Căn cứ vào Điều 206 Bộ luật Lao động năm 2019, các trường hợp cấm người sử dụng lao động đóng cửa tạm thời nơi làm việc, bao gồm:

* Trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đỉnh công.

* Sau khi người lao động ngừng đình công.

Như vậy, quy định cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công nhằm bảo đảm việc đóng cửa tạm thời nơi làm việc không được diễn ra quá sớm, việc đóng cửa quá sớm có thể xâm phạm đến quyền làm việc của người lao động.

Với quy định sau khi người lao động ngừng đình công thì không được đóng cửa tạm thời nơi làm việc để bảo đảm người lao động được trỗ lại làm việc, có thu nhập chính đáng theo hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đã giao kết giữa các bên.

Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định pháp lý trên như sau:

 

1. Khi nào được đóng cửa tạm thời nơi làm việc

Đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc là một trong những quyền của người sử dung lao động trong thủ tục giải quyết đình công. Như vậy để làm rõ việc đóng cửa tạm thời nơi làm việc thế nào là đúng quy định thì cần nắm được thủ tục đình công.

Theo đó, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo;

Trường hợp người lao động có quyền đình công

Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành đình công theo thủ tục quy định tại Bộ luật Lao động trong các trường hợp sau:

+ Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật Lao động năm 2018 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

+ Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Quyền của các bên trước và trong quá trình đình công

Quyền chung của các bên là tiếp tục thỏa thuận để giải quyết nội dung tranh chấp lao động tập thể hoặc cùng đề nghị hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động

- Quyền của tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định gồm:

+ Rút yêu cầu đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công;

+ Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp;

- Quyền của người sử dụng lao động

+ Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công;

+ Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong quá trình đình công do không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản;

+ Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp;

Như vậy thì người sử dụng lao động có thể thực hiện đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công nếu có căn cứ không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản. Đây không phải là quy định mới mà đã được quy định lần đầu tại Bộ luật lao động cũ năm 2012 và hiện nay Bộ luật Lao động 2019 tiếp tục khẳng định lại tại Điều 203.

Thủ tục đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc

Trước ít nhất 3 ngày làm việc kể từ ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc tại nơi làm việc và thông báo cho các cơ quan, tổ chức sau:

+ Tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nơi làm việc dự kiến đóng cửa;

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa;

 

2. Trường hợp cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc

Mặc dù đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc là một trong các quyền của người sử dụng lao động nhưng trong các trường hợp sau thì bị hạn chế không được thực hiện quyền đó:

Trường hợp một là trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công.

Trước ít nhất 5 ngày làm việc từ ngày bắt đầu đình công thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao đông, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Như vậy người sử dụng lao động sẽ nhận được thông tin về thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công và người sử dụng lao động sẽ không được phép đóng cửa tạm thời trước 12 giờ tờ thời điểm đó (Điều 206 Bộ luật Lao động). Có nghĩa là về bản chất đóng cửa tạm thời đúng quy định là do không đủ điều kiện để hoạt động hay bảo vệ tài sản, do đó trước khi đình công theo quyết định đình công thì không có căn cứ về việc không đủ điều kiện hoạt động hay bảo vệ tài sản và việc đình công là hoạt động tự nguyện, có thời điểm cụ thể. Như vậy việc đóng cửa tạm thời trước đó được hiểu đơn giản người sử dụng lao động tự ý cho nghỉ.

- Trường hợp hai là sau khi người lao động ngừng đình công. Được hiểu là đã có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động hoặc người sử dụng lao động đã chấp thuận một phần, toàn bộ yêu cầu của người sử dụng lao động. Như vậy sau khi ngừng đình công tình người lao động quay trở lại làm việc như bình thường và không còn căn cứ để đóng cửa tạm thời nữa.

 

3. Quyền lợi của người lao động trong thời gian đình công, đóng cửa tạm thời

- Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác);

- Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

Trường hợp người sử dụng lao động đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc trái quy định thì có thể xác định đây ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động cho nên người lao động sẽ được hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động.

 

4. Mức xử phạt khi người sử dụng lao động vi phạm quy định về đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc

Đối với hành vi cố tình đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong trường hợp bị cấm ở trên thì căn cứ theo Khoản 3 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP người sử dụng lao động có thể bị xử phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra người sử dụng lao động còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lương cho người lao động trong những ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc đối với hành vi vi phạm.

Trên đây là phân tích, hướng dẫn về trường hợp cấm người sử dụng lao động đóng cửa tạm thời nơi làm việc và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm đó của Luật Minh Khuê. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi phân tích, đưa ra trên đây sẽ giúp ích cho quý khách trong quá trình làm việc. Trong trường hợp quý bạn đọc có điều chưa rõ về bài viết hay có bất cứ khúc mắc về pháp luật vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật lao động trực tuyến theo số Hotline1900.6162 để được hỗ trợ giải đáp một cách nhanh, hiệu quả nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách, Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn !