1.Trọng tài thương mại quốc tế là gì?

Trọng tài thương mại quốc tế là phương thức giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ tư pháp quốc tế, đặc biệt là quan hệ thương mại quốc tế mà pháp luật cho phép giải quyết bằng trọng tài. Theo phương thức này, các bên thỏa thuận thống nhất với nhau sẽ đưa tranh chấp ra một cơ quan trọng tài nhất định.

2. Tại sao phải sử dụng trọng tài?

Tranh chấp trong giao dịch thương mại quốc tế, dù xảy ra ở bất cứ đâu, đều có thể được giải quyết theo các phương thức đa dạng, từ tham vấn thân thiện cho đến tranh tụng trước toà án. Đối với các nước châu Á, thì trước khi chuyển sang phương thức tranh tụng trước toà án, các bên thường tận dụng tối đa các phương thức không mang tính bắt buộc, bao gồm trung gian và hoà giải, để có thể đạt được sự thoả hiệp. Trong giai đoạn này, các bên cũng có thể tính đến khả năng sử dụng phương thức ICA. ICA đã và đang được ứng dụng hết sức mạnh mẽ trong nhiều thập niên gần đây, nhất là tại các nước Bắc Mỹ, Tây Âu, Trung Đông và Đông Á. Do đó, phương thức ICA sẽ là trọng tâm của Chương này. Các bên tham gia hợp đồng thương mại quốc tế có thể ghi điều khoản về cơ quan tài phán trong hợp đồng của họ. Sự phát triển mạnh mẽ của ICA một phần là giải pháp nhằm tránh sự bất cập và không rõ ràng của phương thức tranh tụng trước toà án trong giao dịch kinh doanh quốc tế. Nói một cách tích cực hơn, thì ICA, với tính có thể dự đoán và trung lập, được coi như một cơ quan tài phán và là nơi mà các chuyên gia trong từng chuyên ngành có thể tham gia giải quyết tranh chấp (thay vì các thẩm phán - những người thường có kiến thức hạn chế về luật thương mại quốc tế). ICA cũng cho phép các bên lựa chọn và quy định về quy trình và chi phí của việc giải quyết tranh chấp. Tất nhiên là ICA có cả những ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, dù có so sánh như thế nào giữa ưu và nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này, thì thực tế là ICA đang ngày càng trở nên phổ biến. Một trong những ưu điểm lớn nhất của phương thức ICA là khả năng thi hành phán quyết trọng tài tại toà án trong nước theo quy định của Công ước Niu Y-oóc. Hiện nay đã có trên 140 nước tham gia Công ước này. Trong khi đó, không có một công ước nào với nội dung tương tự liên quan đến việc thi hành bản án của toà án ở nước ngoài, mặc dù Công ước La Hay về quyền tài phán và thi hành bản án của toà án nước ngoài đang được soạn thảo. Một ưu điểm lớn khác của phương thức ICA là phương thức này thậm chí nhận được sự ủng hộ của cả các hệ thống pháp luật không thiện chí lắm với thoả thuận trọng tài của các bên tranh chấp. Ví dụ: ở Hoa Kỳ, Luật trọng tài liên bang quy định mức độ kiểm soát pháp lí - quy định rất xa lạ với tranh tụng thương mại quốc tế. Rất nhiều nước khác cũng có những quy định kiểu này, do đó tránh được những vấn đề phát sinh từ ‘thẩm quyền xét xử dựa trên vấn đề’ hay ‘thẩm quyền xét xử đối với cá nhân’ người tham gia tranh chấp, hay vấn đề ‘toà án không thích hợp’ (‘forum non conveniens’) (xem nội dung dưới đây), và những vấn đề tương tự. Trọng tài quốc tế đã trở thành một phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.  Các nước trên thế giới đều đang tích cực hiện đại hoá pháp luật quốc gia mình về trọng tài để bắt kịp xu thế này. Những trung tâm trọng tài mới cũng đang được thành lập và nhanh chóng tham gia vào giải quyết tranh chấp. Luật và thực tiễn về ICA cũng đã là môn học được giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới. ICA thực chất là phương thức giải quyết tranh chấp riêng tư, được các bên tranh chấp lựa chọn như là cách thức để chấm dứt xung đột giữa họ mà không cần viện đến toà án. Phương thức trọng tài được thực hành tại nhiều nước với những đặc tính về pháp lí và văn hoá khác nhau, và dưới các hình thức vô cùng đa dạng, không theo quy chuẩn cụ thể nào. ICA mang lại cho các bên quyền tự định đoạt và sự kiểm soát đối với quá trình giải quyết tranh chấp, nhằm định đoạt tranh chấp của chính họ. Các bên có thể quyết định theo đó tố tụng trọng tài sẽ được điều hành bởi một trọng tài ‘thiết chế’, hoặc trọng tài ‘vụ việc’ (‘ad hoc’). Luật áp dụng có thể là quy tắc của một tổ chức trọng tài thiết chế nào đó hoặc luật được các bên lựa chọn. Ngoài việc được quyền chỉ định trọng tài viên và luật áp dụng, các bên có thể lựa chọn địa điểm và ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, vì mỗi bên đều không muốn mình sẽ là đối tượng của quyền tài phán của hệ thống toà án của nước bên kia. Mỗi bên đều lo ngại về nguy cơ có sự thiên vị của toà án dành cho công dân hoặc pháp nhân của nước có toà án đó. Trong khi đó, trọng tài đem đến cho các bên tranh chấp một cơ quan tài phán trung lập hơn, nơi mà mỗi bên có thể tin tưởng rằng họ sẽ được phán xử công bằng. Hơn thế nữa, tính linh hoạt của trọng tài trong việc tạo ra quy trình giải quyết tranh chấp phù hợp với yêu cầu của các bên tranh chấp, và cơ hội lựa chọn trọng tài viên là người có kiến thức về vấn đề đang tranh chấp, làm cho phương thức trọng tài trở nên đặc biệt hấp dẫn. Ngày nay, ICA đã trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chủ đạo đối với hầu hết các giao dịch thương mại quốc tế. Phán quyết trọng tài nói chung thường dễ được công nhận và cho thi hành trên bình diện quốc tế hơn là bản án của một toà án quốc gia. Theo Công ước Niu Y-oóc, các toà án có nghĩa vụ phải thi hành phán quyết trọng tài, trừ khi có những sai phạm nghiêm trọng về thủ tục giải quyết bằng phương thức trọng tài, hoặc những vấn đề liên quan đến tính trung thực của quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Công ước Niu Y-oóc ủng hộ tối đa việc thi hành phán quyết trọng tài, do vậy hầu hết các toà án sẽ rất hạn chế giải thích theo hướng phủ nhận việc thi hành này, từ đó dẫn đến thực tế là hầu hết các phán quyết trọng tài đều được thi hành. Những ưu thế khác của trọng tài bao gồm khả năng giữ bí mật về quy trình và kết quả giải quyết tranh chấp. Tính bí mật được quy định tại một số Quy tắc của các thiết chế và có thể mang tính ràng buộc (đối với cả những nhân chứng và các chuyên gia) theo thoả thuận của các bên, theo đó những cá nhân này bị ràng buộc bởi một thoả thuận về không tiết lộ thông tin. Rất nhiều doanh nghiệp muốn sử dụng các quy trình kín, bởi vì họ không muốn thông tin bị rò rỉ về doanh nghiệp và những hoạt động kinh doanh của mình, hoặc loại tranh chấp nào họ đang phải giải quyết, và họ cũng không muốn công khai một phán quyết bất lợi trong giải quyết tranh chấp. Các bên còn muốn chọn trọng tài viên là những người có kiến thức chuyên môn về vấn đề đang tranh chấp. Thêm vào đó, họ hài lòng với thực tế rằng giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài sẽ thực hiện ít hoạt động điều tra hơn, do đó việc giải quyết tranh chấp sẽ nhanh hơn so với quy trình tranh tụng trước toà án. Chính việc ít cơ hội cho phúc thẩm trong phương thức trọng tài cũng là một điểm hấp dẫn của phương thức này. Đối với các doanh nhân, việc chấm dứt tranh chấp có ý nghĩa to lớn, vì như thế họ mới có thể tiếp tục công việc kinh doanh của mình bình thường. Một vài nước Tây Âu từ lâu đã quy định trong pháp luật quốc gia của mình về phương thức trọng tài (ví dụ, Luật trọng tài của nước Anh năm 1889; Luật trọng tài của nước Anh năm 1950 sửa đổi bởi Luật trọng tài năm 1979); Toà án trọng tài Luân-đôn, một tổ chức trọng tài tư nhân, đã được thiết lập từ năm 1892. Các điều khoản về trọng tài trong hợp đồng thương mại quốc tế cũng đã được ưa chuộng tại Trung Quốc, thông qua Uỷ ban trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (‘CIETAC’), hoặc Uỷ ban trọng tài hàng hải Trung Quốc (‘MAC’). Xét theo khía cạnh số lượng vụ việc, CIETAC hiện là trung tâm trọng tài lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Uỷ ban trọng tài thương mại Nhật Bản cũng đã vận hành từ năm 1953. Hầu hết các nước châu Mỹ La tinh, châu Á và châu Phi đều có luật trọng tài và các trung tâm trọng tài thương mại quốc tế hoặc toà án thương mại quốc tế.

