Việc cúng ông Công ông Táo hằng năm là một hoạt động rất quan trọng đối với gia chủ. Lễ cúng ông Công ông Táo được xem là phong tục truyền thống của Việt Nam từ xưa đến nay. Vậy bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo gồm những gì? Được đốt khi nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê để có được câu trả lời nhé.

 

1. Bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo gồm những gì?

Trên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, tính năng để đáp ứng người tiêu dùng, bởi vậy khó khăn của người tiêu dùng là lựa chọn cho mình một sản phẩm phù hợp và chất lượng. Vậy nên, việc mua bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo như thế nào cũng tùy theo vùng miền, phong tục tập quán của từng nơi mà bộ mâm cúng ông Công ông Táo sẽ bao gồm những vật phẩm khác nhau.

Tuy nhiên, một bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo thường bao gồm:

  • 2 chiếc mũ của 2 ông Táo
  • 1 chiếc mũ dành cho Táo bà
  • 3 cặp hài
  • 3 chú cá chép vàng
  • 3 bộ quần áo ông Công ông Táo

Mũ cho ông Công ông Táo thường được trang trí giống như 2 cánh chuồn chuồn, mũ bà thì không có. Những chiếc mũ này được trang trí bằng gương tròn nhỏ sáng bóng và dây kim tuyến nhiều màu. Đôi khi người ta cúng ông Công một chiếc mũ với chiếc áo và đôi mũ giấy như một lễ vật dùng tượng trưng. Ngoài ra, theo phong tục của người miền Trung, các hộ gia đình chuẩn bị một con ngựa giấy với yên và dây cương. Còn miền Nam thì cơ bản với một đôi hài, mũ và quần áo giấy. Nếu gia đình nào không mua cá chép sống về thả thì có thể chuẩn bị thêm cá vàng giấy.

- Nếu gia chủ có điều kiện có thể sắm thêm một mâm cỗ mặn cúng Táo quân gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, 1 lá trầu không, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 xấp tiền giấy, vàng mã. Trong đó, mâm cỗ không thể thiếu cá chép, vì theo quan niệm dân gian, cá chép chính là phương tiện để ông Công ông Táo lên trời, có thể sử dụng cá chép sống hoặc chín, hoặc giấy.

Thông thường đồ cúng, đồ lễ chỉ có trà, bánh, kẹo ... với mong muốn Táo quân "ngọt giọng" ý nói những điều tốt đẹp của gia chủ với Ngọc Hoàng. Có thể không cần thiết làm cả mâm cỗ mặn với đầy đủ các món nói trên, cái này chúng ta phụ thuộc nhiều vào văn hóa từng vùng miền.

Hiện nay nhiều gia đình có điều kiện cũng tổ chức lễ cúng rất cẩn thận, sang trọng với mâm cao cỗ đầy hóa vàng đủ loại nào là tiền, máy bay giấy, điện thoại vàng mã,... Tuy nhiên, những món đồ này không thuộc phong tục truyền thống cổ xưa. Suy cho cùng, lễ cúng ông Công ông Táo cần xuất phát từ lòng thành và sự kính trọng của gia chủ.

Theo tục từ xưa, đối với những gia đình có trẻ con, người ta thường cúng Táo Quân một con gà luộc. Gà luộc phải loại gà trống nhưng mới lớn để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà trống vậy.

- Những điều chúng ta cần lưu ý khi thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo

  • Gia chủ cần tiến hành cúng lễ trước 12h ngày 23 tháng Chạp hằng năm là thời điểm ông Công ông Táo bay về chầu trời. Bởi nếu theo quan niệm dân gian, khi quá 12 giờ ngày 23 thì cổng trời sẽ đóng lại
  • Người cúng cần ăn mặc kín đáo, sạch sẽ, tươm tất khi cúng để thể hiện sự tôn kính của gia chủ đối với các quan đại thần.
  • Khi đọc văn khấn cần phải đọc với thái độ trang nghiêm, giọng đọc to, rõ ràng, rành mạch.
  • Đặt mâm cúng ở bàn thờ gia tiên hoặc lập bàn thờ Táo quân riêng chứ không được cúng ở dưới bếp. Nhiều gia đình có suy nghĩ rằng, ông Công ông Táo là vị thần bếp nên sẽ đặt mâm cỗ cúng ở bếp là đúng nhất. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu về tâm linh, phong thủy cùng những quy tắc thờ cúng từ nhiều đời của dân tộc, tất cả các vị này đều phải được thờ phụng ở trên bàn thờ chính của gia đình. Không có ai đi đặt bàn thờ cúng dưới bếp cả như vậy là thiếu hiểu biết về văn hóa, tín ngưỡng, quan niệm dân gian.
  • Không được thả cá chép từ trên cao xuống mà cần tiến đến mép ao, hồ, sông, suối thả nhẹ nhàng ở mép nước. Hành động đó được xem là mạo phạm, mất ý nghĩa tâm linh.
  • Không cầu xin tài lộc, nhiều người theo thói quen thường cầu xin làm ăn phát đạt. Tuy vậy, ông Táo lên thiên đình để trình bày việc lớn nhỏ của hạ giới với Ngọc Hoàng nên các gia chủ chỉ cần khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt là được.

 

2. Bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo được đốt khi nào?

Theo các chuyên gia về phong thủy thì bộ vàng mã cúng ông Táo bao gồm hia, mũ, quần áo, tiền vàng mã đều được đốt ngay sau lễ cúng vào ngày 23 tháng Chạp, đồng thời đốt cùng với bài vị cũ. Sau khi đốt gia chủ có thể tưới một chén rượu lên đống tro rồi đem đi thả và gia chủ sẽ lập bài vị mới cho ông Công ông Táo để bắt đầu thờ cúng cho một năm mới.

Để cúng ông Công ông Táo về chầu trời đúng quy trình, các gia đình cần chuẩn bị 3 con cá chép đỏ thả vào bát nước sạch, đặt cạnh mâm cỗ. Cá chép ở đây mang ý nghĩa là "cá chép hóa rồng". Theo truyền thuyết nó sẽ đưa ông Công ông Táo về chầu trời.

Gia chủ cần chuẩn bị văn khấn ông Công ông Táo đầy đủ và chuẩn nhất. Sau khi khấn xong, hương cháy được 2/3 thì đem vàng mã ra hóa, khi cháy hết thì gia chủ đổ vào 3 chén rượu. Cuối cùng thì mang cá chép đi phóng sinh. Nơi làm lễ cúng phải là bàn thờ gia tiên chứ không nhất thiết phải lập thêm bàn thờ Táo Quân.

 

3. Cách chọn cá chép cúng ông Công ông Táo

Nghi lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép dù là sống hay giấy. Cá chép để cúng ông Táo thường là cá chép đỏ. Khi chọn cá bạn nên chọn những chú cá còn khỏe mạnh. Để kiểm tra thì khi chạm tay vào mặt nước thấy cá vẫy mạnh và bơi nhanh là đạt.

Khi mang cá về nhà bạn cần thả vào một chậu hoặc bát nước sạch, lưu ý là không nên vớt cá nhiều lần tự chỗ này sang chỗ khác. Khi mang cá đi thả ở ao, hồ, sông, suối thì chúng ta nên chọn nơi nước sạch, ít bị ô nhiễm. Lưu ý, lúc thả cá thì phải xuống tận  mép nước thả chứ tuyệt đối không đứng từ cao mà ném hay hất cá xuống.

 

4. Ý nghĩa cúng ông Công, ông Táo

Từ lâu Táo Quân được xem là vị thần theo sát cuộc sống của con người với vai trò là tay chân của Hoàng đế đến mọi nơi. Thường ngày, Táo quân có nhiệm vụ ghi chép lại những công tội, tốt xấu của mọi người để đến ngày trở về là ngày 23 tháng Chạp hằng năm báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để thưởng cho cái tốt và trách phạt cái xấu.

Vì vậy, để được Táo Quân phù trợ, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người ta thường mua những bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo để làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trang trọng. Cầu mong ông Công ông Táo những điều hay, ý đẹp, mong may mắn và giảm bớt những điều không hay trong năm qua.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo gồm những gì. Luật Minh Khuê xin chân thành cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!