Pháp luật hợp đồng Việt Nam ra đời từ rất sớm: từ tín nhiệm của xã hội phương Đông cho tới kiểu cách của pháp luật Xô viết đã minh chứng cho sự đa dạng, phức tạp của nó.
Xã hội phương Đông với trung tâm là gia đình, xã hội đã quyết định tới bản chất của pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng. Trong xã hội ấy, cái tôi không được thể hiện hoặc thể hiện không rõ nét cho nên thường thấy dáng dấp của nhà nước với tư cách là người chỉ huy của nền kinh tế. Vì vậy, pháp luật hợp đồng bao giờ cũng tồn tại một thứ là lợi ích công cộng và sự can thiệp của nhà nước trong quá trình tự do giao kết hợp đồng. Điều này hoàn toàn khác với xã hội phương Tây khi mà cái tôi cá nhân được ươm mầm nảy nở và hợp đồng cũng mang tính cá nhân nhiều hơn là xã hội.
Pháp luật hợp đồng Việt Nam có một thời kỳ dài phát triển từ cổ truyền cho tới hiện đại với những đặc thù riêng. Thời kỳ thực dân Pháp đô hộ tưởng chừng mang được ánh sáng văn minh cho An Nam nhưng thực sự đó chỉ là dân chủ giả hiệu. Pháp luật của Mẫu quốc đã không thể thay đổi tư duy, cách nghĩ của người Việt vốn chân chất người nhà quê: tín nhiệm là trên hết. Tuy nhiên thời kỳ sau đó khi cách mạng xã hội thành công, sự ảnh hưởng của nước Nga - Xô viết đã dẫn đến những sự thay đổi đáng kể cho pháp luật hợp đồng Việt Nam. Những quy định thành văn, những điều khoản mẫu mang tính cứng nhắc, không sáng tạo...được vận dụng trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng. Đặc điểm nhìn thấy rõ nét nhất trong giai đoạn phát triển này có thể nhìn thấy đó là sự can thiệp của nhà nước.
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, dưới sự tác động của tư duy mới pháp luật Việt Nam đã tỏ ra lỗi thời cho nên đòi hỏi phải có sự thay đổi để có thể thích ứng với toàn cầu, phải làm cho pháp luật Việt Nam trở thành luật chung cho các bên khi đứng trên sân nhà Việt Nam.
1. Đặc điểm của pháp luật hợp đồng Việt Nam
- Một là, pháp luật hợp đồng Việt Nam đã có một thời gian phát triển lâu dài từ cổ kim cho tới hiện đại.
- Hai là, trong quá trình phát triển, pháp luật hợp đồng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi xu hướng phát triển của pháp luật trên thế giới.
Như đã đề cập ở trên, sự ảnh hưởng ở đây trước hết là pháp luật phương Tây sau đó là pháp luật châu Âu lục địa và ảnh hưởng mạnh mẽ của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Tới nay có xu hướng ảnh hưởng của pháp luật Anglo-saxon. Tuy nhiên, cái hồn của pháp luật hợp đồng Việt Nam vẫn là cái đặc trưng của pháp luật phương Đông.
- Ba là, sự can thiệp của nhà nước đối với pháp luật hợp đồng tương đối nặng nề.
Trong quá trình đàm phán/đề nghị giao kết hợp đồng cho tới quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bóng dáng của nhà nước luôn hiển hiện.Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận bản chất của hợp đồng là tự do ý chí của các bên tham gia.
- Bốn là, pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện nay được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật. Trước tiên cần đề cập luật gốc là Bộ luật dân sự, sau đó là Luật thương mại...và các văn bản chuyên ngành khác như y tế, đất đai, xây dựng,...
2. Xu hướng cải cách pháp luật hợp đồng Việt Nam
Từ những đặc điểm trên của hợp đồng cùng với sự tác động của bối cảnh lịch sử, xã hội có thể nhận thấy một số xu hướng cải cách cho pháp luật hợp đồng Việt Nam như sau:
- Một là, thống nhất hóa các quy định pháp luật về hợp đồng. Hay nói một cách nôm na đó là ban hành một văn bản pháp luật có tên là Luật hợp đồng.
Với xu hướng cải cách này có thể nhận thấy cái hay đó là việc tra cứu, áp dụng pháp luật hợp đồng sẽ đơn giản hơn mà không quá phức tạp như hiện nay khi mà hợp đồng dân sự, tín dụng, y tế, chứng khoán, đất đai, BOT...được quy định rải rác từ các văn bản có hiệu lực cao cho tới văn bản có hiệu lực thấp. Tuy nhiên, mặt hạn chế có thể nhận thấy đó là mọi quy định của pháp luật đều không thể bắt kíp với xu thế phát triển của thời đại. Pháp luật Việt Nam hiện nay đều chạy theo thực tế để điều chỉnh mà không phải là cơ sở để thực tế tuân theo cho nên có thể nhận thấy trong tương lai sẽ phát sinh thêm nhiều loại hợp đồng nữa. Vì vậy đây là một hạn chế của xu hướng cải cách này.,
- Hai là, mở rộng sự tự do giao kết hợp đồng, giảm sự can thiệp của nhà nước.
Nhà nước vẫn giữ vị trí chỉ huy trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đâu đó vẫn thấy nhà nước can thiệp, điều chỉnh các quan hệ hợp đồng khiến cho sự tự do ý chí của các bên giao kết là không có hoặc hạn chế. Quay trở lại bản chất của hợp đồng, hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về một cam kết nào đó và cam kết này mang tính ràng buộc các bên thực hiện. Bộ luật dân sự hiện nay quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là phải có sự tự do về ý chí cho nên nếu nhà nước can thiệp quá sâu sẽ khiến cho các bên giao kết khi đứng trên sân nhà Việt Nam sẽ áp dụng pháp luật nước ngoài.
Không phải quá lạ lẫm khi xu hướng sính đồ ngoại hiện nay lại nổi như vậy, không chi về hàng hóa mà ngay cả pháp luât cũng vậy. Khi tới Việt Nam họ không muốn sử dụng pháp luật Việt Nam vì nó còn quá nhiều hạn chế và phải chịu sự điều khiển trực tiếp của nhà nước. Họ e dè điều này nên giải pháp đưa ra đó là áp dụng pháp luật nước ngoài. Cho nên thay đổi pháp luật theo hướng giảm sự can thiệp của nhà nước, tăng cường yếu tố cá nhân là một yêu cầu cần thiết.
Đứng trước sự tác động của toàn cầu hóa, khi mà cách mạng 4.0 đang bùng nổ có ảnh hưởng tới kinh tế thế giới. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải cải cách pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng.
Trên đây là một vài ý kiến liên quan tới vấn đề xu hướng cải cách pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện nay. Nếu quan tâm và cần trao đổi vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về hợp đồng , gọi :1900.6162 để cùng trao đổi với chuyên viên tư vấn.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty Luật Minh Khuê