Thưa luật sư. Em có nghiên cứu quy định về luật doanh nghiệp và có quy định về tổng công ty nhà nước. Vậy luật sư cho hỏi, tổng công ty nhà nước là gì? Và quy định hiện hành về tổng cong ty nhà nước như thế nào? Em có thể tham khảo về nội dung này tại văn bản pháp luật nào ạ? Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Nông Cường - Lạng Sơn

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi:1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Doanh nghiệp năm 2020

- Nghị định 69/2014/NĐ-CP

2. Tổng công ty nhà nước là gì?

Tổng công ty nhà nước là hình thức liên kết kinh tế trên cơ sở đầu tư, góp vốn giữa các công ty nhà nước, giữa công ty nhà nước với các doanh nghiệp khác hoặc được hình thành trên cở sở tổ chức và liên kết nhiều đơn vị thành viên có mối quan hệ gắn bó với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ và các dịch vụ kinh doanh khác, hoạt động trong một hoặc một số chuyên ngành kinh tế - kĩ thuật chính nhằm tăng cường khả năng kinh doanh và thực hiện lợi ích của đơn Vị thành viên và của toàn công ty.

Tổng công ty nhà nước trong tiếng Anh được gọi là State corporations.

Tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.

Tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.

3. Các mô hình tổng công ty nhà nước là gì?

Tổng công ty nhà nước được tổ chức theo ba mô hình khác nhau với những đặc điểm riêng nhất định về mặt pháp lý, cụ thể là:

- Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập là hình thức liên kết và tập hợp các công ty thành viên hạch toán độc lập và các đơn vị thành viên khác theo quy định của pháp luật.

Có mối quan hệ gắn bó với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh, hoạt động trong một hoặc một số chuyên ngành kinh tế - kĩ thuật chính.

Nhằm tăng cường tích tụ, tập trung vốn và chuyên môn hoá kinh doanh của các đơn vị thành viên và toàn tổng công ty.

- Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập là hình thức liên kết thông qua đầu tư, góp vốn của công ty nhà nước quy mô lớn do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ với các doanh nghiệp khác, trong đó công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác.

- Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là loại tổng công ty được Nhà nước thành lập để thực hiện quyền chủ sở hữu vốn của nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp.

Loại hình tổng công ty này không có tính chất liên kết theo đúng nghĩa, mà là một tổ chức kinh tế đặc biệt, được thành lập để thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập và các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do mình thành lập;

Thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp đã chuyển đổi sở hữu hoặc hình thức pháp lý từ các công ty nhà nước độc lập.

4. Điều kiện để Tổng công ty nhà nước được Chính phủ lực chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế

Tổng công ty nhà nước được Chính phủ xem xét lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Kinh doanh có lãi trong ba (03) năm liên tiếp liền kề trước năm được lựa chọn;

- Tình hình tài chính được chủ sở hữu đánh giá ở mức độ bảo đảm an toàn;

- Trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn mức trung bình của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực hoạt động;

- Trình độ trang thiết bị, công nghệ ở mức tiên tiến; quản lý hiện đại;

- Quản lý có hiệu quả cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác;

- Hoạt động trong phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ quyết định các công ty mẹ trong tổng công ty, nhóm công ty được phép xây dựng Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ quyết định các công ty mẹ trong tổng công ty, nhóm công ty được phép xây dựng Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Người đại diện theo ủy quyền thực hiện quyền cổ đông, thành viên nhà nước tại công ty mẹ trong tổng công ty, nhóm công ty có trách nhiệm xây dựng Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty trình Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến để hoàn chỉnh Dự thảo Đề án.

5. Hồ sơ thành lập tổng công ty nhà nước là gì?

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 69/2014/NĐ-CP, Hồ sơ thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty gồm:

- Tờ trình Đề án;

- Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

- Dự thảo Điều lệ công ty mẹ.

Trong thời hạn ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Hồ sơ đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế, các cơ quan và cá nhân liên quan có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ và báo cáo thẩm định Hồ sơ đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với việc thành lập tổng công ty:

- Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập năm bộ Hồ sơ gốc đề nghị thành lập tổng công ty và chủ trì lấy ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Bộ quản lý ngành (đối với tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi công ty mẹ đặt trụ sở chính (đối với tổng công ty thuộc Bộ quản lý ngành).

Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hồ sơ đề nghị thành lập tổng công ty, các cơ quan liên quan có văn bản gửi Bộ quản lý ngành (đối với tổng công ty thuộc Bộ quản lý ngành), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) để tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thẩm định, giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn thiện Hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Căn cứ vào các điều kiện quy định tại Nghị định này và báo cáo thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án thành lập tập đoàn kinh tế; chủ trương thành lập tổng công ty thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong các trường hợp sau: a) công ty mẹ bị giải thể, phá sản; b) Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không còn đáp ứng các điều kiện quy định; c) Công ty mẹ bị sáp nhập, hợp nhất với doanh nghiệp khác mà Nhà nước không giữ cổ phần, vốn góp chi phối; d) Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

6. Phương thức quản lý, điều hành tổng công ty nhà nước

Việc quản lý, điều hành tổng công ty thực hiện theo phương thứ :

Thứ nhất, quản lý, điều hành thông qua công ty mẹ.

Thứ hai, quản lý, điều hành thông qua các hình thức đầu tư, liên kết; thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty; thực hiện các quy chế, tiêu chuẩn, định mức chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty không trái với quy định pháp luật; sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo nguyên tắc thị trường.

Thứ ba, phương thức khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với Điều lệ của các doanh nghiệp thành viên.

7. Nghĩa vụ công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động của tổng công ty nhà nước

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải thực hiện việc công khai, minh bạch các thông tin chủ yếu liên quan đến hoạt động của mình theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp liên quan đến công khai, minh bạch thông tin. Các nội dung thông tin cần công khai, minh bạch bao gồm:

- Các nhiệm vụ chủ sở hữu nhà nước giao dưới các hình thức khác nhau.

- Thông tin chi tiết về cơ cấu sở hữu và tài sản.

- Danh mục các dự án đầu tư, hình thức đầu tư, tổng ngân sách đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành.

- Các giao dịch, khoản vay, cho vay quy mô lớn.

- Báo cáo tài chính sáu (06) tháng hợp nhất. Báo cáo tài chính năm hợp nhất của toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã được kiểm toán. Thời gian công bố: không quá chín mươi (90) ngày sau khi kết thúc năm tài chính;

- Cơ cấu, hoạt động, thay đổi vốn sở hữu tại các công ty; về bộ máy quản lý của công ty mẹ và các công ty con.

- Báo cáo thường niên của toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Thời hạn công bố thông tin Báo cáo thường niên không quá hai mươi (20) ngày kể từ ngày công bố thông tin Báo cáo tài chính năm;

- Báo cáo tình hình quản trị toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty sáu (06) tháng và năm: định kỳ sáu (06) tháng và năm, công ty mẹ thực hiện công bố thông tin về tình hình quản trị công ty mẹ và toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Thời hạn báo cáo và công bố thông tin Báo cáo tình hình quản trị doanh nghiệp sáu (06) tháng và năm chậm nhất là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo.

Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị công ty, công khai trên Trang tin điện tử của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các nội dung thông tin công khai, minh bạch phải được đăng trên Trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.business.gov.vn) trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày được phê duyệt. Mẫu báo cáo thông tin công khai theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và nhất quán của thông tin công bố.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "Tổng công ty nhà nước là gì? Quy định về tổng công ty nhà nước". Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê