1. Trọng tài thương mại quốc tế
Trọng tài thương mại quốc tế là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ Tư pháp quốc tế, nhất là các quan hệ thương mại quốc tế mà pháp luật cho phép giải quyết được bằng trọng tài. Theo phương thức này, các bên nhất trí thỏa thuận với nhau là sẽ đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại một cơ quan trọng tài nhất định nào đó.
Trọng tài không có thẩm quyền đương nhiên mà chỉ được giải quyết tranh chấp khi các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan thỏa thuận chỉ định. Khi các bên thiết lập một thỏa thuận trọng tài thì nghĩa là họ đã trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho trọng tài và tòa án không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc bị hủy bỏ bởi chính các bên. Như vậy, thẩm quyền của trọng tài được xác lập trên cơ sở thỏa thuận trọng tài.
Luật Mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế năm 1985 định nghĩa thỏa thuận trọng tài tại Khoản 1, Điều 7 như sau: “1. Thỏa thuận trọng tài” là thỏa thuận mà các bên đưa ra trọng tài mọi hoặc các tranh chấp nhất định phát sinh hoặc có thể phát sinh giữa các bên về quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không phải là quan hệ hợp đồng. Thoả thuận trọng tài có thể dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thoả thuận riêng”.
Từ quy định trên, có thể thấy thỏa thuận trọng tài là sự thống nhất ý chí của các bên về việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng bằng phương thức trọng tài. Thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp và có thể dưới hình thức một điều khoản trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận trọng tài riêng biệt.
Hay Công ước châu Âu về Trọng tài thương mại quốc tế năm 1961 có đưa ra định nghĩa tương tự: “Thỏa thuận trọng tài là một điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc thỏa thuận trọng tài, hợp đồng hoặc thoả thuận trọng tài được ký kết giữa các bên, hoặc được trao đổi qua thư từ, điện tín, hoặc các hình thức liên lạc bằng điện toán khác, và trong mối quan hệ giữa các quốc gia mà pháp luật không yêu cầu rằng một thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản, bất kỳ thỏa thuận trọng tài nào cũng phải được ký kết theo đúng hình thức mà luật các nước này quy định”
Căn cứ tại Khoản 2 điều 3 Luật trọng tài thương mại Việt Nam quy định như sau
“2. Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.”
Đây là một định nghĩa tương đối đơn giản, khái quát, từ đây có thể hiểu đơn giản : thỏa thuận trọng tài là sự thỏa thuận của các bên về một phương thức giải quyết các tranh chấp, có thể có trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra.
2. Khái niệm về tranh chấp thương mại
Tranh chấp thương mại là một hiện tượng phổ biến và thường xuyên diễn ra ương hoạt động của nền kinh tế thị trường. Do tính chất thường xuyên cũng như hậu quả của nó gây ra cho các chủ thể tham gia tranh chấp nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung, pháp luật Việt Nam đã sớm có những quan tâm nhất định đến hoạt động này cũng như các phương thức giải quyết nó thể hiện thông qua các quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật.
Khái niệm tranh chấp thương mại lần đầu tiên được quy định trong Luật Thương mại năm 1997 (Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế nàm 1994 và Nghị định số 116/1994/NĐ-CP chủ yếu liệt kê các tranh chấp được gọi là các tranh chấp kinh tế như tranh chấp về hợp đồng kinh tế, tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, thành viên công ty với nhau hoặc tranh chấp liên quan đến mua bán cổ phiếu, trái phiếu...). Tại Điều 238 Luật Thương mại quy định: tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại. Theo đó, nội hàm hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 1997 rất hẹp so với quan niệm quốc tế về thương mại. Hoạt động thương mại chỉ bao gồm ba nhóm: hoạt động mua bán hàng hoá; cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại (Khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại 2005) Tranh chấp thương mại và hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 1997 đã loại bỏ rất nhiều tranh chấp mà xét về bản chất thì các tranh chấp đó có thể được coi là các tranh chấp thương mại, vì vậy đã dẫn đến các xung đột pháp luật trong hệ thống pháp luật, giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, trong đó có cả những Công ước quốc tế quan trọng mà Việt Nam đã là thành viên (Công ước New York 1958) gây không ít những trở ngại, rắc rối trong thực tiễn áp dụng và chính sách hội nhập.
3. Quy định về nghĩa vụ hạn chế tổn thất
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất được quy định tại Điều 77 CISG. Theo đó, một bên viện dẫn vi phạm hợp đồng của bên kia phải áp dụng các biện pháp hợp lý căn cứ vào các tình huống cụ thể nhằm hạn chế tổn thất, kể cả khoản lợi bị bỏ lỡ do vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên bị vi phạm không áp dụng các biện pháp đó thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
Điều 305 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định tương tự về nghĩa vụ hạn chế tổn thất. Cụ thể, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
Tuy Điều 77 CISG và Điều 305 Luật Thương mại năm 2005 đều đề cập nghĩa vụ hạn chế tổn thất, nhưng thực chất “nghĩa vụ” này, nếu không được thực hiện bởi bên bị vi phạm, cũng không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của bên này. Mặt khác, bên vi phạm cũng không thể dùng các biện pháp buộc bên bị vi phạm thực hiện nghĩa vụ này (non-actionable duties). Thay vào đó, bên vi phạm chỉ có thể được giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất cũng chỉ giới hạn đối với những loại vi phạm mà bên bị vi phạm đã biết hoặc buộc phải biết. Trong trường hợp đó, bên bị vi phạm phải thực hiện các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Do vậy, nghĩa vụ hạn chế tổn thất được tiếp cận từ ba phương diện:
Thứ nhất: bên bị vi phạm không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại lẽ ra có thể hạn chế được nhưng bên đó đã không thực hiện các biện pháp hợp lý để hạn chế (avoidable loss);
Thứ hai: bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại phát sinh do thực hiện các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất;
Thứ ba: bên bị vi phạm không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại đã hạn chế được do thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất (avoided loss).
4. Vụ việc tranh chấp
- Các bên:
+ Nguyên đơn: Công ty Pháp
+ Bị đơn: Công ty Mỹ
- Các vấn đề được để cập:
+ Hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế
+ Hợp đồng tự động bị huỷ bỏ
+ Nghĩa vụ hạn chế tổn thất
+ Đồng tiền thanh toán
- Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn (công ty Pháp) ký một Hợp đồng với Bị đơn (công ty Mỹ) theo đó Nguyên đơn nhượng quyền sử dụng tên và nhãn hiệu hàng hoá của mình trong ba năm cho Bị đơn, đế sử dụng trên những sản phẩm do công ty này sản xuất và được tiêu thụ trong phạm vi lãnh thổ Mỹ. Thông thường theo phương thức hoạt động này, Bị đơn phải trả (sáu tháng một lần) các khoản phí tương đương với một số phần trăm nhất định của doanh thu và một khoản bảo đảm tốỉ thiểu trong mọi trường hợp. Về điều này, Hợp đồng quy định rằng việc không thanh toán các khoản phí vào các ngày đáo hạn tương ứng sẽ dẫn đến việc Hợp đồng tự động bị huỷ bỏ và việc không tuân thủ một trong những điều khoản của hợp đồng bởi một trong các bên cũng dẫn đến những hậu quả tương tự, mà không làm ảnh hưởng đến quyền được bồi thường thiệt hại của bên kia.
Thực tế, Bị đơn chỉ thanh toán một khoản tiền bảo đảm tối thiểu theo hợp đồng trong năm đầu tiên và đã quyết định chấm dứt hợp đồng. Nguyên đơn kiện Bị đơn ra trọng tài tại Bruxelles, Bỉ, yêu cầu Bị đơn thanh toán khoản bảo đảm tối thiểu còn lại vào ngày đáo hạn theo quy định của hợp đồng trong khoảng thời gian hai năm.
5. Phán quyết của trọng tài:
Trọng tài viên bác yêu cầu trên của Nguyên đơn với các lý do sau:
Trên thực tế, khiếu nại này là trái với ý chí của các bên được biểu hiện trong hợp đồng và trái với tập quán và thực tiễn nói chung trong hoạt động thương mại và đặc biệt là trong quan hệ thương mại quốc tế;
- Các điều khoản hợp đồng nói trên là hoàn toàn rõ ràng và cụ thể và các điều khoản hợp đồng không bao gồm điều khoản hạn chế hay bảo lưu nào dù nhỏ nhất về tính hợp pháp và tự động của việc huỷ bỏ hợp đồng.
Từ các lý do trên, trọng tài quyết định Nguyên đơn không có quyền và căn cứ để khiếu nại đòi được trả những khoản phí theo hợp đồng sẽ đến hạn sau ngày huỷ bỏ hợp đồng.
Tuy nhiên, Trọng tài viên cho rằng Nguyên đơn có quyền nhận được khoản đền bù thiệt hại do Bị đơn vi phạm hợp đồng, với điều kiện đã cố gắng hết sức mình nhằm giới hạn mức độ thiệt hại của vi phạm hợp đồng gây ra vì lý do:
Điều 10 của hợp đồng có quy định rõ ràng điều khoản bảo lưu về quyền được bồi thường này;
Khoản bồi thường được xác định là khoản bảo đảm tối thiểu đến ngày X, bởi vì Bị đơn đã có thư thông báo dự kiến khả năng tiếp tục quan hệ hợp đồng trong một khoảng thòi gian xác định và do đó Nguyên đơn đã không tìm cách để đặt các quan hệ hợp đồng mới với một hoặc nhiều công ty khác ở Mỹ để thay thế cho quan hệ hợp đồng với Bị đơn. Triển vọng về đàm phán và bàn bạc với Bị đơn không còn kể từ ngày X. Kể từ ngày X, Nguyên đơn lẽ ra phải nỗ lực thiết lập những quan hệ mối nhằm bù đắp những thiệt hại gây ra do chấm dứt hợp đồng với Bị đơn; Nguyên đơn đã không đưa ra một bằng chứng nào dù nhỏ nhất về các nỗ lực này. Do đó, hoàn toàn hợp lý và công bằng khi cho rằng nếu như Nguyên đơn đã tiến hành những nỗ lực như vậy thì Nguyên đơn đã có thể giảm một nửa những thiệt hại gây ra do sự chấm dứt hợp đồng nói trên với Bị đơn.
Cuối cùng, vấn đề cần phải bàn bạc đồng tiền nào sẽ được chọn là đồng tiền thanh toán, về vấn đề này, trọng tài viên đã tuyên bố như sau:
Xét rằng trong hợp đồng do hai bên ký kết, đồng đôla đã được sử dụng như đồng tiền thanh toán do vậy cũng phải là đồng tiền được sử dụng trong phán quyết, và thậm chí là đồng tiền sử dụng để bồi thường bồi vì khoản này nhằm đền bù những tổn thất trên thị trường Mỹ.