Căn cứ vào khoản 3 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2019, thì ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy, Với quy định nêu trên sẽ bảo đảm được các vấn đề sau:

Thứ nhất, người sử dụng lao động biết trước có thể sẽ chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động để không có đình công xảy ra; khi đó, người lao động và người sử dụng lao động đạt được mong muốn của mình.

Thứ hai, ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết trước để bảo đảm giám sát việc đình công được diễn ra đúng quy định của pháp luật và có phương án bảo đảm an ninh trật tự.

Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định này như sau:

 

1. Đình công là gì?

Trong Bộ Luật lao động 2019 khái niệm đình công được nêu rõ như sau: "Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo".

Đình công sẽ có những đặc điểm cơ bản như sau:

  • Là sự ngừng việc tạm thời; Tức là sự việc chỉ diễn ra vào một khoảng thời gian nhất định, không kéo dài lâu;
  •  Đình công diễn ra trên cơ sở tự nguyện và có tổ chức của người lao động; Lưu ý, việc này diễn ra đối với người lao động chứ không phải với các đối tượng khác;
  • Mục đích của đình công là nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động;
  • Tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thế là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Trong đó, tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan đến quan hệ lao động. Các tranh chấp lao động gồm có tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại; Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động.

 

2. Người có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công 

Theo quy định của pháp luật khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công theo quy định thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Quyết định đình công phải có nội dung sau đây:

  • Kết quả lấy ý kiến đình công; 
  • Thời điểm bắt đầu đình công;
  • Phạm vi tiến hành đình công;
  • Yêu cầu của người lao động;
  • Họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

Thông thường ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc đình công cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành các thủ tục như: trình tự đình công, lấy ý kiến đình công, quyết định đình công và thông báo thông báo thời điểm bắt đầu đình công của Bộ luật lao động 2019 để đình công trong trường hợp sau:

Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.

Trường hợp ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài lao động. 

 

3. Đình công bất hợp pháp 

Những cuộc đình công không xuất phát từ các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và không thuộc trường hợp được đình công thì được gọi là đình công bất hợp pháp.

Cuộc đình công không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức đại diện và lãnh đạo đình công. Quy định này rất quan trọng và có ý nghĩa lớn vì một doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở do đó không phải tổ chức nào cũng có quyền đình công.

Các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của bộ luật lao động 2019. Trình tự thủ tục là nội dung cũng rất quan trọng vì nó thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cả một tập thể người lao động cũng như vai trò đại diện của tổ chức đại diện người lao động.

Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Như vậy, có thể thấy phương án đình công theo quy định của Bộ Luật lao động là một phương án cuối mà người lao động cân nhắc đến khi các bên không thể giải quyết được các tranh chấp với nhau.

Không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.

Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công.

Đình công bất hợp pháp là khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

- Các hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công:

  • Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc;
  • Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động;
  • Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng;
  • Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công;
  • Có hành vi, thái độ trù dập và trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công;
  • Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

 

4. Những lưu ý trước khi đình công để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp được quyền đình công:

Tổ chức đại diện lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành đúng thủ tục để đình công trong trường hợp sau đây: 

  • Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
  • Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài lao động.

Phải do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công. Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục tiến hành đình công. Trình tự đình công được quy định như sau: 

  • Lấy ý kiến về đình công theo quy định tại Bộ luật lao động;
  • Ra quyết định đình công và thông báo đình công theo quy định;
  • Tiến hành đình công.

Tranh chấp lao động tập thể chưa được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền thì không được tiếp tục đình công.

 Bài viết trên đây của Luật Minh Khuê. Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề trên, quý bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.6162 để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên hỗ trợ khách hàng Luật Minh Khuê hỗ trợ.  Trân trọng!