1. Việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự được quy định như thế nào?

Vật chứng được hiểu là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo quy định Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc xử lý vật chứng sẽ do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

Vật chứng được xử lý như sau:

- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: 

- Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

- Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

- Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

- Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Quy định pháp luật về động vật nguy cấp, quý hiếm và sản phẩm của chúng

Căn cứ vào khoản 3 Điều Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán và khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP thì hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định tội được quy định như sau:

- Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

- Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ: thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...); động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến (ví dụ: cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã).

Như vậy, áp dụng tình tiết định tội trong Bộ luật Hình sự đối với động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định và sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

Động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật; động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến.

3. Vật chứng là bộ phận của động vật nguy cấp, quý, hiếm thì Tòa án xử lý như thế nào?

Động vật quý hiếm là những động vật có giá trị về: thực phẩm, dược liệu, mĩ nghệ, nguyên liệu công nghệ, làm cảnh, khoa học, xuất khẩu,… và là những động vật sống trong thiên nhiên trong vòng 10 năm trở lại đây đang có số lượng giảm sút. Động vật nào có số lượng cá thể giảm 80% được xếp vào cấp độ rất nguy cấp (CR); giảm 50% thì được xếp vào cấp độ nguy cấp (EN); giảm sút 20% thì được xếp ở cấp độ sẽ nguy cấp (VU). Bất kì một loài động vật quý hiếm nào được nuôi hoặc bảo tồn thì được xếp vào cấp độ ít nguy cấp (LR).

Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài thực vật, động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng thuộc Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ quy định chế độ quản lý, bảo vệ.

Bộ phận của động vật nguy cấp, quý, hiếm có thể là bộ phận không thể tách rời sự sống hoặc bất kỳ thành phần nào (như da, móng, ...) của động vật. Trong đó, bộ phận không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan...)/

Căn cứ vào tiểu mục 2 Chương I Công văn số 206/TANDTC-PC ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử thì vấn đề vật chứng là bộ phận của động vật nguy cấp, quý, hiếm thì Tòa án xử lý như thế nào được giải đáp như sau:

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự thì:

Việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện như sau:

- Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

- Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP nêu trên thì đối với vật chứng là bộ phận của động vật nguy cấp, quý, hiếm Tòa án sẽ tuyên tịch thu hoặc tiêu hủy.

Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết của Luật Minh Khuê như sau: 

Vận chuyển 05 cá thể hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của cá thể hổ có bị phạt tù chung thân không?

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Ngoài ra, khách hành cũng có thể liên hệ trực tiếp với các luật sư của Luật Minh Khuê để được giải đáp các vấn đề liên quan đến: Luật sư Nguyễn Thị Phương qua số điện thoại: 0985465912. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.