1. Quy định chung về bản án dân sự

Bản án dân sự phản ánh kết quả xét xử một vụ án dân sự cụ thể của một toà án có thẩm quyền nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đưa ra các quyết định của toà án về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án.

Bản án dân sự có hai loại: Bản án dân sự sơ thẩm và bản án dân sự phúc thẩm.

Bản án dân sự sơ thẩm là văn bản tố tụng do hội đồng xét xử sơ thẩm lập, thể hiện quyết định của toà án về xét xử vụ án dân sự lần đầu. Bản án dân sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Theo quy định tại Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự, bản án dân sự sơ thẩm gồm có: phần mở đầu; phần nội dung vụ án và nhận định của toà án; phần quyết định. Trong phần mở đầu ghi tên toà án xét xử sơ thẩm; số và ngày thụ lí vụ án; số bản án và ngày tuyên án; họ, tên của các thành viên hội đồng xét xử, thư kí toà án, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch; tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức khởi kiện; người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đối tượng tranh chấp; số, ngày, tháng, năm của quyết định đưa vụ án ra xét xử, xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian và địa điểm xét xử. Trong phần nội dung vụ án và nhận định của toà án ghi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, khởi kiện của cơ quan, tổ chức; đề nghị, yêu cầu phản tố của bị đơn; đề nghị, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhận định của toà án; điểm, khoản và điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà toà án căn cứ để giải quyết vụ án. Trong nhận định của toà án phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, để nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong phần quyết định phải ghi rõ các quyết định của toà án về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về án phí và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghỉ rõ quyết định đó.

Bản án dân sự phúc thẩm là văn bản tố tụng do hội đồng xét xử phúc thẩm lập, thể hiện quyết định của toà án về xét xử lại vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm. Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Theo quy định tại Điều 279 Bộ luật tố tụng dân sự, bản án phúc thẩm gồm có: phần mở đầu; phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị và nhận định của toà án; phần quyết định. Trong phần mở đầu ghi tên của toà án xét xử phúc thẩm; số và ngày thụ lí vụ án; số bản án và ngày tuyên án; họ, tên của các thành viên hội đồng xét xử, thư kí phiên toà, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch; tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức khởi kiện; người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; người kháng cáo, viện kiểm sát kháng nghị; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian và địa điểm xét xử. Trong phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị và nhận định của toà án tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm; nội dung kháng cáo, kháng nghị; nhận định của toà án cấp phúc thẩm; điểm, khoản và điều của văn bản quy phạm pháp luật mà toà án cấp phúc thẩm căn cứ để giải quyết vụ án. Trong nhận định của toà án cấp phúc thẩm phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị. Trong phần quyết định phải ghi rõ các quyết định của toà án cấp phúc thẩm về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án do có kháng cáo, kháng nghị, về việc phải chịu án phí sơ thẩm, phúc thẩm.

Văn bản ghi nhận phán quyết của Toà án sau khi xét xử một vụ án hành chính. Theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, bản án hành chính phải có các nội dung sau đây: ngày, tháng, năm, địa điểm tyến hành phiên toà; họ, tên thành viên hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư kí phiên toà; tên, địa chỉ của các đương sự, người đại diện của họ; yêu cầu của các đương sự; những tình tyết đã được chứng minh, những chứng cứ, căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án; các quyết định của toà án; án phí, người phải chịu án phí; quyền kháng cáo của đương sự. Đối với bản án phúc thẩm, ngoài các nội dung nêu trên, còn phải nêu rõ phần quyết định của bản án bị kháng cáo hoặc kháng nghị, nội dung kháng cáo, kháng nghị và quyết định của toà án cấp phúc thẩm. Bản án của Hội đồng xét xử phải được chủ toạ phiên toà công bố toàn văn. Bản sao bản án phải được gửi cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra bản án.

2. Bản án dân sự sơ thẩm là gì ?

Bản án sơ thẩm dân sự là văn kiện được tuyên nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khi có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành (Điều 106 Hiến pháp năm 2013, Điều 12 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 và Điều 19 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

Bản án kết thúc toàn bộ quá trình tố tụng xét xử, xác định những vấn đề chủ yếu của vụ án cần phải giải quyết. Đối với các vụ án dân sự, bản án phân tích chính xác những quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và tòa án đưa ra phán quyết có tình, có lí. Bản án giúp cho mọi người nhận thức rõ đường lối và pháp luật được vận dụng vào thực tiễn. Bản án là công cụ bảo vệ chế độ, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân. Bản án có tác dụng giáo dục đương sự, giáo dục quần chúng tin tưởng vào hoạt động xét xử, nâng cao ý thức pháp luật, góp phần củng cố, xác lập nếp sống mới trong xã hội. Vì vậy, bản án phải được hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng nghị án.

Cơ cấu bản án gồm có ba phần: Phần mở đầu, phần nội dung vụ án và nhận định, phần quyết định của tòa án. Trong từng phần của bản án, tòa án phải ghi đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

4. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.

Tòa án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thông báo tiến độ, kết quả thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có trách nhiệm trả lời cho Tòa án.

5. Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

- Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.

- Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.

- Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.

- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

- Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

- Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

- Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 470 của Bộ luật này.

- Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

- Các yêu cầu khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự

Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.

Mọi vướng mắc pháp lý về luật dân sự, tố tụng dân sự về bản án dân sự sơ thẩm, bản án dân sự phúc thẩm cũng như các vấn đề khác liên quan. Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, thừa kế trực tuyến.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê