Ngân hàng đã khoanh vào nợ xấu, không tính lãi do có dấu hiệu lừa đảo và sai phạm của một số cán bộ ngân hàng đã câu kết tiếp tay cho doanh nghiệp bạn tôi. ( Vài cán bộ trong ngân hàng cũng bị bạn tôi lừa ). Do nhiều lần thông báo bạn tôi doanh nghiệp vay vốn chi trả ngân hàng nhưng không được.Tôi muốn khởi kiện bạn tôi doanh nghiệp về tội : Lừa đảo, lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản người khác để lấy lại sổ đỏ được không? - Nhưng giữa tôi và bạn tôi không làm giấy tờ mượn, mà chỉ nói mồm mượn 1 tháng rồi trả (do quá tin tưởng bạn thân, nên bị lừa ). Ngoài tôi còn hơn 10 người nữa cũng bị lừa như vậy với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Tôi có thể khởi kiện anh ta để lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được không? Và tôi phải làm như thế nào? Rất mong quý luật sư tư vấn. Nếu có thể khởi kiện vụ lừa đảo này cho tôi, tôi xin chịu toàn bộ chi phí nếu thành công. ( Trong vụ này có nhiều sai phạm của cán bộ ngân hàng và công chứng là mang tất cả giấy tờ về cho nhà tôi ký tại nhà mà không cần phải ra văn phòng công chứng, không đọc rõ cho chúng tôi điều khoản, khoản tiền vay 2.5 tỷ ) lúc đầu bạn tôi bảo đứng ra bảo lãnh cho anh ta vay 1 tỷ, nhưng trên hồ sơ bảo lãnh là 2.5 tỷ, sau này nhà tôi mới biết.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời được biên tập từ chuyên mục Tư vấn pháp luật dân sựcủa công ty Luật Minh Khuê.
Luật sư tư vấn trực tiếp về pháp luật dân sựgọi: 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp luật:
Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009
Nội dung phân tích:
Trong trường hợp của bạn có cho bạn mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp ngân hàng vào năm 2009, theo thời điểm này thì trường hợp của bạn vẫn sẽ áp dụng theo Luật Đất đai 2003 cũng như một số văn bản pháp luật khác hiện đã hết hiệu lực để giải quyết.
Theo quy định hiện hành tại thời điểm thế chấp này, việc bảo lãnh bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên thứ ba này phải được lập thành hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba.
Có thể thấy các Quy định về thế chấp quyền sử dụng đất tại các văn bản pháp quy như sau:
Ðể triển khai thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Luật Ðất đai 2003, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các Nghị định, Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn, trong đó quy định cụ thể về việc thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba. Cụ thể như sau:
Theo khoản 1 Ðiều 31 Nghị định số 84/2007/NÐ-CP ngày 25/5/2007 quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDÐ), thu hồi đất, thực hiện QSDÐ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai:
“Bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Ðất đai được hiểu là thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho người thứ ba vay vốn theo quy định của Bộ luật Dân sự (sau đây gọi chung là thế chấp bằng quyền sử dụng đất).
Tại khoản 4 Ðiều 72 Nghị định 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định:
“Việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Nghị định số 181/2004/NÐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Ðất đai, quy định tại khoản 5 Ðiều 32, khoản 4 Ðiều 33, khoản 4 Ðiều 34, khoản 4 Ðiều 35 và khoản 1 Ðiều 36 Nghị định số 23/2006/NÐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản hướng dẫn thi hành được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng của người thứ ba”.
Nghị định số 11/2012/NÐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NÐ-CP đã tiếp tục khẳng định:
“Việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Nghị định số 181/2004/NÐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Ðất đai, quy định tại khoản 5 Ðiều 32, khoản 4 Ðiều 33, khoản 4 Ðiều 34, khoản 4 Ðiều 35 và khoản 1 Ðiều 36 Nghị định số 23/2006/NÐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản hướng dẫn thi hành được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người khác”.
Ðiểm 2.1 khoản 2 Mục 2 Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 05/2005/TTLT/BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng QSDÐ, tài sản gắn liền với đất (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT) quy định:
“[...]
2. Các trường hợp đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất:
2.1. Thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba mà trong Luật Ðất đai gọi là bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất (gọi chung là thế chấp quyền sử dụng đất)
[...]”
Ðiểm 1.1 khoản 1 Mục I Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất quy định:
“Thông tư này hướng dẫn việc công chứng của Phòng Công chứng và chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với các hợp đồng, văn bản sau đây: a) Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba mà Luật Ðất đai gọi là bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất (gọi là hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất) ...”
Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chỉ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đối với việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất.
