1. Khuyến mại theo quy định của pháp luật ?

1.1 Khuyến mại là gì ?

Khuyến mại là thuật ngữ được sử dụng trong hoạt động thương mại. Dưới góc độ ngôn ngữ, "mại" - được hiểu là bán. Thuật ngữ khuyến mại chính là chỉ hoạt động mà chủ thể kinh doanh tiến hành các chương trình, hoạt động nhằm tạo sự thu hút với khách hàng, để tiến hành quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cung ứng đến người tiêu dùng.

Theo Luật Thương mại 2005- Điều 88 định nghĩa về thuật ngữ khuyến mại như sau:

"Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm mục đích xúc tiến việc mua bán hàng hóa cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định".

Việc đưa ra các hình thức khuyến mại thường do các chủ thể kinh doanh hoặc các thương nhân nhỏ lẻ trực tiếp kinh doanh tiến hành hoạt động này, Theo Khoản 2- Điều 88 cũng quy định rõ việc thực hiện hoạt động khuyến mại do một trong những trường hợp thương nhân sau đây được phép thực hiện:

  • Thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình đang tiến hành kinh doanh;
  • Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại các loại hàng hóa, dịch vụ cung ứng củ thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhận khác nhưng phả tuân theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, còn có một loại chủ thể thực hiện hoạt động khuyến mại khác theo quy định tại Điều 89 Luật này, đó là hình thức kinh doanh dịch vụ khuyến mại: đây là hoạt động thương mại mà theo đó một thương nhân thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng ủy quyền.

 

1.2 Khuyến mại và khuyến mãi có khác nhau không ?

Đây là hai thuật ngữ phổ biến trong hoạt động kinh doanh và mua bán hàng hóa, dịch vụ khiến nhiều người tưởng nhầm đây là một trong hai cách đọc của thuật ngữ trên và chúng không khác nhau về mặt ngữ nghĩa. Sau đây Luật Minh Khuê sẽ đưa ra cho bạn cách hiểu đơn giản nhất để phân biệt hai thuật ngữ trên:

Về mục đich của hai hình thức hoạt động:

  • Khuyến mại: "mại" - là bán. Hoạt động này chủ yếu là của chủ thể kinh doanh, thường những chương trình khuyến mại do chủ thể kinh doanh đưa ra nhằm xúc tiến hoạt động thương mại, kích cầu tiêu thụ, mua và sử dụng sản phẩm, hàng hóa, mang lại lợi nhuận từ việc khuyến mại đó.
  • Khuyến mãi: "mãi" - là mua. Hoạt động này chủ yếu là hướng tới người tiêu dùng, khuyến khích mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ cung ứng, hoạt động này thường được đưa đến khách hàng thông qua các đại lý, nhà phân phối hoặc khách hàng trung gian.

Về bản chất của hai hình thức hoạt động:

  • Khuyến mại: bản chất chính là nhằm mục đích tăng doanh thu cho chủ thể kinh doanh, thương nhân hoặc doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng, từ việc chạy các chương trình khuyến mại, quảng cáo rộng rãi về sản phẩm từ đó giảm thiểu hàng tồn kho, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế tối đa.
  • Khuyến mãi: là hình thức bán hàng mà bản chất hướng tới là việc nâng cao doanh số của sản phẩm đó, cá nhân đại lý, nhà phân phối sẽ nhận được hoa hồng cao nhất về sản phẩm khuyến mãi của mình; điều này đồng thời giúp thương nhân và đại lý, nhà phân phối giảm thiểu được hàng tồn kho của mình.

Về hình thức hoạt động:

  • Khuyến mại: thông qua các hình thức khuyến mại đa dạng: tặng, giảm giá, tặng sản phẩm trải nghiệm,... đưa sản phẩm mới ra mắt đến tay khách hàng nhanh nhất, tạo thiện cảm tới người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín trên thương trường.
  • Khuyến mãi: bằng hình thức: thưởng doanh số, tặng quà, thưởng du lịch cho đại lý, nhà phân phối hoăc trung gian thì các chủ doanh nghiệp, thương nhân có thể tạo động lực thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Như vậy, khuyến mại và khuyến mãi không khác nhau nhiều về bản chất, mục đích cuối cùng đều là hướng đến tiêu thụ sản phẩm và đưa những sản phẩm này tới tay người tiêu dùng một cách tối đa nhất, quảng bá sản phẩm, hàng hóa và thu lợi nhuận cao nhất cho thương nhân, chủ thể kinh doanh. Vậy, những loại dịch vụ, hàng hóa mà hoạt động khuyến mại được phép kinh doanh được quy định như thế nào ?

