1. Khái niệm trưng cầu ý dân

Từ thực tiễn nghiên cứu pháp luật, các chuyên gia pháp luật đã đúc kết và đưa ra rất nhiều khái niệm trưng cầu ý dân, mỗi khái niệm lại phản ánh một góc độ, cách nhìn nhận khác nhau về bản chất trưng cầu, cách thức thực thi, các loại hình trưng cầu. Có thể xem xét và nghiên cứu vấn đề này thông qua một số khái niệm cụ thể như sau:

- Trưng cầu ý dân là việc “…hỏi ý kiến người dân bằng tổ chức bỏ phiếu, để nhân dân trực tiếp quyết định vấn đề quan trọng của đất nước”.

- Trưng cầu ý dân là “…việc lấy ý kiến nhân dân về vấn đề nào đó có liên quan đến lợi ích của nhân dân và lợi ích của đất nước”.

- Trưng cầu ý dân là “một hình thức tổ chức và hoạt động của nền dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân cộng tác và tham gia vào quyền lập pháp. Lấy ý kiến nhân dân bằng cách tổ chức để nhân dân trực tiếp quyết định một vấn đề quan trọng của đất nước, như thông qua Hiến pháp, một đạo luật, quyết định một chính sách, hoặc yêu cầu Quốc hội biểu quyết một dự án luật do nhân dân có sáng kiến đề nghị”.

- Trưng cầu ý dân là “hình thức lấy ý kiến nhân dân đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước hoặc của từng địa phương thông qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Thông qua hoạt động này, những người đến tuổi trưởng thành, với tư cách công dân của mình thể hiện chính kiến một cách cụ thể trên những vấn đề cần có quyết định dứt khoát sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm hết sức mình nhưng chưa tìm được giải pháp thỏa đáng”.

Theo Khoản 1 Điều 3 Luật trưng cầu ý dân có quy định: Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật này.

 

2. Chế định trưng cầu ý dân

Chế định pháp luật được xem là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống pháp luật “chứa đựng một nhóm các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại, mật thiết với nhau cùng tham gia điều chỉnh một loại quan hệ xã hội xác định”. Hay nói cách khác, “chế định pháp luật là tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có tính chất tương đồng".

Chế định pháp luật mang tính chất nhóm, mỗi chế định có một đặc điểm riêng nhưng chúng đều có mối liên hệ nội tại và thống nhất với nhau, chúng không tồn tại một cách biệt lập. Việc xác định ranh giới giữa các chế định nhằm tạo ra khả năng để xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Và phải đặt các chế định trong mối liên hệ qua lại trong một chỉnh thể thống nhất của pháp luật cũng như một ngành luật. Mỗi chế định pháp luật dùng mang đặc điểm riêng những nó cũng phải tuân theo các quy luật vận động khách quan, chịu sự ảnh hưởng và tác động của chế định khác trong hệ thống pháp luật.

 

3. Sự khác nhau giữa trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân

Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến Nhân dân tuy cùng là hình thức để Nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp tham gia, thể hiện ý kiến với Nhà nước nhưng giữa trưng cầu ý dân và lấy ý kiến Nhân dân có sự khác nhau về nội dung, hình thức và giá trị pháp lý. Về nội dung, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định; còn vấn đề lấy ý kiến Nhân dân có thể là các vấn đề ở mức độ, phạm vi khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực do nhiều cơ quan quyết định, có thể là vấn đề ở tầm quốc gia nhưng cũng có thể chỉ là các vấn đề liên quan đến một hoặc một số địa phương cụ thể. Về hình thức, trong trưng cầu ý dân, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua việc bỏ phiếu kín, còn trong việc lấy ý kiến Nhân dân thì các hình thức để người dân thể hiện ý chí thường linh hoạt hơn rất nhiều (có thể là bỏ phiếu, lấy ý kiến vào văn bản hoặc phát biểu trực tiếp tại các hội nghị, cuộc họp lấy ý kiến…). Về giá trị pháp lý, trưng cầu ý dân có giá trị quyết định, có thể thi hành ngay đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu; còn kết quả lấy ý kiến Nhân dân là cơ sở để cơ quan, tổ chức lấy ý kiến xem xét, quyết định. Đối tượng của việc lấy ý kiến Nhân dân có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình,… trong khi đó, đối tượng trưng cầu ý dân chỉ gồm các cử tri. Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân không hạn chế việc Nhà nước tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với những vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Nguyên tắc trưng cầu ý dân: Các nguyên tắc trong luật Trưng cầu ý dân quy định đảm bảo xuyên suốt các khâu, các bước trong trưng cầu ý dân và được quy định tại Điều 4 Luật trung cầu ý dân năm 2015, bao gồm:Bảo đảm để Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội. Thực hiện nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín khi trưng cầu ý dân. Việc trưng cầu ý dân phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định.  

Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân : Luật trưng cấu ý dân quy định cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Cụ thể là :Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật Trưng cầu ý dân.

Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân:  Luật trưng cầu ý dân quy định: Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định .

Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân : Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày chủ nhật, do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân: Trưng cầu ý dân là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Để cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật thì việc quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các nhân và công dân trong giám sát việc trưng cầu ý dân là cần thiết. Do đó, Luật trưng cầu ý dân quy định :Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ban của Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.

Kết quả trưng cầu ý dân: có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu và có hiệu lực thihành kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết công bố . Còn việc lấy ý kiến Nhân dân có tính chất tham khảo, việc trưng cầu ý dân là bắt buộc và hiệu lực thực thi đúng quy định do Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố. Luật Trưng cầu ý dân quy định phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân được thực hiện trong cả nước, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và nội dung trưng cầu ý dân phải được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành. Đối với vấn đề về toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp phải được ít nhất hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành… 

Luật Trưng cầu ý dân là văn bản pháp luật quy định cụ thể về quyền của công dân, quyền làm chủ của Nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Luật quy định khi tổ chức trưng cầu ý dân được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục thì kết quả trưng cầu ý dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố (không phải chờ và không phải do Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố). Đây chính là điều quan trọng bậc nhất mà mọi người cần nhận thức rõ để thực thi quyền làm chủ cao nhất của Nhân dân đã được quy định cụ thể trong Luật Trưng cầu ý dân.

 

4. Các vấn đề trưng cầu ý dân

Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây:

- Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;

- Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;

- Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;

- Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

 

5. Các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân

Theo Luật trưng cầu ý dân năm 2015 thì các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân bao gồm:

- Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.

- Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.