Mục lục bài viết
- 1. Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- 1.1. Khách thể của tội phạm
- 1.2. Mặt khách quan của tội phạm
- 1.3. Chủ thể của tội phạm
- 1.4. Mặt chủ quan của tội phạm
- 2. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm bị xử lý thế nào?
- 2.1. Đối với người phạm tội là cá nhân
- 2.2. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội
1. Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hàng giả là lương thực, thực phẩm được hiểu là sản phẩm mà con người ăn, uống hoặc các chất chủ định đưa vào thực phẩm được sản xuất và buôn bán trái pháp luật, không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên hoặc có một trong các chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa, gây thiệt hại cho lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.
Khi có đủ các dấu hiệu pháp lý thì người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" được quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Cụ thể:
1.1. Khách thể của tội phạm
- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Cụ thể, khách thể của tội phạm là trật tự của nền sản xuất hàng hóa, làm mất sự ổn định của thị trường, xâm hại lợi ích và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
- Đối tượng tác động của tội phạm này là lương thực, thực phẩm không phải là thật (hàng giả); có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của nó; không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký hoặc có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu dã đăng kí hoặc cũng có thể là lương thực, thực phẩm có tem, nhãn, bao bì giả mạo.
1.2. Mặt khách quan của tội phạm
- Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này gồm hai hành vi là sản xuất và buôn bán. Có thể hiểu như sau: một người chỉ thực hiện hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm thì chỉ định tội là “sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm”, mà không định tội là “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm” và ngược lại. Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi cùng một đối tượng phạm tội thì sẽ bị định tội là: “sản xuất và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm".
- Sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm là làm ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu lương thực, thực phẩm của cơ sở sản xuất, buôn bán khác đã đăng ký với cơ quan bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc đã được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
- Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm là việc thực hiện các hoạt động như: mua, xin, tàng trữ, vận chuyển hàng giả nhằm bán lại cho người khác; dùng hàng giả để trao đổi, thanh toán; dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán; ... lấy hàng giả để bán lại cho người khác.
Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán lương thực, thực phẩm giả không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội nhưng sẽ là căn cứ để định khung hình phạt. Một số hậu quả có thể kể đến như:
- Những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội.
- Xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa bị người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm được coi là hoàn thành khi có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm xảy ra.
1.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm có thể là cá nhân hoặc là pháp nhân thương mại.
Trong trường hợp chủ thể là cá nhân:
Người thực hiện hành vi phạm tội phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình. Do đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại:
Căn cứ vào Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì điều kiện chịu trách nhiệm về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm của pháp nhân thương mại được quy định như sau:
- Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại.
- Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại.
- Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.
1.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi sản xuất hàng giả hoặc biết rõ là hàng giả nhưng vẫn buôn bán; thấy trước được hậu quả của của hành vi và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ, mục đích của người phạm tội tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng việc xác định mục đích của người phạm tội có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Nhìn chung, người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là vì lợi nhuận.
2. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm bị xử lý thế nào?
Điều 193 Bộ luật Hình sự quy định 04 khung hình phạt đối với người phạm tội và 06 khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại.
2.1. Đối với người phạm tội là cá nhân
Khung thứ 01: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Khung thứ 02: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với trường hợp phạm tội sau đây:
- Phạm tội có tổ chức.
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.
- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
- Tái phạm nguy hiểm.
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Nếu những người này, lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ để phạm tội. Nếu có chức vụ, nhưng lại không lợi dụng chức vụ để buôn bán hàng giả thì không bị coi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Người có quyền hạn là người được giao thực hiện một công vụ và do thực hiện công vụ đó nên họ có một quyền hạn nhất định. Người có quyền hạn thông thường là người có chức vụ, nhưng cũng có thể là người không có chức vụ nhưng được giao hoặc được thạm gia thực hiện một công vụ.
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để sản xuất, buôn bán hàng giả. Thông thường, người phạm tội trường hợp này là thông qua các hợp đồng kinh tế để thực hiện hành vi phạm tội.
- Buôn bán qua biên giới.
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Căn cứ để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân dựa vào kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khung thứ 03: Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với trường hợp:
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
- Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Làm chết người.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
Khung thứ 04: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với:
- Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Làm chết 02 người trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng khung hình phạt bổ sung là: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2.2. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 193 này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 193 này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 193 này thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 193 này thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.