1. Cơ sở lịch sử hình thành văn hóa nhân quyền

Lịch sử loài người về mặt nhận thức, đi từ ý thức phân định mình với thế giới còn lại; nhận thức về cộng đồng từ thị tộc, bào tộc bộ lạc đến ý thức quốc gia - dân tộc và cuối cùng là nhận thức về loài - về cộng đồng nhân loại. Cùng với mỗi bước phát triển đó là sự hình thành các quy phạm xã hội cũng đi từ thấp đến cao: từ phong tục, tập quán, đạo đức, nghi thức tôn giáo đến pháp luật. Tuy nhiên các quy phạm xã hội trước khi ra đời luật nhân quyền chỉ tồn tại trong khuôn khổ quốc gia. Quyền con người là quy phạm pháp luật quốc tế, cho dù môi trường tồn tại trên thực tế vẫn trong khuôn khổ của mỗi quốc gia - dân tộc.

Trên một bình diện khác - về tính chất của các quy phạm xã hội, lịch sử loài người cho thấy, hành vi chính trị trong các quy phạm xã hội không phải xuất hiện từ đầu, mà là đạo đức, tức là tinh thần nhân đạo, khoan dung, tôn trọng nhân phẩm mới là điểm khởi đầu. Sự tồn tại hàng ngàn năm của những quy phạm này tạo nên tính văn hoá của các quy phạm xã hội. Tính văn hoá là sự bảo đảm bền vững cho tất cả các quy phạm xã hội, kể cả pháp luật. Tất nhiên khái niệm văn hoá ở đây là văn hoá nói chung, chứ không phải bản sắc văn hoá - văn hoá của mỗi quốc gia dân tộc. Chính trị chỉ xuất hiện từ khi có sự xung đột lợi ích giai cấp và dân tộc. Tuy nhiên tính chính trị trong các quy phạm pháp luật lại giảm đi một cách tương đối, cùng với sự phát triển của nhân loại. Nếu như chính trị là biểu hiện sự khác biệt mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giai, tầng, nhóm, xã hội và lợi ích của quốc gia dân tộc, thì tính văn hoá là sự biểu hiện lợi ích chung của cả cộng đồng, sự khác biệt về bản chất là ở tính đa dạng chứ không phải là sự xung đột về lợi ích. Tính văn hoá của quy phạm pháp luật tăng lên một cách tương đối so với tính chính trị của các quy phạm pháp luật cả trong khuôn khổ quốc gia - dân tộc và trong cộng đồng nhân loại. Đây là cơ sở lịch sử hình thành văn hóa nhân quyền (VHNQ).

2. Khái niệm văn hóa nhân quyền

Ngài Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong một dịp phát biểu về Công ước về quyền trẻ em, đã nói rằng: “Bảo vệ quyền trẻ em là xây dựng một nền văn hóa nhân quyền cho tương lai”. Thiết nghĩ quan niệm của Kofi Annan là một cách tiếp cận văn hóa nhân quyền (VHNQ). Quyền trẻ em có thể được xem là một dạng cụ thể của VHNQ. Để đi đến khái niệm VHNQ cần thiết phải có những thao tác logic làm rõ cơ sở chính trị tư tưởng đạo đức và các nguồn quy phạm xã hội của VHNQ. Cũng như khái niệm văn hóa pháp luật, VHNQ khó định dạng. Tuy nhiên với giả định rằng VHNQ có cùng một cấp độ về logic và cùng một dạng thức về nội hàm vối khái niệm văn hóa pháp luật thì khái niệm VHNQ là thói quen ứng xử dựa trên nhận thức: tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung, đối với mọi người và trách nhiệm đối với người khác và cộng đồng.

