Thưa Luật Minh Khuê! Đơn vị tôi là tổng công ty nhà nước, có cán bộ làm công tác chuyên trách công tác đảng được đơn vị trả lương và đóng BHXH. Theo nội dung văn bản của Ban Tổ chức Thành ủy "Cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể trong các công ty không có quan hệ lao động với người sử dụng lao động tại công ty, không phải ký hợp đồng lao động với công ty nhưng vẫn được công ty trả lương thay cho ngân sách nhà nước. Cơ sở tính toán tiền lương được căn cứ trên quyết định xếp lương của Thành ủy và các thu nhập khác theo quy định của công ty". Trên cơ sở nội dung đó, đơn vị phải thực hiện nhưng đơn vị không tìm được văn bản pháp luật nào quy định rõ việc không ký HĐLĐ với cán bộ chuyên trách công tác đảng. Rất mong luật sư hướng dẫn để đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và có cơ sở giải thích cho cán bộ làm công tác chuyên trách đảng. Rất mong nhận được hồi đáp của luật sư để đơn vị có cơ sở thực hiện Trân trọng.
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụctư vấn luật lao độngcủa công ty luật Minh Khuê.
Luật sư tư vấn luật lao động gọi:1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý
Bộ luật lao động số 10/2012/QH13
Thông tư số 30/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn luật lao động về hợp đồng lao động
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
2. Nội dung tư vấn
Đơn vị bạn là tổng công ty nhà nước, có cán bộ làm công tác chuyên trách công tác đảng được đơn vị trả lương và đóng BHXH. Theo nội dung văn bản của Ban Tổ chức Thành ủy "Cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể trong các công ty không có quan hệ lao động với người sử dụng lao động tại công ty, không phải ký hợp đồng lao động với công ty nhưng vẫn được công ty trả lương thay cho ngân sách nhà nước. Cơ sở tính toán tiền lương được căn cứ trên quyết định xếp lương của Thành ủy và các thu nhập khác theo quy định của công ty". Theo đó,nội dung văn bản của Ban Tổ chức Thành dự trên Khoản2 Điều 2 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủQuy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002 về hợp đồng lao động có quy định cụ thể các trường hợp không áp dụng gồm:
“2. Các trường hợp không áp dụng hợp đồng lao động quy định tại Điều 4 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
a) Những người thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh Cán bộ, công chức;
b) Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chuyên trách, người giữ các chức vụ trong cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân được Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc cử ra theo nhiệm kỳ;
c) Người được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp nhà nước;
d) Thành viên Hội đồng quản trị doanh nghiệp;
đ) Những người thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo Quy chế của tổ chức đó;
e) Cán bộ chuyên trách công tác đảng, công đoàn, thanh niên trong các doanh nghiệp nhưng không hưởng lương của doanh nghiệp;
g) Xã viên Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương, tiền công;
h) Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và viên chức trong lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân.”
Tuy nhiên,đến nay Nghị định số 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định số 44-2013-NĐ-CP ngày 10-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 về HĐLĐ. Tại Nghị định số 44/2013/NĐ-CP không quy định về các trường hợp không áp dụng HĐLĐ nữa.
Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
"Điều 156. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp."
Theo đó, trong trường hợp của bạn thì việc lựa chọn áp dụng văn bản pháp luật:
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
Như vậy, trong trường hợp Nghị định số 44/2013/NĐ-CP không quy định về các trường hợp không áp dụng HĐLĐ thì được áp dụng Nghị định số 44/2003/NĐ-CP về hợp đồng lao động có quy định cụ thể các trường hợp không áp dụng. Do đó căn cứ vào Điểm e Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002 về hợp đồng lao động có quy định cụ thể các trường hợp không áp dụng HĐLĐ thì cán bộ chuyên trách công tác đảng, công đoàn, thanh niên trong các doanh nghiệp nhưng không hưởng lương của doanh nghiệp và người đại điện theo pháp luật của công ty thì không thuộc đối tượng phải ký HĐLĐ.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn luật Lao động.