Cụ thể về TSCĐ:

- A nhập khẩu TSCĐ (hàng mới 100%), do đó A nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu.

- A xuất HĐ GTGT cho B: A nộp thuế GTGT hàng bán ra, B được khấu trừ thuế GTGT hàng mua vào.

Như vậy, với cùng 1 TSCĐ: A nộp thuế GTGT 02 lần, B được khấu trừ thuế GTGT 01 lần

Sau 1 thời gian hoạt động không hiệu quả, A và B quyết định giải thể. Trong đó thì đối với B: Giá trị còn lại của TSCĐ kia vẫn còn (theo thời gian trích khấu hao đã đăng ký với cơ quan thuế).

Em xin nhờ các anh/chị tư vấn giúp em:

1. Xử lý như thế nào với phần giá trị còn lại của TSCĐ trên ? Các văn bản, thông tư hướng dẫn cách xử lý trên?

Có các ý kiến về vấn đề này như sau:

- B phải nộp thuế GTGT cho phần còn lại của TSCĐ

- B không phải nộp thuế cho phần GT còn lại của TSCĐ vì lý do:

+ TSCĐ của cùng 1 chủ thể (cty mẹ - chi nhánh)

+ Với cùng 01 TSCĐ: Công ty mẹ đóng thuế GTGT 02 lần – chi nhánh được khấu trừ 01 lần

+ Nếu xét về bản chất sự việc: TSCĐ vẫn đang nộp thuế GTGT cho nhà nước mà không được khấu trừ

+ Sở dĩ kế toán và thuế tính trích khấu hao TSCĐ vì nếu tính 1 lần chi phí mua sắm TSCĐ (giá trị trước thuế) vào 1 kỳ sản xuất kinh doanh thì kỳ đó sẽ lỗ. TSCĐ mang lại nguồn lợi ích cho nhiều kỳ kinh doanh nên được phân bổ đều cho nhiều kỳ theo thời gian trích khấu hao quy định.

+ Khi DN giải thể, chia tách: Phần còn lại của TSCĐ sẽ được tính 1 lần vào chi phí cuối kỳ của năm giải thể, chia tách.

Ghi chú: TSCĐ trên là loại máy móc thiết bị của ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện tại rất ít DN có nhu cầu sử dụng (chưa kể đến máy móc đã cũ (thời gian sử dụng còn được 01 năm), chi phí lắp đặt, chạy thử cao…)

2. Sự khác nhau của thuế GTGT đã được khâu trừ và thuế GTGT đã được hoàn ?

Em xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: P.N

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật thuế của Công ty luật Minh Khuê,

Hỏi về thủ tục xin phát hành hóa đơn VAT ?

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162

Trả lời

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty Luật Minh Khuê. Về vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

2. Nội dung tư vấn:

Thứ nhất, theo thông tin mà bạn cung cấp thì B là chi nhánh của công ty A.Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 tại khoản 1 điều 45 thì “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

Tại Điều 100, Bộ luật Dân sự  năm 2005 cũng quy định: “Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân.”

Như vậy chi nhánh  B là đơn vị phụ thuộc của công ty A, B không có tư cách pháp nhân, do B hạch toán độc lập nên mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại chi nhánh được ghi sổ kế toán tại đơn vị, tự kê khai và quyết toán thuế, chi nhánh này có con dấu, mã số thuế.

Trong vụ việc trên, A điều chuyển vốn cho B bằng tài sản cố định, A xuất HĐ GTGT cho B: A nộp thuế GTGT hàng bán ra, B được khấu trừ thuế GTGT hàng mua vào. Theo quy định tại khoản 6 điều 5 thông tư 219/2013/TT-BTC về hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng thì khi thực hiện điều chuyển TSCĐ giữa cơ sở kinh doanh và đơn vị thành viên thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

“Tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì không phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh có tài sản cố định điều chuyển phải có Quyết định hoặc Lệnh điều chuyển tài sản kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản.

Trường hợp tài sản cố định khi điều chuyển đã thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản hoặc điều chuyển cho cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì phải lập hóa đơn GTGT, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.”

Như vậy, do tài sản cố định trên đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển giữa công ty A và chi nhánh B, để phục  vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT nên B không phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế GTGT , trừ trường hợp tài sản cố định đó khi điều chuyển đã thực hiện đánh giá lại tài sản.

Việc xử lý phần giá trị còn lại của tài sản cố định của B được thực hiện theo quy định sau:

Khoản 5 điều 18 thông tư số 219/2012/TT-BTC quy định:

“Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.”

Tham chiếu công văn số 4569/TCT-CS ngày 20/12/2012 của Tổng cục Thuế  về việc xử lý thuế GTGT của TSCĐ, hàng hóa đã khấu trừ khi giải thể doanh nghiệp:

“Trường hợp trước khi doanh nghiệp giải thể đã tiến hành bán thanh lý tài sản cố định, vật tư hàng hóa còn tồn kho, đã xuất hóa đơn và kê khai thuế theo quy định thì doanh nghiệp không bị xử lý truy thu số thuế GTGT đầu vào đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế.

Trường hợp khi doanh nghiệp giải thể vẫn còn tài sản cố định, hàng hóa tồn kho chưa bán thì thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 2353/TCT-CS ngày 3/7/2012 nêu trên.”

Căn cứ vào quy định hướng dẫn nêu trên, trường hợp của doanh nghiệp xử lý như sau:

Về thuế GTGT đầu vào đã hoàn khi giải thể doanh nghiệp (Doanh nghiệp đã chấm dứt mã số thuế và không còn sử dụng hóa đơn):

Đối với thuế GTGT đầu vào của TSCĐ  Doanh nghiệp mua trước đây chịu mức thuế suất GTGT theo quy định, Doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế và đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế, nay khi Doanh nghiệp giải thể vẫn còn TSCĐ chưa bán thì cơ quan thuế sẽ thu hồi lại số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn trước đây tương ứng với giá trị còn lại trên sổ sách kế toán của TSCĐ đến thời điểm giải thể (không phân biệt thuế suất GTGT theo quy định hiện hành).

Thứ 2, Sự khác nhau của thuế GTGT đã được khấu trừ và thuế GTGT đã được hoàn ?

Theo thông tư số 219/2013/TT-BTC về hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng, các trường hợp khấu trừ thuế và hoàn thuế được quy định rõ:

Khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT bị tổn thất.

2. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu hàng hoá, dịch vụ bán ra.

3. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ.

4. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí được khấu trừ toàn bộ.

5. Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Các trường hợp hoàn thuế

1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp lũy kế sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc ít nhất sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT chưa được khấu trừ mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.

Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT.

2. Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý.

3. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.

4. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hoá mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.

5. Việc hoàn thuế GTGT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo được quy định như sau:

a) Chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại được hoàn số thuế GTGT đã trả cho hàng hoá, dịch vụ mua tại Việt Nam để phục vụ cho chương trình, dự án;

b) Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam thì được hoàn số thuế GTGT đã trả cho hàng hóa, dịch vụ đó.

6. Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế GTGT đã trả ghi trên hoá đơn GTGT hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế GTGT.

7. Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế GTGT của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế GTGT theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về bản chất, khấu trừ thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế giá trị gia tăng chỉ khác nhau về thủ tục còn về số thuế bạn phải nộp cho ngân sách nhà nước không thay đổi.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác bạn có thể trực tiếp đến văn phòng của công ty chúng tôi ở địa chỉ trụ sở Công ty luật Minh Khuê hoặc bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email Tư vấn pháp luật qua Email hoặc gọi điện để được tư vấn qua tổng đài 1900.6162.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT THUẾ.