3.Thẩm quyền của trọng tài thương mại quốc tế

Trọng tài không phải có thẩm quyền đương nhiên giải quyết các vụ việc tranh chấp mà chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi các bên thỏa thuận và chỉ định. Để trọng tài thương mại quốc tế có thẩm quyền giải quyết, các bên cần lập một thỏa thuận trọng tài. Dựa theo Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010, thỏa thuận trọng tài là sự thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.

Sau khi lập thỏa thuận, trọng tài thương mại quốc tế sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên chủ thể trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc bị một trong các bên hủy bỏ. Như vậy, thỏa thuận giữa các bên là căn cứ để xác lập thẩm quyền của trọng tài thương mại quốc tế.

Thỏa thuận trọng tài có ý nghĩa vô cùng quan trọng:

- Là cơ sở để trọng tài thương mại quốc tế giải quyết các tranh chấp phát sinh

- Thỏa thuận trọng tài loại bỏ thẩm quyền của tòa án. Pháp luật Việt Nam ghi nhận, khi các bên thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài thì tòa án sẽ không có thẩm quyền giải quyết nữa

Tuy nhiên, cơ quan trọng tài thương mại và tòa án là hai cơ quan bổ trợ cho nhau khi giải quyết tranh chấp. Tòa án có thẩm quyền:

- Chỉ định trọng tài viên;

- Thay đổi trọng tài viên;

- Áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Hủy bỏ phán quyết trọng tài.

Thẩm quyền của trọng tài thương mại quốc tế không mang tính đương nhiên, sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận trọng tài. Ngoài ra, còn bị ảnh hưởng bởi phạm vi tranh chấp: hạn chế xét xử trong một số quan hệ thương mại, hoặc các tranh chấp phát sinh trong hôn nhân, gia đình, thừa kế ...

4.Vai trò của trọng tài thương mại quốc tế

Theo Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế ngày 21/6/1985 của UNCITRAL thì trọng tài sẽ mang tính chất quốc tế khi:

– Vào thời điểm giao kết thỏa thuận trọng tài, các bên có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau hoặc;

– Một trong những yếu tố sau đây ở ngoài lãnh thổ nơi các bên có trụ sở kinh doanh: nơi xét xử trọng tài hoặc nơi thực hiện phần chủ yếu của nghĩa vụ trong quan hệ thương mại hoặc nơi có quan hệ mật thiết với nội dung tranh chấp hoặc;

– Các bên đã thỏa thuận rõ ràng là nội dung chủ yếu của thỏa thuận trọng tài liên quan đến ít nhất là hơn một nước.

 Tính thương mại của trọng tài quốc tế: Các quan hệ mang tính chất thương mại bao gồm: các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận phân phối, đại diện hoặc đại lý thương mại, thuê mua xây dựng công trình, tư vấn kỹ thuật, li xăng, đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hợp đồng thăm dò, khai thác; liên doanh và các hình thức hợp tác liên doanh; vận tài hàng hóa hoặc hành khách bằn đường hàng không, biển, sắt hoặc đường bộ.

Như vậy, trọng tài thương mại quốc tế là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ tư pháp quốc tế, nhất là các quan hệ thương mại quốc tế mà pháp luật cho phép giải quyết được bằng trọng tài. Theo phương thức này, các bên nhất trí thỏa thuận với nhau sẽ đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại một cơ quan trọng tài nhất định nào đó.

Nguyên tắc thỏa thuận trọng tài

 Nguyên tắc trọng tài viên độc lập, vô tư, khách quan

 Nguyên tắc trọng tài viên phải căn cứ vào pháp luật

Nguyên tắc trọng tài viên phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên

Nguyên tắc giải quyết một lần

5.Cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại quốc tế

Luật áp dụng để xét xử tranh chấp là luật mà trọng tài dùng để xem xét việc thực hiện nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng. Luật này được gọi là luật áp dụng cho hợp đồng.

Đối với các tranh chấp thương mại nội địa, đương nhiên, luật áp dụng trong hợp đồng là luật quốc gia, chẳng hạn như ở Việt Nam thì căn cứ vào luật thương mại, pháp lênh hợp đồng kinh tế, luật đất đai… Vấn đề chọn luật áp dụng trong hợp đồng không đặt ra với các hợp đồng nội.

Trong thương mại quốc tế, luật của rất nhiều nước liên quan đến quan hệ của các bên trong hợp đồng và cùng có khả năng điều chỉnh hợp đồng ngang nhau. Giữa các nguồn luật đó luôn tồn tài hiện tượng xung đột luật, vì thế khi đưa tranh chấp ra trong tài, các bên đương sự phải thoả thuận thống nhất về luật áp dụng trong hợp đồng. Các nguồn luật áp dụng trong thương mại quốc tế bao gồm: Các điều ước quốc tế, các tập quán thương mại quốc tế và luật quốc gia.

Điều ước quốc tế: là những văn bản có chứa những quy phạm pháp luật được các quốc gia và các chủ thể khác xây dựng, ký kết, công nhận và có hiệu lực pháp lý đối với chủ thể của các quốc gia thành viên. Nó có thể là: Hiệp ước, Hiệp định, Nghị định thư, công hàm trao đổi… khi có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng nhưng không được quy định hoặc quy định không đầy đủ thì các bên có thể đưa điều ước quốc tế vào để xử lý vấn đề đó. Các điều ước này không có giá trị bắt buộc đối với các quan hệ thương mại quốc tế nếu như nó chưa được quốc gia đó phê chuẩn. Khi quốc gia đã phê chuẩn, tất cả những trường hợp mà hợp đồng không dẫn chiếu thì điều ước đó vẫn đương nhiên được áp dụng.

Có hai loại điều ước quốc tế trong lĩnh vực mua bán hàng hoá: Thứ nhất, loại điều ước quốc tế đề ra những nguyên tắc pháp lý chung làm cơ sở cho hoạt động thương mại, nó không điều chỉnh trực tiếp các vấn đề quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia hợp đồng mà chỉ đề ra các nguyên tắc pháp lý có tính chất định hướng, chỉ đạo: ví dụ như Hiệp định buôn bán hàng dệt may Việt Nam – EU, Hiệp định thương mại Việt Nam – Mỹ; Hiệp định cắt giảm thuế quan với ASEAN… Thứ hai, là loại điều ước quốc tế trực tiếp điều chỉnh đến các vấn đề có liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong ký kết và thực hiện hợp đồng. Đây chính là nguồn quy phạm pháp luật dùng để giải quyết tranh chấp, thường được các bên và cơ quan tiến hành tố tụng viện dẫn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Loại điều ước này điển hình có Công ước Brussel 1964 về chuyên chở hàng hoá, Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế.

Tập quán thương mại: là những quy tắc xử sự có hệ thống, những thói quen thương mại phổ biến được áp dụng một cách thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài và phải có nội dung rõ ràng mà qua đó có thể xác định được quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Các tập quán thương mại quốc tế chỉ có giá trị pháp lý và có hiệu lực bắt buộc đối với các chủ thể ký kết khi nó được quy định hoặc dẫn chiếu vào hợp đồng. Điều 135 quy tắc ICC về trọng tài quy định “Các trọng tài không chỉ áp dụng luật áp dụng mà còn phải dùng tới các điều khoản trong hợp đồng và những “Tập quán thương mại” thích hợp để giải quyết vụ việc”. Trong những luật trọng tài của các quốc gia cũng quy định như vậy.

Một ví dụ về tập quán thương mại quốc tế thông dụng được phòng thương mại quốc tế soạn thảo và ban hành đó là các bản Incoterm: quy định về điều kiện cơ sở giao hàng. Hay là quy tắc thống nhất và thực hành tín dụng chứng từ – UCP cũng tỏ ra rất hữu dụng trong việc hướng dẫn đến một chuẩn mực quốc tế duy nhất cho quyền và nghĩa vụ của các bên.

