Mục lục bài viết
1. Vài nét về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam
Tội phạm là một danh từ dùng để diễn tả một hành vi mà con người cho đó là xấu xa, tai hại, đáng bị lên án và trừng phạt. Cũng có thể gọi tội phạm là “hành vi phạm tội”, được ghép từ một danh từ, hành vi, và một tính từ, phạm tội. Vì vậy, sẽ là không chính xác khi nhiều người đã sử dụng cụm từ “hành vi tội phạm”. Tội phạm theo tiếng Anh là crime, xuất phát từ tiếng La tinh, crimen. Theo từ điển Hán - Việt, tội là làm phạm phép luật phải bị phạt. Với cách hiểu theo từ điển Hán - Việt, pháp luật trước kia đã sử dụng khái niệm tội phạm cho phần lớn các hành vi vi phạm pháp luật. Xuất phát từ những thuộc tính khách quan thuộc về bản chất, khái niệm tội phạm được sử dụng trong pháp luật ngày nay không hoàn toàn giống khái niệm tội phạm trước kia. Theo luật hiện đại, tội phạm được xem là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự với đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của nó. Tội phạm là hành vi nguy hiểm nhất trong tất cả các loại hành vi vi phạm pháp luật nói chung. Một câu hỏi đặt ra là tội phạm có từ bao giờ? Có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Các luật gia phương Tây cho rằng, tội phạm là một hiện tượng xã hội xuất hiện từ khi có xã hội loài người, phát triển và tồn tại vĩnh viễn cùng với xã hội loài người. Trong khi đó, các quan điểm khác dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định tội phạm là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử và tính giai cấp. Tội phạm không xuất hiện cùng với xã hội loài người mà xuất hiện khi xã hội phát triển đến một mức độ nhất định - có sự tư hữu về tư liệu sản xuất, của cải vật chất, sự phân chia giai cấp - Nhà nước ra đời. Quan điểm cho rằng tội phạm ra đời và tồn tại trong bất kỳ xã hội nào là không có cơ sở. Các-Mác cho rằng, tội phạm không phải là hành vi của cá nhân đơn thuần chống lại cá nhân mà là hành vi chống lại quan hệ thống trị. Như vậy, trong xã hội công xã nguyên thuỷ không thể có tội phạm vì trong xã hội đó, con người sống trong sự bình đẳng, không có chế độ tư hữu, không có sự phân chia giàu nghèo, không có giai cấp, không có sự thống trị. Con người sống trong xã hội theo chế độ tự quản lý, không có pháp luật cũng như không có công cụ cưỡng chế. Do đó, trong xã hội này không có cái gọi là tội phạm. Điều này không có nghĩa trong xã hội đó không có một số hành vi của một vài cá nhân xâm phạm đến cá nhân khác. Tuy nhiên, chúng không được xem là tội phạm.
Vì vậy, nói một cách biện chứng, tội phạm có nguồn gốc từ chế độ tư hữu, xã hội có sự phân chia giai cấp. Trong lịch sử, tội phạm xuất hiện từ khi xuất hiện chế độ chiếm hữu nô lệ. Việc nghiên cứu khái niệm tội phạm có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong luật hình sự. Bởi vì, qua đó sẽ thể hiện bản chất giai cấp, các đặc điểm kinh tế, chính trị, pháp lý của mọi quốc gia. Ở những nước khác nhau, khái niệm tội phạm không giống nhau. Các nhà lý luận Luật hình sự phương Tây đưa ra một số quan điểm khác nhau về tội phạm nhưng ở họ có điểm chung là định nghĩa tội phạm dựa trên tính hình thức của tội phạm. Theo họ, tội phạm là hành vi do Luật hình sự quy định và bị xử phạt, tính luật định được xem là dấu hiệu duy nhất của tội phạm. Bộ luật hình sự Pháp 1810 quy định tội phạm là “hành vi bị đạo luật hình sự cấm hoặc là hành vi bị đạo luật hình sự trừng trị". Bộ luật hình sự Thuỵ Sĩ 1937 quy định tội phạm là “hành vi do Luật hình sự cấm bằng nguy cơ xử phạt"…v…v… Quan điểm này quá đề cao đặc tính luật định của tội phạm. Do đó, việc áp dụng Luật hình sự được dễ dàng, chính xác, tránh tuỳ tiện. Nhưng cũng vì vậy mà nội dung chính trị xã hội của tội phạm đã bị “bỏ quên” nên sự tuỳ tiện, chủ quan trong lập pháp có cơ hội gia tăng. Hành vi như thế nào bị xem là tội phạm phần lớn phụ thuộc vào ý chí của nhà làm luật. Các quan điểm khác dựa trên quan điểm biện chứng, đứng trên nội dung chính trị xã hội và hình thức pháp lý của tội phạm để định nghĩa tội phạm và cho rằng, nội dung chính trị xã hội là quyết định. Hành vi như thế nào mới bị xem là tội phạm phụ thuộc vào tính nguy hiểm cho xã hội của nó. Điều 14 Bộ luật hình sự Liên bang Nga 1996 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện có lỗi và bị Bộ luật này quy định phải chịu hình phạt” (Điều 14). Bộ luật hình sự cộng hoà nhân dân Trung Hoa 1979 quy định: “Tất cả các hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xâm phạm chế độ chuyên chính vô sản, phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa gây nguy hại cho xã hội mà bị xử phạt về hình sự trong Bộ luật này đều là tội phạm” (Điều 10)…
2. Vài nét về tội phạm trong thời kì phong kiến và kháng chiến
Pháp luật Việt Nam nổi bật trong thời kỳ phong kiến phải kể đến là Bộ luật Hồng Đức (1483) và Bộ luật Gia Long (l815). Tuy nhiên, pháp luật nước ta thời kỳ này dựa trên một quan niệm rất phổ biến về tội phạm. Phạm vi điều chỉnh của Luật hình sự rất rộng, tràn lan, tuỳ tiện. Nói cách khác, họ có sự đồng nhất giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật thông thường (vi phạm pháp luật hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai...) hay thậm chí là hành vi vi phạm đạo đức, nghi lễ. Nhìn chung, dù pháp luật phong kiến có nhiều điểm hạn chế xuất phát từ nhận thức chủ quan của con người nhưng cũng đã góp phần ổn định xã hội trong một thời gian dài của lịch sử dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời trở thành Nhà nước dân chủ, thực sự của dân. Để bảo vệ nền cộng hoà còn non trẻ, bảo vệ lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân, trừng trị những hành vi chống lại nền hoà bình dân tộc, xâm hại đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật thay thế các văn bản cũ. Tuy chưa đưa ra được một định nghĩa về tội phạm nhưng rải rác trong một số các văn bản ấy thể hiện rõ rằng tội phạm là “hành vi nguy hiểm cho các quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa, chống đối pháp luật, có lỗi và phải chịu hình phạt”.
3. Khái niệm tội phạm trong luật hình sự hiện hành
Ngày 27/6/1985, tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khoá VII đã thông qua Bộ luật hình sự đầu tiên của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc ban hành Bộ luật hình sự là sự ghi nhận những thành tựu và cố gắng vượt bậc của công tác lập pháp ở nước ta, là kết quả của việc pháp điển hoá toàn bộ hệ thống các văn bản pháp luật hình sự đã được Nhà nước ta ban hành trong các giai đoạn trước đó dựa trên tư duy lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với hoạt động áp dụng pháp luật trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, bởi nó tạo ra hệ thống các cơ sở pháp lý thống nhất cho phép khắc phục khó khăn, hạn chế sai sót và tuỳ tiện trong việc áp dụng các văn bản pháp luật hình sự. Bộ luật hình sự năm 1985 quy định khái niệm tội phạm tại Điều 8. Lần đầu tiên, khái niệm tội phạm được khái quát thành chế định trong luật hình sự. Đến ngày 21/12/1999, Quốc hội lại thông qua Bộ luật hình sự mới có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Khái niệm tội phạm vẫn được quy định tại Điều 8 (cơ bản giống Bộ luật hình sự năm 1985 về khái niệm tội phạm) nhưng có bổ sung một số khách thể loại nhằm khắc phục những thiếu sót và hạn chế mà khái niệm tội phạm của Bộ luật hình sự năm 1985 mắc phải. Tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.
4. So với bộ Luật Hình sự 1985
So với Bộ luật hình sự năm 1985, khái niệm tội phạm trong Luật hình sự hiện hành đã có sự sửa đổi, bổ sung thêm cụm từ “xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức”. Việc làm này không chỉ đơn thuần là thêm hoặc bớt các loại khách thể. Một mặt nó bổ sung những thiếu sót của Bộ luật hình sự năm 1985, mặt khác nó thể hiện sự thay đổi trong tư duy lập pháp. Hầu như cụm từ “xã hội chủ nghĩa” không còn đứng riêng một mình để được pháp luật hình sự bảo vệ một cách độc lập mà được lồng vào cái chung trong xu thế không phân biệt chế độ Nhà nước, sở hữu tư nhân hay sở hữu xã hội chủ nghĩa. Đây là một định nghĩa có tính chất khoa học thể hiện tập trung nhất quan điểm của Nhà nước ta về tội phạm. Từ định nghĩa này, ta có thể định nghĩa tội phạm một cách khái quát như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, có lỗi và phải chịu hình phạt. Việc xác định khái niệm tội phạm trong Luật hình sự có một vai trò hết sức quan trọng. Một mặt, nó thể hiện tập trung bản chất giai cấp, các đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý của Luật hình sự mỗi quốc gia. Mặt khác, nó là cơ sở khoa học thống nhất cho việc xác định các loại tội phạm cụ thể và tạo cơ sở cho việc nhận thức và áp dụng đúng đắn những điều luật, quy định về từng tội phạm cụ thể.
5. Ý nghĩa của khái niệm tội phạm
Khái niệm tội phạm được coi là khái niệm cơ bản nhất của Luật hình sự Việt Nam. Khái niệm này một mặt là cơ sở thống nhất cho việc xác định những tội phạm cụ thể trong hệ thống phần các tội phạm Bộ luật hình sự, mặt khác cũng thể hiện một cách rõ nét những nguyên tắc cơ bản của Luật hình sự Việt Nam. Nội dung của khái niệm tội phạm được xem là điều kiện cần thiết có tính nguyên tắc để giới hạn giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, giữa trách nhiệm hình sự và các trách nhiệm pháp lý khác. Khái niệm tội phạm là cơ sở để xây dựng phần quy định những quy phạm phần riêng và đồng thời qua đó tạo cơ sở để xây dựng những khung hình phạt tương ứng cho từng loại tội phạm cụ thể.
Trong thực tiễn áp dụng Luật hình sự, các cơ quan có thẩm quyền tuy dựa vào những quy định phần riêng để xác định tội phạm cụ thể nhưng chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn và đầy đủ bản chất cũng như những đặc điểm của tội phạm, họ mới có thể áp dụng Luật hình sự một cách chính xác, công bằng thông qua việc xác định đúng tội danh, đánh giá đúng tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Khái niệm tội phạm được coi là khái niệm cơ bản nhất còn bởi lý do tất cả những khái niệm khác của Luật hình sự tuy có tính độc lập nhưng cũng chỉ là những khái niệm có tính chất cụ thể hoá và hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của tội phạm.
Luật Minh Khuê ( sưu tầm và biên tập)