Như vậy, các Nghị định Chính phủ, các Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường được dẫn chiếu nêu trên đã quy định rõ hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất của bên thứ ba theo cách gọi của Luật Ðất đai 2003 đã được chuyển thành hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba. Ðồng thời, các quy định pháp luật hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm đã bỏ các quy định về đăng ký bảo lãnh bằng quyền sử dụng. Theo các quy định này, khi người sử dụng đất sử dụng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ vay của người khác (khách hàng vay) tại ngân hàng thì các bên phải thực hiện ký kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba. Đồng thời trên cơ sở các quy định nêu trên thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực và phải được đăng ký tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, như vậy trong trường hợp bạn có nói hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, cũng như việc các giấy tờ ngân hàng đưa cho bạn ký mà không có công chứng, cũng như không có đăng ký thế chấp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là vi phạm về hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật dân sự thì hợp đồng này được xác định là vô hiệu (không có giá trị pháp lý). Mặt khác việc ngân hàng không đọc rõ các điều khoản đặc biệt là khoản tiền vay trong hồ sơ bảo lãnh cũng là vi phạm pháp luật.
Trường hợp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất với ngân hàng bị vô hiệu mà sau đó bên phía bạn của bạn vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thỏa thuận hợp đồng mượn với bạn, mà sau đó không trả lại, mà tìm cách bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản này và bạn muốn khởi kiện để đòi lại quyền sử dụng đất vì bạn của bạn không trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng thỏa thuận: Cần thấy rằng pháp luật không quy định bắt buộc hợp đồng mượn tài sản phải được thể hiện dưới hình thức nào. Bởi vậy, các bên có thể thỏa thuận hợp đồng mượn tài sản bằng lời nói hoặc bằng văn bản, nhưng phải có sự thỏa thuận rõ ràng về đối tượng của hợp đồng (tài sản mượn) và có thể cả về những yêu cầu cụ thể đối với tài sản đó. Tuy nhiên trong trường hợp hợp đồng mượn tài sản nếu được lập thành văn bản thì sẽ có giá trị chứng cứ, chứng minh cao hơn khi có tranh chấp xảy ra.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 quy định:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.
Trên cơ sở quy định này có thể xác định các dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bao gồm:
-Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu.
-Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm:
+Hành vi khách quan:
Do cấu tạo của Điều 140 Bộ luật hình sự và đặc điểm của tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản, nên hành vi khách quan của tội phạm này có những điểm chú ý sau:
Việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản.
Sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý; về thủ gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như đối với thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản ( ý thức chiếm đoạt tài sản ) thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi đánh giá hành vi bỏ trốn của người phạm tội phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, nếu người phạm tội bỏ trốn hoặc tránh mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản vì nguyên nhân khác thì không coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.
Nếu người phạm tội không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại dùng tài sản đó (tài sản nhận từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản một cách hợp pháp) vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
+ Hậu quả: Hậu quả của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Theo khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 1.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 1.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do đặc điểm của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là người phạm tội chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý, do đó nói chung không có trường hợp phạm tội chưa đạt, vì nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì cũng có nghĩa là chưa có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối, nhưng thủ đoạn đó không lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nên không chiếm đoạt được tài sản đang do mình quản lý thì mới coi trường hợp phạm tội này là ở giai đoạn phạm tội chưa đạt (đã dùng thủ đoạn gian dối nhưng vì những lý do khách quan nên người phạm tội không thực hiện được thủ đoạn đó).
Nếu người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có trị dưới 1.000.000 đồng, nhưng chưa chiếm đoạt được thì chưa cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vì dù có chiếm đoạt được cũng chưa cấu thành tội phạm huống hồ chưa chiếm đoạt được. Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 1.000.000 và chưa chiếm đoạt được nhưng lại thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt chưa được xoá án tích thì hành vi này đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng về đường lối xử lý, tuỳ từng trường hợp cụ mà quyết định việc có truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội hay không. Theo chúng tôi chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã bị xử phạt hành chính nhiều lần về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án nhiều lần về tội chiếm đoạt hoặc họ là phần tử nguy hiểm, là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
-Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm:
Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.
Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng.
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội giết con mới đẻ (Điều 94); tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 95; tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại nước ngoài hoặc ở Việt Nam trái phép (Điều 274)...
- Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội lây truyền HIV cho người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 117; tội cưỡng dâm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113.v.v...
- Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 156; tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 154.v.v...
- Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây y nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội phản bội tổ quốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 79; tội giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 194; tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 221.v.v...
Như vậy trên cơ sở các quy định, phân tích nêu trên trường hợp của bạn, bạn có quyền khởi kiện bạn mình về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội này và khi còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này.