1. Nguyên nhân dẫn đến nợ lần

1.1 Vay nợ ở nhiều nơi khiến nợ nần chồng chất

Tình trạng bế tắc của nhiều người có thể xuất phát từ việc nợ nần chồng chất ở nhiều nơi và không có khả năng để chi trả. Vay nợ từ nhiều nguồn khác nhau như ngân hàng, đồng nghiệp, bạn bè, người thân, các công ty tín dụng,… Khi có quá nhiều nơi để vay nợ nên nhiều người thường ỷ lại và cứ liên tục nợ nần khi còn có thể. Từng khoản vay chứ liên tục tăng dần trong khi thu nhập mỗi tháng không đủ trả cho các khoản lãi khiến cho tình trạng nợ nần càng rơi vào bế tắc.

 

1.2 Đầu tư, làm ăn thua lỗ dẫn đến vỡ nợ

Rất nhiều người rơi vào tình cảnh bế tắc vì nợ nần cũng chính vì việc làm ăn, đầu tư thua lỗ. Thực sự đây là một trường hợp không ai mong muốn nhưng rất khó tránh khỏi bởi hiện nay thời buổi kinh tế đang gặp phải rất nhiều sự biến động và khó khăn khôn lường. Thông thường, những người muốn đứng ra làm ăn, kinh doanh đều cần tới một số vốn lớn. Tuy nhiên không phải ai cũng có sẵn một khoản tiền đủ lớn để đầu tư cho những mục đích của mình. Chính vì vậy hầu hết thường chọn cách vay nợ để phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, vì một vài nguyên nhân nào đó khiến cho việc kinh doanh của họ không được suôn sẻ, không thể thu được nguồn lợi nhuận để trả lại khoản vay ban đầu và tiếp tục vận hành doanh nghiệp, công ty, từ đó dẫn đến phá sản với số nợ tăng cao.

 

1.3 Mục đích vay tiền không chính đáng

Trước khi vay tiền bạn cần phải xác định chính xác về mục tiêu của khoản vay đó. Nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chỉ vì các nhu cầu cá nhân của mình như mua sắm đồ hiệu, đi du lịch, ăn chơi xa hoa, chạy theo bạn bè,….Các mục đích chưa chính đáng này sớm muộn cũng sẽ đẩy họ vào cảnh nợ nần chồng chất, khi không đủ khả năng để chi trả sẽ khiến bản thân cảm thấy bế tắc và mệt mỏi.

 

1.4 Gặp phải tình cảnh khó khăn, không có khả năng trả nợ

Trong thực tế có không ít các trường hợp phải vay nợ để chữa bệnh cho người thân, lo cho con cái học tập,….nhưng lại không có đủ khả năng để chi trả khiến cho nhiều người cảm thấy vô cùng bế tắc. Khi cứ liên tục suy nghĩ về những khoản nợ và thấy bản thân không còn lối thoát nhiều người thường hay có những suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy tuyệt vọng và mệt mỏi.

 

1.5 Nợ nần chồng chất vì các tổ chức tín dụng lừa đảo

Hiện nay tình trạng này cũng khá phổ biến, lợi dụng nhu cầu vay vốn của nhiều người mà các tổ chức tín dụng đen đã khiến cho họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, không còn đủ khả năng để thanh toán. Lúc đầu có thể họ chỉ vay vài triệu để chi tiêu cho các nhu cầu trong cuộc sống. Tuy nhiên chỉ sau khoảng vài tháng thì khoản nợ này lại tăng lên gấp mấy lần, lãi mẹ đẻ lãi con khiến cho nhiều người mãi không thoát ra được vòng quay nợ nần. Có rất nhiều các nguyên nhân khiến chúng ta rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Một khi những khoản nợ tăng cao và vượt quá khả năng chi trả sẽ khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái bế tắc, mệt mỏi, tuyệt vọng. Thậm chí còn có nhiều trường hợp cảm thấy xấu hổ, buồn bã, thất vọng về bản thân dẫn đến tình trạng trầm cảm. Trong thực tế có không ít các trường hợp tìm đến cái chết để tự giải thoát bản thân ra khỏi những áp lực về nợ nần.

>> Xem thêm: Chồng cá độ, nợ nần vợ phải làm gì?