Như vậy, về tính chất, văn hoá ở đây vừa là nội dung vừa là cách tiếp cận (nhân quyền). Và nhân quyền ở đây là quy phạm xã hội mang tính văn hoá. Có thể nói khái niệm VHNQ vừa mang tính chất văn hoá, vừa mang tính chất nhân quyền. Đó là một khái niệm kép, trung gian giữa văn hoá với nhân quyền.

3. Giá trị của văn hóa nhân quyền

Giá trị của VHNQ do đó cũng mang hai giá trị, giá trị văn hoá và giá trị nhân quyền. Với tư cách là một giá trị văn hoá, VHNQ phản ánh một cách tổng quát mọi mặt của cuộc sống xã hội đã hình thành trong quá khứ và đang tồn tại trong đời sống. VHNQ đó là một hệ giá trị điều chỉnh rộng rãi các quan hệ xã hội trong mỗi quốc gia - dân tộc và trong cộng đồng nhân loại. Với tư cách là một giá trị nhân quyền, VHNQ phản ánh một cách tổng quát giá trị nhân quyền. Nói một cách khác, đó là sự phản ánh các nguyên tắc nhân quyền (tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng, nhân đạo khoan dung, trách nhiệm) được cộng đồng quốc gia và quốc tế thừa nhận như một quy phạm chung của nhân loại.

Quan niệm văn hoá truyền thông, đó là hệ thống giá trị để phân biệt giữa quốc gia - dân tộc này với quốc gia dân tộc khác; khu vực này với khu vực khác. Chính vì vậy khi nói tới văn hoá, người ta thường ghép khái niệm văn hoá và khái niệm bản sắc. Văn hóa nhân quyền do gắn với khái niệm nhân quyền cho nên nó vừa mang tính quốc gia - dân tộc, khu vực vừa mang tính toàn cầu. Trên một bình diện khác, nếu như văn hoá chủ yếu phản ánh truyền thông, quá khứ, trình độ phát triển của một quốc gia - dân tộc - nó vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính bảo thủ lạc hậu thì VHNQ phản ánh các giá trị đương đại, gắn liền với tiến bộ và văn minh của nhân loại. Tuy nhiên, VHNQ luôn mang tính lịch sử, VHNQ trong thế kỷ XVIII, XIX khác với VHNQ trong thế kỷ XX và hiện nay.

3. Cơ sở chính trị, tư tưởng và đạo đức của văn hóa nhân quyền

Cũng như khái niệm nhân quyền, cơ sở chính trị, tư tưởng và đạo đức của VHNQ bao gồm, giá trị chính trị, tư tưởng và đạo đức của các quốc gia dân tộc, khu vực và giá trị chính trị, tư tưởng đạo đức của cộng đồng quốc tế. Ở phương Đông đó là việc đề cao các giá trị gắn kết cộng đồng; tính thứ bậc trong gia đình, xã hội thể hiện trong những đặc trưng của người phương Đông chẳng hạn như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Ở Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Á, Đông Nam Á, tư tưởng Nho giáo đã trở thành văn hoá chung của khu vực. về nội dung đó là: “Tam cương”, “Ngũ thường”, “Tam tòng”, “Tứ đức”... Trong những giáo lý này, đáng chú ý là sự khái quát của Khổng Tử về “Nhân trị" “Lễ”. Nhân trị đó là sự cai trị bằng lòng yêu thương đối với muôn vật, xem người như bản thân mình. Khổng tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là: điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Lễ nghĩa là sự tôn trọng và hoà nhã trong cư xử với mọi người. Đối với người Nhật thì ý thức về tập thể và dân tộc luôn được đề cao. Điều tối kỵ đối với người Nhật là làm mất danh dự tập thể và tâm lý hổ thẹn quá mức khi thất bại. Có người gọi đặc điểm này là “Văn hoá hổ thẹn”. Trong công việc, người Nhật thường đặt cái riêng, cái tôi dưới cái chung và tìm sự hài hoà giữa cá nhân với cộng đồng. Còn văn hoá của người Việt Nam thì tính cộng đồng khá rõ nét (mặc dù hiện nay nó đang bị mai một). Người Việt Nam ai cũng biết câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân...”, ở phương Tây bao gồm châu Âu đặc biệt là Hoa Kỳ, dường như những giá trị cộng đồng đang lùi về quá khứ, thay cho giá trị đó là sự đề cao tính cá nhân, sự khác biệtcái mới, mặc dù người Mỹ, cũng như châu Âu vẫn luôn giữ quan hệ chặt chẽ trong quan hệ gia đình. Với người châu Âu nói chung đó không phải là sự ích kỷ, trái lại người ta luôn luôn tôn trọng người khác với sự cởi mở, chân thực, thẳng thắn khi khen chê, mà ít khi so ướm với bản thân. Có người còn cho rằng, người Mỹ nhạy cảm với lỗi lầm và thường mong được nói ra điều đó. Người ta gọi đó là văn hoá “hối hận”. Hội chứng chiến tranh Việt Nam là một ví dụ. Người Mỹ cũng thường đánh giá con người qua kết quả công việc và sẵn sàng cạnh tranh để khẳng định mình.

Trên phạm vi quốc tế, cơ sở chính trị, tư tưởng của VHNQ có nguồn gốc từ thể chế chính trị của các quốc gia và từ Hiến chương Liên hợp quốc cùng với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (QCN) năm 1948.

Cho đến nay, các hình thức - thể chế nhà nước trên thế giới vẫn đang mang sắc thái văn hoá chính trị rõ nét, cho dù nó không còn ở nguyên trạng thái ban đầu. ở châu Âu, hầu hết các quốc gia phát triển vẫn mang dấu vết thể chế vương quyền, như ở Anh, Thuỵ Điển, Đan Mạch... Tương tự như vậy, ở châu Á vẫn còn tồn tại uy tín, vai trò của nhà vua, như là một niềm tự hào dân tộc như Nhật Bản, Thái Lan....

Có thể nói Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về QCN có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến VHNQ trong thời đại ngày nay.

Trong lịch sử nhân loại đã có nhiều sự kiện khoa học, chính trị, văn hoá quan trọng. Nhưng những sự kiện đó chỉ tác động đến một lĩnh vực, một khu vực địa lý nào đó. Và chưa có một sự kiện nào thể hiện ý chí chung của cộng đồng nhân loại. Chính bởi vậy có thể nói sự ra đời của Liên hợp quốc (1945) đã mở ra một thời kỳ lịch sử mối cho loài người. Một thời kỳ mà trong khi các quốc gia, dân tộc vẫn còn sự khác biệt, thậm chí là xung đột về lợi ích và hệ tư tưởng... đã nhận thức được lợi ích chung của cả cộng đồng, lợi ích của “nhân loại” theo đúng nghĩa của nó. Trên cơ sở đó cùng nhau xác lập cơ chế giải quyết những bất đồng với những mục tiêu và nguyên tắc nhất định.

Hiến chương Liên hợp quốc đã xem việc bảo vệ quyền con người là một mục tiêu của tổ chức này. Cũng theo Hiến chương Liên hợp quốc (Điều 68), uỷ ban nhân quyền (nay là Hội đồng nhân quyền) được thành lập. Nội dung cơ bản về QCN được ghi trong Hiến chương là “Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo; Khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền con người và các tự do cơ bản của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.

4. Các giá trị cơ bản của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền

Năm 1948, bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người ra đời.

Nói một cách khái quát, Tuyên ngôn thế giới về QCN có ba giá trị cơ bản, đó là giá trị đạo lý, giá trị chính trịgiá trị pháp lý.

Về giá trị đạo lý, việc thừa nhận và tôn trọng nhân phẩm vốn có của mỗi người là giá trị đạo lý và giá trị nhân văn lớn nhất của nhân loại.

Trong lời nói đầu Tuyên ngôn viết: “Việc thừa nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng, bất di bất dịch của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới. Tất cả “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền. Họ được ban cho lý tường và lương tâm và sẽ đối xử với nhau trong tình anh em”. Nói tới VHNQ, điều quan trọng nhất là sự tôn trọng nhân phẩm.

Khẳng định phẩm giá vốn có của con người là một bước phát triển lớn của tư tưởng nhân quyền nhân loại. Khác với Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của Pháp - biện minh cho nhân quyền bằng “đấng tạo hoá” và “đấng cứu thế” ban cho, trong Tuyên ngôn đơn giản chỉ là cái “vốn có” của tất cả mọi người, đây được xem như một tiên để, không cần phải chứng minh.

Nhân phẩm là cái vốn có và chỉ có ở con người. Điều đó có nghĩa khái niệm này để phân định giữa con người với giới tự nhiên. Tôn trọng nhân phẩm là thừa nhận những nhu cầu cơ bản, thiết yếu về tinh thần và vật chất của con người, đó là các quyền và tự do. Giữa các cá nhân với nhau sự tôn trọng nhân phẩm phải dựa trên nguyên tắc “Không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, nòi giống...” Chính giá trị đạo lý này là cơ sở quan trọng nhất về tư tưởng cho VHNQ.

Giá trị chính trị của nhân quyền là quan điểm xử lý sự khác biệt về chế độ chính trị giữa các quốc gia, dân tộc. Cho dù tồn tại trong bối cảnh quốc gia hay quốc tế, còn nhiều sự khác biệt, nhân quyền vẫn phải “chung sống’ với môi trường chính trị. Điều này cũng được xử lý trong Tuyên ngôn. Tuyên ngôn khẳng định mục tiêu: “Xét vì, sự coi thường và xâm phạm các QCN dẫn đến những hành vi man rợ, xúc phạm tới lương tâm nhân loại, và việc tạo lập một thế giới trong đó con người sẽ được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi về cái đói đã được tuyên bố" như là khát vọng cao cả nhất của những người dân bình thường...” “Điều cốt yếu là cần thúc đẩy sự phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc”. Trong bối cảnh khác biệt về chế độ xã hội, Tuyên ngôn chọn giải pháp bảo vệ QCN trên cơ sở tôn trọng trật tự xã hội, tôn trọng pháp luật hiện hữu việc “nổi dậy chống lại sự độc tài, áp bức chỉ là phương sách cuối cùng".

5. Giá trị nhân quyền

Giá trị nhân quyền không thể không dựa trên pháp lý. Điều này cũng có thể tìm thấy trong Tuyên ngôn thế giới về QCN. Có thể nói Tuyên ngôn đã cung cấp một khuôn khổ, được xem là chuẩn mực cho các quy định của các công ước quốc tế về QCN. Cho đến nay, trong tất cả các văn kiện của Liên hợp quốc, của Tổ chức lao động quốc tế, Hội chữ thập đỏ quốc tế... liên quan đến QCN đều viện dẫn Tuyên ngôn như là một trong những căn cứ quan trọng nhất trong các văn bản liên quan đến nội dung hoặc trong các quy định của mình.

Sau Tuyên ngôn, cộng đồng quốc tế vẫn còn nhiều khác biệt, mâu thuẫn trong quan niệm và thực thi QCN. Trên lĩnh vực VHNQ, Hội nghị Nhân quyền quốc tế, năm 1993 ở Viên (Áo), giữ một vị trí đặc biệt. Tại Hội nghị này, cộng đồng quốc tế đã đi đến một số nhận thức chung, trong đó có Thứ nhất, sự thừa nhận vị trí, tầm quan trọng như nhau giữa hai nhóm quyền: nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hoá vối nhóm quyền dân sự, chính trị. Thứ hai, đó là thừa nhận trong việc thực thi QCN “phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa.

LUẬT MINH KHUÊ (sưu tầm)