Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi:  1900 6162

Cơ sở pháp lý

- Luật trẻ em năm 2016

1. Trẻ em là gì?

Trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ Điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

2. Trẻ em lang thang là gì?

Trong Từ điển tiếng Việt, lang thang có nghĩa "đến chỗ này rồi lại bỏ đi chỗ khác, không dừng ở một chỗ nào nhất định". 

Cũng tương tự như vậy, trong từ điển Anh – Anh, khái niệm người lang thang là người sống trên đường phố (the men in the street) và là người không có nhà (withouts home); còn trẻ em đường phố được quan niệm là người trẻ sống trên đường phố (young people living on the street).

Trong khoa học pháp lý, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (Luật BVCSGDTE) lần đầu đưa ra khái niệm trẻ em lang thang: "Trẻ em lang thang là trẻ em rời bỏ gia đình, tự kiếm sống, nơi kiếm sống và nơi cư trú không ổn định; trẻ em cùng với gia đình đi lang thang"(khoản 2, Điều 3).

Như vậy theo định nghĩa này, để nhận diện là trẻ em lang thang phải có các dấu hiệu:

1) rời bỏ gia đình;

2) tự kiếm sống; và

3) nơi kiếm sống và nơi cư trú không ổn định.

Ngoài ra, trẻ em lang thang có thể là cùng gia đình đi lang thang và cả gia đình đều có các dấu hiệu trên.

Luật Trẻ em năm 2016 không đưa ra định nghĩa về trẻ em lang thang mà xếp chung vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. 

Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã cụ thể hóa các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không sử dụng cụm từ trẻ em lang thang mà thay vào đó là cụm từ trẻ em phải bỏ học kiếm sống và là trẻ "chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở không có người chăm sóc. Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở sống cùng cha, mẹ hoặc người chăm sóc" (Điều 10).

Như vậy, có thể hiểu trẻ em lang thang là trẻ em không có nơi ở, không công việc ổn định, phải kiếm sống và không có đủ các điều kiện để thụ hưởng các quyền của trẻ em và là thuộc nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Trên cơ sở đó, trẻ em lang thang bao gồm các nhóm:

+ Nhóm thứ nhất, trẻ em lang thang không có mối quan hệ thường xuyên với gia đình, gồm: trẻ em không có gia đình (trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi), trẻ em bỏ nhà đi lang thang;

+ Nhóm thứ hai, trẻ em lang thang có mối quan hệ thường xuyên với gia đình;

+ Nhóm thứ ba, trẻ em lang thang cùng với gia đình.

3. Bảo đảm quyền của trẻ em lang thang là gì?

Thuật ngữ “bảo đảm” trong tiếng Việt được hiểu theo nghĩa thông thường là “làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được, hoặc có được những gì cần thiết”; cũng với nghĩa tương tự, trong tiếng Anh thuật ngữ “guarantee”được hiểu là “chịu trách nhiệm về sự việc gì đó, tạo điều kiện cho sự việc đó được hoàn thành”Do đó, theo chúng tôi, bảo đảm có nghĩa chung nhất là đáp ứng các điều kiện cần thiết; chịu trách nhiệm để cho một sự việc được thực hiện hoặc đáp ứng được những nhu cầu cần thiết.

Như vậy, bảo đảm quyền của trẻ em lang thang là việc Nhà nước, gia đình và xã hội đáp ứng các điều kiện cần thiết để cho trẻ em lang thang được tiếp cận và thụ hưởng các quyền mà pháp luật đã quy định.

4. Thực trạng tiếp cận quyền đối với trẻ em lang thang

Theo thống kê chưa đầy đủ, vào năm 2014, toàn quốc có hơn 1.473.000 trẻ em đặc biệt khó khăn, trong đó có gần 22.000 em là trẻ lang thang đường phố, sống không gia đình. Năm 2016, Việt Nam ước tính có khoảng 3.300.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó khoảng 21.000 trẻ lang thang Theo các nhà nghiên cứu và nhà hoạt động xã hội, con số này còn thấp hơn con số thực tế, do: "Chính phủ ước tính dựa trên các số liệu hành chính và thường thấp hơn rất nhiều so với các số liệu có được từ các cuộc điều tra độc lập của các tổ chức phi chính phủ và các học viện tiến hành. Các số liệu ước tính ở Việt Nam dựa trên định nghĩa trẻ em là những người dưới 16 tuổi, so với thông lệ quốc tế trẻ em là người dưới 18 tuổi".

Đối với trẻ em lang thang cơ hội để tiếp cận các nhóm quyền được pháp luật quy định đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, do các điều kiện cho việc tiếp cận các quyền của nhóm trẻ này thấp hơn nhiều so với trẻ em sinh sống trong điều kiện bình thường.

4.1. Nhóm quyền sống

Quyền sống còn là quyền cơ bản của mỗi cá nhân, tiền đề cho việc bảo vệ tất cả các quyền khác của con người. Bảo vệ quyền này của trẻ cần dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ.

Đối với trẻ lang thang, một mặt trẻ có môi trường sống không ổn định, có nhiều rủi ro. Mặt khác, phần lớn các trẻ em này dường như đều tham gia lao động sớm với môi trường lao động đa dạng, phức tạp, nhiều trường hợp môi trường lao động thiếu an toàn cho tính mạng và sức khỏe. Trong điều kiện sống của trẻ hiện có, những nguy cơ đe dọa quyền sống còn của trẻ như: gây ra những tai nạn thương tích, những tổn thương do người lớn đem lại, thiếu sự chăm sóc yêu thương và hỗ trợ của gia đình, bị phân biệt đối xử... đều có nguy cơ xuất hiện cao hơn và trẻ cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận các kênh để nhận sự hỗ trợ khi cần thiết do thiếu kiến thức và kỹ năng. Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm đảm bảo quyền được sống ở mức cao nhất có thể được.

4.2. Nhóm quyền được bảo vệ

Quyền được bảo vệ là bảo vệ trẻ em khỏi bị phân biệt đối xử, thoát khỏi sự bóc lột về kinh tế, sự lạm dụng, xâm hại về thể xác và tinh thần, bị lơ là và bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ, các em phải được bảo vệ trong tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng. Trên thực tế, cơ hội để tiếp cận nhóm quyền này của trẻ em lang thang là rất quan ngại. Nghiên cứu của Trung tâm MSD (Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững) tiến hành năm 2013 trên 120 trẻ em đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 92,5% trẻ em đường phố tại đây từng bị xâm hại tình dục, khiến các em không chỉ bị tổn thương về thể chất mà cả tinh thần. 98,3% các em đã từng thử một hoặc nhiều chất gây nghiện như rượu, bia thuốc lá, heroin, methamphetamine (đá), keo hay tân dược. Nhiều em sử dụng các chất gây nghiện từ khi còn rất nhỏ, hầu hết nằm trong độ tuổi từ 12-13.

Pháp luật nghiêm cấm việc lạm dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em, bất kỳ một hành vi, hoặc yếu tố tình huống có chủ ý của cá nhân, tổ chức hay của cộng đồng như xâm phạm đến thể chất, tình cảm, nhân cách, lạm dụng tình dục, ngược đãi, xao nhãng, bỏ rơi, sử dụng quá mức sức lao động, hoặc khai thác thương mại, tước đoạt quyền và sự tự do của trẻ, gây nguy hại đến sự phát triển thể chất, tinh thần, xã hội của trẻ. Tuy nhiên, với trẻ em lang thang khi bị lâm vào các tình trạng trên, kể cả khi trẻ bị lâm vào tình trạng khẩn cấp như: khủng hoảng, rối loạn, thiếu hụt, mất thăng bằng nghiêm trọng do những yếu tố bên ngoài tác động có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất, tinh thần thì dường như hiếm khi các em tìm đến người lớn hay cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể giúp đỡ mình mà các em thường phải chấp nhận hoàn cảnh. Khi sống lang thang, các em rất dễ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục, nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục gồm cả các em nữ và nam. Môi trường sống dễ dẫn tới những hậu quả bị xâm hại trên nhiều phương diện, nhưng cơ hội tiếp cận các biện pháp bảo vệ lại hết sức khó khăn với các em do thiếu một cơ chế pháp lý đặc thù giúp cho trẻ em lang thang dễ tiếp cận và các tổ chức, cá nhân dễ dàng ngăn ngừa và can thiệp sớm khi các em cần được bảo vệ.

4.3. Nhóm quyền phát triển

Nhóm quyền phát triển bao gồm mọi hình thức giáo dục (chính quy và không chính quy) và quyền được có mức sống đầy đủ cho sự phát triển về thể lực, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội của trẻ.  

Cũng như hai nhóm quyền trên, việc thụ hưởng nhóm quyền phát triển cũng là một niềm mơ ước xa vời của hầu hết trẻ em lang thang. Do đặc thù của hoàn cảnh sống, đối với cả nhóm trẻ em lang thang không sống cùng gia đình và trẻ em lang thang cùng gia đình, thì việc đến trường dưới các hình thức chính quy và không chính quy đều có những khó khăn đáng kể. Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng nhiều em không có những giấy tờ cần thiết như giấy khai sinh hay giấy tờ tùy thân khác đáp ứng yêu cầu của thủ tục hành chính cho việc học tập. Các tổ chức cứu trợ trẻ em hiện có ở Việt Nam đều nhìn nhận: không có giấy tờ tùy thân là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em lang thang ít có cơ hội. 

Cơ hội tiếp cận các quyền được chăm sóc sức khoẻ, được học tập và phát triển năng khiếu, vui chơi, giải trí lại càng xa xôi hơn đối với trẻ em lang thang, khi việc được ăn uống đầy đủ và có chỗ ngủ qua đêm đã là khó khăn thì cơ hội nào để cho trẻ em lang thang có thể vui chơi, giải trí, chơi thể thao và đi du lịch? Chỉ một số nhỏ trẻ em lang thang hiện đang sống trong các nhà mở, các mái ấm... mới phần nào có cơ hội tiếp cận các quyền này, nhưng số các em đang ở các trung tâm này là rất nhỏ so với số trẻ em lang thang trên thực tế của cả nước.

4.4. Nhóm quyền tham gia

Bao gồm quyền được bày tỏ ý kiến trong mọi vấn đề có liên quan tới bản thân, quyền được lắng nghe và được kết giao hội họp. Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội.

Cơ hội tiếp cận nhóm quyền này đối với trẻ em lang thang cũng là hết sức khó khăn. Một mặt hiện chúng ta chưa có những kênh chính thức để cho nhóm trẻ này được lên tiếng cho các vấn đề của chính mình. Hơn nữa, do hạn chế về hiểu biết, kiến thức và mặc cảm về điều kiện sống, trẻ em lang thang thường sống khép kín, chỉ giới hạn trong nhóm những người cùng hoàn cảnh, ít chia sẻ với các đối tượng khác.

Có thể thấy, việc thụ hưởng các quyền được pháp luật quy định đối với trẻ em lang thang là hết sức khiêm tốn đối với cả bốn nhóm quyền: nhóm quyền sống, nhóm quyền được bảo vệ, nhóm quyền phát triển và nhóm quyền tham gia.

5. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế cơ hội tiếp cận quyền của trẻ lang thang

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế cơ hội tiếp cận quyền của trẻ em lang thang có nhiều, song trên hết là những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do hoàn cảnh sống của trẻ em lang thang là nơi ở không cố định, phần lớn các em đều phải lao động kiếm sống nên các em không có điều kiện học tập. Không đến trường đồng nghĩa với việc các em khó có thể tiếp cận với quyền được học tập, quyền vui chơi, giải trí, quyền nói lên tiếng nói của chính mình cho các vấn đề của trẻ em và vấn đề của cộng đồng và xã hội.

Thứ hai, nhiều em trong số trẻ em lang thang không có chứng minh nhân dân và thiếu các giấy tờ tùy thân do bỏ nhà ra đi lâu ngày, không nhớ rõ về gia đình, quê quán hoặc bản thân cha mẹ các em cũng không có giấy tờ tùy thân. Việc không có các giấy tờ tùy thân đồng nghĩa với việc đa số trẻ em đường phố không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ, không được đến trường, không có cơ hội tiếp cận tri thức. 