Ngoài ra, đối với các quốc gia theo hệ thống “common law” còn có các án lệ là các quy tắc xét xử được hình thành từ thực tiễn xét xử. Khi lựa chọn luật của các quốc gia này, các chủ thể cần để ý đến những án lệ này.

Luật quốc gia: trong thực tiễn và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tê, bên cạnh các điều ước quốc tế, các tập quán thương mại quốc tế và án lệ, luật quốc gia cũng đóng một vai trò khá quan trọng và trong nhiều trường hợp là nguồn luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên luật quốc gia chỉ trở thành luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế trong các trường hợp sau:

– Khi các bên ký kết hợp đồng thoả thuận trong điều khoản luật áp dụng của hợp đồng việc chọn luật của một bên để điều chỉnh hợp đồng.

– Khi điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế không được quy định trong các điều ước quốc tế liên quan, luật quốc gia đương nhiên trở thành luật áp dụng cho hợp đồng đó.

Nói đến luật quốc gia như một nguồn luật của thương mại quốc tế không có nghĩa là tất cả các luật đều được áp dụng mà chỉ có một số luật, văn bản pháp luật có liên quan đến thương mại quốc tế được áp dụng, bởi vì luật quốc gia không chỉ điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế mà nó còn điều chỉnh rất nhiều mối quan hệ khác.

Luật quốc gia áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá thông thường là luật của nước nào có quan hệ gần nhất với hợp đồng, tuy theo cách xác định, nhưng phải là luật đặc trưng, thường là luật của nước bên bán, luật của nước nơi hợp đồng được ký kết, nhưng cũng có thể là luật của bên mua, có thể là luật của nước thứ ba, luật quốc tịch, luật nơi nghĩa vụ của hợp đồng được thực hiện…

Trong quá trình đàm phán hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế điều khoản luật áp dụng thường được ghi một cách rõ ràng trong hợp đồng để tránh tình trạng khó xác đinh luật quốc gia điều chỉnh các quan hệ hợp đồng. Việc thoả thuận luật quốc gia áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là một vấn đề phức tạp, cho nên các chủ thể ký kết không những phải thông thạo luật của nước mình mà còn phải tìm hiểu kỹ luật của nước khác quan hệ với hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh được những thiệt thòi do sự thiếu hiểu biết pháp luật gây ra.

Tuy nhiên việc áp dụng luật của quốc gia nào để giải quyết tranh chấp trong hợp đồng đôi khi không chỉ phụ thuộc vào ý chỉ chủ quan của một chủ thể mà thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như: tương quan lực lượn giữa các bên tham gia hợp đồng, do điều kiện đặc thù khi triển khai hợp đồng đó… Trường hợp phải áp dụng luật của nước thứ ba, ít nhất phải hiểu được luật của nước đó có tiện cho người mua hay người bán, liên quan đến hợp đồng đã ký kết như thế nào, những điểm gì kiêng kị cần tránh…

Đôi khi các bên thoả thuận lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng sau khi hợp đồng đã được ký kết. Trường hợp này thường xảy ra khi ký kết hợp đồng, vì một lý do khách quan nào đó, các bên tiến hành rất nhanh chóng (để chớp thời cơ…) nên chưa kịp nêu điều khoản luật áp dụng trong hợp đồng.

Tại Việt Nam, Luật thương mại 2005 là nguồn luật quan trọng để các thương nhân Việt Nam nắm vững, áp dụng trong đàm phán ký kế hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Luật thương mại Việt Nam ra đời đã tạo một trường pháp lý vô cùng thuận lợi cho các thương nhân Việt Nam, đó là công cụ pháp lý quan trọng, là chỗ dựa pháp lý rất tin cậy cho các thương nhân Việt Nam tiến hành các hoạt động thương mại trong kinh doanh quốc tế. Do đó, trong trường hợp mặc dù hợp đồng thương mại đã được thực hiện hoặc bị vi phạm, thậm chí bị vô hiệu thì điều khoản về thoả thuận trọng tài của hợp đồng vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.

Luật Minh Khuê( sưu tầm và biên tập)