 

2. Các loại hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại ?

Theo Luật Thương mại 2005, các loại hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và dùng để khuyến mại được quy định tại Điều 93, 94 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5- Nghị định 81/2018/NĐ- CP hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại như sau:

  • Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại hoặc dùng để khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, sữa thay thế sữa mẹ, thuốc chữa bệnh cho người (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc) dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục của cơ sở công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật.
  • Tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trừ các trường hợp khuyến mại theo hình thức như: sản phẩm mẫu, cung ứng dịch vụ hoặc các phiếu tặng kèm.  

 

3. Các hình thức khuyến mại theo quy định pháp luật ?

Pháp luật quy định những hình thức khuyến mại khác nhau chính là phương tiện mà thương nhân đưa ra để hướng tới đối tượng là khách hàng từ đó dành cho khách hàng những lợi ích nhất định khi mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ cung ứng. Các hình thức này cũng được quy định cụ thể tại Mục 2: Các hình thức khuyến mại của Nghị định 81/2018/NĐ-CP như sau:

 

- Khuyến mại qua hàng mẫu:

Đây là hình thức mà thương nhân thông qua nhiều  đại lý, nhà phân phối thực hiện đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền. Thông thường, hàng mẫu sẽ được sử dụng khi thương nhân cần giới thiệu sản phẩm mới hoặc sản phẩm cải tiến, hàng mẫu đưa cho khách hàng dùng thử là hàng đang bán hoặc sẽ được bán trên thị trường.

 

- Khuyến mại bằng quà tặng:

 Hình thức tặng quà thường được thương nhân thực hiện đối với khách hàng có hành vi mua sắm hàng hoá hoặc sử dụng dịch vụ, những sản phẩm này có thể là hàng hoá, dịch vụ mà thương nhân đang kinh doanh hoặc là hàng hoá, dịch vụ của thương nhân khác. Pháp luật cũng cho phép sử dụng hàng hoá, dịch vụ của thương nhân khác để phát tặng tạo điều kiện khuyến khích sự liên kết xúc tiến thương mại của các thương nhân từ đó khai thác lợi ích ở mức tối đa nhất. Hình thức tặng quà khuyến mại không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ, mà còn là cơ hội để thương nhân quảng cáo, giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ của nhau.

 

-  Khuyến mại bằng hình thức giảm giá:

Đây là hình thức khuyến mại với giá thấp hơn giá bán, giá cung ứng dịch vụ bình thường, được áp dụng trong thời gian khuyến mại mà thương nhân đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Với hình thức này, pháp luật quy định giới hạn mức độ giảm giá (gọi chung là hạn mức giảm giá, hạn mức khuyến mại theo Điều 6 Nghị định này: giá trị về mặt vật chất dùng cho hoạt động khuyến mại cho dịch vụ hoặc đơn vị hàng hóa không được vượt quá 50% giá trị của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại) để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống bán phá giá, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, khách hàng và của thương nhân khác, bởi những đợt giảm giá sâu, trong thời gian dài có thể dẫn tới khó khăn, khủng hoảng của thưoưg nhân ở cùng thị trường liên quan. Mức độ giảm giá cụ thể do pháp luật hiện hành quy định.

  • Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi: Phiếu mua hàng thường có ý nghĩa giảm giá hoặc có mệnh giá nhất định để thanh toán cho những lần mua sau trong hệ thống bán hàng của thương nhân do đó khách hàng có thể được những mức ưu đãi khác nhau. Phiếu sử dụng dịch vụ có thể cho phép sử dụng dịch vụ miễn phí theo điều kiện do nhà cung ứng dịch vụ đưa ra. Khác với điều này, phiếu dự thi có thể mang lại giải thưởng hoặc không mang lại lợi ích gì cho khách hàng, phụ thuộc vào kết quả dự thi của họ. 
  • Tổ chức các sự kiện để thu hút khách hàng: Phương thức này thường phổ biến dưới dạng: khách hàng tự bốc thăm trúng thưởng, cào số trúng thưởng hoặc tổ chức rút thăm ngẫu nhiên theo thông tin khách hàng lưu lại,... là các sự kiện được tổ chức gắn liền với hành vi mua sắm. Tổ chức cho khách hàng tham gia các "gameshow tại chỗ' có thể là lợi ích phi vật chất mà thương nhân dành khuyến mại cho khách hàng, cũng có thể nhằm hướng tới khách hàng mục tiêu của thương nhân. 

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cấm thương nhân sử dụng các hình thức khác để khuyến mại nhưng khi tiến hành phải tuân thủ quy định về thủ tục thực hiện.

Hình thức khuyến mại được đưa ra như một chiến thuật kinh doanh, các thương nhân, chủ thể kinh doanh có thể đạt được mục đích như: từ đó thu lợi nhuận về cho mình, quảng bá về sản phẩm, chất lượng, uy tín của mình hoặc có thể kêu goi đầu tư, hợp tác nếu như đây là một sản phẩm tiềm năng. Bên cạnh đó, về phía người tiêu dùng, khi nhận được những ưu đãi hấp dẫn sẽ đánh thẳng vào tâm lý muốn mua hàng chất lượng nhưng được mức giá tốt nhất hoặc đối với những sản phẩm mẫu được tặng, họ có thể mang về sử dụng thử mà không mất tiền mua, nếu cảm thấy phù hợp sẽ tiếp tục sử dụng hoặc ngược lại. Điều này tạo nên một môi trường cung - cầu qua lại không ngừng gia tăng, không chỉ thúc đẩy tiêu thụ mà còn thúc đấy cho sự phát triển nền kinh tế thị trường.

 

4. Thủ tục đăng ký về hoạt động của chương trình khuyến mại ?

Tùy theo nhu cầu và mức độ ảnh hưởng của sản phẩm thông qua hình thức khuyến mại đến người tiêu dùng và cũng nhằm quản lý những mặt hàng được đưa vào kế hoạch chạy chương trình khuyến mại của thương nhân, chủ thể doanh nghiệp đó, pháp luật quy định về các thủ tục mà thương nhân cần thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại đến cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định tại Khoản 1- Điều 17; Thông báo hoạt động khuyến mại của Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định:

- Thương nhân có nghĩa vụ thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại đến tất cả các Sở Công Thương nơi tổ chức khuyến mại (tại địa bàn thực hiện khuyến mại) trước khi thực hiện chương trình khuyến mại. 

- Hồ sơ thông báo phải được gửi đến Sở Công Thương tối thiểu trước 03 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại (căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp, căn cứ theo thời gian ghi nhận trên hệ thống thư điện tử hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến).
Như vậy có thể thấy, khi thương nhân hoặc chủ thể kinh doanh muốn thực hiện hoạt động khuyến mại cho sản phẩm chiến lược của mình theo hình thức nào cũng cần đăng ký với Sở Công thương về mặt hàng khuyến mại, hình thức khuyến mại và những vấn đề liên quan diễn ra trong suốt quá trình tổ chức hoạt động khuyến mại.  
 

5. Có hay không những trường hợp không phải đăng ký khuyến mại ?

Câu hỏi đặt ra: Đối với những hình thức kinh doanh với quy mô nhỏ như với các cửa hàng thời trang, quần áo, phụ kiện, hoặc các thiết bị gia dụng kinh doanh nhỏ lẻ,..đưa ra các hình thức khuyến mại vào các dịp lễ, Tết, ngày đầu tháng, cuối tháng, cuối năm với giá thành rất rẻ liệu có cần đăng ký chương trình khuyến mại với Sở Công Thương ?
Cũng theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại một số chương trình khuyến mại quy định tại Khoản 2- Điều 17: Thông báo hoạt động khuyến mại có đưa ra quy định như sau về Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại khi khuyến mại có quy mô nhỏ hoặc những hình thức khuyến mại sử dụng hoàn toàn trên các trang thông tin mạng xã hội thì không cần thực hiện thủ tục thông báo với Sở Công Thương:

- Thương nhân thực hiện các chương trình khuyến mại quy định tại Khoản 1 Điều này có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng;

- Thương nhân chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến.

Như vậy, Theo quy định của Khoản 2 có thể thấy Nghị định 81/2018/NĐ-CP đã hướng dẫn các điều Luật Thương mại 2005 về trường hợp không phải thực hiện thủ tục thông báo với Sở Công Thương về hoạt động khuyến mại. Điều này không chỉ giảm thiểu áp lực cho cơ quan có thẩm quyền phụ trách việc phê duyệt mô hình khuyến mại mà còn linh động, khuyến khích các thương nhân, chủ thể doanh nghiệp nhỏ lẻ thực hiện các hoạt động khuyến mại phù hợp với quy mô kinh doanh của mình, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hành hóa, đẩy mạnh nguồn cung - cấu trong thị trường kinh doanh.

Tuy nhiên, dù là hoạt động khuyến mại có nằm trong trường hợp phải thực hiện thủ tục thông báo chương trình khuyến mại cho Sở Công Thương và Bộ Công Thương hay không thì các thương nhân, chủ thể kinh doanh cũng cần có trách nhiệm thông báo công khai, minh bạch về thể lệ giải thưởng và hình thức của khuyến mại. Mọi chương tình khuyến mại cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đồng thời khi phát giác dấu hiệu về hành vi khuyến mại vi phạm quy định pháp luật cần tố giác, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để điều tra, ngăn chặn hành vi trái phép.

 Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sự Luật Minh Khuê, mọi vướng mắc vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6162 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời. Trong trường hợp cần yêu cầu báo giá dịch vụ đăng ký khuyến mại trên phạm vi toàn quốc hoặc các tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước hãy gửi yêu cầu báo giá dịch vụ qua email: lienhe@luatminhkhue.vn Xin chân thành cảm ơn!