Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại Điều 110 BLTTHS 2015:
- Hoàn cảnh áp dụng:
+ Khi có đủ căn cứ để xác định một người đang chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
+ Người đó là người cùng thực hiện tội phạm hoặc là bị hại hoặc có mặt tại nơi xảy ra hành vi tội phạm, chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
+ Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
- Cá nhân/tổ chức áp dụng:
Người có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp bao gồm:
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
+ Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;
+ Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
5. Biện pháp tạm giam trong BLTTHS 2015
Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này, người bị tạm giam bị cách ly khỏi xã hội một thời gian nhất định, bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do thân thể, cư trú, đi lại …
- Hoàn cảnh áp dụng:
Áp dụng với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc cũng có thể áp dụng khi là tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
+ Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
+ Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
+ Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
+ Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
+ Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
+ Hoặc cũng có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
- Cá nhân/tổ chức áp dụng:
Những người có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam cũng có thẩm quyền ra lệnh, quyết định tạm giam.
- Các trường hợp không được tạm giam:
Theo khoản 4 Điều 119, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
- Tiếp tục phạm tội;
- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
- Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)