Mục lục bài viết
>> Luật sư tư vấn luật Doanh nghiệp về cổ đông sáng lập, gọi:1900.6162
Trả lời:
Công ty cổ phần là một trong các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp mới nhất năm 2020. Đây là một trong các loại hình công ty phổ biến nhất ở Việt nam, nó hội tụ nhiều ưu điểm như: Khả năng huy động vốn, kết nạp cổ đông mới ... và đặc biệt là có thể mở rộng quy mô không giới hạn.
1. Quy định về công ty cổ phần
Điều 110, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về công ty cổ phần như sau:
"Điều 110. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn”.
Hình thức công ty cổ phần ở Việt Nam được quy định trong luật doanh nghiệp năm 2020 và hiện nay đang áp dụng luật doanh nghiệp năm 2020 địa vị pháp lý của loại hình công ty này được hoàn thiện một bước căn bản.
Từ góc độ pháp lý, có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của Công ty cổ phần như sau:
- Công ty cổ phần là một tổ chức có tư cách pháp nhân. Đây là loại hình công ty có tính tổ chức cao, hoàn thiện về vốn, hoạt động mang tính xã hội hoá cao.
- Công ty cổ phần chịu trách nhiệm đối với mọi khoản nợ của công ty bằng tài sản riêng của công ty. Điều đó thể hiện: công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty, các thành viên công ty, chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn họ đã góp cho công ty.
- Vốn điều lệ của công ty được chia thành các cổ phần. Đây chính là thuộc tính cơ bản nhất của Công ty cổ phần, từ phạm trù cổ phần sẽ phát sinh hàng loạt những vấn đề pháp lý khác.
- Trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần được phát hành các loại chứng khoán ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng. Do đó, sự ra đời của Công ty cổ phầngắn liền với sự ra đời của thị trường chứng khoán.
- Việc chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện dễ dàng thông qua hành vi mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
- Công ty cổ phần có số lượng thành viên rất đông, cổ đông ở hầu khắp thế giới, vì vậy, nó có khả năng huy động vốn rộng rãi nhất trong công chúng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, đặc biệt là trong công nghiệp.
Đã thành tập quán trong thương mại, Luật Công ty các nước đều quy định số thành viên tối thiểu phải có khi thành lập công ty mà không giới hạn tối đa số thành viên. Đại đa số các nước quy định Công ty cổ phần tối thiểu phải có bảy thành viên. Có nước quy định năm thành viên, có nước quy định tối thiểu phải có ba thành viên. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định Công ty cổ phần tối thiểu phải có ba thành viên trở lên.
Đặc trưng quan trọng nhất của Công ty cổ phần (cũng là tính chất quyết định để phân biệt với công ty TNHH) đó là cổ phần. Khi công ty thành lập kêu gọi mọi người góp vốn, số vốn cần góp được chia thành từng phần nhỏ bằng nhau gọi là cổ phần, cổ phần trong công ty đối vốn khác với phần vốn góp trong công ty đối nhân ở chỗ, cổ phần có thể tự do chuyển nhượng, mua bán như một thứ hàng hoá. Người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, cổ đông được cấp một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu, vì vậy cổ phiếu là một chứng thư chứng minh quyền sở hữu của một cổ đông đối với phần vốn góp trong công ty. cổ đông là người có cổ phần thể hiện bằng cổ phiếu.
Như vậy, có thể thấy rằng về mô hình nhỏ nhất khi thành lập đối với công ty cổ phần giới hạn có ít nhất 03 cổ đông (Không giới hạn số lượng tối đa cổ đông). Cổ đông công ty có thể là tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân. Và các cổ đông đầu tiên thành lập công ty cổ phần gọi là các cổ đông sáng lập công ty.
2. Cổ đông sáng lập công ty cổ phần
Và Điều 120 Luật doanh nghiệp năm 2020 có quy định cụ thể về cổ đông sáng lập như sau:
"Điều 119. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
1. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
Trường hợp không có cổ đông sáng lập, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó”.
Như vậy, công ty cổ phần không bắt buộc phải có cổ đông sáng lập. Hình thức công ty cổ phần được hình thành do chuyển đổi từ các hình thức doanh nghiệp khác hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác thì không buộc phải có cổ đông sáng lập. Nếu công ty cổ phần mới thành lập có cổ đông sáng lập thì phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập.
3. Phân biệt công ty cổ phần với công ty TNHH, Công ty hợp danh
Công ty cổ phần có những đặc điểm, dựa vào đó để phân biệt với công ty TNHH và công ty hợp danh. Những đặc điểm cơ bản của Công ty cổ phần gồm có:
Thứ nhất, về tính chất khi thành lập, Công ty cổ phần là loại công ty đối vốn. Điều đó có nghĩa là khi thành lập công ty chủ yếu quan tâm đến vốn góp, còn việc ai góp vốn không quan trọng. Vì vậy Công ty cổ phần có cấu trúc vốn mở.
Thứ hai, vốn điều lệ của Công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phàn. Giạ trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hoặc nhiều cổ phần. Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng cách mua cổ phần, mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần. Pháp luật hoặc Điều lệ công ty có thể giới hạn tối đa số cổ phần mà một cổ đông có thể mua nhằm chống lại việc một cổ đông nào đó có thể nắm quyền kiểm soát công ty do có nhiều vốn góp (ví dụ hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty trong nước). Luật Doanh nghiệp không quy định vốn điều lệ của công ty phải chia thành bao nhiêu phần, mỗi phần có giá trị bao nhiêu. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán của Việt Nam quy định mệnh giá cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng là mười nghìn đồng Việt Nam. Như vậy, Công ty cổ phần nào muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng thì trước đó phải thực hiện việc quy mệnh giá cổ phần về mười nghìn đồng Việt Nam. Điều đó dẫn đến hệ quả là trên thực tế các Công ty cổ phần đều xác định mệnh giá cổ phần là mười nghìn đồng Việt Nam để đảm bảo tính thanh khoản. Từ đặc điểm này, có thể khẳng định việc chia vốn của công ty thành các cổ phần là vấn đề căn bản nhất của hình thức công ty này.
Thứ ba, về thành viên công ty.
Là loại hình công ty đối vốn nên theo truyền thống pháp luật về công ty của các quốc gia trên thế giới, việc quy định số thành viên tối thiểu phải có khi thành lập cũng như trong suốt quá trình hoạt động đã trở thành thông lệ quốc tế trong suốt mấy trăm năm tồn tại của Công ty cổ phần. Pháp luật chỉ quy định số thành viên tối thiểu mà không giới hạn số thành viên tối đa. hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định số thành viên tối thiểu trong Công ty cổ phần là 03, cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân. Cùng với sự phát triển kinh tế, pháp luật về công ty cũng có sự thay đổi (phá vỡ truyền thống), một số nước thừa nhận Công ty cổ phần có một cổ đông, cũng như thừa nhận công ty TNHH một thành viên.
Thứ tư, tính tự do chuyển nhượng phần vốn góp cũng là đặc điểm chỉ có ở Công ty cổ phần (do bản chất đối vốn). Phần vốn góp (cổ phần) được thể hiện bằng hình thức cổ phiếu, cổ phiếu do Công ty cổ phần phát hành là một loại hàng hoá. Người có cổ phiếu được tự do chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng được thực hiện theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.1
Thứ năm, về tính chịu trách nhiệm trong kinh doanh. Công ty cổ phần chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty. Các cổ đông chỉ chịu TNHH về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Thứ sáu, về huy động vốn, trong quá trình hoạt động Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại, có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty ( điều 112 luật doanh nghiệp năm 2020 hiện đang áp dụng).
Thứ bảy, Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân và vì vậy công ty cũng có tư cách thương nhân (thương nhân bởi hình thức). Các cổ đông hay những người quản trị công ty đều không có tư cách thương nhân. Những người có quyền giao dịch với bên ngoài là những người đại diện cho công ty. Công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ do những đặc điểm như đã trình bày đòi hỏi phải có cơ cấu quản trị chuyên nghiệp tách bạch với sở hữu.
Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê về Trong công ty cổ phần có bắt buộc phải có cổ đông sáng lập không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!