 

2. Tuyệt chiêu để thoát khỏi nợ nần, cách giúp thoát nợ tín dụng

2.1 Trả nợ nhiều hơn mức tối thiểu

Trước hết, hãy loại bỏ thói quen trả nợ bằng số tiền tối thiểu được yêu cầu mỗi tháng. Việc thanh toán mỗi kỳ ở mức tối thiểu, thường là 2 – 3% giá trị khoản vay chỉ kéo dài thêm thời gian trả nợ. Đây chính xác là những gì ngân hàng muốn ở bạn. Bạn càng chậm trả nợ, ngân hàng càng có thêm tiền lãi. Thay vào đó, mỗi tháng, bạn nên cố gắng chi trả hết khả năng có thể. Nếu mức tối thiểu là 100 USD, hãy thanh toán gấp đôi, 200 USD hoặc hơn. Giảm bớt chi tiêu hàng ngày, bạn sẽ tiết kiệm được thêm một khoản. Ví dụ, thay vì đi ăn ở ngoài, bạn có thể tự nấu tại nhà, hạn chế ăn thêm món tráng miệng, bớt thời gian đi bar hoặc vui chơi. Hy sinh một chút nhưng có thể tăng khả năng thanh toán nợ của mình không phải là một cái giá quá đắt. Việc này còn giúp bạn tiết kiệm được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD khi trả lãi. Thêm nữa, bạn sẽ thoát khỏi hố sâu do chính mình tạo ra nhanh hơn, không phải lo sợ khi hóa đơn gõ cửa mỗi tháng.

 

2.2 Trả nợ một cách khôn ngoan

Hãy dành một khoảng thời gian để xem lại tất cả thẻ tín dụng của mình, đặc biệt chú ý đến loại thẻ có mức lãi suất thấp nhất. Bạn đã sử dụng tối đa hạn mức của chiếc thẻ đó chưa? Nếu chưa, bạn nên chuyển các khoản nợ tín dụng khác sang chiếc thẻ này. Một số loại thẻ cho phép bạn thực hiện điều đó và thật ngớ ngẩn khi phải chịu lãi suất 18% thay vì 12%. Nếu khoản nợ vượt giới hạn tối đa của chiếc thẻ lãi suất thấp đó, bạn có thể làm như sau. Chi trả mức tối thiểu cho khoản nợ ở các thẻ còn lại và tập trung thanh toán dứt điểm cho thẻ có lãi suất thấp nhất. Khi dư nợ ở thẻ có lãi suất thấp này là 0, bạn tiếp tục chuyển các khoản nợ khác về đây và tiếp tục trả nợ. Dồn nợ lại và thanh toán, sau đó lặp lại. Cách thức thanh toán này được gọi là "Snowballing" (dựa theo hình ảnh tuyết lăn). Khoản nợ giảm, số tiền để trả nợ gia tăng, cứ thế cho đến khi bạn hết nợ. Một cách khác để chuyển những món nợ nặng lãi xuống mức an toàn hơn là tận dụng chương trình khuyến mại của một số ngân hàng khi thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm tín dụng. Bạn có thể nhìn thấy một số quảng cáo như "Hãy chuyển tất cả dư nợ của bạn về chúng tôi và chỉ phải trả mức lãi suất 5,9% cho tới năm sau". Và số tiền tiết kiệm từ việc chuyển mức lãi suất 18% xuống còn 5,9% sẽ giúp bạn giảm dư nợ. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi "cắn câu" những ngân hàng này. Lãi suất sau thời gian ân hạn có cao hơn mức bạn đang phải chịu không? Nếu có, bạn có thể tiếp tục tìm một chương trình khuyến mãi của một ngân hàng khác và làm tương tự như trên. Ngoài ra, hãy chú ý đến mức phạt của ngân hàng đối với hành động này của bạn.

 

2.3 Hãy gom các khoản nợ thành một

Nếu bạn có nhiều thẻ tín dụngkhác nhau, hãy chịu khó ngồi lại để phân tích tình hình. Hãy cố gắng chuyển các tài khoản có lãi suất cao hơn sang thẻ lãi suất thấp nhất. Nhiều loại thẻ tín dụng cho phép thực hiện điều đó. Bạn sẽ được lợi không nhỏ khi chuyển từ lãi suất 18% xuống 12%. Nếu bạn không tự làm được việc này, hãy nói chuyện với ngân hàng, có thể bạn sẽ được nhân nhượng, vì không ngân hàng nào muốn đánh mất khách hàng.

 

2.4 Rút tiền từ tài khoản tiết kiệm

Bạn có thể rút tiền từ tài khoản tiết kiệm của mình, đầu tư và sử dụng nguồn lợi thu được để trả nợ. Không ai muốn làm việc nhiều rủi ro như vậy nhưng đôi khi đó lại là một giải pháp tốt. Ngay cả khi lãi suất nợ tín dụng ở mức 12%, khoản đầu tư của bạn vẫn có thể mang lại một khoản lãi 18% trước thuế. Rút tiền về và trả nợ, số lãi bạn tránh được cũng có giá trị tương đương với 18% mà hoàn toàn không có rủi ro.

 

2.5 Mượn lại tiền từ bảo hiểm nhân thọ của chính mình

Bạn có đóng bảo hiểm nhân thọ bằng tiền mặt không? Nếu có, hãy vay lại số tiền đó. Bạn tự vay tiền của chính mình nhưng lãi suất sẽ thấp hơn so với lãi suất thương mại và có thêm thời gian để trả nợ. Nếu bạn qua đời trước khi hoàn trả đủ, số dư nợ còn lại cùng với tiền lãi sẽ được trừ vào các khoản phúc lợi từ chính sách.

 

2.6 Nhờ bạn bè và người thân giúp đỡ

Rất có thể người thân hoặc bạn bè sẽ cung cấp cho bạn một khoản tiền để trả nợ nếu như bạn được tin tưởng và yêu thương. Bạn có thể thanh toán cho họ trễ hạn một chút nhưng vẫn phải có tiền lãi. Các bên nên có một giao kèo trên giấy với thông tin rõ ràng về số tiền vay, kế hoạch trả nợ để tránh hiểu nhầm. Dĩ nhiên bạn phải tuân theo kế hoạch đó nếu không muốn bị loại khỏi những buổi họp gia đình hay không nhận được quà vào những dịp đặc biệt.

 

2.7 Cầm cố tài sản để vay tiền trả nợ

Nếu bạn còn bất động sản không dính nợ ngân hàng, hoặc những tài sản giá trị như đồ cổ quý, vàng bạc, cổ phiếu… bạn có thể tính đến phương án mang chúng ra cầm cố để vay tiền trả nợ. Nếu bạn đang phải trả một khoản tín dụng lãi suất 20%, thì việc đổi nó lấy một khoản nợ khác 12% cũng giúp bạn trút được phần nào gánh nặng. Cách này chỉ áp dụng nếu căn nhà đang ở thuộc sở hữu của bạn sau khi đã thanh toán khoản vay mua nhà. Khoản vay thế chấp nhà (Home Equity Loan – HEL) cung cấp 2 cách giúp bạn tiết kiệm. Thứ nhất, bằng số tiền vay thế chấp, bạn giảm mức lãi suất phải trả từ 18% trên thẻ tín dụng xuống chỉ còn 6 – 7%. Thứ hai, lãi phải trả trong HEL là một khoản được khấu trừ 25% khi kê khai thuế, nhờ đó lãi suất thực sự bạn phải chịu chỉ ở mức 4,5%. Đây thực sự là một mức lãi suất thấp cho một khoản vay cá nhân. Tuy nhiên, cách này lại có một rủi ro thường gặp từ chính chủ căn nhà. Một số người thực hiện HEL, trả hết nợ rồi lại chi tiêu vượt mức trong thẻ tín dụng. Hố nợ nần ngày càng được đào sâu và nguy cơ mất đi ngôi nhà của bạn sẽ rất lớn.

 

2.8 Vay tiền bảo hiểm hưu trí

Nếu bạn có tham gia một chương trình hưu trí nào đó, bạn có thể xin vay tạm đến 50% tổng số tiền tích lũy của mình. Hãy tìm hiểu theo hướng này ở chỗ chủ lao động hoặc Quỹ hưu trí. Nếu được phép vay, hãy đừng bỏ qua cơ hội. Lãi suất của kiểu vay nợ này chắc chắn thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tín dụng của ngân hàng. Thêm nữa, điều thú vị là ở đây bạn trả phần trăm lãi suất đó cho chính bản thân mình.

 

2.9 Đàm phán với các chủ nợ

Sau khi đã làm hết những điều có thể, lôi hết tiền tiết kiệm, tận dụng hết mối quan hệ hay không có nhà, tài khoản 401 (k) thì đã đến lúc đàm phán lại với các chủ nợ. Hãy để họ biết tình trạng của bạn hiện tại và xem xét lại các điều khoản. Thử đề nghị một kế hoạch trả nợ chậm hơn, mức lãi suất thấp hơn để phù hợp với mong muốn nhận được nhận lại tiền của họ. Các chủ nợ chắc chắn sẽ xem xét các đề nghị đó nếu như họ không muốn mất toàn bộ khoản cho vay.

 

2.10  Phương án cuối cùng – tuyên bố phá sản

Nếu như tất cả các phương án trên đây đều không mang lại kết quả và bạn không còn con đường nào khác ngoài tuyên bố phá sản. Xét về nguyên tắc thì mỗi người đều phải có trách nhiệm đạo đức trong việc thanh toán nợ nần. Nhưng trong cuộc sống đôi khi xảy ra những trường hợp bất khả kháng – khi lối thoát duy nhất là tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, khi đi theo hướng này, bạn cần phải sẵn sàng đón nhận những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.Thông tin về bạn sẽ được lưu giữ rất lâu tại các ngân hàng, vì vậy bạn sẽ rất khó có cơ hội được vay tín dụng một lần nữa, nếu cần.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Tuyệt chiêu để thoát khỏi nợ nần?” của Luật Minh Khuê, trường hợp còn điều gì thắc mắc cần tư vấn quý khách hàng có thể liên lạc qua tổng đài 19006162 hoặc qua email lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc. Trân trọng cám ơn!