- 1. Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập vãng lai phát sinh từ tài sản cho thuê?
- 2. Người lao động có 02 nguồn thu nhập sẽ quyết toán thuế TNCN thế nào?
- 3. Trúng thưởng trò chơi tiệc cuối năm ở công ty có phải đóng thuế TNCN?
- 3.1 Bốc thăm trúng thưởng tiệc cuối năm ở công ty có phải chịu thuế TNCN?
- 3.2. Quà tặng cuối năm cho nhân viên lâu năm có phải chịu thuế thu nhập cá nhân?
1. Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập vãng lai phát sinh từ tài sản cho thuê?
Thưa luật sư, tôi có thể ủy quyền cho công ty quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay trong khi tôi có thu nhập vãng lai phát sinh từ tài sản cho thuê (đây là tài sản chung với vợ) không?
Trả lời:
Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi 2014, đối với cá nhân nào cho thuê tài sản sử dụng mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là tổng doanh thu phát sinh trong năm Dương lịch của các hợp đồng cho thuê tài sản. Nếu cá nhân đồng sở hữu tài sản cho thuê thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho 01 người đại diện duy nhất trong năm tính thuế (điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
Như vậy, nếu doanh thu từ tiền thuê nhà là 100 triệu đồng/năm trở lên, cá nhân có thu nhập từ tiền thuê nhà phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Nếu tài sản cho thuê thuộc dạng đồng sở hữu vợ, chồng thì vợ hoặc chồng sẽ là người đại diện thực hiện nghĩa vụ thuế. Theo đó, nếu chồng là người đại diện, thì chồng sẽ thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản.
Liên quan đến vấn đề ủy quyền quyết toán thuế thay:
Điểm d.2 khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:
d.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản này thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập văng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Theo đó, pháp luật thuế thu nhập cá nhân cho phép người lao động được ủy quyền quyết toán thuế thay nếu người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công và đồng thời có thu nhập vâng lai từ các nơi khác. Tuy nhiên, người lao động chỉ có thể ủy quyền cho người sử dụng lao động quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động và việc ủy quyền quyết toán thuế thay phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên;
- Người lao động đang làm việc cho người sử dụng lao động tại thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm;
- Thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng;
- Thu nhập vãng lai đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10%; và
- Người lao động không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập vãng lai.
2. Người lao động có 02 nguồn thu nhập sẽ quyết toán thuế TNCN thế nào?
Thưa luật sư, tôi có thu nhập trong năm tính thuế từ 2 nguồn như sau: một là từ hợp đồng lao động; hai là từ hợp đồng dự án bên ngoài doanh nghiệp. Vậy là tôi sẽ phải tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân đúng không?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm b.1 khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì người sử dụng lao động sẽ thực hiện việc khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả nếu cá nhân ký hợp đồng từ 03 tháng trở lên tại nhiều nơi
Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC: Đối với những cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng trở lên, thì các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân phải khẩu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi chi trả cho cá nhân.
Về việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân, người lao động có thể ủy quyền cho người sử dụng lao động quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay nếu người lao động là cá nhân có thu nhập tù tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên và thực tế đang làm việc vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả nếu không làm việc đủ 12 tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai từ các nơi khác với bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập nào.
Như vậy, giả sử người lao động trong trường hợp nêu trên là cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên và vẫn đang làm việc theo hợp đồng lao động tại thời điểm quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thì việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân của người lao động sẽ được thực hiện tùy theo từng trường hợp cụ thể như sau:
- Nếu người lao động có thu nhập vãng lai từ hợp đồng dự án bên ngoài bình quân tháng trong năm từ 10 triệu đồng trở lên đã được đơn vị chi trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% thì người lao động phải tự quyết toán thuế với cơ quan thuế mà không thể ủy quyển cho người sử dụng lao động trả tiền lương, tiền công thực hiện quyết toán thuế thay.
- Người sử dụng lao động trả tiến lương, tiền công theo hợp đồng lao động và đơn vị trả tiền công, tiền thù lao và các khoản chi khác theo hợp đồng dự án có trách nhiệm cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động để người lao động thực hiện quyết toán thuế.
- Ngược lại, nếu người lao động có thu nhập vãng lai từ hợp đồng dự án bên ngoài bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị chi trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập vãng lai này thì người lao động có thể ủy quyền cho người sử dụng lao động quyết toán thuế thay đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động.
3. Trúng thưởng trò chơi tiệc cuối năm ở công ty có phải đóng thuế TNCN?
Thưa luật sư, công ty tôi tổ chức tiệc cuối năm và có trò chơi dành cho nhân viên bốc thăm trúng thưởng đồng thời cũng có dành tặng quà hiện kim cho nhân viên làm việc lâu năm. Vậy đối với nhân viên bốc thăm trúng thưởng và nhân viên được tặng quà do làm việc lâu năm có phải đóng thuế thu nhập cá nhân đối với các phần thưởng đó không?
Trả lời:
3.1 Bốc thăm trúng thưởng tiệc cuối năm ở công ty có phải chịu thuế TNCN?
Khoản 6 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân quy định thu nhập từ trúng thưởng là thu nhập chịu thuế gồm:
6. Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm:
a) Trúng thưởng xổ số;
b) Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;
c) Trúng thưởng trong các hình thức cá cược;
d) Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
Nếu người lao động bốc thăm trúng thưởng được quà tặng hoặc phiếu mua hàng trong chương trình tiệc cuối năm do doanh nghiệp tổ chức, phần thưởng mà người lao động nhận được sẽ được xem là khoản thu nhập từ trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác do các tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đoàn thể và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức. Vì vậy, khoản thu nhập này phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, nếu tổng giá trị của khoản trúng thưởng dưới 10.000.000 đồng thì người lao động không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ việc trúng thưởng này (khoản 1 Điều 15 Thông tư 111/2013/TT-BTC). Theo đó, khoản thu nhập từ việc trúng thưởng cũng không phải cộng gộp vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động để tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công theo mức thuế lũy tiến từng phần. Ngược lại, nếu quà tặng có tổng giá trị trên 10.000.000 đồng thì người lao động sẽ bị khấu trừ trực tiếp 10% trên phần giá trị vượt quá 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
3.2. Quà tặng cuối năm cho nhân viên lâu năm có phải chịu thuế thu nhập cá nhân?
Phần thưởng từ làm việc lâu năm
Nếu người lao động làm việc lâu năm và được doanh nghiệp tặng quà dưới hình thức hiện kim hoặc tiền mặt, thì đây được xem là khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động và thuộc nhóm các khoản lợi ích khác theo quy định tại mục đ.7 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, nên khoản thưởng này sẽ được xem như là khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động trong kỳ tính thuế.
Thực tế, vẫn có nhiều quan điểm cho rằng đây là khoản thu nhập từ quà tặng theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC nhưng nếu nhìn một cách tổng quan thì có thể nhận thấy rằng việc người lao động làm việc lâu năm cho doanh nghiệp và được tặng quà là một chính sách nhân sự nhằm khuyến khích người lao động cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp và việc này đã được ghi trong thỏa ước lao động tập thể hoặc các quy định nội bộ của doanh nghiệp để áp dụng một cách thống nhất. Do đó, bản chất của khoản thu nhập này là một dạng của lợi ích mà doanh nghiệp dành cho người lao động và phát sinh từ mối quan hệ lao động giữa các bên.
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về một số vấn cụ thể về ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Bạn đọc có bất cứ vướng mắc nào trong lĩnh vực thuế vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!
Luật Minh Khuê (Tổng hợp và phân tích)