Cúng ông Công ông Táo là một phong tục dân gian hàng ngàn đời nay của người Việt. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc.
Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình để bẩm báo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của những thành viên trong gia đình trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội phân minh.
Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.
Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ đưa ông Công ông Táo về trời luôn được tiến hành trọng thể. Ngày Tết ông Công ông táo là ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23/12 âm lịch) hàng năm. Cúng ông Công ông Táo 2023 năm nay rơi vào thứ Bảy, ngày 14/1/2023 dương lịch.
1. Nên cúng ông Công ông Táo vào ngày nào?
Theo dân gian, ngày 23 tháng Chạp (23/12 âm lịch) hàng năm là ngày ông Công ông Táo cưỡi cá chép lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về tất cả việc làm tốt, xấu của con người trong một năm, để thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh.
Theo chuyên gia phong thủy Linh Quang, nét văn hóa tâm linh này góp phần làm cho con người sống có chuẩn mực hơn, bớt tham sân si hơn và làm việc hành thiện nhiều hơn. Từ đó xây dựng cuộc sống xã hội tốt đẹp và hài hòa cả về tư tưởng lẫn vật chất.
Nhiều người cho rằng nên cúng ông Công ông Táo trước 12 trưa 23 tháng Chạp vì sau 12h trưa, cổng thiên đình sẽ đóng lại. Khi đó ông Công ông Táo không thể báo cáo kết quả cho thiên đình.
Tuy nhiên theo chuyên gia phong thủy Linh Quang, đây chỉ là quan điểm chung theo thông lệ và tập tục chứ không nhất định phải như vậy. Người miền Bắc có thể cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp và các ngày trước đó là ngày 20, 21, 22. Nhưng với người miền Nam, thời điểm thích hợp để cúng ông Công ông Táo lại vào buổi chiều tối ngày 23.
Vì vậy việc cúng vào thời điểm nào là do quan niệm của từng vùng miền, của từng người sao cho thuận tiện và thích hợp nhất. Nhưng chắc chắn rằng thời gian cúng sẽ không vượt qua ngày 23 tháng Chạp. Phần lớn để chọn ngày giờ đẹp cúng, nhiều gia đình thường làm trước ngày 23 tháng Chạp.
2. Cúng ông Công ông Táo vào giờ nào?
Chuyên gia phong thủy Linh Quang nhận định, ngày ông Công ông Táo năm nay trùng ngày cuối tuần thứ 7 nên có thể đa số gia đình sẽ chọn cúng đúng ngày. Luật Minh Khuê sẽ cung cấp những khoảng thời gian sau để các gia đình có thể tham khảo:
- Ngày 20/12 âm lịch: giờ hoàng đạo thuận tiện để làm là 7-9h; 13-15h.
- Ngày 21/12 âm lịch: giờ hoàng đạo thuận tiện để làm là 15-17h; 17- 19h.
- Ngày 22/12 âm lịch: giờ hoàng đạo thuận tiện để làm là 9-11h; 15-17h.
- Ngày 23/12 âm lịch: giờ hoàng đạo thuận tiện để làm là 7-9h; 9-11h; 13-15h.
Khi cúng, gia chủ cần ăn mặc, nghiêm chỉnh, lịch sự. Trang phục nam nữ là quần dài, áo đẹp sáng màu, không hở hang và phải thật thành tâm lễ bái khấn nguyện với ngôn từ chuẩn mực. Muốn khấn cúng trôi chảy và bài bản, gia chủ nên có một bài cúng trên điện thoại hoặc in ra giấy để cầm đọc. Hoặc gia chủ cũng có thể khấn nôm theo tâm niệm mong cầu cá nhân.
Ngoài ra, sau lễ cúng tiễn ông Công ông Táo lên trời thì gia chủ cũng nên có phần cúng rước về. Theo phong tục của người Việt Nam, thường vào ngày 30 tháng Chạp sẽ cúng rước ông Táo về nhà. Những năm không có ngày 30 thì sẽ cúng vào ngày 29 tháng Chạp.
Tuy nhiên, ở một số vùng miền khác như một vài tỉnh miền Trung lại thường làm lễ rước vào mùng 7 tháng Giêng, cúng lễ tạ năm mới.
Việc cúng rước ông Táo về nhà được thực hiện từ 23h00 - 23h45 đêm giao thừa. Lễ vật cúng rước ông Táo cũng tương tự lễ vật cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp.
>> Xem thêm: Bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo chuẩn nhất gồm những gì?
3. Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Lễ vật cúng Táo quân truyền thống gồm có: mũ ông Công gồm hai mũ Táo ông và một mũ Táo bà. Mũ dành cho Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những đồ mã này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Với các gia đình cúng chay thuần khiết, mâm cỗ cúng có thể gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc cây măng chay, nem rau củ, đậu phụ sốt nấm cay Tứ Xuyên, giò chay, chả chay, chạo nấm, xôi, chè, nộm, xào thập cẩm rau củ.
Đơn giản hơn nữa có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay theo trường phái trí tuệ. Theo đó, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo chỉ gồm: 1 mâm ngũ quả, 3 bát chè, 1 đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến đỏ và 3 “ông” cá chép sống. Những người theo trường phái này không dâng cúng và đốt mũ, tiền vàng và cá chép giấy. Khi thắp hương xong, gia chủ sẽ mang cá thả ra sông.
Ngoài ra, mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, gà luộc hoặc 1 khổ thịt vai gáy luộc, 1 bát canh, 1 đĩa xào, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Cũng cách chuẩn bị lễ vật cúng ông Công ông Táo khác, gồm có: Một chiếc lọng màu đỏ có diềm vàng để che nắng che mưa; một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ, một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.
>> Xem thêm: Ban thần Tài có cần cúng ông Công ông Táo không?
4. Văn khấn ông Công ông Táo
Bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Xin giới thiệu tới quý vị bài cúng ông Công ông Táo (văn khấn ông Công ông Táo) theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin để tham khảo:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay, ngày .... tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
>> Xem thêm: Cách chọn và thả cá chép ngày ông Công ông Táo trước Tết
Vừa rồi Luật Minh Khuê đã trình bày nội dung về Rước ông Công ông Táo giờ nào tốt để sang năm làm ăn phát đạt? Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với quý bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn!