Kính thưa các luật sư, Chúng tôi muốn nhập khẩu phụ tùng, linh kiện cho ô tô ( phụ tùng chính hãng, mới chưa qua sử dụng) từ EU về Việt Nam.

1- Ở Việt Nam chúng tôi có phải thành lập công ty hay không?

2- Đối với những mặt hàng trên chúng tôi có phải xin giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam không? Nếu phải xin thì xin ở Bộ nào?( chúng tôi cũng đã tham khảo về việc xin giấy phép nhập khẩu, nhưng quả thực thấy nó lòang ngoằng, bất cập quá. Vì thực tể để hoàn tất hồ sơ xin cáp phép, thì hàng chúng tôi đã phải mua xong xuôi đâu đầy rồi, hàng đang trên đường vận chuyển mới có thể chạy giấy phép nhập được-vì hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu bao gồm cả hợp đồng mua bán, số lượng, loại hạng, hóa đơn, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất sứ, chất lượng… Khi hàng về rồi mà chưa có giấy phép nhập khẩu thì không làm thủ tục thông quan được, hoặc có làm được cũng bị nộp phạt hành chính- chúng tôi sẽ bị âm, hay bị tịch thu luôn cả lô hàng…Theo nghị đinh 127 thì phải).

3- Nếu nhập vào Việt Nam thì mức thuế nhập đối với hàng trên là khoảng bao nhiêu % ( từ… đến %).

4- Đối với phụ tùng, linh kiện ô tô có phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt không? Chúng tôi cũng nhiều lần đặt những câu hỏi trên tới tổng cục Hải quan Việt Nam-vì cơ quan này cho phép được tư vấn miễn phí. Nhưng cứ hỏi hoài mà đâu hề có phúc đáp!. Chúng tôi kính mong các luật sư trả lời chúng tôi để chúng tôi không gặp phải những điều vi phạm “ vì thực tình mà nói: không vi pham, không bị sử phạt hành chính hay tịch thu trắng có khi cũng đã bị lỗ mất rồi“.

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Đối với vấn đề bạn thắc mắc chúng tôi xin được trả lời như sau:

1, Cơ sở pháp lý

Luật thương mại 2005 

Nghị định số 187/2013/NĐ-CP  Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 

Thông tư số 164/2015/TT-BTC Ban hành biểu thuế xuất khẩu, bểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng cụ thể 

2, Nội dung tư vấn

Theo Điều 3 Nghị định số 187/2015/NĐ-CP quy định về những trường hợp được quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

'' Điều 3. Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu

1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):

Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.

2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam:

Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.

3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, khi xuất khẩu, nhập khẩu, ngoài việc thực hiện quy định của Nghị định này, thương nhân phải thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó.''

Như vậy, theo quy định nêu trên thì không nhất thiết phải thành lập công ty thì mới được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu mà các thương nhân cũng có quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu. Quy định về thương nhân được thể hiện tại Điều 6 của Luật thương mại 2005:

'' Điều 6. Thương nhân

1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

2. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.

3. Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.

4. Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.''

Nếu là hàng đã qua sử dụng thì bị cấm theo quy định hàng hóa cấm nhập khẩu của Nghị định số 187/2013. TRong trường hợp này, bạn nhập khẩu hàng mới thì được phép nhập khẩu và không cần xin phép. Khi nhập khẩu phụ tùng và linh kiện ô tô, bạn sẽ phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giái trị gia tăng. Để biết được thuế nhập khẩu của một mặt hàng thì trước hết bạn phải xác định được mã HS của mặt hàng đó.Việc xác định mã HS phù hợp với mặt hàng bạn nhập khẩu thì bạn phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm của hàng hóa được quy định tại Phụ lục II về sáu (6) quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới của Thông tư 103/2015/TT-BTC Thông tư ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Khi đã xác định được mã HS, bạn căn cứ vào mức thuế nhập khẩu đối với mã số HS cưa hàng hóa thuộc nhóm 87.08 tại BIểu thuế nhập khẩu ưu đãi được ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC Ban hành biểu thuế xuất khẩu, bểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng cụ thể 

Do bạn không nêu rõ hàng hóa của bạn để dùng cho loại xe nào nên không thể cung cấp cho bạn một mức thuế suất cụ thể được. Đối với các mặt hàng linh kiện thuộc chương 87 nhóm 87.08 thì mức thuế suất khoảng từ 7% đến 25% (Tùy từng mặt hàng).

3. Các mặt hàng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 

Về các mặt hàng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định tại Điều 2 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 như sau:

'' Điều 2.  Đối tượng chịu thuế

1. Hàng hóa:

a) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;

b) Rượu;

c) Bia;

d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;

đ) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;

e) Tàu bay, du thuyền;

g) Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng;

h) Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;

i) Bài lá;

k) Vàng mã, hàng mã.

2. Dịch vụ:

a) Kinh doanh vũ trường;

b) Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);

c) Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;

d) Kinh doanh đặt cược;

đ) Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;

e) Kinh doanh xổ số.''

Như vậy, mặt hàng của bạn không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

4. Phụ tùng xe hơi là gì? Gồm những loại nào?

Phụ tùng ô tô là tất cả các bộ phận cấu thành lên chiếc xe, được sản xuất riêng lẻ, để có thể thay thế khi hỏng hóc. Phụ tùng ô tô bao gồm tất cả những bộ phận vốn có của một chiếc xe như: xilanh, piston, séc măng, trục khuỷu, xupap…

Một chiếc ô tô gồm rất rất nhiều bộ phận, có thể tới hàng nghìn chi tiết. Trong đó sẽ có những phần thiết yếu (khung, gầm, động cơ), những phần phụ trợ (lốp, đèn, phanh), và cả những bộ phận đi kèm phục vụ sự thoải mái hay nhu cầu vui chơi giải trí…

Khi bộ phận nào đó bị thiếu hoặc hư hỏng, bạn cần bổ sung thay thế. Do khả năng sản xuất trong nước trong lĩnh vực xe hơi khá hạn chế, nên đa số các xưởng sửa chữa, cung ứng đều nhập khẩu trực tiếp hay gián tiếp từ nước ngoài. Và đó là lý do cần phải làm thủ tục để đưa những bộ phận này vào Việt Nam.

5. Thủ tục nhập khẩu phụ tùng ô tô

Về cơ bản thì thủ tục nhập khẩu phụ tùng xe hơi thông thường không có gì đặc biệt. Cụ thể, dòng hàng này không bị cấm & không bị hạn chế nhập khẩu, và cũng không phải xin giấy phép nhập khẩu của bộ ban ngành nào.

Tuy nhiên tôi muốn lưu ý: Một số phụ tùng đã qua sử dụng như: máy, khung, săm, lốp, phụ tùng, động cơ của ô tô, máy kéo và xe gắn máy không được phép nhập khẩu. Đó là quy định trong Nghị định 187/2013/NĐ-CP. Vì thế, nếu bạn định nhập mặt hàng phụ tùng cũ, thì cần tra cứu và tìm hiểu để đảm bảo chắc chắn không thuộc loại hàng bị cấm nhập.

Hồ sơ hải quan gồm những chứng từ:

  • Tờ khai hải quan từ phần mềm
  • Hóa đơn thương mại: 1 bản chụp
  • Chứng nhận xuất xứ (nếu có), để hưởng thuế ưu đãi đặc biệt: 1 bản gốc
  • Vận đơn: 1 bản chụp

Với mặt hàng này, cán bộ hải quan sẽ rất lưu tâm về giá nhập khẩu, do mặt hàng nằm trong diện quản lý rủi ro về giá. Vì thế, việc tra cứu sẽ khá mất thời gian, và tiến độ làm thủ tục thông quan thường cũng chậm hơn so với hàng thông thường.

Ngoài ra, nếu hệ thống phân vào luồng đỏ, hoặc có nghi ngờ gian lận, tờ khai có thể bị "bẻ luồng". Khi đó, chủ hàng phải mở container để hải quan kiểm hóa. Có trường hợp phải kiểm hóa 100%, nên sẽ mất thời gian và khá mệt.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua email hoặc qua tổng đài luật sư tư vấn pháp luật, gọi: 1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng!

Bộ phận Tư vấn Luật Thuế - Công ty luật Minh Khuê