1. Thế nào là trọng tài vụ việc ?

Trọng tài vụ việc có nghĩa là trọng tài không được tiến hành theo quy tắc của một tổ chức trọng tài thường trực. Bởi các bên không bắt buộc phải tiến hành trọng tài theo quy tắc của một tổ chức trọng tài thường trực, họ có thể tự do quy định quy tắc tố tụng riêng. Nói cách khác, trọng tài vụ việc là trọng tài tự tiến hành (do it yourself arbitration).

Vị trí địa lý giữ vai trò vô cùng quan trọng bởi hầu hết các khó khăn liên quan đến trọng tài sẽ phải giải quyết theo luật quốc gia của nơi xét xử trọng tài.

Giả sử các bên đã thoả thuận trọng tài vụ việc trước một hoặc ba trọng tài viên và một bên không tham gia vào tố tụng trọng tài. Sẽ chỉ định bao nhiêu trọng tài viên ? Ai sẽ quyết định việc này ?  Và ai sẽ chỉ định trọng tài viên ? Câu trả lời chủ yếu phụ thuộc vào nơi sẽ diễn ra xét xử trọng tài.

Ví dụ, nếu nơi xét xử trọng tài là ấn Độ, theo Đạo luật trọng tài ấn Độ năm 1996, các bên không quyết định được số lượng trọng tài viên thì uỷ ban trọng tài sẽ chỉ có một trọng tài viên. Trọng tài viên đó sẽ được chỉ định bởi Chánh án Toà án tối cao (the Supreme Court) ấn Độ hoặc Chánh án một Toà án Phúc thẩm ấn Độ (the High Court).

Nếu nơi xét xử trọng tài là Cairô, theo Luật trọng tài của Ai Cập năm 1994, các bên không quyết định được số lượng trọng tài viên thì số lượng trọng tài viên là ba người và Toà thượng thẩm Cairô sẽ chỉ định trọng tài viên cho bên không chỉ định được. Hai trọng tài viên đó sẽ có 30 ngày để chỉ định trọng tài viên thứ ba; nếu họ không chỉ định được, Toà thượng thẩm Cairô sẽ chỉ định trọng tài viên thứ ba.

Bởi các bên trong trọng tài vụ việc không áp dụng quy tắc của các tổ chức trọng tài thường trực, họ nên quy định luật áp dụng càng cụ thể càng tốt nhằm tránh sự gián đoạn trong khi tiến hành tố tụng trọng tài. Các bên nên quy định uỷ ban trọng tài sẽ được thành lập như thế nào, xét xử trọng tài sẽ diễn ra ở đâu, và thời hạn (gia hạn thời gian nếu có thể) để ban hành phán quyết trọng tài. Các bên cũng  phải thoả thuận với trọng tài viên được chỉ định về các khoản thù lao.

 

2. Trọng tài vụ việc liệu có nhanh hơn và ít tốn kém hơn trọng tài thường trực ?

Các bên thường có khuynh hướng lựa chọn trọng tài vụ việc để tránh chi phí phụ và những trì hoãn có thể liên quan đến việc áp dụng quy tắc của một số tổ chức trọng tài thường trực. Tuy nhiên, trọng tài vụ việc không phải bao giờ cũng nhanh hơn và ít tốn kém hơn.

Bởi không có tổ chức trọng tài thường trực nào đặt ra và giám sát thời hạn, và bởi vì không có biểu phí cố định cho trọng tài vụ việc, các bên sẽ phải thoả thuận trực tiếp các vấn đề này với trọng tài viên. Vì vậy, các bên có thể phải thoả thuận mức thù lao theo giờ với các trọng tài viên, điều này có thể dẫn tới là tổng chi phí cuối cùng cao hơn số tiền các bên phải trả nếu họ đưa tranh chấp ra giải quyết theo quy tắc của một tổ chức trọng tài thường trực cụ thể.

Trong trọng tài vụ việc, không có tổ chức nào giám sát việc tiến hành trọng tài và giám sát các trọng tài viên. Vì vậy, kết quả phần lớn phụ thuộc vào các trọng tài viên tiến hành tố tụng như thế nào và liệu họ có kiểm soát được toàn bộ quá trình tố tụng. Cả trọng tài viên và các bên sẽ không có cơ hội yêu cầu sự ủng hộ và trợ giúp đặc biệt từ một tổ chức trọng tài thường trực trong trường hợp phát sinh sự kiện không dự kiến trước và trong trường hợp các trọng tài viên không thể giải quyết được vụ việc. Sự giúp đỡ và ủng hộ duy nhất mà các bên có thể nhận được là từ các toà án quốc gia.

 

3. Liệu các bên có thể nhận được hình thức trợ giúp nào đó trong trọng tài vụ việc không ?

Mặc dù các bên trong trọng tài vụ việc không giải quyết tranh chấp theo quy tắc của bất kỳ tổ chức trọng tài thường trực nào, các bên vẫn có thể nhờ một tổ chức trọng tài thường trực hoặc một tổ chức nào đó, ví dụ như một phòng thương mại, hoặc người đứng đầu hoặc chánh án một toà án quốc gia (hành động với tư cách cá nhân) làm “cơ quan có thẩm quyền chỉ định”.

Thoả thuận như vậy có lợi là nếu một trong các bên không tham gia vào thành lập uỷ ban trọng tài, hoặc nếu không đạt được thoả thuận về phương pháp chỉ định trọng tài viên (hoặc những người được chọn làm trọng tài viên), các bên có thể không phải nhờ một toà án quốc gia – với tất cả các yêu cầu thủ tục có thể bắt buộc tuân theo – chỉ định một hoặc nhiều trọng tài viên.

Tổ chức trọng tài thường trực hoặc một tổ chức nào đó làm cơ quan có thẩm quyền chỉ định thường sẽ phải giải quyết vấn đề thành lập uỷ ban trọng tài một cách nhanh chóng như thể vụ việc được tiến hành theo quy tắc tố tụng trọng tài của chính tổ chức đó. Thông thường, tổ chức sẽ yêu cầu trả một khoản phí nhất định cho việc chỉ định.

Tóm lại, nếu các bên không quy định quy tắc áp dụng cho việc tổ chức và tiến hành tố tụng trọng tài, thông thường họ sẽ bị ràng buộc bởi quy tắc tố tụng trọng tài của quốc gia nơi diễn ra xét xử trọng tài.

 

4. Loại trọng tài vụ việc đặc biệt

Trọng tài theo Quy tắc tố tụng trọng tài của UNCITRAL

Các bên có thể thoả thuận tiến hành trọng tài vụ việc theo Quy tắc tố tụng trọng tài của UNCITRAL, do Uỷ ban của Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế thông qua năm 1976. Các quy tắc này có trong website Juris International (http://www.jurisint.org).

Quy tắc tố tụng trọng tài của UNCITRAL là một bộ quy tắc đầy đủ  về thành lập uỷ ban trọng tài, tiến hành tố tụng trọng tài và ban hành phán quyết trọng tài. Quy tắc này được sử dụng trên toàn thế giới và được chấp nhận rộng rãi.

Đôi khi, các bên không quy định trong thoả thuận trọng tài quy tắc tố tụng trọng tài sẽ điều chỉnh tố tụng trọng tài, nhưng các bên có thể quy định điều này sau khi trọng tài đã bắt đầu. Trong trường hợp đó, Quy tắc tố tụng trọng tài của UNCITRAL có thể cũng giúp ích.

Tuy nhiên, nếu các bên lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài UNCITRAL, họ nên quy định rõ trước trong thoả thuận trọng tài một cơ quan chỉ định nhằm đẩy nhanh quá trình tố tụng. Theo Quy tắc UNCITRAL, cơ quan có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên khi một bên không chỉ định được, và cũng có thể quyết định khước từ và thay thế trọng tài viên. Nếu các bên không lựa chọn được một cơ quan có thẩm quyền chỉ định và những vấn đề như vậy phát sinh trong quá trình tố tụng trọng tài, một bên sẽ phải yêu cầu Tổng thư ký của Toà án trọng tài thường trực tại La Hay lựa chọn một cơ quan chỉ định – hậu quả là lãng phí thời gian.

Về vấn đề soạn thảo điều khoản dẫn chiếu Quy tắc tố tụng trọng tài UNCITRAL.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & chọn lọc từ các nguồn trên internet)