Luật sư tư vấn:
Vấn đề bạn quan tâm, Luật Minh Khuê xin được trao đổi như sau:
1. Tranh chấp là gì ?
Tranh chấp theo nghĩa thông thường là khi một bên có hành vi vi phạm hợp đồng, xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của bên kia, gây thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại cần được ngăn chặn kịp thời. Các bên trong hợp đồng cần phân biệt, làm rõ phạm vi tranh chấp, thẩm quyền giải quyết của cơ quan tài phán đến đâu, tránh tình trạng yêu cầu sai, bị cơ quan tố tụng tuyên bác bỏ, phải chịu án phí, lệ phí Tòa án, trọng tài, làm mất uy tín. Việc giải quyết quyền lợi hợp đồng sau đó sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp hơn.
2. Giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay tín dụng
Trong giao dịch vay, tranh chấp thường xảy ra ở các khoản vay ngắn hạn như: đầu cơ bất động sản, cổ phiếu; khi có biến động, chính sách thắt chặt tiền tệ, tín dụng; bên vay không trả được nợ; doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ; ngân hàng không thẩm định, đánh giá đúng giá trị tài sản bảo đảm, hiệu quả đầu tư có sử dụng vốn vay; lơ là, yếu kém trong công tác giám sát rủi ro, xử lý nợ,... Vì vậy, các tổ chức tín dụng phải chủ động thiết kế các phương án phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tranh chấp, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc.
Thời điểm phát sinh tranh chấp, đó có thể là thời điểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán, vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vay, thời điểm vi phạm những thỏa thuận được các bên ký kết trong quá trình xử lý nợ hoặc các hành vi không thực hiện hợp đồng, để bảo đảm các quyền được xử lý tài sản của bên cho vay.
Công tác giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay được tiến hành thông qua các hoạt động đàm phán, thương lượng để tìm kiếm sự đồng thuận, hoặc bằng tố tụng tài phán. Dựa trên thực tiễn kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, tác giả tạm phân chia thành hai biện pháp cơ bản như sau:
- Về biện pháp thương lượng: Quan hệ hợp đồng cho vay phức tạp kéo dài, thường phát sinh nhiều vấn đề các bên chưa dự liệu hết tại thời điểm ký kết hợp đồng. Khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, các bên cần có thiện chí hợp tác, tìm kiếm sự đồng thuận để giải quyết những bất đồng. Đối với các khoản nợ, các bên có thể đàm phán, thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm, nhanh chóng cấn trừ nợ, giảm bớt áp lực phát sinh lãi suất do bị chuyển nợ quá hạn. Trường hợp không thương lượng được thì có thể yêu cầu Tòa án, trọng tài giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng trọng tài. Phán quyết của Tòa án, trọng tài có hiệu lực sẽ được bảo đảm thi hành theo tự nguyện hoặc thông qua cơ quan thi hành án dân sự.
- Về biện pháp tài phán: Thông thường các bên thỏa thuận cơ quan tài phán tại nơi ký kết hợp đồng (nơi có chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng), hoặc nơi bên vay là doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh (nơi bị đơn có trụ sở). Đối với những hợp đồng vay có thỏa thuận tổ chức trọng tài giải quyết tranh chấp, Tòa án không được thụ lý giải quyết. Điều khoản về thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng vay thông thường phải thể hiện đầy đủ nội dung điều khoản mẫu của tổ chức trọng tài được các bên lựa chọn, hạn chế những tranh chấp về cơ quan có thẩm quyền giải quyết về sau, đẩy sự việc kéo dài, thiệt hại cho cả hai bên.
- Ví dụ: Điều khoản lựa chọn trọng tài mẫu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam có nội dung như sau:
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này hoặc, “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này.
Tranh chấp hợp đồng cho vay chiếm tỷ trọng lớn trong số các án kinh doanh, thương mại được tòa án thụ lý giải quyết. Song cơ chế xét xử, giải quyết tranh chấp bằng thủ tục tố tụng theo quy định hiện nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xét xử:
i) Quan hệ cho vay được xem là quan hệ dân sự, kinh doanh như các vụ án khác, nên chưa được nhìn nhận cho phép áp dụng thủ tục rút gọn, rút ngắn thồi hạn, thủ tục giải quyết tranh chấp; Thời hạn giải quyết trên thực tế thường kéo dài, cho dù pháp luật tố tụng dân sự quy định khoảng thời hạn này tương đối cụ thể, rõ rang (Theo quy định, tranh chấp án dân sự (hợp đồng cho vay được ký giữa tổ chức tín dụng với cá nhân nhằm mục đích sinh hoạt, tiêu dùng) có thời hạn xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án (Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi năm 2019, 2020); tranh chấp án kinh doanh thương mại (hợp đồng cho vay được ký kết giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận) thời hạn này là 02 tháng (khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1, Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi năm 2019, 2020). Đối với những vụ án phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trỗ ngại khách quan thì Tòa án có thể gia hạn thời hạn, nhưng không quá từ 01 đến 02 tháng); Việc giải quyết còn thiếu thành phần tham gia tố tụng, giải quyết không đầy đủ yêu cầu của đương sự,... Nguyên nhân của hiện tượng trên là do các tranh chấp gắn với tài sản vốn dĩ phức tạp, được quy định rải rác trong nhiều văn bản luật, khó áp dụng; thực tiễn xét xử vẫn còn nhiều lỗi chủ quan của thẩm phán dẫn đến việc ban hành các phán quyết chưa chính xác.
ii) Chế định trọng tài chưa phù hợp với đặc thù giải quyết tranh chấp án tín dụng vốn dĩ tranh chấp hợp đồng này gắn liền với công tác xử lý tài sản bảo đảm, nhiều thủ tục phức tạp (thẩm định giá, kê biên tài sản...); thói quen, niềm tin sử dụng tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp tại Việt Nam đối với doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tín dụng trong nước chưa cao.
Dựa trên lý thuyết về chi phí và hiệu quả, có thể thấy lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường tài phán chưa thật sự hiệu quả, làm tốn kém nguồn nhân lực cho các tổ chức tín dụng (vì phải tập trung nhân lực giải quyết tranh chấp), nguồn vốn tín dụng bị tắc nghẽn, rủi ro pháp lý cao. Do đó, thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, chủ động, hiệu quả, chú trọng bảo vệ khách thể là các lợi ích cốt lõi, an toàn của ngành ngân hàng là những vấn đề được tác giả quan tâm giải quyết.
Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động vay vốn, giải ngân vốn... Quý khác hàng vui lòng gọi: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Đội ngũ luật sư của Công ty luật Minh Khuê luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.