Thứ ba, thiếu cơ chế pháp lý hoàn thiện để trẻ em lang thang tiếp cận quyền của mình trên cả ba phương diện:

1) quy định của pháp luật cho việc bảo đảm tiếp cận quyền của trẻ em lang thang chưa đầy đủ, các quy định bảo vệ trẻ em trong một số trường hợp vẫn còn thiếu vắng hoặc chưa phù hợp với thực tế (đơn cử như đối với các trường hợp trẻ em nam là nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục);

2) thiếu các thiết chế chuyên trách cho sự bảo đảm tiếp cận quyền của các nhóm trẻ rơi vào tình trạng khó khăn, đặc biệt là các thiết chế hỗ trợ tiếp cận nhóm quyền được bảo vệ; và

3) cơ chế hoạt động và phối hợp giữa các thiết chế hiện có cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em lang thang còn thiếu đồng bộ và thống nhất.

Thứ tư, thiếu các dịch vụ xã hội cần thiết hỗ trợ cho trẻ em lang thang. Khi phát hiện các em lang thang hoặc có nguy cơ tham gia đội ngũ trẻ em lang thang, chúng ta không có các cơ sở để hỗ trợ nhóm trẻ em này. Tuy ở các tỉnh, thành trong cả nước đã nhiều nơi thành lập được các trung tâm, các mái ấm, nhưng số lượng các trung tâm, các mái ấm hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu và số lượng trẻ em lang thang. Mặt khác, chỉ trẻ em lang thang không cùng với gia đình mới là đối tượng được thu nhận tại các trung tâm, các mái ấm này. Dù trong Luật Trẻ em đã có những quy định về việc xây dựng và phát triển các cơ sở xã hội dành cho trẻ em, tuy nhiên để quy định của Luật đi vào cuộc sống cần có những quy định cụ thể, tránh tình trạng các quy định của Luật chỉ mang tính hình thức.

Thứ năm, trách nhiệm gia đình, Nhà nước và xã hội chưa rõ ràng và thiếu thống nhất.

Để giáo dục, nuôi dưỡng một đứa trẻ trưởng thành, cần có sự chung tay của cả 3 yếu tố quan trọng: gia đình, nhà nước và xã hội. Gia đình là cái nôi đầu tiên của mỗi con người, đứa trẻ được sinh ra trước tiên được ủ ấm bằng hơi ấm của các thành viên trong gia đình mà đầu tiên là người mẹ. Chính gia đình là nơi hình thành nên nền tảng nhân cách đầu tiên của mỗi con người, là nơi chuyển giao các giá trị cho các thế hệ. Trẻ em lang thang, đặc biệt là nhóm trẻ đã tách rời khỏi gia đình, vô hình trung các em đã mất đi quyền quan trọng của mình đó là quyền được sống cùng với gia đình. Vì thế pháp luật cần quy định cụ thể (có biện pháp chế tài thích ứng) cho những gia đình để con cái đi lang thang. Để làm được điều này, Nhà nước phải vào cuộc một cách quyết liệt để ngăn chặn sớm, can thiệp kịp thời đối với những trẻ có nguy cơ tham gia cuộc sống lang thang và trẻ em lang thang. Luật Trẻ em đã có những quy định rõ hơn so với Luật BVCSGDTE trước đây, tuy nhiên các quy định vẫn chủ yếu là mang tính định tính, thiếu tính định lượng, đặc biệt là quy trách nhiệm cụ thể để có thể phòng ngừa, can thiệp sớm đối với trẻ em có nguy cơ rơi vào tình trạng lang thang.

Cuối cùng, kiến thức hạn chế và mặc cảm xã hội của trẻ em là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế của chính TELT trong việc tiếp cận quyền của mình. Trong nhiều trường hợp, các em bị bóc lột sức lao động nhưng không biết mình đang bị bóc lột. Các em bị xâm hại tình dục nhưng không biết mình đang bị xâm hại, hoặc biết nhưng không dám tố cáo, không dám lên tiếng.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập