Mục lục bài viết
- 1. Quy định về giáo dục mầm non
- 2. Thành lập trường mầm non
- 2.1 Thủ tục cấp quyết định thành lập; cho phép thành lập
- 2.2 Thủ tục cấp phép hoạt động giáo dục
- 3. Giải quyết thắc mắc xây dựng trên 2 tầng không ?
- 3.1 Quy định về cơ sở vật chất của trường mầm non
- 3.2 Hướng dẫn cách giải quyết khi bị từ chối hồ sơ
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
1. Quy định về giáo dục mầm non
Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn bộ con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năm, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế
Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng;
Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời;
Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Cấp học, trình độc đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
+ Giáo dục cấp mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
+ Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
+ Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;
+ Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độc thạc sĩ và trình độ tiến sĩ;
Vị trí, vai trò và mục tiêu của giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi;
Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.
Nội dung và phương pháp giáo dục mầm non
Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em; hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục trẻ em; phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội, trí tuệ, thẩm mỹ; tôn trọng sự khác biệt; phù hợp với các độ tuổi và liên thông với giáo dục tiểu học;
Phương pháp giáo dục mầm non
+ Giáo dục nhà trẻ phải tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tích cực hoạt động, vui chơi, tạo sự gắn bó giữa người lớn với trẻ em; kích thích sự phát triển các giác quan, cảm xúc và các chức năng tâm sinh lý;
+ Giáo dục mẫu giáo phải tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ em;
Chương trình giáo dục mầm non
- Yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non
+ Thể hiện mục tiêu giáo dục mầm non;
+ Quy định yêu cầu cần đạt ở mỗi độ tuổi, các hoạt động giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ em;
+ Thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục mầm mon.
- Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập để thẩm định chương trình giáo dục mầm non. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở giáo dục mầm non. Hội đồng và thành viên hộ đồng phải chịu trách nhiệm về nội dụng và chất lượng thẩm định;
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục mầm non sau khi được thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn và việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non.
2. Thành lập trường mầm non
Cơ sở giáo dục mầm non gồm:
- Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi;
- Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ từ 3 tuổi đến 6 tuổi;
- Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận tẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi;
Thủ tục thành lập trường mầm non
Để đi vào hoạt động giáo dục trường mầm non thì cần thực hiện hai thủ tục là :
+ Xin cấp quyết định thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục;
+ Xin cấp giấy phép hoạt động giáo dục.
2.1 Thủ tục cấp quyết định thành lập; cho phép thành lập
Điều kiện thành lập trường mầm non
Điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục gồm:
+ Có điều án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục.
Hồ sơ xin cấp phép
+ Tờ trình đề nghị thành lập của cơ quan chủ quản đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; của tổ chức hoặc cá nhân đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
+ Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
Trình tự thực hiện
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non nhà trẻ công lập thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã);
- Nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục thì tổ chức, cá nhân
Gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ được nêu ở trên đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bước 2: Quá trình giải quyết
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
- Trong thời 15 ngày làm việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan có ý kiến thẩm định, tình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
Lưu ý: Sau thời hạn 2 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập bị hủy bỏ;
2.2 Thủ tục cấp phép hoạt động giáo dục
Sau khi có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì bên thành lập thực hiện xin cấp phép hoạt động giáo dục
Theo đó điều kiện gồm có:
- Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu, duy trì và phát triển hoạt động giáo dục. Cụ thể như sau:
+ Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ được đặt tại khu dân cư bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường;
+ Diện tích khu đất xây dựng gồm; Diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích khu đất xây dựng bình quân tối thiểu 12 m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du (trừ thành phố thị xã); 8 m2 cho một trẻ em đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao, hải đảo;
+ Khuôn viện của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ có tường bao ngăn cách với bên ngoài;
+ Cơ cấu khối công trình gồm:
Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo: Phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng vệ sinh, hiên chơi bảo đảm theo đúng quy chuẩn quy định;
Khối phòng phục vụ học tập: Phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng;
Khối phòng tổ chức ăn: Khu vực nhà bếp và kho;
Khối phòng hành chính quản trị gồm: Văn phòng trường, phòng hiệu trưởng, phòng phó hiệu trưởng, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên, khu vệ sinh cho giáo viên, cán bộ, nhân viên, khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên;
Có thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Sân chơi gồm: Sân chơi của nhóm, lớp; sân chơi chung.
+ Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và tổ chức hoạt động giáo dục;
+ Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục;
+ Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
Trình tự thực hiện
Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền cho phép trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo giáo dục là Trưởng phòng giáo dục và Đào tạo.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
- Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục;
- Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập tường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
- Danh sách cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt gồm hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ chuyên môn trong đó ghi rõ trình độ chuyên môn được đào tạo; danh sách đội ngũ giáo viên, trong đó ghi rõ trình độ chuyên môn được đào tạo; hợp đồng làm việc đã được ký giữa trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ với từng cán bộ quản lý, giáo viên;
- Chương trình giáo dục mầm non, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non;
- Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các điều kiện theo quy định;
- Các văn bản pháp lý:
+ Xác nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê trụ sở trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ với thời hạn tối thiểu 5 năm;
+ Xác nhận về số tiền hiện có do trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ đang quản lý, bảo đảm tính hợp pháp và cam kết sẽ chỉ sử dụng để đầu tư xây dựng và chi phí cho các động thường xuyên của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ sau khi được cho phép hoạt động giáo dục;
+ Phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong giai đoạn 5 năm, bắt đầu từ khi được tuyển sinh;
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
Bước 3: Quá trình giải quyết
- Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 1 bộ hồ sơ trên đến Phòng Giáo dục và Đào tạo;
- Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu hồ sơ đúng quy định thì thông báo kế hoạch thẩm định thực tế tại trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo kế hoạch thẩm định thực tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan tổ chức thẩm định thực tế;
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, nếu trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép hoạt động giáo dục; nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì thông báo bằng văn bản cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ nêu rõ lý do.
3. Giải quyết thắc mắc xây dựng trên 2 tầng không ?
3.1 Quy định về cơ sở vật chất của trường mầm non
Căn cứ theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3907 : 2011 về yêu cầu thiết kế trường mầm non. Theo đó gồm các nội dung chính:
+ Yêu cầu về khu đất xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng
+ Nội dung công trình và yêu cầu giải pháp thiết kế kiến trúc
+ Yêu cầu thiết kế hệ thống kỹ thuật
+ Yêu cầu về công tác hoàn thiện
Trong đó có quy chuẩn về quy hoạch tổng mặt bằng
- Trường mầm non bao gồm các khối chức năng
+ Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo;
+ Khối phòng phục vụ học tập;
+ Khối phòng hành chính quản trị;
+ Sân vườn;
- Tổng mặt bằng các khối công trình trong trường mầm non cần đảm bảo quy định
+ Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo cần được đặt ở vị trí ưu tiên: trực tiếp đón gió mát về mua hè, tránh gió lùa và hạn chế gió lạnh về mùa đông; Có biện pháp tránh mưa hắt, tránh bức xạ mặt trời trực tiếp hướng tây;
+ Sân chơi có đủ nắng, tạo được môi trường không gian phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ;
+ Bố trí các khối công trình rõ ràng, đáp ứng nhu cầu sử dụng và quản lý; đảm bảo giao thông nội bộ an toàn và hợp lý.
- Diện tích sử dụng đất cần đảm bảo quy định
+ Diện tích xây dựng công trình: không lớn hơn 40%
+ Diện tích sân vườn, cây xanh: không nhỏ hơn 40%
+ Diện tích giao thông nội bộ: không nhỏ hơn 20%
Lưu ý: trường hợp sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà trường cho phép tăng diện tích xây dựng công trình nhưng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt
- Trường mầm non không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 3 tầng. Nhóm trẻ ở độ tuổi nhà trẻ nên bố trí ở tầng một. Đối với trường mầm non chuyên biệt chỉ nên xây tối đa là 2 tầng.
(Trường hợp thiết kế trên 3 tầng cần bảo đảm an toàn, thuận tiện cho sinh hoạt của trẻ cũng như việc thoát nạn khi có sự cố và phải được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền)
- Khoảng cách giới hạn cho phép từ công trình đến chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng tuân thủ điều lệ quản lý quy hoạch của khu vực;
- Các chỉ tiêu về quy hoạch khác phải tuân thủ quy định trong văn bản về quy hoạch xây dựng.
3.2 Hướng dẫn cách giải quyết khi bị từ chối hồ sơ
Như vậy có thể kết luận theo quy định thì không hạn chế việc xây dựng 2 tầng chỉ khuyến khích việc xây dựng tối đa 2 tầng đối với trường mầm non chuyên biệt. Việc xây dựng trên 3 tầng chỉ bị hạn chế chứ không hoàn toàn cấm, và được phép xây dựng nếu bảo đảm an toàn, thuận tiện cho sinh hoạt của trẻ cũng như việc thoát nạn khi có sự cố, đồng thời có được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
Theo phân tích ở trên thì việc xây dựng trường mầm non trên 2 tầng là hoàn toàn có căn cứ. Trường hợp gửi hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền nhưng bị từ chối thì trường mầm non hoàn toàn có thể yêu cầu câu trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Nếu câu trả lời không phù hợp hoặc không rõ ràng thì trường mầm non có thể soạn đơn đề nghị yêu cầu giải trình lý do. Trường hợp tiếp tục không đồng ý và nhận thấy câu trả lời không đúng quy định của pháp luật, không có căn cứ pháp luật thì trường mầm non có thể là đơn khiếu nại gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng thủ tục.
Trên đây là phân tích, hướng dẫn về quy chuẩn xây dựng trường mẫu giáo trên 2 tầng của Luật Minh Khuê. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi phân tích, đưa ra trên đây sẽ giúp ích cho quý khách trong quá trình làm việc. Trong trường hợp quý bạn đọc có điều kiện chưa rõ về bài viết hay có bất cứ khúc mắc về pháp luật vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo số Hotline: 1900.6162 để được hỗ trở giải đáp một cách nhanh, hiệu quả nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách, Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn !