Mục lục bài viết
- 1. Quy định pháp luật về hộ chiếu năm 2023 như thế nào?
- 2. Quy định về nguyên tắc xuất nhập cảnh đối với trẻ em đi nước ngoài
- 3. Trẻ em khi đi nước ngoài có cần phải làm hộ chiếu hay không?
- 4. Thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em khi đi nước ngoài năm 2023
- 4.1. Thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi
- 4.2. Thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em từ đủ 14-16 tuổi
1. Quy định pháp luật về hộ chiếu năm 2023 như thế nào?
Tại khoản 3, điều 2, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 có quy định về khái niệm hộ chiếu như sau: “Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân”
Theo quy định đó, ta có thể hiểu rằng hộ chiếu là một giấy tờ rất quan trọng được dùng để chứng minh về nhân thân và quốc tịch của công dân Việt Nam khi công dân xuất cảnh, nhập cảnh do các cơ quan có thẩm quyền cấp.
Theo quy định, một cuốn sổ hộ chiếu sẽ bao gồm các thông tin như: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại…..
Pháp luật nước ta hiện nay pháp luật quy định có 03 loại hộ chiếu được lưu hành sử dụng:
Một là, Hộ chiếu phổ thông, cấp cho công dân Việt Nam. Loại hộ chiếu này có đặc điểm để nhận dạng đó là trang bìa màu xanh tím.
Hai là, Hộ chiếu ngoại giao cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác. Loại hộ chiếu này có đặc điểm để nhận dạng đó là trang bìa màu nâu đỏ.
Ba là, Hộ chiếu công vụ được cấp cho đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội… được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác. Loại hộ chiếu này có đặc điểm để nhận dạng đó là trang bìa màu xanh lá cây đậm.
Ngoài ra, về mẫu hộ chiếu thì hiệ nay pháp luật nước ta quy định có 02 mẫu hộ chiếu bao gồm: Hộ chiếu có gắn chíp điện tử và Hộ chiếu không gắn chíp điện tử.
2. Quy định về nguyên tắc xuất nhập cảnh đối với trẻ em đi nước ngoài
Tại Điều 3 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về nguyên tắc xuất cảnh đối với trẻ em đi nước ngoài như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho công dân Việt Nam; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
- Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định các hành vi bị nghiêm trong xuất cảnh cấm như sau:
- Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.
- Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài.
- Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.
- Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.
- Lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
- Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.
- Cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
- Nhũng nhiễu, gây phiền hà, tự đặt thêm các loại giấy tờ, phí, lệ phí, kéo dài thời hạn khi giải quyết các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; cản trở công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
- Cấp giấy tờ xuất nhập cảnh không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng; không ngăn chặn theo thẩm quyền hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
- Hủy hoại, làm sai lệch, làm lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trái quy định của pháp luật.
- Thu giữ, không cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, giải quyết xuất cảnh trái quy định của pháp luật.
Nội dung trên đây là các nguyên tắc chung về việc xuất cảnh cho trẻ em khi đi nước ngoài, và các hành vi bị nghiêm cấm trong xuất nhập cảnh, cần tuân thủ thực hiện để tránh vi phạm pháp luật.
3. Trẻ em khi đi nước ngoài có cần phải làm hộ chiếu hay không?
Tại Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về điều kiện xuất cảnh như sau:
- Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;
+ Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
+ Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
- Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Quy định tại khoản này về điều kiện xuất cảnh được áp dụng chung cho mọi lứa tuổi, không phân biệt người lớn hay trẻ em.
Như vậy, khi đi nước ngoài, trẻ em cũng bắt buộc phải làm hộ chiếu đầy đủ. Đặc biệt, theo khoản 2 Điều 33 Luật này thì người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện nêu trên còn phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Nếu trẻ em dưới 14 tuổi khi đi nước ngoài thì bắt buộc phải làm hộ chiếu, thị thực đầy đủ, trừ trường hợp đến quốc gia miễn thị thực cho người Việt Nam và người đại diện hợp pháp đi cùng.
Trẻ em từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ cần làm hộ chiếu và thi thực (trừ trường hợp đến quốc gia miễn thị thực cho người Việt Nam).
4. Thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em khi đi nước ngoài năm 2023
Căn cứ theo quy định Thông tư 29/2016/TT-BCA (đã hết hiệu lực ngày 15/11/2021, hiện chưa có văn bản thay thế, quý khách hàng có thể tham khảo quy định tại Thông tư này về thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em), thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em khi đi nước ngoài sẽ được thực hiện như sau:
4.1. Thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi
Hồ sơ:
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 29/2016/TT-BCA quy định về hồ sơ cấp hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi bao gồm:
- Tờ khai hộ chiếu có dán ảnh cỡ 4x6; cha mẹ khai thay và ký thay, có xác nhận và đóng dấu giáp lai vào ảnh của công an cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú.
- Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh (nếu trẻ em dưới 01 tháng tuổi chưa được cấp giấy khai sinh). Những giấy tờ này là bản sao chứng thực. Nếu không có chứng thực thì có thể nộp bản sao mà xuất trình bản chính để đối chiếu.
- Hai ảnh cỡ 4x6.
- Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của cha hoặc mẹ - người đi nộp hồ sơ cấp hộ chiếu cho trẻ.
Nơi nộp hồ sơ:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 29/2016/TT-BCA quy định nơi nộp hồ sơ là Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh công an tỉnh nơi thường trú hoặc tạm trú.
Lưu ý: Thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em không thực hiện online cũng như không nộp hồ sơ qua bưu chính mà chỉ có trường hợp được nộp trực tiếp.
Thời gian giải quyết: Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 29/2016/TT-BCA thời hạn giải quyết không quá 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí: Căn cứ Thông tư 25/2021/TT-BTC, lệ phí cấp mới hộ chiếu 200.000 đồng/lần cấp.
4.2. Thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em từ đủ 14-16 tuổi
Với đối tượng trẻ từ đủ 14-16 tuổi, thủ tục cấp hộ chiếu được thực hiện như khi cấp hộ chiếu cho người lớn. Và thủ tục cấp hộ chiếu cũng thực hiện theo quy định của Thông tư 29/2016/TT-BCA như sau:
Hồ sơ
- Tờ khai làm hộ chiếu.
- Hai ảnh 4x6.
- Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân còn giá trị.
Nơi nộp hồ sơ
- Đã có Căn cước công dân: Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh công an cấp tỉnh bất kỳ tỉnh, thành nào thuận tiện.
- Chưa có Căn cước công dân: Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh công an cấp tỉnh nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú).
Trong đó, hình thức nộp đa dạng hơn: Nộp trực tiếp, nộp qua bưu điện hoặc nộp online.
Thời gian giải quyết
Không quá 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (khoản 1 Điều 8 Thông tư 29/2016/TT-BCA).
Lệ phí
Lệ phí cấp mới hộ chiếu 200.000 đồng/lần cấp theo Thông tư 25/2021/TT-BTC.
Ngoài ra, quý khách hàng có thể tham khảo thêm nội dung bài viết sau của Luật Minh Khuê: Làm hộ chiếu phổ thông mất bao lâu thì lấy được?
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Ngoài ra, khách hành cũng có thể liên hệ trực tiếp với các luật sư của Luật Minh Khuê để được giải đáp các vấn đề liên quan đến: Luật sư Bùi Thị Nhung qua số điện thoại: 0931626162. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.